Nấm da đầu

Bệnh nấm da đầu là do một loại nấm có tên là dermatophyte gây ra. Loại nấm này tấn công lớp bên ngoài của da đầu và thân tóc.

Nấm da đầu là gì?

Nấm da đầu hay hắc lào trên da đầu là một bệnh nhiễm nấm xảy ra ở da đầu và các sợi tóc. Bệnh này thường có triệu chứng là các mảng ngứa, đóng vảy và rụng tóc.

Nấm da đầu là một bệnh rất dễ lây, thường xảy ra phổ biến ở trẻ 1 – 2 tuổi và trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học.

Bệnh này thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm đường uống và các loại dầu gội trị nấm.

Trong các trường hợp nghiêm trọng, nấm da đầu có thể dẫn đến tình trạng viêm nặng tại vị trí nhiễm nấm và để lại sẹo hoặc hói vĩnh viễn.

Các triệu chứng nấm da đầu

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nấm da đầu gồm có:

  • Xuất hiện một hoặc nhiều mảng da đóng vảy màu đỏ hoặc xám trắng hình tròn
  • Các mảng này dần dần lan rộng
  • Ngứa ngáy, gây bứt rứt, khó chịu và gãi liên tục
  • Da đầu có nhiều vảy gàu
  • Tóc dễ gãy hoặc rụng ở những vùng da đầu bị bệnh

Khi nào cần đi khám?

Một số vấn đề xảy ra ở da đầu cũng có các biểu hiện tương tự như nấm da đầu. Nên đi khám bác sĩ nếu bị rụng tóc, da đầu đóng vảy và ngứa hoặc có bất cứ dấu hiệu bất thường nào khác trên da đầu. Dù là vấn đề nào thì cũng nên được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây nấm da đầu

Bệnh nấm da đầu là do một loại nấm có tên là dermatophyte gây ra. Loại nấm này tấn công lớp bên ngoài của da đầu và thân tóc.

Con đường lây nhiễm

Bệnh nấm da đầu và nấm da ở các vị trí khác trên cơ thể rất dễ lây và thường lây truyền qua những con đường sau:

  • Tiếp xúc giữa người với người: các bệnh nấm da thường lây lan qua sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
  • Tiếp xúc với đồ vật trung gian: một người có bị lây bệnh nấm da khi tiếp xúc với các đồ vật hoặc bề mặt mà người hoặc động vật bị nhiễm bệnh đã chạm vào, chẳng hạn như quần áo, khăn tắm, ga trải giường, lược hoặc bàn chải.
  • Tiếp xúc giữa động vật với con người: các loài vật nuôi trong nhà như chó và mèo, đặc biệt là chó con và mèo con, có thể bị bệnh nấm da và lây truyền sang người. Những động vật khác như bò, dê, lợn và ngựa cũng có thể mắc bệnh.

Các dạng nấm da khác

Loại nấm gây ra bệnh nấm da đầu có thể gây ra vấn đề tương tự ở các vị trí khác trên cơ thể. Các bệnh nấm da này được đặt tên theo bộ phận cơ thể bị nhiễm nấm, ví dụ như:

  • Nấm da toàn thân (hắc lào cơ thể): Dạng này gây ra các mảng da đỏ hình tròn, đóng vảy hoặc có các sẩn nhỏ li ti trên bề mặt da.
  • Nấm da chân (hắc lào bàn chân): Dạng nấm da này thường xảy ra ở các kẽ ngón chân và trên mu bàn chân.
  • Nấm da đùi (hắc lào ở đùi): Dạng này xảy ra ở bộ phận sinh dục, bên trong vùng đùi trên và mông.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm da đầu:

  • Tuổi tác: Bệnh nấm da đầu thường xảy ra ở trẻ 1 – 2 tuổi và trẻ trong độ tuổi đi học.
  • Tiếp xúc với những đứa trẻ khác: Các bệnh nấm da rất dễ lây lan ở những trẻ bán trú hoặc nội trú. 
  • Tiếp xúc với vật nuôi: Vật nuôi trong nhà có thể bị nhiễm nấm mà không có bất kỳ dấu hiệu nào nhưng chúng sẽ lây bệnh sang người.

Biến chứng của nấm da đầu

Trong một số trường hợp, nấm da đầu dẫn đến bệnh kerion - một dạng viêm da đầu nghiêm trọng và gây đau đớn. Bệnh này có biểu hiện là nổi những nốt phồng rộp chảy mủ và đóng vảy dày, màu vàng trên da đầu.

Tóc ở những vùng da đầu bị viêm rất dễ rụng. Bệnh kerion xảy ra do phản ứng quá mạnh của hệ miễn dịch cơ thể với nấm và có thể để lại sẹo hoặc các mảng hói vĩnh viễn.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bệnh nấm da đầu hoặc các vấn đề khác xảy ra ở da đầu dựa trên các triệu chứng. Đôi khi sẽ cần lấy một mẫu mô da hoặc tóc và kiểm tra dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp phát hiện sự hiện diện của nấm và xác nhận chẩn đoán.

Điều trị nấm da đầu

Bệnh nấm da đầu thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm đường uống, ví dụ như griseofulvin và terbinafine. Thông thường sẽ cần dùng một trong những loại thuốc này ít nhất 6 tuần để chữa dứt điểm.

Ngoài ra có thể cần dùng thêm dầu gội trị nấm để loại bỏ các bào tử nấm và tránh lây bệnh sang người khác hoặc lây từ da đầu sang các khu vực khác trên cơ thể.

Phòng ngừa nấm da đầu

Nấm da rất khó phòng ngừa vì loại nấm gây ra bệnh này rất phổ biến và dễ lây lan. Tuy nhiên, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Đề phòng nguy cơ nhiễm nấm da từ người hoặc vật nuôi bị nhiễm bệnh.
  • Gội đầu thường xuyên, đặc biệt là sau khi cắt tóc.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ: Rửa tay thường xuyên. Giữ cho các môi trường xung quanh luôn sạch sẽ. Nếu tham gia các môn thể thao tiếp xúc thì cần tắm ngay sau khi kết thúc và giặt sạch quần áo.
  • Tránh xa động vật bị nhiễm bệnh: Động vật bị nấm da thường có biểu hiện là các mảng trụi lông. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh này không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Nếu nghi ngờ vật nuôi bị nấm da thì cần hạn chế tiếp xúc và đưa đi khám bác sĩ thú y.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân: Vì bệnh nấm da có thể lây qua sự tiếp xúc với các đồ vật và bề mặt nên không được dùng chung các vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, lược chải tóc, dụng cụ thể thao,…

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây