Vi khuẩn biển sẽ có lợi cho những người bị viêm xoang mãn tính
Một nhóm các nhà khoa học và bác sĩ phẫu thuật đến từ Newcastle đã phát triển một loại thuốc xịt mũi mới từ một loại vi khuẩn biển để giúp chữa viêm xoang mãn tính.
Họ đang sử dụng một enzyme được tách từ vi khuẩn biển Bacillus licheniformis được tìm thấy trên bề mặt rong biển mà các nhà khoa học tại Đại học Newcastle đã nghiên cứu để làm sạch thân tàu.
Đăng trên PLOS ONE, họ mô tả, trong nhiều trường hợp bệnh xoang mãn tính, vi khuẩn gây bệnh hình thành một màng sinh học, một lớp bảo vệ có tính nhớt, có thể bảo vệ chúng khỏi thuốc xịt hoặc kháng sinh. Các thí nghiệm trong ống nghiệm cho thấy enzyme này, được gọi là NucB, có thể phân tán 58% màng sinh học.
Tiến sĩ Nicholas Jakubovics đến từ Đại học Newcastle cho biết: “Trong thực tế, enzyme này phá vỡ DNA ngoại bào, đóng vai trò như một chất keo giữ các tế bào trên bề mặt xoang. Trong phòng thí nghiệm, NucB đã làm sạch hơn một nửa số sinh vật chúng tôi thử nghiệm”.
Viêm xoang có hoặc không có polyp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến mọi người đến gặp bác sĩ đa khoa và ảnh hưởng đến hơn 10% người trưởng thành tại Anh và Châu Âu. Ông Mohamed Reda Elbadawey, Chuyên gia về Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu cổ, Bệnh viện Freeman - một phần của Quỹ Tín thác NHS Bệnh viện Newcastle - đã được thúc đẩy liên lạc với các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle sau khi một bệnh nhân sinh viên đề cập đến một bài thuyết trình về việc phát hiện NucB và hiện họ đang làm việc cùng nhau để nghiên cứu tiềm năng y học của nó.
Ông Elbadawey chia sẻ: “Viêm xoang là một bệnh rất phổ biến và là một gánh nặng lớn đối với ngành y tế. Đối với nhiều người, các triệu chứng bao gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi hoặc tắc nghẽn, đau đầu tái phát, mất khứu giác và bị đau trên mặt. Trong khi steroid dạng xịt đường mũi có thể hữu ích với một số người, nhưng đối với những bệnh nhân tôi đã gặp, chúng không hiệu quả và những bệnh nhân này phải trải qua những căng thẳng của việc phải phẫu thuật. Nếu chúng ta có thể phát triển một phương pháp thay thế, chúng ta có thể mang lại lợi ích cho hàng ngàn bệnh nhân một năm”.
Trong nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu sinh thiết dịch nhầy và xoang từ 20 bệnh nhân khác nhau và tách 2 – 6 loại vi khuẩn khác nhau từ mỗi mẫu. 24 chủng khác nhau đã được xem xét trong phòng thí nghiệm và tất cả các màng sinh học được tạo ra đều có chứa một lượng đáng kể DNA ngoại bào. Các màng sinh học được hình thành bởi 14 chủng đã bị phá vỡ bằng cách điều trị bằng deoxyribonuclease của vi khuẩn mới, NucB.
Khi bị đe doạ, vi khuẩn gây bệnh tự bảo vệ mình trong một lớp bảo vệ có tính nhầy. Lớp màng nhầy này, được biết đến như một màng sinh học, được tạo thành từ vi khuẩn kết hợp lại với nhau bởi một mạng lưới DNA ngoại bào, gắn chặt vi khuẩn với nhau và với bề mặt rắn - trong trường hợp này là trong lớp lót của xoang. Các màng sinh học bảo vệ các vi khuẩn trước các cuộc tấn công bởi kháng sinh và khiến việc loại bỏ chúng khỏi xoang trở nên rất khó khăn.
Trong các nghiên cứu trước đây về vi khuẩn biển Bacillus licheniformis, các nhà khoa học tại Đại học Newcastle được dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu vi sinh học biển, Grant Burgess, đã phát hiện, khi vi khuẩn muốn di chuyển, chúng giải phóng một enzyme phá vỡ các DNA ngoại bào, phá vỡ màng sinh học và giải phóng các vi khuẩn khỏi mạng lưới. Khi enzym NucB được tinh chế và thêm vào các màng sinh học khác, nó nhanh chóng phân giải chất nhờn, làm lộ các tế bào vi khuẩn, khiến chúng dễ bị tổn thương.
Bước tiếp theo của nhóm là tiếp tục thử nghiệm và phát triển sản phẩm và họ đang tìm cách thiết lập quan hệ hợp tác với ngành công nghiệp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn