Đái dầm

Đái dầm hay tiểu dầm là tình trạng đi tiểu không tự chủ trong khi ngủ say, thường là vào ban đêm. Đây là một vấn đề thường gặp ở nhiều trẻ em. Không ít cha mẹ lo lắng rằng đái dầm là dấu hiệu của vấn đề về tiết niệu nhưng trên thực tế, đây là một điều hoàn toàn bình thường trong quá trình phát triển của trẻ.

Nói chung, việc thi thoảng đái dầm ở trẻ dưới 7 tuổi không phải vấn đề đáng lo ngại. Ở giai đoạn này, trẻ vẫn đang phát triển khả năng kiểm soát bàng quang vào ban đêm.

Nếu sau 7 tuổi mà tình trạng đái dầm vẫn tiếp diễn thì cha mẹ cũng không cần quá căng thẳng mà hãy kiên nhẫn và dành thời gian tìm hiểu vấn đề. Có nhiều cách để khắc phục đái dầm, chẳng hạn như thay đổi lối sống, rèn luyện bàng quang, thử dùng thiết bị hỗ trợ và sử dụng thuốc.

Khi nào trẻ ngừng đái dầm?

Đa số trẻ nhỏ đều có thể tự đi vệ sinh khi lên 5 tuổi nhưng trên thực tế, khả năng kiểm soát bàng quang của trẻ có thể hoàn thiện sớm hơn hoặc muộn hơn, không có mốc thời gian cụ thể nào cả. Điều này có nghĩa là một số trẻ ngừng đái dầm từ trước khi lên 5 tuổi trong khi một số khác lại vẫn tiếp tục đái dầm sau 5 tuổi và thậm chí là sau 7 tuổi.

Khi nào cần đi khám?

Ở hầu hết trẻ nhỏ, tình trạng đái dầm đều tự hết nhưng đôi khi cần phải điều trị. Trong một vài trường hợp, đái dầm là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu như:

  • Trẻ vẫn đái dầm sau 7 tuổi
  • Trẻ hết đái dầm trong vài tháng và đột nhiên đái dầm trở lại
  • Đái dầm đi kèm tiểu buốt, khát nước liên tục, nước tiểu màu hồng hoặc đỏ, phân cứng hoặc ngủ ngáy

Nguyên nhân gây đái dầm

Không rõ nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng đái dầm nhưng nhiều yếu tố có thể góp phần dẫn đến vấn đề này, chẳng hạn như:

  • Bàng quang nhỏ: Nguyên nhân gây đái dầm có thể là do bàng quang của trẻ chưa phát triển đủ để chứa nước tiểu vào ban đêm.
  • Vấn đề về thần kinh: Nếu các dây thần kinh kiểm soát bàng quang chưa hoàn thiện thì sẽ không thể truyền tín hiệu khi bàng quang đầy để não bộ tạo cảm giác buồn tiểu và điều này sẽ khiến cho trẻ đái dầm, đặc biệt là những trẻ ngủ sâu giấc.
  • Mất cân bằng hormone: Ở một số trẻ nhỏ, cơ thể không sản xuất đủ hormone chống bài niệu (anti-diuretic hormone - ADH) để làm chậm quá trình sản xuất nước tiểu vào ban đêm.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Tình trạng nhiễm trùng này có thể khiến trẻ khó kiểm soát việc đi tiểu. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có đái dầm, són tiểu vào ban ngày, đi tiểu nhiều, nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng và đau buốt khi đi tiểu.
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ: Đôi khi, đái dầm là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (tình trạng hô hấp bị gián đoạn trong khi ngủ), nguyên nhân thường là do viêm amidan hoặc VA bị viêm hoặc phì đại. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của chứng ngưng thở lúc ngủ  còn có ngáy và buồn ngủ vào ban ngày.
  • Bệnh tiểu đường: Nếu trẻ đã ngừng đái dầm một thời gian và đột nhiên bị đái dầm trở lại thì đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường. Các dấu hiệu và triệu chứng khác còn có tăng lượng nước tiểu, thường xuyên khát nước, tăng cảm giác thèm ăn, mệt mỏi và sụt cân.
  • Táo bón mãn tính: Sự bài tiết nước tiểu và đào thải phân được kiểm soát bởi cùng một nhóm cơ. Khi bị táo bón kéo dài, các cơ này có thể bị rối loạn chức năng và góp phần gây ra tình trạng đái dầm vào ban đêm.
  • Vấn đề về cấu trúc trong đường tiết niệu hoặc hệ thần kinh: Đôi khi, nguyên nhân gây đái dầm là do khiếm khuyết trong hệ thần kinh hoặc hệ tiết niệu của trẻ.

Các yếu tố nguy cơ

Bất kỳ trẻ nào cũng có thể bị đái dầm nhưng trẻ em trai có tỷ lệ đái dầm cao hơn trẻ em gái. Ngoài giới tính, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ đái dầm còn có:

  • Căng thẳng và lo âu: Các sự kiện gây căng thẳng, chẳng hạn như trẻ biết mình sắp có em, chuyển trường hoặc phải ngủ xa nhà có thể gây ra tình trạng đái dầm.
  • Tiền sử gia đình: Nếu cha hoặc mẹ hoặc cả hai từng bị đái dầm khi còn nhỏ thì trẻ cũng có nguy cơ cao đái dầm.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Những trẻ bị dạng rối loạn hành vi này có nguy cơ đái dầm cao hơn.

Vấn đề phát sinh do đái dầm

Nếu không xuất phát từ một bệnh lý hay khiếm khuyết trong cơ thể thì tình trạng đái dầm không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến sức khỏe. Tuy nhiên, đái dầm có thể gây ra một số vấn đề  như:

  • Cảm giác xấu hổ, tự ti
  • Bỏ lỡ các hoạt động tập thể, chẳng hạn như đi chơi qua đêm cùng trường lớp
  • Phát ban ở mông và vùng sinh dục

Chẩn đoán đái dầm

Tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp dưới đây để xác định nguyên nhân gây đái dầm và đưa ra phương án điều trị:

  • Khám lâm sàng
  • Thảo luận về các triệu chứng, lượng nước uống, tiền sử gia đình, thói quen đại và tiểu tiện cũng nhu là các vấn đề có liên quan đến đái dầm
  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc bệnh tiểu đường
  • Chụp X-quang hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác để kiểm tra cấu trúc của đường tiết niệu
  • Các biện pháp kiểm tra đường tiết niệu khác, nếu cần thiết

Điều trị đái dầm

Hầu hết trẻ nhỏ đều tự hết đái dầm nhưng một số thay đổi trong thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống có thể giúp giảm hoặc chấm dứt tình trạng đái dầm, chẳng hạn như không ăn uống những món chứa caffeine và không uống nước sát giờ đi ngủ. Tuy nhiên, nếu tình trạng đái dầm vẫn tiếp diễn và những cách này không có tác dụng thì có thể trẻ sẽ cần phải điều trị.

Nếu đái dầm là triệu chứng của một vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như táo bón hoặc ngưng thở khi ngủ thì cần phải điều trị hoặc kiểm soát vấn đề đó.

Một số phương pháp điều trị đái dầm là dùng chuông báo và thuốc.

Chuông báo đái dầm

Chuông báo đái dầm là một thiết bị nhỏ, chạy bằng pin, kết nối với một cảm biến độ ẩm gắn ở quần của trẻ hoặc gắn trên giường. Khi cảm biến phát hiện độ ẩm, chuông báo sẽ kêu.

Chuông báo thường kêu ngay khi trẻ vừa bắt đầu tiểu, điều này khiến trẻ thức giấc, dừng tiểu và vào nhà vệ sinh. Đối với những trẻ ngủ quá say giấc, chuông báo sẽ đánh thức người nằm cạnh để gọi trẻ dậy.

Khi dùng chuông báo đái dầm, thường sẽ phải mất khá nhiều thời gian để làm quen. Có thể phải sau đến 16 tuần trẻ mới ngừng đái dầm. Chuông báo đái dầm có hiệu quả khá cao, nguy cơ tái phát thấp, không gây tác dụng phụ và là một giải pháp lâu dài hơn so với dùng thuốc.

Dùng thuốc

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc để trẻ dùng trong thời gian ngắn nhằm ngăn chặn tình trạng đái dầm. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm có:

  • Thuốc giảm tạo nước tiểu vào ban đêm: Thuốc desmopressin (DDAVP) có tác dụng làm giảm lượng nước tiểu mà thận tạo ra vào ban đêm. Tuy nhiên, uống thuốc cùng với quá nhiều nước có thể gây ra vấn đề không mong muốn và không nên cho trẻ dùng desmopressin nếu trẻ có các triệu chứng như sốt, tiêu chảy hoặc buồn nôn. Làm đúng theo hướng dẫn của thuốc khi sử dụng.
  • Desmopressin có dạng viên nén dùng qua đường uống và chỉ dành cho trẻ em trên 5 tuổi. Mặc dù desmopressin có cả dạng xịt mũi nhưng hiện không được khuyến nghị để điều trị chứng đái dầm do nguy cơ xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Thuốc làm dịu bàng quang: Nếu nguyên nhân gây chứng đái dầm là do bàng quang nhỏ thì có thể dùng các loại thuốc kháng cholinergic như oxybutynin để làm giảm các cơn co thắt bàng quang và tăng dung tích bàng quang, đặc biệt là khi trẻ còn bị đái dầm vào ban ngày. Thuốc này thường được sử dụng cùng với các loại thuốc khác và thường được kê khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng.

Đôi khi cần kết hợp nhiều loại thuốc để có hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, không có loại thuốc nào có thể chữa dứt điểm được chứng đái dầm. Tình trạng đái dầm thường tiếp tục khi ngừng thuốc nhưng đa phần sẽ tự hết khi trẻ đến một độ tuổi nhất định.

Các cách điều trị khác

Ngoài dùng thuốc và chuông báo đái dầm, cha mẹ có thể thử các cách dưới đây để khắc phục tình trạng đái dầm của trẻ:

  • Hạn chế uống nước vào buổi tối: Uống đủ nước là điều rất quan trọng nên không được giảm lượng nước uống trong ngày của trẻ, đặc biệt là những trẻ vận động nhiều và ra nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đái dầm thì không để trẻ uống nước quá sát giờ đi ngủ.
  • Tránh đồ uống và thực phẩm chứa caffeine: Dù vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày thì trẻ cũng không nên uống đồ uống có caffeine vì caffeine có thể kích thích bàng quang. Đối với những trẻ bị đái dầm, việc tránh các loại đồ ăn thức uống chứa caffeine lại càng quan trọng.
  • Đi tiểu hai lần trước khi đi ngủ: Đi tiểu hai lần có nghĩa là đi tiểu sát giờ đi ngủ và sau đó tiếp tục đi một lần nữa ngay trước khi chìm vào giấc ngủ. Hãy nhắc trẻ không được nhịn tiểu nếu cảm thấy buồn vào ban đêm và luôn bật đèn ngủ để trẻ không cảm thấy sợ và có thể dễ dàng tìm thấy nhà vệ sinh khi thức giấc giữa đêm.
  • Nhắc trẻ đi vệ sinh thường xuyên trong ngày: Vào ban ngày và buổi tối, hãy nhắc trẻ đi tiểu khoảng hai tiếng một lần hoặc lâu hơn nhưng không được nhịn đến mức cảm thấy buồn tiểu gấp.
  • Ngăn ngừa phát ban: Để ngăn ngừa phát ban do quần ướt, hãy rửa sạch vùng mông và bộ phận sinh dục cho trẻ vào buổi sáng. Ngoài ra có thể bôi thuốc mỡ hoặc kem dưỡng ẩm lên vùng da thường hay bị phát ban trước khi đi ngủ.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bed-wetting/symptoms-causes/syc-20366685

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây