Dị ứng mủ nhựa

Dị ứng mủ nhựa thường gây ngứa và nổi mề đay nhưng đôi khi còn gây sốc phản vệ - một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.

Dị ứng mủ nhựa là gì?

Mủ nhựa (latex) là chất màu trắng đục như sữa tiết ra từ các loài thực vật như cây cao su. Dị ứng mủ nhựa hay dị ứng cao su là một phản ứng của cơ thể với một số protein có trong mủ cao su tự nhiên. Ở những người bị dị ứng mủ nhựa, việc tiếp xúc với các đồ vật làm bằng cao su sẽ kích hoạt phản ứng cơ thể và gây ra một số triệu chứng.

Dị ứng mủ nhựa thường gây ngứa và nổi mề đay nhưng đôi khi còn gây sốc phản vệ - một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.

Dấu hiệu, triệu chứng dị ứng mủ nhựa

Những người bị dị ứng mủ nhựa sẽ gặp các triệu chứng sau khi chạm vào các món đồ vật làm bằng cao su, chẳng hạn như găng tay, bao cao su, lốp xe hay bóng bay. Các triệu chứng cũng có thể xảy ra khi hít phải các hạt cao su nhỏ li ti trong không khí. Những hạt cao su này có thể bay vào không khí trong quá trình sản xuất đồ cao su hoặc khi ai đó tháo găng tay cao su.

Dị ứng mủ nhựa gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của cơ thể mỗi người với cao su và lượng cao su tiếp xúc hoặc hít phải. Phản ứng của cơ thể có thể sẽ ngày càng nặng hơn sau mỗi lần tiếp xúc với cao su.

Các triệu chứng nhẹ

Các triệu chứng dị ứng mủ nhựa nhẹ gồm có:

  • Ngứa ngáy
  • Mẩn đỏ
  • Nổi mề đay hoặc phát ban

Các triệu chứng nặng hơn

Các triệu chứng dị ứng mủ nhựa nặng:

  • Hắt hơi
  • Chảy mũi
  • Ngứa ngáy, chảy nước mắt
  • Ngứa cổ họng, ho
  • Khó thở
  • Thở khò khè

Các triệu chứng sốc phản vệ

Đôi khi, mủ nhựa gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng, được gọi là sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong. Ở những người rất nhạy cảm với cao su, sốc phản vệ có thể xảy ra ngay sau khi tiếp xúc nhưng hiếm khi xảy ra vào lần tiếp xúc đầu tiên. 

Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ:

  • Khó thở
  • Nổi mề đay hoặc sưng phù
  • Buồn nôn, nôn
  • Thở khò khè
  • Tụt huyết áp
  • Chóng mặt
  • Mất ý thức
  • Mạch nhanh hoặc yếu

Khi nào cần đi khám?

Cần đến ngay cơ sở y tế nếu nhận thấy những dấu hiệu phản ứng dị ứng nghiêm trọng hay sốc phản vệ.

Nếu có các phản ứng ít nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với cao su thì cũng có thể đi khám bác sĩ để được tư vấn các biện pháp khắc phục.

Nguyên nhân gây dị ứng mủ nhựa

Khi bị dị ứng với mủ cao su, hệ miễn dịch cơ thể nhận định cao su là một chất gây hại và kích hoạt một số kháng thể để chống lại. Lần tiếp theo khi tiếp xúc với cao su, những kháng thể này sẽ báo hệ miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất khác vào máu, tạo ra một loạt các triệu chứng dị ứng. Càng tiếp xúc nhiều với cao su thì hệ miễn dịch sẽ càng tạo ra phản ứng mạnh và triệu chứng càng nặng.

Dị ứng cao su có thể xảy ra trong những trường hợp sau:

  • Tiếp xúc trực tiếp: dị ứng cao su đa phần xảy ra khi chạm vào các sản phẩm được làm từ mủ cao su, ví dụ như găng tay, bao cao su hay bóng bay.
  • Hít phải: các sản phẩm làm từ cao su, đặc biệt là găng tay, có thể giải phóng các hạt cao su vào không khí và chúng ta có thể hít phải. Điều này cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng nhưng không phổ biến bằng tiếp xúc trực tiếp.

Có thể xảy ra các phản ứng da khác nhau khi tiếp xúc với cao su, gồm có:

  • Viêm da tiếp xúc dị ứng: dạng phản ứng da này được kích hoạt bởi các chất phụ gia hóa học được sử dụng trong quá trình sản xuất. Triệu chứng chính là phát ban trên da và hình thành mụn nước từ 24 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc.
  • Viêm da tiếp xúc kích ứng: dạng viêm da tiếp xúc này không phải do phản ứng dị ứng, thường xảy ra khi đeo găng tay cao su hoặc tiếp xúc với bột bên trong găng tay. Các triệu chứng thường là da khô ráp, ngứa ngáy, mẩn đỏ, thường là ở bàn tay.

Không phải sản phẩm bằng cao su nào cũng đều được làm từ mủ cao su tự nhiên. Các sản phẩm được làm từ cao su nhân tạo (tổng hợp), chẳng hạn như sơn cao su, thường không gây ra phản ứng.

Các yếu tố nguy cơ

Những người có nguy cơ cao bị dị ứng mủ nhựa:

  • Người bị nứt đốt sống: nguy cơ dị ứng mủ nhựa cao nhất ở những người bị nứt đốt sống - một dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến sự phát triển của cột sống. Những người bị chứng bệnh này thường tiếp xúc nhiều với các sản phẩm bằng cao su trong quá trình điều trị.
  • Những người phải trải qua nhiều ca phẫu thuật hoặc thủ thuật y tế: tiếp xúc nhiều lần với găng tay cao su và các dụng cụ y tế khác làm tăng nguy cơ dị ứng.
  • Nhân viên y tế: do phải tiếp xúc thường xuyên với các dụng cụ làm bằng cao su nên nhân viên y tế có nguy cơ dị ứng mủ nhựa cao hơn.
  • Công nhân sản xuất cao su: việc phải tiếp xúc với mủ cao su hay các sản phẩm làm bằng cao su hàng ngày sẽ làm tăng độ nhạy cảm và làm tăng nguy cơ dị ứng.
  • Những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị dị ứng: nguy cơ bị dị ứng cao su sẽ cao hơn nếu còn bị các dạng dị ứng khác, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng hay dị ứng thực phẩm hoặc có người thân trong gia đình cũng bị dị ứng.

Mối liên hệ giữa dị ứng thực phẩm và dị ứng cao su

Một số loại trái cây và hạt có chứa chất gây dị ứng tương tự như chất có trong mủ cao su, ví dụ như:

  • Quả bơ
  • Chuối
  • Hạt dẻ
  • Quả kiwi
  • Chanh dây

Những người bị dị ứng với cao su có thể cũng bị dị ứng khi ăn những loại quả và hạt này.

Biện pháp chẩn đoán

Việc chẩn đoán chứng dị ứng mủ nhựa đôi khi khá phức tạp. Bác sĩ sẽ khám da và đặt câu hỏi về các triệu chứng cũng như là bệnh sử. Hãy cho bác sĩ biết về những phản ứng thường xảy ra khi tiếp xúc với cao su và các dạng dị ứng khác nếu có. Bác sĩ cũng sẽ đặt một số câu hỏi để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Test dị ứng da sẽ giúp xác định xem da có phản ứng với protein trong mủ cao su hay không. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sử dụng bơm kim tiêm để tiêm một lượng nhỏ mủ cao su vào bên dưới bề mặt da ở cẳng tay hoặc lưng. Nếu bị dị ứng thì da sẽ có các biểu hiện như mẩn đỏ hay sưng tấy. Đôi khi cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ nhạy cảm của cơ thể với cao su.

Điều trị dị ứng mủ nhựa

Mặc dù có nhiều loại thuốc để làm giảm các triệu chứng dị ứng mủ nhựa nhưng không có cách nào chữa khỏi được vấn đề này. Cách duy nhất để ngăn ngừa phản ứng dị ứng là tránh tiếp xúc với các sản phẩm làm bằng cao su.

Tuy nhiên, có rất nhiều đồ vật có chứa mủ cao su mà chúng ta không biết và đôi khi vô tình chạm phải. Những người bị dị ứng nghiêm trọng cần mang theo bút tiêm tự động epinephrine bên mình để sử dụng khi cần thiết. Nếu bị sốc phản vệ thì cần được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức để được tiêm adrenaline (epinephrine).

Đối với các trường hợp dị ứng nhẹ hơn, bác sĩ có thể kê thuốc kháng histamin hoặc corticosteroid để dùng sau khi tiếp xúc với cao su nhằm kiểm soát phản ứng và giảm nhẹ các triệu chứng.

Phòng ngừa dị ứng mủ nhựa

Để ngăn ngừa phản ứng dị ứng với cao su thì nên tránh xa các đồ vật như:

  • Găng tay cao su
  • Thảm trải sàn bằng cao su
  • Bóng bay
  • Đồ chơi bằng cao su
  • Bình đựng nước nóng có lớp bọc ngoài bằng cao su
  • Núm vú giả
  • Một số loại tã giấy dùng một lần
  • Dây thun
  • Gôm tẩy
  • Bao cao su
  • Màng chắn miệng
  • Màng ngăn âm đạo
  • Kính bơi
  • Cán vợt
  • Một số bộ phận của xe máy và xe đạp, ví dụ như tay nắm
  • Quả bóng bóp của máy đo huyết áp
  • Ống nghe
  • Ống tiêm
  • Mặt nạ phòng độc
  • Miếng điện cực
  • Một số loại khẩu trang y tế

Nếu bị dị ứng mủ nhựa thì cần nói với nhân viên y tế để tránh sử dụng các sản phẩm làm bằng cao su.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây