Muỗi đốt

Muỗi đốt là một vấn đề rất phổ biến, xảy ra sau khi muỗi dùng vòi cắm vào da và hút máu. Vị trí bị muỗi đốt thường nổi mẩn, da hơi gồ lên và ngứa. Hiện tượng này thường tự hết sau vài tiếng đến vài ngày. Đôi khi muỗi đốt gây sưng tấy, đau nhức và mẩn đỏ trên diện rộng. Dạng phản ứng này chủ yếu xảy ra ở trẻ em và đôi khi được gọi là hội chứng skeeter (phản ứng viêm cục bộ do muỗi đốt).

Nếu bị đốt bởi những con muỗi mang một số chủng virus hoặc ký sinh trùng nhất định thì có thể mắc bệnh nặng. Ví dụ, ở nhiều nơi trên thế giới, muỗi lây truyền virus gây bệnh sốt tây sông Nile sang người. Các bệnh nhiễm trùng do muỗi lây truyền khác còn có sốt vàng da, sốt rét và một số loại bệnh viêm não.

Các biểu hiện khi bị muỗi đốt

Khi bị muỗi đốt, da thường nổi nốt màu trắng hoặc hồng đỏ, phẳng hoặc hơi nhô lên bề mặt da và ngứa, xuất hiện vài phút sau khi bị đốt. Đôi khi, vị trí bị đốt trở nên cứng, ngứa dữ dội, có màu đỏ sậm hoặc nổi nhiều nốt cùng một lúc. Các triệu chứng này có thể xuất hiện trong vòng một ngày hoặc lâu hơn sau khi bị muỗi đốt. Trong một số trường hợp, muỗi đốt gây nổi mụn nước hoặc các đốm đen trông giống như vết bầm tím.

Trẻ nhỏ và những người lớn mới bị đốt lần đầu bởi một loài muỗi mới hoặc những người bị rối loạn miễn dịch có thể gặp phải các phản ứng nghiêm trọng hơn, ví dụ như:

  • Xuất hiện vùng sưng tấy lớn
  • Sốt nhẹ
  • Nổi mày đay
  • Sưng hạch bạch huyết

Trẻ nhỏ có nguy cơ gặp phải các triệu chứng nặng cao hơn so với người lớn vì đa số người lớn đều đã từng bị muỗi đốt nhiều lần và dần dần cơ thể không còn phản ứng mạnh nữa.

Khi nào cần đi khám?

Nếu muỗi đốt gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể và các dấu hiệu nhiễm trùng thì cần đi khám càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Muỗi đốt xảy ra khi muỗi cái cắm vòi vào da để hút máu. Muỗi đực không có khả năng này vì chúng không đẻ trứng và do đó không cần protein trong máu.

Khi một con muỗi hút no máu, nó sẽ tiêm nước bọt vào da. Protein trong nước bọt của muỗi kích hoạt đáp ứng miễn dịch nhẹ, gây nổi nốt và ngứa ở vị trí bị đốt.

Muỗi chọn người để hút máu dựa trên mùi hương, khí carbon dioxide trong hơi thở và các hóa chất trong mồ hôi.

Các vấn đề có thể phát sinh do muỗi đốt

Vết muỗi đốt gây ngứa và việc gãi nhiều có thể dẫn đến nhiễm trùng da.

Muỗi có thể mang một số mầm bệnh, chẳng hạn như virus gây sốt tây sông Nile, sốt rét, sốt vàng da và sốt xuất huyết. Muỗi nhiễm virus hoặc ký sinh trùng sau khi cắn người hoặc động vật bị bệnh. Sau đó, chúng truyền mầm bệnh sang người khác qua nước bọt khi hút máu.

Biện pháp chẩn đoán

Muỗi đốt thường không cần phải đi khám nhưng có thể dễ dàng xác định vết muỗi đốt bằng mắt thường.

Các vết sưng đỏ, ngứa và đau của hội chứng skeeter đôi khi khi bị nhầm với bệnh nhiễm trùng thứ cấp xảy ra do gãi khiến da có vết thương hở. Hội chứng skeeter thực chất là kết quả của phản ứng dị ứng với protein trong nước bọt của muỗi. Không có phương pháp xét nghiệm máu đơn giản nào có thể phát hiện kháng thể kháng protein của muỗi trong máu. Vì vậy, hội chứng skeeter thường được chẩn đoán bằng cách xác định xem các vùng tấy đỏ và ngứa có xuất hiện sau khi bị muỗi đốt hay không.

Cách xử lý khi bị muỗi đốt

Hầu hết các vết muỗi đốt sẽ tự hết sau vài giờ đến vài ngày nhưng có thể thử các biện pháp dưới đây để giảm hiện tượng ngứa ngáy, mẩn đỏ:

  • Bôi kem dưỡng da: Bôi kem dưỡng có chứa calamine hoặc hydrocortisone không kê đơn lên vết muỗi đốt có thể giúp giảm ngứa. Hoặc cũng có thể chấm hỗn hợp bột baking soda và nước lên vết đốt. Bôi lại nhiều lần trong ngày cho đến khi hết ngứa.
  • Chườm mát: chườm túi đựng nước đá hoặc khăn thấm nước mát lên vết muỗi đốt trong vài phút để làm dịu da.
  • Uống thuốc kháng histamin: nếu xảy ra phản ứng mạnh khi bị muỗi đốt thì có thể thử dùng thuốc kháng histamin không kê đơn.

Phòng ngừa muỗi đốt

Có nhiều cách để tránh bị muỗi đốt.

Tránh tiếp xúc với muỗi

  • Không để cho muỗi có cơ hội tiếp cận bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
  • Tránh ở ngoài trời vào khoảng thời gian muỗi thường hoạt động mạnh nhất (từ hoàng hôn đến bình minh)
  • Bít các lỗ hở trong trên cửa sổ, cửa ra vào hay lều cắm trại
  • Mắc màn khi đi ngủ và ngủ trong lều kín khi đi cắm trại ngoài trời

Sử dụng thuốc chống côn trùng

Nên chọn thuốc chống côn trùng có chứa một trong ba thành phần hoạt tính:

  • DEET
  • Icaridin (còn gọi là picaridin)
  • Tinh dầu bạch đàn chanh (lemon eucalyptus) - một hợp chất có nguồn gốc từ thực vật

Những thành phần này có tác dụng tạm thời xua đuổi muỗi và một số loài côn trùng khác. DEET có hiệu quả bảo vệ lâu dài hơn. Cho dù chọn sản phẩm nào thì cũng phải hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu dùng sản phẩm dạng xịt thì hãy xịt ở ngoài trời và cách xa đồ ăn.

Nếu cần bôi cả kem chống nắng thì hãy sử dụng thuốc chống côn trùng trước khoảng 20 phút rồi mới bôi kem chống nắng. Không nên dùng các sản phẩm kết hợp cả kem chống nắng và thuốc chống côn trùng vì sẽ cần phải bôi lại kem chống nắng thường xuyên trong ngày trong khi với thuốc chống côn trùng thì chỉ nên bôi một lượng vừa đủ.

Nếu được sử dụng đúng theo hướng dẫn trên bao bì, đa số các sản phẩm thuốc chống côn trùng đều an toàn cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ:

  • Không sử dụng các sản phẩm có chứa DEET cho trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi
  • Không để các sản phẩm chứa DEET hoặc icaridin dính lên da tay hoặc mặt của trẻ nhỏ
  • Không sử dụng tinh dầu bạch đàn chanh cho trẻ em dưới 3 tuổi
  • Không bôi thuốc chống côn trùng dưới quần áo
  • Không sử dụng thuốc chống côn trùng lên vết cháy nắng, vết vết thương hở hoặc phát ban
  • Khi vào trong nhà cần rửa sạch da bằng xà phòng và nước để loại bỏ lượng thuốc chống côn trùng bám trên da

Xử lý quần áo và đồ dùng ngoài trời

Permethrin là một loại thuốc chống côn trùng giúp tăng cường sự bảo vệ khỏi muỗi đốt và các côn trùng khác. Sản phẩm này được dùng trên quần áo và các vật dùng ngoài trời, không dùng trên da. Đọc kỹ nhãn sản phẩm để biết cách sử dụng cụ thể.

Sử dụng quần áo và đồ bảo hộ lao động

Nếu phải làm việc ngoài trời hoặc những nơi có nhiều muỗi thì nên:

  • Mặc áo dài tay
  • Đi tất và giày kín
  • Mặc quần dài, có thể nhét gấu quần vào trong tất
  • Mặc đồ sáng màu
  • Đội mũ che kín tai và cổ hoặc mũ có mạng che mặt

Uống thuốc phòng ngừa

Nếu thường có những phản ứng nặng khi bị muỗi đốt (hội chứng skeeter) thì nên cân nhắc dùng thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ trước khi ra ngoài trời hoặc đến những nơi có nhiều muỗi.

Giảm muỗi xung quanh nhà

Muỗi đẻ trứng trong nước, sau đó trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng trở thành nhộng và cuối cùng là muỗi trưởng thành. Để ngăn muỗi sinh sản thì cần loại bỏ hết nước đọng trong và xung quanh nhà:

  • Thông tắc các máng xối trên mái nhà
  • Thay nước trong bể bơi ít nhất một lần một tuần, nếu thường xuyên hơn thì càng tốt
  • Thay nước trong bồn tắm cho chim ít nhất hàng tuần
  • Loại bỏ lốp xe cũ trong sân.
  • Thường xuyên dọn sạch chậu cây ngoài trời
  • Đậy nắp lên các thùng chứa nước
  • Úp ngược các dụng cụ có thể bị đọng nước mưa

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây