Nấm da đùi

Nấm da đùi là một bệnh nhiễm trùng do nấm gây ra. Loại nấm gây bệnh này phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt và lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc da hoặc dùng chung vật dụng.

Nấm da đùi là gì?

Nấm da đùi (hắc lào ở đùi) là một bệnh da liễu do nấm gây ra với triệu chứng là nổi ban đỏ hình vòng tròn và ngứa, thường là ở vùng đùi trong và bẹn. Đây ở những vùng ấm và ẩm ướt của cơ thể - môi trường lý tưởng cho nấm sinh sôi.

Nấm da đùi xảy ra phổ biến ở những người ra nhiều mồ hôi và thừa cân.

Mặc dù gây ngứa ngáy khó chịu nhưng bệnh nấm da đùi thường không nghiêm trọng. Có thể tự điều trị bằng cách giữ cho vùng quanh bẹn sạch sẽ, khô ráo và bôi thuốc kháng nấm tại chỗ.

Triệu chứng nấm da đùi

Nấm da đùi thường có triệu chứng ban đầu là xuất hiện mảng da ửng đỏ ở nếp gấp bẹn, sau đó lan xuống đùi trong và tạo thành hình nửa vầng trăng. Mảng phát ban thường có hình vòng tròn với phần viền có nhiều mụn nước nhỏ li ti. Vùng da bị bệnh có thể nóng rát, ngứa ngáy và đóng vảy, bong tróc.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám nếu phát ban gây đau đớn, bị sốt, tình trạng không cải thiện sau một tuần điều trị hoặc không biến mất hoàn toàn sau 3 tuần điều trị.

Nguyên nhân gây nấm da đùi

Nấm da đùi là một bệnh nhiễm trùng do nấm gây ra. Loại nấm gây bệnh này phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt và lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc da hoặc dùng chung các vật dụng có dính nấm, ví dụ như quần áo, khăn lau. Loại nấm gây nấm da đùi cũng chính là thủ phạm gây nấm da chân. Nấm thường bám vào khăn tắm và lây lan từ bàn chân đến bẹn.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nấm da đùi:

  • Là nam giới
  • Ở độ tuổi thanh thiếu niên
  • Thường mặc đồ lót và quần chật
  • Thừa cân, béo phì
  • Ra nhiều mồ hôi
  • Hệ miễn dịch yếu
  • Bị bệnh tiểu đường

Biện pháp chẩn đoán

Thông thường bác sĩ có thể chẩn đoán nấm da đùi khi quan sát vết phát ban. Nếu chưa thể chẩn đoán chính xác thì sẽ cần lấy mẫu da hoặc mẫu dịch ở vùng bị bệnh và kiểm tra dưới kính hiển vi.

Điều trị nấm da đùi

Nếu có các triệu chứng nhẹ thì trước tiên có thể điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm không kê đơn dạng thuốc mỡ, kem, bột hoặc thuốc xịt. Bôi thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ và đủ thời gian quy định, ngay cả khi các triệu chứng có cải thiện nhanh chóng hoặc biến mất.

Nếu còn bị nấm da chân thì sẽ phải điều trị cùng lúc để tránh bị tái phát. Nếu tình trạng ngứa dữ dội hoặc phát ban không cải thiện khi dùng thuốc không kê đơn thì sẽ cần chuyển sang các loại thuốc kê đơn.

Phòng ngừa nấm da đùi

Giảm nguy cơ ngứa ngáy bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

  • Giữ cho vùng bẹn khô ráo: Lau khô vùng kín và đùi trong bằng khăn sạch sau khi tắm. Lau khô chân sau cùng để tránh lây lan nấm từ chân sang vùng bẹn.
  • Tắm rửa sạch sẽ, đặc biệt là sau khi ra nhiều mồ hôi.
  • Mặc quần áo sạch: Thay quần lót ít nhất một lần một ngày hoặc thường xuyên hơn nếu đổ nhiều mồ hôi. Nên chọn đồ lót bằng cotton hoặc chất liệu vải thoáng khí để không bị tích tụ hơi ẩm. Giặt quần áo thể dục sau mỗi lần tập.
  • Không mặc đồ bó: Quần bó sát sẽ gây kích ứng da và tích tụ hơi ẩm, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Nam giới nên mặc quần đùi thay vì quần sịp.
  • Không dùng chung đồ cá nhân: Không để người khác dùng quần áo, khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân khác của mình và cũng không mượn những vật dụng này từ người khác.
  • Điều trị và ngăn ngừa nấm da chân: Nếu bị nấm da chân thì cần phải điều trị và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nấm lây lan đến bẹn. Không đi chân trần ở những nơi công cộng ẩm ướt, chẳng hạn như phòng tắm ở phòng tập gym, phòng thay đồ ở hồ bơi để tránh bị nấm da chân.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây