Loét do tỳ đè

Loét do tỳ đè xảy ra do áp lực trong thời gian dài làm hạn chế sự lưu thông máu đến da. Việc ít hoặc không vận động cũng có thể khiến da dễ bị tổn thương và dẫn đến hình thành vết loét.

Loét do tỳ đè là gì?

Loét do tỳ đè hay loét áp lực là tình trạng tổn thương da và mô bên dưới do phải chịu áp lực kéo dài. Loét do tỳ đè thường xảy ra ở các vùng da bên trên xương, chẳng hạn như gót chân, mắt cá chân, hông và xương cụt.

Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân phải nằm một chỗ trong thời gian dài hoặc mắc các bệnh gây hạn chế hoặc mất khả năng cử động.

Loét do tỳ đè có thể hình thành sau vài giờ hoặc vài ngày, đa phần đều sẽ lành lại khi được điều trị nhưng một số trường hợp không bao giờ lành lại hoàn toàn.

Dấu hiệu, triệu chứng

Một số dấu hiệu cho thấy da sắp bị loét do tỳ đè gồm có:

  • Thay đổi bất thường về màu da hoặc kết cấu bề mặt da
  • Sưng tấy
  • Chảy dịch giống như mủ
  • Một vùng da có cảm giác mát hơn hoặc ấm hơn so với các vùng da khác
  • Chạm vào có cảm giác đau

Loét do tỳ đè được phân chia thành các giai đoạn dựa trên độ sâu, mức độ nghiêm trọng và các đặc điểm khác. Mức độ tổn thương da và mô có thể dao động từ nhẹ (da đỏ, không có vết thương hở) cho đến nặng (loét sâu xuống cơ và xương).

Các vị trí thường bị loét do tỳ đè

Ở những người phải ngồi xe lăn hoặc ngồi một chỗ, vết loét thường xảy ra ở những vị trí như:

  • Xương cụt hoặc mông
  • Bả vai và xương sống
  • Cánh tay và chân do phải áp vào tay vịn, thành ghế

Ở những người nằm trên giường lâu ngày, loét do tỳ đè thường xảy ra ở:

  • Sau đầu hoặc hai bên đầu
  • Bả vai
  • Hông, lưng dưới hoặc xương cụt
  • Gót chân, mắt cá chân và vùng da sau đầu gối

Khi nào cần đi khám?

Nếu nhận thấy các dấu hiệu của loét do tỳ đè thì hãy cố gắng thay đổi tư thế để giảm áp lực lên mô. Nếu tình hình không cải thiện sau 24 đến 48 tiếng thì hãy thông báo cho bác sĩ.

Cần đến ngay cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt, chảy dịch từ vết loét, vết loét có mùi hôi, đỏ, nóng ấm hoặc sưng tấy xung quanh vết loét.

Nguyên nhân

Loét do tỳ đè xảy ra do áp lực trong thời gian dài làm hạn chế sự lưu thông máu đến da. Việc ít hoặc không vận động cũng có thể khiến da dễ bị tổn thương và dẫn đến hình thành vết loét.

Ba yếu tố chính góp phần gây loét do tỳ đè là:

  • Áp lực: Sức nặng của cơ thể đè liên tục lên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể cũng có thể làm giảm lưu lượng máu đến các mô. Lưu thông máu bình thường là điều cần thiết để cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng đến mô. Nếu không có những chất dinh dưỡng thiết yếu này, da và các mô lân cận sẽ bị tổn thương và cuối cùng chết đi. Ở những người bị hạn chế khả năng vận động, dạng áp lực này thường xảy ra ở những vùng nằm trên xương và không được đệm bởi cơ hoặc mỡ, chẳng hạn như cột sống, xương cụt, bả vai, hông, gót chân và khuỷu tay.
  • Ma sát: Ma sát xảy ra khi da cọ xát với quần áo hoặc các vật dụng xung quanh như giường, ghế. Ma sát có thể khiến làn da mỏng manh dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là khi da bị ẩm do nằm hoặc ngồi một chỗ lâu.
  • Lực mài: Mài là hiện tượng xảy ra khi hai bề mặt chuyển động ngược chiều. Ví dụ, khi đầu giường được nâng cao, cơ thể sẽ bị trượt xuống. Khi xương cụt di chuyển xuống, vùng da trên xương có thể bị kéo theo hướng ngược lại và dần dần bị tổn thương.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ loét do tỳ đè:

  • Mất hoặc giảm khả năng vận động: có thể là do sức khỏe yếu, tổn thương tủy sống và các nguyên nhân khác.
  • Đại tiện/tiểu tiện không tự chủ: da sẽ trở nên dễ bị loét hơn khi tiếp xúc lâu với nước tiểu và phân.
  • Mất cảm giác: chấn thương tủy sống, rối loạn thần kinh và các vấn đề khác có thể dẫn đến mất cảm giác. Không có khả năng cảm thấy đau hoặc khó chịu có thể khiến người bệnh không nhận thức được các dấu hiệu loét để thay đổi tư thế.
  • Thiếu hụt dinh dưỡng và mất nước: tất cả mọi người đều cần được cung cấp đủ nước, calo, protein, vitamin và khoáng chất hàng ngày để duy trì làn da khỏe mạnh và ngăn ngừa sự chết mô.
  • Mắc các bệnh ảnh hưởng đến lưu thông máu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và bệnh mạch máu, có thể làm tăng nguy cơ tổn thương mô và loét áp lực.

Biến chứng

Loét do tỳ đè có thể dẫn đến biến chứng, trong đó có biến chứng đe dọa đến tính mạng, gồm có:

  • Viêm mô tế bào: viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng da và các mô mềm. Vấn đề này gây nóng, đỏ và sưng tấy ở vùng bị tổn thương. Những người bị tổn thương dây thần kinh thường không cảm thấy đau ở khu vực bị viêm mô tế bào.
  • Nhiễm trùng xương và khớp: Nhiễm trùng do vết loét có thể xâm nhập vào khớp và xương. Nhiễm trùng khớp (viêm khớp nhiễm trùng) có thể làm hỏng sụn và mô. Nhiễm trùng xương (viêm tủy xương) có thể làm giảm chức năng của khớp và các chi.
  • Ung thư: Vết loét lâu ngày không lành (loét Marjolin) có thể phát triển thành một dạng ung thư biểu mô tế bào vảy.
  • Nhiễm trùng máu: Đôi khi, vết loét trên da có thể gây nhiễm trùng máu.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể dễ dàng nhận biết loét do tỳ đè dựa trên tình trạng bệnh và quan sát các dấu hiệu trên da. Sau khi xác nhận đúng là loét do tỳ đè, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn của tình trạng loét. Bước này giúp xác định phương pháp điều trị phù hợp. Đôi khi có thể cần xét nghiệm máu để đánh giá sức khỏe của người bệnh.

Các phương pháp điều trị

Để điều trị loét do tỳ đè thì sẽ cần giảm áp lực lên vùng bị tổn thương, chăm sóc vết thương, kiểm soát cơn đau, ngăn ngừa nhiễm trùng và bổ sung đủ chất dinh dưỡng.

Giảm áp lực

Bước đầu tiên trong điều trị loét do tỳ đè là làm giảm áp lực và ma sát. Các biện pháp giảm áp lực gồm có:

  • Đổi tư thế: Hãy cố gắng xoay người và thay đổi tư thế thường xuyên.
  • Sử dụng các bề mặt hỗ trợ: Sử dụng đệm, giường hoặc gối đặc biệt để định hình tư thế, giảm thiểu áp lực của cơ thể lên mô một cách tối đa.

Làm sạch và băng vết thương

Việc chăm sóc vết loét do tỳ đè phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của vết thương. Nói chung sẽ cần thực hiện các bước sau:

  • Làm sạch: nếu vùng bị ảnh hưởng không có vết thương hở thì có thể lau rửa bình thường bằng các sản phẩm dịu nhẹ, sau đó thấm khô. Nếu có vết thương hở thì rửa bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý mỗi lần thay băng.
  • Băng: Băng vết thương hở lại sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ lành da và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Loại bỏ mô hoại tử

Để vết thương có thể lành lại thì phải loại bỏ đi vùng mô đã bị hoại tử hoặc nhiễm trùng. Bác sĩ có thể loại bỏ mô bị hỏng bằng cách rửa nhẹ vết thương hoặc tiến hành cắt lọc mô.

Phẫu thuật

Với những trường hơp có vết loét lớn và không thể lành lại thì có thể cần phải phẫu thuật. Thông thường, bác sĩ sẽ tách lấy một vạt cơ, da hoặc mô ở một vùng khác của cơ thể để che lên vết thương và đệm bên trên xương ở vùng bị loét.

Các biện pháp khác

Các biện pháp để giảm đau đớn và hỗ trợ vết loét lành lại gồm có:

  • Thuốc giảm đau: có thể dùng các loại thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen natri để giảm đau. Ngoài ra có thể dùng thuốc tê trong quá trình chăm sóc vết thương để bớt đau đớn.
  • Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể sẽ giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương.

Phòng ngừa loét do tỳ đè

Cần thường xuyên thay đổi tư thế để tránh gây áp lực liên tục lên da và mô. Các biện pháp khác để ngăn ngừa loét do tỳ đè còn có chăm sóc da cẩn thận, bổ sung đủ chất dinh dưỡng và nước, không hút thuốc lá, kiểm soát căng thẳng và cố gắng vận động hàng ngày.

Thay đổi tư thế

  • Nhờ người khác hỗ trợ: Có thể nhờ người nhà hoặc điều dưỡng giúp đỡ chuyển tư thế cách một tiếng một lần.
  • Nhấc người lên nếu có thể: Nếu nửa thân trên có đủ sức thì hãy chống tay vào ghế hoặc giường và nâng người lên.
  • Sử dụng xe lăn đặc biệt: Một số loại xe lăn có chức năng nghiêng để giúp làm giảm áp lực lên cơ thể người ngồi.
  • Dùng đệm giảm áp lực: Có thể lót một chiếc đệm hoặc gối giảm áp lực để giảm nguy cơ bị loét và tạo sự thoải mái hơn khi ngồi, nằm. Không sử dụng gối chữ C vì loại gối này có thể gây áp lực lên vùng mô xung quanh.
  • Điều chỉnh độ cao của giường: Nếu giường có chức năng nâng hạ thì hãy điều chỉnh độ cao của đầu giường không quá 30 độ. Điều này giúp cơ thể không bị trượt xuống.

Chăm sóc da

  • Giữ cho da sạch và khô: Lau rửa cơ thể cho người bệnh thường xuyên để tránh cho da bị ẩm hoặc phải tiếp xúc lâu với nước tiểu và phân. Thấm khô da sau khi lau với nước.
  • Bảo vệ da: Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có chức năng tạo lớp màng trên da để bảo vệ da khỏi nước tiểu và phân. Thay chăn ga và quần áo thường xuyên nếu cần. Hãy để ý khuy, đường chỉ và các nếp gấp trên quần áo, chăn ga để tránh gây kích ứng và tổn thương da.
  • Kiểm tra da hàng ngày: Quan sát kỹ da hàng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu loét.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng xảy ra khi axit dạ dày ăn mòn bề mặt bên trong của dạ dày hoặc ruột non. Axit có thể tạo ra các vết loét gây đau và chảy máu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây