Hẹp môn vị

Hẹp môn vị khiến cho trẻ nôn trớ, mất nước và sụt cân. Những trẻ bị hẹp môn vị thường hay bị đói. Để điều trị vấn đề này thì phải tiến hành phẫu thuật.

Hẹp môn vị là gì?

Hẹp môn vị là một vấn đề xảy ra ở trẻ sơ sinh khiến thức ăn không thể đi từ dạ dày xuống ruột non một cách bình thường.

Môn vị là một bộ phận được tạo nên từ cơ, nằm giữa dạ dày và ruột non với vai trò là chiếc van giữ cho thức ăn ở trong dạ dày cho đến khi sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo của quá trình tiêu hóa. Khi bị hẹp môn vị, chiếc van này dày và to lên bất thường, gây cản trở thức ăn di chuyển xuống ruột non.

Hẹp môn vị khiến cho trẻ nôn trớ, mất nước và sụt cân. Những trẻ bị hẹp môn vị thường hay bị đói. Để điều trị vấn đề này thì phải tiến hành phẫu thuật.

Dấu hiệu, triệu chứng

Các dấu hiệu của chứng hẹp môn vị thường xuất hiện trong vòng 3 đến 5 tuần sau khi sinh. Hẹp môn vị hiếm khi xảy ra ở trẻ trên 3 tháng tuổi.

Các dấu hiệu gồm có:

  • Nôn sau khi bú: Trẻ bị nôn trớ dữ dội, có thể bị nôn vọt. Tình trạng nôn lúc đầu có thể nhẹ và dần dần trở nên nghiêm trọng hơn khi môn vị ngày càng thu hẹp lại. Chất nôn đôi khi có lẫn máu.
  • Thường xuyên khóc quấy do bị đói: Những trẻ bị hẹp môn vị thường bị đói và khóc quấy ngay sau khi nôn.
  • Các cơn co thắt dạ dày: Hẹp môn vị có thể gây ra các cơn co thắt giống như sóng (nhu động ruột) gợn lên ở vùng bụng trên của bé ngay sau khi bú và trước khi bị nôn trớ. Nguyên nhân là do các cơ dạ dày cố gắng đẩy thức ăn qua môn vị.
  • Mất nước: Hẹp môn vị có thể khiến cơ thể bé bị mất nước với biểu hiện là khóc không ra nước mắ, tiểu ít và ngủ li bì.
  • Ít đi ngoài: Vì hẹp môn vị cản trở thức ăn xuống ruột non nên trẻ sẽ ít đi ngoài.
  • Các vấn đề về cân nặng: Hẹp môn vị có thể khiến trẻ không tăng cân và thậm chí là sụt cân.

Khi nào cần đi khám?

Bố mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ nếu như nhận thấy những dấu hiệu sau đây:

  • Nôn vọt sau khi cho bú
  • Trẻ có vẻ lờ đờ, thiếu linh hoạt hoặc hay quấy khóc hơn bình thường
  • Đi tiểu hoặc đi ngoài ít
  • Không tăng cân hoặc bị sụt cân

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác gây ra chứng hẹp môn vị hiện vẫn chưa được xác định nhưng khả năng cao là do cả yếu tố di truyền và môi trường. Hẹp môn vị thường không xảy ra khi sinh mà một thời gian sau đó mới được phát hiện.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ hẹp môn vị:

  • Giới tính: Hẹp môn vị thường xảy ra ở bé trai, đặc biệt là con đầu lòng.
  • Chủng tộc: Người da trắng có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn người da đen và người châu Á.
  • Sinh non: Những trẻ sinh non có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn trẻ sinh đủ tháng.
  • Tiền sử gia đình: Các nghiên cứu cho thấy những trẻ có tiền sử gia đình bị hẹp môn vị sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
  • Hút thuốc lá khi mang thai: Hành vi này của người mẹ có thể khiến trẻ có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn gấp 2 lần bình thường.
  • Sử dụng kháng sinh sớm: Những trẻ sơ sinh phải sử dụng một số loại thuốc kháng sinh trong vài tuần đầu tiên, chẳng hạn như erythromycin để điều trị bệnh ho gà, sẽ có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn. Ngoài ra, những trẻ có mẹ dùng một số loại thuốc kháng sinh trong giai đoạn cuối của thai kỳ cũng có nguy cơ bị hẹp môn vị.
  • Cho trẻ bú bình: Một số nghiên cứu cho thấy rằng bú bình thay vì bú mẹ có thể làm tăng nguy cơ hẹp môn vị. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ liệu nguy cơ gia tăng là do sữa công thức hay do hành động bú bình.

Biến chứng

Hẹp môn vị có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Trẻ tăng trưởng và phát triển kém
  • Mất nước: Nôn trớ nhiều sẽ gây mất nước và mất cân bằng khoáng chất (chất điện giải). Chất điện giải có vai trò kiểm soát nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.
  • Kích ứng dạ dày: Nôn trớ liên tục sẽ gây kích ứng dạ dày của trẻ và có thể dẫn đến chảy máu dạ dày.
  • Vàng da: Đôi khi, một chất do gan tiết ra (bilirubin) có thể tích tụ và khiến cho da cũng như là tròng trắng mắt chuyển màu vàng.

Biện pháp chẩn đoán

Trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng. Trong các trường hợp bị hẹp môn vị, bác sĩ có thể sờ thấy cơ môn vị to lên hoặc nhận thấy các cơn co thắt (nhu động ruột) khi quan sát bụng của trẻ, thường là trước khi trẻ bắt đầu nôn trớ.

Sau đó sẽ cần thực hiện các biện pháp dưới đây để xác nhận chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng mất nước hoặc mất cân bằng điện giải hoặc cả hai
  • Siêu âm để quan sát môn vị và xác nhận chẩn đoán hẹp môn vị
  • Chụp X-quang đường tiêu hóa nếu như kết quả siêu âm chưa rõ ràng

Điều trị

Phẫu thuật mở cơ môn vị là giải pháp duy nhất để điều trị hẹp môn vị và thường được thực hiện ngay sau khi xác nhận chẩn đoán. Nếu trẻ bị mất nước hoặc mất cân bằng điện giải thì sẽ phải bù dịch trước khi phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt các lớp bên ngoài của cơ môn vị để các lớp bên trong có thể giãn ra và mở rộng đường thông giữa dạ dày – ruột non.

Phẫu thuật mở cơ môn vị thường được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi, trong đó một ống nội soi được đưa vào ổ bụng qua một đường rạch nhỏ gần rốn và sau đó bác sĩ tiến hành cắt cơ. Quá trình phục hồi sau phẫu thuật nội soi thường nhanh hơn nhiều so với kỹ thuật mổ mở truyền thống và cũng ít để lại sẹo hơn.

Sau khi phẫu thuật, trẻ sẽ được truyền dịch tĩnh mạch trong vài giờ. Có thể bắt đầu cho trẻ bú trở lại trong vòng 12 đến 24 giờ và trẻ sẽ bú thường xuyên hơn. Hiện tượng nôn trớ có thể vẫn tiếp diễn sau phẫu thuật nhưng đây là điều bình thường và sẽ hết trong vòng vài ngày.

Một số rủi ro tiềm ẩn khi phẫu thuật mở cơ môn vị là chảy máu và nhiễm trùng. Tuy nhiên, các vấn đề này đều rất hiếm khi xảy ra và phẫu thuật vẫn là điều cần thiết để điều trị chứng hẹp môn vị.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây