Dị ứng niken

Dị ứng niken thường xảy ra khi tiếp xúc với các loại đồ trang sức bằng chất liệu này, ví dụ như vòng cổ, hoa tai,... Ngoài ra, kim loại niken còn có trong rất nhiều vật dụng hàng ngày, chẳng hạn như tiền xu, khóa kéo, điện thoại di động và gọng kính.

Dị ứng niken là gì?

Dị ứng niken là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm da tiếp xúc dị ứng – một dạng viêm da có đặc trưng là phát ban và ngứa ngáy.

Dị ứng niken thường xảy ra khi tiếp xúc với các loại đồ trang sức bằng chất liệu này, ví dụ như vòng cổ, hoa tai,... Ngoài ra, kim loại niken còn có trong rất nhiều vật dụng hàng ngày, chẳng hạn như tiền xu, khóa kéo, điện thoại di động và gọng kính.

Thường phải sau nhiều lần tiếp xúc hoặc tiếp xúc liên tục trong thời gian dài với các vật dụng chứa niken thì mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng dị ứng. Giống như các dạng dị ứng khác, không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn dị ứng niken nhưng các phương pháp điều trị có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khi tiếp xúc với niken.

Dấu hiệu, triệu chứng dị ứng niken

Phản ứng dị ứng (viêm da tiếp xúc) thường bắt đầu trong vòng vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với niken. Phản ứng có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần và các triệu chứng thường chỉ xảy ra ở vùng da tiếp xúc với niken nhưng đôi khi còn phát sinh triệu chứng ở cả những bộ phận khác trên cơ thể.

Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng niken gồm có:

  • Da mẩn đỏ
  • Ngứa ngáy, có thể ngứa dữ dội
  • Vùng da tiếp xúc trở nên khô ráp, sậm màu
  • Nổi mụn nước và chảy dịch trong trường hợp nghiêm trọng

Khi nào cần đi khám?

Nếu xuất hiện các dấu hiệu này trên da và không rõ nguyên nhân tại sao thì nên đi khám bác sĩ. Nếu đã biết mình bị dị ứng niken và chắc chắn các triệu chứng đang gặp phải là do tiếp xúc với niken thì hãy sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà và thuốc mà bác sĩ đã kê trước đó.

Nếu đã thử hết những phương pháp điều trị này mà tình trạng không cải thiện thì cũng nên đi khám. Khi có các biểu hiện nhiễm trùng thì cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Các dấu hiệu nhiễm trùng gồm có:

  • Da sưng tấy, đỏ, có cảm giác nóng ấm
  • Mưng mủ
  • Đau đớn

Nguyên nhân gây dị ứng niken

Cũng như các dạng dị ứng khác, dị ứng niken xảy ra khi hệ miễn dịch cơ thể coi niken là một tác nhân gây hại. Thông thường, hệ miễn dịch chỉ phản ứng để bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus hoặc các chất độc hại.

Một khi cơ thể đã phát sinh phản ứng với một tác nhân nào đó (chất gây dị ứng) mà trong trường hợp này là niken thì hệ miễn dịch sẽ luôn nhạy cảm với chất đó. Điều này có nghĩa là bất cứ khi nào tiếp xúc với niken thì hệ miễn dịch sẽ phản ứng và gây ra các triệu chứng dị ứng.

Phản ứng của hệ miễn dịch với niken có thể diễn ra ngay sau lần tiếp xúc đầu tiên hoặc sau nhiều lần tiếp xúc. Dị ứng niken là vấn đề có thể di truyền.

Một số đồ vật có thể gây dị ứng niken

Xung quanh chúng ta có rất nhiều đồ vật làm bằng niken hoặc có chứa niken, ví dụ như:

  • Đồ trang sức như khuyên tai, nhẫn, vòng tay, vòng cổ và móc cài của trang sức
  • Dây đồng hồ
  • Khóa kéo, móc cài hoặc các chi tiết đính trên quần áo
  • Khóa thắt lưng
  • Gọng kính
  • Tiền xu
  • Các dụng cụ kim loại
  • Điện thoại di động
  • Chìa khóa
  • Phấn
  • Các thiết bị y tế
  • Laptop hoặc máy tính bảng
  • Thuốc lá điện tử

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ dị ứng niken:

  • Đeo trang sức: vì niken là chất liệu phổ biến của đồ trang sức nên dị ứng niken thường xảy ra ở những người đeo khuyên tai, khuyên cơ thể và các loại đồ trang sức khác.
  • Làm việc với kim loại: những người làm công việc thường xuyên phải tiếp xúc với niken có nguy cơ bị dị ứng cao hơn. Nguy cơ sẽ càng tăng cao nếu ra nhiều mồ hôi hoặc phải tiếp xúc nhiều với chất lỏng. Nhóm đối tượng này gồm có nhân viên pha chế, người làm việc trong ngành công nghiệp thực phẩm, nhân viên vệ sinh, thợ cơ khí, thợ may và thợ làm tóc…
  • Là phụ nữ: phụ nữ có nguy cơ bị dị ứng niken cao hơn nam giới. Lý do là bởi phụ nữ thường đeo trang sức.
  • Cân nặng: một nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ thừa cân có nguy cơ bị dị ứng niken cao hơn so với người có cân nặng binh thường.
  • Có tiền sử gia đình bị dị ứng niken: nguy cơ dị ứng niken sẽ cao hơn nếu có người thân trong gia đình cũng bị vấn đề này.
  • Bị dị ứng với các kim loại khác: những người nhạy cảm với các kim loại khác có thể cũng bị dị ứng với niken.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán chứng dị ứng niken dựa trên triệu chứng ngoài da và những vật dụng đã tiếp xúc gần đây.

Tuy nhiên, nếu không thể xác định rõ nguyên nhân gây ra triệu chứng thì sẽ cần thực hiện phương pháp test áp bì (patch test) – một phương pháp xét nghiệm dị ứng da.

Test áp bì

Trong quá trình test áp bì, một lượng nhỏ các chất gây dị ứng phổ biến (bao gồm cả niken) được thoa hoặc đặt lên da và giữ cố định bằng băng keo. Sau 2 – 3 ngày, bệnh nhân quay lại để bác sĩ kiểm tra. Nếu bị dị ứng niken, vùng da có đặt niken sẽ xảy ra phản ứng.

Do chỉ sử dụng một lượng chất gây dị ứng rất nhỏ nên phương pháp test áp bì an toàn đối với cả những người bị dị ứng nặng.

Điều trị dị ứng niken

Không có cách nào để chữa trị dứt kiểm chứng dị ứng niken. Một khi cơ thể đã nhạy cảm với niken thì các triệu chứng sẽ xuất hiện bất cứ khi nào tiếp xúc với kim loại này. Tuy nhiên, các biện pháp dưới đây sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng dị ứng.

Các biện pháp tự điều trị

Có thể thử các phương pháp tự điều trị sau đây để cải thiện các triệu chứng nhẹ của bệnh viêm da tiếp xúc do dị ứng niken. Tuy nhiên, nếu đã thử những phương pháp này mà không hiệu quả hoặc tình trạng ngày một nặng hơn thì vẫn cần đi khám bác sĩ.

  • Sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa thành phần làm dịu da, chẳng hạn như calamine để làm giảm tình trạng ngứa.
  • Dưỡng ẩm cho da: hàng rào bảo vệ tự nhiên của da bị tổn hại khi xảy ra phản ứng dị ứng với niken và các chất gây dị ứng khác. Dưỡng ẩm thường xuyên cho da có thể giúp làm giảm khả năng phải sử dụng corticoid tại chỗ.
  • Chườm mát: nhúng một chiếc khăn sạch vào nước mát hoặc dung dịch Burow - một loại thuốc không kê đơn có chứa nhôm axetat (aluminum acetate) và đắp lên vùng da bị dị ứng. Cách này giúp làm khô mụn nước và giảm ngứa.

Lưu ý, một số loại thuốc bôi tại chỗ không kê đơn, chẳng hạn như thuốc mỡ kháng sinh neomycin, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dị ứng. Do đó, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thử sản phẩm lên một vùng da nhỏ trước khi bôi lên vùng da bị dị ứng.

Dùng thuốc

Bác sĩ thường sẽ kê loại thuốc sau để giảm phản ứng dị ứng với niken:

  • Corticoid tại chỗ, chẳng hạn như clobetasol và betamethasone dipropionate. Lưu ý, sử dụng corticoid tại chỗ trong thời gian dài có thể làm mỏng da.
  • Thuốc bôi không chứa steroid, chẳng hạn như pimecrolimus và tacrolimus. Tác dụng phụ thường gặp nhất là châm chích tạm thời tại vị trí bôi thuốc.
  • Corticoid đường uống, chẳng hạn như prednisone trong trường hợp xảy ra phản ứng nghiêm trọng hoặc trên diện rộng. Những loại thuốc trong nhóm này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, ví dụ như tăng cân, thay đổi tâm trạng và tăng huyết áp.
  • Thuốc kháng histamin đường uống, chẳng hạn như fexofenadine và cetirizine để giảm ngứa.

Liệu pháp ánh sáng

Đây là phương pháp để da tiếp xúc với tia cực tím nhân tạo một cách có kiểm soát. Liệu pháp ánh sáng thường được sử dụng cho những trường hợp không đáp ứng với steroid tại chỗ hoặc đường uống. Có thể phải điều trị đều đặn trong vài tháng để phản ứng dị ứng với niken thuyên giảm.

Phòng ngừa dị ứng

Để ngăn ngừa dị ứng niken thì cần tránh tiếp xúc lâu với các vật dụng bằng niken. Nếu đã biết mình bị dị ứng niken thì cần tránh xa tất cả các đồ vật có chứa kim loại này. Tuy nhiên, vì niken có trong rất nhiều đồ vật mà có thể chúng ta không biết hết nên việc thi thoảng vô tình tiếp xúc là điều khó tránh khỏi.

Dưới đây là các cách để hạn chế tiếp xúc với niken:

Đeo trang sức ít gây dị ứng

Tránh các loại trang sức làm bằng niken. Thay vào đó là sử dụng trang sức bằng các vật liệu ít có khả năng gây dị ứng, ví dụ như thép không gỉ không chứa niken, titan, vàng 18K hay vàng không chứa niken và bạc sterling (bạc 925).

Thép không gỉ dùng trong y tế có thể chứa một lượng nhỏ niken nhưng nguy cơ gây dị ứng là rất thấp. Khi mua trang sức cần chú ý đến vật liệu của cả móc khuyên tai và chốt vòng cổ.

Bấm lỗ tai ở địa chỉ uy tín

Nên chọn những địa chỉ bấm lỗ tai uy tín để tránh bị nhiễm trùng và xảy ra những vấn đề không mong muốn khác.

Ngoài ra, phải kiểm tra trước để đảm bảo dụng cụ được sử dụng làm bằng chất liệu không gây dị ứng.

Lựa chọn vật liệu không gây dị ứng

Khi mua các vật dụng hàng ngày thì cần chọn những sản phẩm bằng chất liệu không gây dị ứng như:

  • Dây đeo đồng hồ làm bằng da, vải, cao su hoặc nhựa
  • Khóa kéo quần áo làm bằng nhựa hoặc kim loại có phủ lớp tráng
  • Gọng kính bằng nhựa hoặc titan

Ngăn cách giữa da và vật dụng bằng niken

Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với niken thì hãy tạo một lớp ngăn cách giữa da và đồ vật, ví dụ như đeo găng tay dày khi phải chạm vào dụng cụ bằng niken, quấn băng keo quanh khóa kéo quần áo, chốt trang sức, tay cầm dụng cụ hoặc quệt một lớp sơn móng tay trong suốt trên bề mặt đồ trang sức.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây