Mụn cóc Plantar

Mụn cóc Plantar do virus HPV gây ra. Virus xâm nhập vào cơ thể qua những vết cắt, vết xước nhỏ hoặc những điểm yếu khác ở dưới lòng bàn chân.

Mụn cóc Plantar là gì?

Mụn cóc Plantar là những mục cóc nhỏ thường mọc ở gót chân hoặc các khu vực khác của bàn chân. Do đây là những vị trí phải chịu trọng lượng lớn của cơ thể nên mụn cóc thường mọc vào bên trong và ẩn bên dưới lớp da dày cứng (chai).

Mụn cóc Plantar do virus HPV gây ra. Virus xâm nhập vào cơ thể qua những vết cắt, vết xước nhỏ hoặc những điểm yếu khác ở dưới lòng bàn chân.

Hầu hết mụn cóc đều không phải là vấn đề nghiêm trọng và thường tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mụn cóc gây khó chịu thì có thể thử các phương pháp tự điều trị hoặc đến gặp bác sĩ để loại bỏ mụn cóc.

Triệu chứng mụn cóc Plantar

Các triệu chứng thường gặp của mụn cóc Plantar gồm có:

  • Hình thành cục nhỏ (tổn thương) ở lòng bàn chân, thường là ở vị trí các khớp bàn ngón chân, bàn chân trước hoặc gót chân
  • Da ở vị trí hình thành mụn cóc trở nên dày, cứng, mất đi các đường vân và nếp gấp da tự nhiên
  • Chính giữa mụn cóc có chấm đen (mạch máu nhỏ bị đông máu)
  • Đau nhức khi đi lại hoặc đứng

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ nếu như:

  • Tổn thương chảy máu, đau đớn hoặc thay đổi về hình dạng, màu sắc
  • Đã thử các biện pháp tự điều trị mụn cóc nhưng không hiệu quả
  • Mụn cóc gây khó chịu và cản trở các hoạt động hàng ngày
  • Còn mắc bệnh tiểu đường hoặc giảm cảm giác ở bàn chân
  • Còn bị suy giảm chức năng miễn dịch do dùng thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS hoặc các rối loạn miễn dịch khác
  • Không chắc có phải mình bị mụn cóc hay không

Nguyên nhân gây mụn cóc Plantar

Nguyên nhân gây hình thành mụn cóc Plantar là do nhiễm virus HPV ở lớp da bên ngoài của lòng bàn chân. Virus này xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở hoặc các điểm yếu khác trên lòng bàn chân.

HPV rất phổ biến và có hơn 100 chủng HPV khác nhau. Tuy nhiên chỉ một vài chủng trong số đó gây ra mụn cóc trên bàn chân. Các chủng HPV khác có thể gây hình thành mụn cóc ở các vị trí khác trên cơ thể.

Con đường lây truyền HPV

Hệ miễn dịch của mỗi người phản ứng với HPV theo một cách khác nhau và không phải ai tiếp xúc với virus này cũng đều bị mụn cóc.

Các chủng HPV gây ra mụn cóc Plantar có khả năng lây truyền không cao. Vì vậy, virus không dễ dàng lây khi tiếp xúc da trực tiếp. Tuy nhiên, virus này phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt. Do đó, bạn sẽ dễ bị nhiễm HPV hơn khi đi chân trần ở bể bơi, phòng tắm công cộng hoặc phòng thay đồ. Virus có thể lây lan từ vị trí nhiễm trùng ban đầu đến những vị trí khác trên cơ thể và gây hình thành mụn cóc ở những vị trí này.

Các yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có thể bị mụn cóc Plantar nhưng loại mụn cóc này chủ yếu hình thành ở:

  • Trẻ em và thiếu niên
  • Những người có hệ miễn dịch yếu
  • Những người đã từng bị mụn cóc Plantar trước đây
  • Những người có thói quen đi chân trần ở nơi ẩm ướt, chẳng hạn như phòng thay đồ ở bể bơi

Biến chứng của mụn cóc Plantar

Mụn cóc ở bàn chân có thể gây đau đớn hoặc cộm vướng và ảnh hưởng đến tư thế đứng hoặc đi lại. Dần dần, sự thay đổi tư thế này có thể gây tổn hại đến các khớp xương và cơ.

Biện pháp chẩn đoán

Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán mụn cóc Plantar bằng các biện pháp sau:

  • Kiểm tra tổn thương trên da để tìm các dấu hiệu như cục cứng, chấm đen, mạch máu nhỏ bị đông máu
  • Cắt một phần nhỏ ở tổn thương (sinh thiết) và đem đến phòng thí nghiệm để phân tích

Điều trị mụn cóc Plantar

Các biện pháp tự xử lý

Hầu hết mụn cóc Plantar đều vô hại và tự biến mất mà không cần điều trị nhưng có thể phải sau từ 1 – 2 năm mới biến mất hoàn toàn. Nếu mụn cóc gây đau đớn hoặc lan rộng thì có thể thử điều trị chúng bằng thuốc không kê đơn hoặc các biện pháp tự xử lý tại nhà dưới đây. Thường sẽ phải thực hiện nhiều lần để mụn cóc biến mất hẳn nhưng sau một thời gian, mụn cóc có thể quay trở lại.

  • Salicylic acid nồng độ thấp: Các sản phẩm trị mụn cóc bằng axit không kê đơn thường có dạng miếng dán hoặc dung dịch bôi da. Trước tiên cần rửa sạch vị trí bị mụn cóc, ngâm trong nước ấm và cọ nhẹ nhàng để loại bỏ lớp da bên trên. Sau đó khi da khô thì bôi dung dịch hoặc miếng dán lên. Nếu dùng miếng dán thì thường sẽ cần thay sau mỗi 24 đến 48 tiếng. Các sản phẩm dạng lỏng thường được bôi hàng ngày. Phải thực hiện đều đặn trong vài tuần đến vài tháng để có hiệu quả rõ rệt.
  • Bôi chất đông lạnh mụn cóc: Có thể trị mụn cóc tại nhà bằng cách bôi chất làm đông lạnh nhẹ lên vị trí có mụn cóc. Các sản phẩm này có bán tại các hiệu thuốc nhưng cần lưu ý, một số chất làm đông lạnh dễ bắt lửa nên không được sử dụng khi ngồi cạnh bếp, lò sưởi, thuốc lá đang cháy và các nguồn nhiệt khác.
  • Băng dính: Sử dụng băng dính để loại bỏ mụn cóc là một phương pháp đơn giản nhưng chưa được chứng minh. Cách thực hiện là dán băng dính chắc lên mụn cóc và thay băng dính mới vài ngày một lần. Giữa các lần thay băng nên ngâm vùng có mụn cóc trong nước ấm và cọ nhẹ nhàng để loại bỏ da chết. Sau đó để cho da khô trong vài tiếng trước khi dán băng dính mới lên.

Điều trị tại bệnh viện

Nếu các biện pháp tự xử lý tại nhà nói trên không hiệu quả thì nên đến bệnh viện để được điều trị bằng một trong các phương pháp dưới đây:

  • Salicylic acid nồng độ cao: Thuốc trị mụn cóc kê đơn chứa salicylic acid nồng độ cao sẽ loại bỏ dần từng lớp da ở vị trí có mụn cóc. Các loại thuốc này còn kích thích khả năng chống lại virus gây mụn cóc của hệ miễn dịch. Ban đầu thuốc được bôi tại bệnh viện và sau đó bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tự bôi thuốc tại nhà.
  • Liệu pháp đông lạnh: Bác sĩ bôi nitơ lỏng lên mụn cóc bằng bình xịt hoặc tăm bông. Phương pháp này có thể gây đau đớn nên trước tiên cần gây tê vùng điều trị. Nitơ lỏng gây hình thành mụn nước xung quanh mụn cóc. Sau khoảng một tuần, mô ở vị trí này sẽ chết đi và bong ra. Liệu pháp đông lạnh cũng có thể kích thích hệ miễn dịch chống lại virus gây mụn cóc. Có thể cần phải điều trị nhắc lại sau mỗi 2 đến 4 tuần cho đến khi mụn cóc biến mất hoàn toàn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng khi kết hợp với salicylic acid, liệu pháp đông lạnh sẽ cho hiệu quả cao hơn.

Phẫu thuật và các thủ thuật điều trị khác

Ngoài salicylic acid và liệu pháp đông lạnh, mụn cóc Plantar còn có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:

  • Các axit khác: Bác sĩ cạo bề mặt mụn cóc và bôi trichloroacetic acid. Cần điều trị lặp lại cách 1 tuần một lần hoặc lâu hơn. Các tác dụng phụ có thẻ xảy ra là nóng rát và châm chích. Có thể sẽ cần thoa salicylic acid lên mụn cóc giữa các lần điều trị.
  • Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng thuốc tiêm hoặc dung dịch bôi ngoài da để kích thích hệ miễn dịch chống lại virus gây mụn cóc. Bác sĩ có thể tiêm kháng nguyên vào mụn cóc hoặc bôi thuốc trực tiếp lên mụn cóc.
  • Tiểu phẩu loại bỏ mụn cóc: Bác sĩ cắt bỏ hoặc tiêu diệt mụn cóc bằng cách sử dụng kim điện (đốt điện và nạo). Thủ thuật này gây đau đớn nên cần gây tê trước khi thực hiện. Vì phẫu thuật có thể sẽ để lại sẹo nên phương pháp này thường chỉ được sử dụng khi đã thử hết các phương pháp khác mà không thành công.
  • Điều trị bằng laser: Sử dụng tia laser nhuộm xung đốt các mạch máu nhỏ đã hình thành cục máu đông trong mụn cóc Plantar. Mô bị nhiễm bệnh sẽ chết đi và khiến cho mụn cóc bong ra. Phương pháp này cần điều trị lặp lại sau mỗi 3 đến 4 tuần, gây đau đớn và có thể để lại sẹo.
  • Vắc xin: Vắc-xin ngừa HPV có thể được sử dụng để điều trị mụn cóc mặc dù vắc xin không được điều chế để tiêu diệt các chủng virus gây ra phần lớn mụn cóc Plantar.

Phòng ngừa mụn cóc Plantar

Để giảm nguy cơ hình thành mụn cóc Plantar thì cần:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc: không đụng chạm vào mụn cóc của người khác, không cậy, chọc mụn cóc trên cơ thể mình và rửa tay kỹ sau khi chạm vào mụn cóc
  • Giữ chân sạch sẽ và khô ráo. Thay giày và tất hàng ngày
  • Không đi chân trần ở những nơi công cộng
  • Không cậy hoặc gãi mụn cóc
  • Không sử dụng các đồ vật đã chạm vào mụn cóc, ví dụ như đá kỳ chân hay bấm móng chân cho những vùng da khác trên cơ thể

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây