Đốm đồi mồi

Bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có thể có đốm đồi mồi nhưng vấn đề này phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

Đốm đồi mồi là gì?

Đốm đồi mồi là những đốm nhỏ, phẳng, sẫm màu trên da. Các đốm có kích thước khác nhau và thường xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như mặt, bàn tay, cánh tay và vai. Đốm đồi mồi chủ yếu xuất hiện ở người trên 50 tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện sớm hơn nếu thường xuyên tiếp xúc với nắng.

Đốm đồi mồi hình thành do sự tập trung sắc tố trong da – một cơ chế tự bảo vệ của da khỏi ánh nắng. Đây là vấn đề không cần điều trị nhưng hoàn toàn có thể làm mờ hoặc loại bỏ vì lý do thẩm mỹ.

Có thể ngăn ngừa các đốm đồi mồi bằng cách thường xuyên sử dụng kem chống nắng, che chắn cho da khi ra ngoài và tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng.

Đặc điểm của đốm đồi mồi

Bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có thể có đốm đồi mồi nhưng vấn đề này phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Không giống như tàn nhang thường xuất hiện khi còn nhỏ và mờ dần khi không tiếp xúc với ánh nắng, các đốm đồi mồi một khi đã xuất hiện thì sẽ không mờ đi.

Đốm đồi mồi thường có các đặc điểm dưới đây:

  • Phẳng, có hình tròn hoặc bầu dục
  • Thường có màu nâu vàng đến nâu sẫm
  • Xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng, chẳng hạn như mu bàn tay, mu bàn chân, mặt, vai và vùng lưng trên
  • Kích thước đa dạng, từ nhỏ như đốm tàn nhang cho đến trên 1cm
  • Thường xuất hiện thành cụm

Phân biệt đốm đồi mồi và dấu hiệu ung thư da

Đốm đồi mồi không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu nhận thấy da xuất hiện các đốm có màu nâu đen, có bề mặt khác thường hoặc ngày càng lan rộng thì cần đi khám. Những thay đổi này có thể là dấu hiệu của ung thư hắc tố - một dạng ung thư da nghiêm trọng.

Dưới đây là một số đặc điểm nhận dạng dấu hiệu ung thư da:

  • Đốm có màu nâu đen
  • Kích thước tăng dần
  • Không đối xứng
  • Có đường viền không đều
  • Màu sắc không đều, chỗ đậm chỗ nhạt
  • Chảy máu

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện các đốm đồi mồi là do tế bào sắc tố trong da hoạt động quá mức. Tia cực tím (UV) làm tăng tốc độ sản xuất melanin - một loại sắc tố tự nhiên tạo nên màu sắc cho làn da. Khi da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì theo thời gian, hắc tố melanin sẽ được sản sinh ra nhiều, tích tụ lại và tạo nên các đốm đồi mồi.

Sử dụng đèn tia cực tím và giường nhuộm da (tanning bed) cũng gây ra vấn đề tương tự.

Các yếu tố nguy cơ

Đốm đồi mồi có thể xuất hiện ở bất cứ ai nhưng nguy cơ sẽ cao hơn ở những người:

  • có da sáng
  • hay tiếp xúc với nắng hoặc ra ngoài khi trời nắng gắt
  • từng bị cháy nắng

Biện pháp phân biệt đốm đồi mồi và dấu hiệu ung thư da

Để phân biệt đốm đồi mồi và dấu hiệu ung thư da, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp dưới đây:

  • Kiểm tra trực quan: bác sĩ thường có thể dễ dàng nhận biết đốm đồi mồi hoặc các vấn đề về da phổ biến khác khi quan sát những thay đổi trên da. Tuy nhiên, đôi khi sẽ khó phân biệt nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Mỗi một vấn đề sẽ cần điều trị bằng các phương pháp khác nhau và việc chẩn đoán sai có thể gây trì hoãn việc điều trị.
  • Sinh thiết da: Nếu không thể phát hiện bằng cách kiểm tra trực quan, bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp chẩn đoán khác, chẳng hạn sinh thiết da, trong đó lấy một mẫu da nhỏ và phân tích trong phòng thí nghiệm. Phương pháp này giúp phân biệt đốm đồi mồi với các vấn đề khác, chẳng hạn như ung thư hắc tố lentigo - một dạng ung thư da. Sinh thiết da thường được thực hiện sau khi gây tê tại chỗ.

Các phương pháp xử lý đốm đồi mồi

Mặc dù không cần thiết nhưng nếu muốn thì có thể làm sáng hoặc loại bỏ các đốm đồi mồi bằng nhiều biện pháp khác nhau. Vì sắc tố da nằm ở đáy của lớp biểu bì (lớp trên cùng của da) nên để xử lý đốm đồi mồi hiệu quả thì các phương pháp điều trị phải thâm nhập sâu vào lớp da này.

Các phương pháp phổ biến nhất gồm có:

  • Các sản phẩm bôi da: Bôi các sản phẩm có chứa chất làm trắng da (hydroquinone) có thể làm mờ dần các đốm đồi mồi trong vòng vài tháng. Có thể sử dụng kết hợp với retinoid (tretinoin) và steroid nhẹ để tăng hiệu quả. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng những sản phẩm này là ngứa, châm chích, đỏ, rát hoặc khô da tạm thời.
  • Laser và ánh sáng xung cường độ cao: Liệu pháp laser và ánh sáng xung cường độ cao (IPL) có tác dụng phá hủy các tế bào sản xuất melanin (tế bào hắc tố) mà không làm tổn thương bề mặt da. Một liệu trình điều trị thường gồm có 2 đến 3 buổi. Liệu pháp laser sử dụng laser xâm lấn để loại bỏ lớp trên cùng của da (biểu bì).
  • Đông lạnh: Đây là phương pháp sử dụng tăm bông tẩm nitơ lỏng chấm lên những vùng da cần điều trị trong thời gian khoảng vài giây. Phương pháp này phá hủy các vùng da tích tụ sắc tố. Khi da lành lại, các tế bào da mới sẽ thay thế tế bào da cũ và có màu sáng hơn. Đối với những vùng da có các đốm đồi mồi tập trung thành nhóm nhỏ thì có thể sử dụng phương pháp đông lạnh dạng phun. Quá trình điều trị có thể gây kích ứng da tạm thời và để lại sẹo hoặc đổi màu da vĩnh viễn.
  • Mài mòn da: Mài mòn da (dermabrasion) là phương pháp sử dụng một dụng cụ có bề mặt nhám di trên bề mặt da để loại bỏ đi lớp da bên trên, để lộ ra lớp da mới bên dưới căng mịn và sáng màu hơn. Thường sẽ phải thực hiện nhiều lần để có hiệu quả cao nhất. Một số vấn đề không mong muốn có thể xảy ra gồm có mẩn đỏ, bong tróc và sưng tấy tạm thời.
  • Mài mòn da vi điểm: Mài mòn da vi điểm (microdermabrasion) là phương pháp tương tự như mài mòn da nhưng loại bỏ đi các lớp da nông hơn. Phương pháp này cũng giúp da căng mịn hơn nhưng có thể vẫn để lại vài đốm đồi mồi mờ trên da. Một liệu trình cũng gồm có nhiều buổi giống như mài mòn da. Sau điều trị, da có thể bị mẩn đỏ hoặc có cảm giác châm chích. Những người bị bệnh trứng cá đỏ không nên điều trị bằng phương pháp mài mòn da vi điểm vì tình trạng da có thể trở nên nặng hơn.
  • Peel da hóa học: Thoa một loại dung dịch hóa học lên da để loại bỏ các lớp da trên cùng. Lớp da cũ sần sùi và xỉn màu sẽ được thay thế bằng lớp da mới mịn màng hơn, sáng màu và các đốm đồi mồi sẽ nhạt dần. Các tác dụng phụ có thể xảy ra là sẹo, nhiễm trùng và vùng da điều trị bị thâm hoặc mất màu. Tình trạng ửng đỏ sau peel da có thể kéo dài đến vài tuần. Thường sẽ phải điều trị vài lần mới có hiệu quả rõ rệt.

Các phương pháp xử lý đốm đồi mồi có tại các spa và bệnh viện. Nên chọn những địa chỉ uy tín để tránh xảy ra vấn đề không mong muốn. Tùy vào từng phương pháp mà hiệu quả và thời gian để đốm đồi mồi biến mất dao động trong khoảng từ vài tuần đến vài tháng.

Sau khi điều trị cần phải sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30 và che chắn kỹ cho da khi ra ngoài trời. Một số phương pháp điều trị cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với nắng trong thời gian đầu.

Cách ngăn ngừa đốm đồi mồi

Để tránh da có đốm đồi mồi và ngăn các đốm mới xuất hiện sau khi điều trị thì cần bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng bằng các biện pháp dưới đây:

  • Tránh ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều: Đây là khoảng thời gian chỉ số tia UV trong nắng ở mức cao nhất. Nếu có thể là hãy sắp xếp các hoạt động ngoài trời vào những thời điểm khác trong ngày.
  • Sử dụng kem chống nắng: Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời khoảng 15 đến 30 phút. Chọn kem chống nắng phổ rộng (broad-spectrum) với chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30. Bôi đủ lượng kem lên khắp vùng da cần bảo vệ và bôi lại sau mỗi 2 giờ hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đi bơi hay đổ nhiều mồ hôi.
  • Che chắn kỹ cho da: Ngoài bôi kem chống nắng thì nên mặc quần áo dài, đeo kính râm, khẩu trang và đội mũ rộng vành khi đi ngoài trời để tăng cường sự bảo vệ cho da. Nên chọn những loại quần áo được làm bằng chất liệu chống nắng với chỉ số chống tia cực tím (UPF) từ 40 đến 50 để được bảo vệ tốt nhất. Ở trong bóng râm bất cứ khi nào có thể để da không phải chịu tác hại trực tiếp của tia UV.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây