Da khô

Da khô thường chỉ là tạm thời, đa phần xảy ra vào mùa đông khi thời tiết khô hanh nhưng ở nhiều người, tình trạng này kéo dài suốt đời.

Thế nào là da khô?

Da khô là một vấn đề về da không nghiêm trọng mà trong hầu hết các trường hợp là do các yếu tố như thời tiết nóng hoặc lạnh, độ ẩm trong không khí thấp và thói quen sử dụng nước nóng để tắm hay rửa mặt.

Có nhiều cách để cải thiện làn da, ví dụ như bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày và tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa chất tẩy rửa mạnh hay chất làm khô da. loại xà phòng làm khô và khắc nghiệt. Tuy nhiên ở một số người, tình trạng da khô là mạn tính hoặc nghiêm trọng. Trong những trường hợp này có thể cần đi khám bác sĩ để có biện pháp khắc phục.

Biểu hiện da khô

Da khô thường chỉ là tạm thời, đa phần xảy ra vào mùa đông khi thời tiết khô hanh nhưng ở nhiều người, tình trạng này kéo dài suốt đời. Các biểu hiện da khô ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ khô, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, nơi sinh sống, thời gian ở ngoài trời và nguyên nhân gây ra vấn đề. Da khô thường có các biểu hiện như sau:

  • Cảm giác căng da, đặc biệt là sau khi tắm hay rửa mặt
  • Sờ lên da có cảm giác thô ráp
  • Làn da không căng mịn
  • Ngứa
  • Bong tróc, có thể xuất hiện nhiều vảy trắng trên bề mặt da
  • Có các nếp nhăn mảnh
  • Da nứt nẻ, có thể xuất hiện các vết nứt sâu đến mức chảy máu. Điều này thường xảy ra vào mùa đông
  • Da xỉn màu
  • Dễ mẩn đỏ
  • Da có vết nứt sâu và có thể chảy máu

Khi nào cần đi khám?

Thông thường, vấn đề da khô có thể được khắc phục bằng quy trình chăm sóc da phù hợp mỗi ngày kết hợp với một số điều chỉnh về lối sống. Tuy nhiên, nên đi khám bác sĩ da liễu nếu như:

  • Tình trạng da không cải thiện dù đã thử nhiều cách
  • Da khô kèm theo mẩn đỏ
  • Da bị ngứa
  • Có vết loét hoặc nhiễm trùng do gãi
  • Có nhiều mảng da bong tróc hoặc đóng vảy lớn

Nguyên nhân gây khô da

Da khô thường là do nguyên nhân từ môi trường. Một số bệnh cũng có ảnh hưởng lớn đến làn da. Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng da khô gồm có:

  • Thời tiết: làn da thường trở nên khô nhất vào mùa đông, khi nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm mạnh.
  • Nhiệt: thường xuyên ngồi cạnh máy sưởi, bếp lửa hay lò nướng sẽ làm giảm độ ẩm và gây khô da.
  • Ngồi điều hòa: thường xuyên ngồi trong phòng điều hòa liên tục trong thời gian dài sẽ gây khô da
  • Tắm nước nóng: thói quen tắm nước nóng hoặc tắm quá lâu đều có thể làm khô da. Nước nóng sẽ làm mất đi lớp hàng rào bảo vệ tự nhiên của da, khiến cho da bị mất độ ẩm và khô.
  • Thường xuyên đi bơi: nước trong bể bơi có chứa clo – một chất có thể gây khô da nếu tiếp xúc thường xuyên.
  • Dùng xà phòng và chất tẩy rửa mạnh: Nhiều loại xà phòng, sữa tắm và sữa rửa mặt có chứa các chất tẩy rửa mạnh, làm mất đi lượng dầu tự nhiên của da và dẫn đến khô da.
  • Các vấn đề về da khác: những người mắc các bệnh về da như viêm da cơ địa (eczema) hoặc bệnh vẩy nến sẽ dễ bị khô da hơn.

Các yếu tố nguy cơ

Bất cứ ai cũng có thể gặp phải vấn đề da khô. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ cao hơn nếu như:

  • Trên 40 tuổi: nguy cơ da khô tăng dần theo tuổi tác do những thay đổi trong quá trình lão hóa.
  • Sống ở vùng khí hậu lạnh, khô.
  • Làm các công việc phải tiếp xúc lâu với nước, chẳng hạn như thợ làm tóc, vận động viên bơi lội…
  • Ngồi điều hòa quá nhiều
  • Thường xuyên đi bơi ở bể bơi

Các vấn đề có thể phát sinh do da khô

Da khô thường là vấn đề không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp chăm sóc phù hợp thì da khô có thể dẫn đến:

  • Viêm da cơ địa (bệnh chàm, eczema): ở những người có nguy cơ cao bị viêm da cơ địa, tình trạng da khô nghiêm trọng có thể kích hoạt các triệu chứng bệnh, gồm có mẩn đỏ, da nứt nẻ, ngứa ngáy, nổi mụn nước và viêm.
  • Nhiễm trùng: da khô có thể bị nứt nẻ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến nhiễm trùng.

Những vấn đề này rất dễ xảy ra khi cơ chế bảo vệ tự nhiên của da bị tổn hại nghiêm trọng. Ví dụ, làn da quá khô có thể bị nứt nẻ, thậm chí là có các vết nứt sâu, chảy máu và vết thương hở sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ kiểm tra các biểu hiện trên da và hỏi về bệnh sử, ví dụ như thời điểm da bắt đầu bị khô, khi nào da khô nhất, những yếu tố làm cho tình trạng trở nên nặng hơn hoặc đỡ hơn, thói quen tắm rửa, chế độ ăn uống và cách chăm sóc da.

Ngoài ra có thể cần thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra xem tình trạng da khô có phải là do một bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như suy giáp hay không.

Các phương pháp khắc phục da khô

Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng da khô có thể được cải thiện bằng một chu trình chăm sóc da phù hợp hàng ngày và các thay đổi trong thói quen sinh hoạt, chẳng hạn như không tắm nước nóng hay ngâm trong nước quá lâu.

Các cách dưới đây có thể giúp giữ cho làn da ẩm và khỏe mạnh:

  • Dưỡng ẩm: thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm sẽ giúp tạo lớp màng ngăn sự thoát hơi ẩm qua da. Điều này còn giúp khôi phục lớp hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Người có da khô nên thoa kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày và thoa ngay khi da còn ẩm sau khi tắm. Nên chọn các sản phẩm có kết cấu đặc và có chứa thành phần dưỡng ẩm. Nếu da quá khô thì có thể dùng các sản phẩm dạng dầu. Dầu giúp dưỡng ẩm và ngăn sự thoát hơi nước qua bề mặt da tốt hơn so với các dạng sản phẩm dưỡng ẩm khác. Tuy nhiên, dầu có thể gây nhờn dính nên tốt nhất chỉ dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Sử dụng nước ấm và không tắm lâu: tắm lâu và tắm bằng nước nóng sẽ làm mất đi lượng dầu tự nhiên của da và gây khô da. Mỗi lần chỉ nên tắm trong vòng 5 đến 10 phút và sử dụng nước ấm hoặc nước mát.
  • Không sử dụng các sản phẩm có chất tẩy rửa mạnh: thay vào đó, nên lựa chọn sữa tắm và sữa rửa mặt dịu nhẹ và có chứa chất dưỡng ẩm.
  • Chọn mỹ phẩm phù hợp với loại da: chọn các sản phẩm dành cho da khô, có chứa chất dưỡng ẩm và không chứa các thành phần gây khô da như cồn hay hương liệu.
  • Thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm: nhẹ nhàng thấm khô da bằng khăn sạch và khi da còn ẩm thì thoa ngay kem dưỡng giữ độ ẩm lại trong da. Ngoài ra, nên thoa kem dưỡng thường xuyên trong suốt cả ngày, đặc biệt là những khi cảm thấy da bị khô.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: độ ẩm trong không khí thấp có thể làm khô làn da nhạy cảm và làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa ngáy, bong tróc da. Khi thời tiết hanh khô, sử dụng máy sưởi hoặc bật điều hòa thì nên đặt máy tạo độ ẩm trong phòng để bổ sung độ ẩm cho không khí. Cần vệ sinh máy thường xuyên để tránh sản sinh vi khuẩn.
  • Chọn loại vải phù hợp với da khô: các loại vải bằng sợi tự nhiên, chẳng hạn như cotton và lụa, có bề mặt mềm mại, giúp da không bị bí và không gây kích ứng làn da khô nhạy cảm. Không nên để da tiếp xúc trực tiếp với đồ len. Ngoài ra, cần giặt quần áo bằng nước giặt hay bột giặt không có thuốc nhuộm và nước hoa vì cả hai thành phần này đều có thể gây kích ứng da.

Nếu làn da khô bị mẩn đỏ hay ngứa ngáy thì hãy chườm mát lên da. Để giảm viêm thì có thể sử dụng kem hoặc thuốc mỡ hydrocortisone không kê đơn có nồng độ ít nhất 1%. Nếu đã thử hết những biện pháp này mà tình trạng da khô vẫn không cải thiện hoặc ngày càng trở nên khô hơn thì nên đi khám bác sĩ da liễu.

Nếu da khô và tróc vảy nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê một số sản phẩm chăm sóc da có chứa lactic acid hoặc kết hợp lactic acid và urê (urea).

Nếu nguyên nhân gây khô da là do một bệnh về da, chẳng hạn như viêm da cơ địa hay bệnh vẩy nến thì sẽ cần điều trị bằng các loại thuốc theo đơn của bác sĩ.

Đôi khi da khô dẫn đến viêm da, khiến da đỏ và ngứa. Trong những trường hợp này, phương pháp khắc phục thường là dùng hydrocortisone bôi tại chỗ. Nếu da có vết nứt sâu thì có thể phải điều trị bằng phương pháp quấn ướt (wet dressing) để ngăn ngừa nhiễm trùng. Sau khi tắm hoặc rửa mặt và thoa thoa thuốc, đắp một miếng vải sạch hoặc gạc thấm nước ấm lên vùng da bị tổn thương rồi phủ một lớp gạc khô lên, sau đó để trong vài giờ hoặc qua đêm.

Làm thế nào để ngăn ngừa khô da?

Có thể ngăn ngừa da khô bằng những biện pháp dưới đây:

  • Dưỡng ẩm: kem dưỡng ẩm tạo thành một lớp màng ngăn hơi ẩm trong da thoát ra ngoài.
  • Hạn chế tiếp xúc với nước: mỗi ngày chỉ nên tắm 1 lần, mỗi lần tắm tối đa 10 phút và không sử dụng nước nóng để tắm hay rửa mặt. Hạn chế đi bơi ở bể bơi.
  • Không sử dụng các sản phẩm gây khô da: nên chọn sữa tắm, xà phòng và sữa rửa mặt có chứa chất dưỡng ẩm.
  • Che kín da trong thời tiết lạnh, khô hanh hoặc có gió: mùa đông là khoảng thời gian da rất dễ bị khô nên cần quàng khăn, đội mũ và đeo găng tay khi ra ngoài để ngăn da tiếp xúc với gió và không khí khô hanh.
  • Hạn chế tiếp xúc với hơi nóng và không ngồi điều hòa quá lâu
  • Mang găng tay cao su khi làm việc: nếu phải nhúng tay vào nước trong thời gian dài hoặc sử dụng chất tẩy rửa mạnh thì cần đeo găng tay để bảo vệ da.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây