Nấm móng

Có nhiều phương pháp trị nấm móng, từ dùng thuốc không kê đơn cho đến phẫu thuật. Tuy nhiên, ngay cả khi điều trị thành công thì nấm móng vẫn có thể tái phát.

Nấm móng là gì?

Nấm móng là một vấn đề phổ biến, xảy ra do móng tay hoặc móng chân bị nhiễm nấm và thường có biểu hiện ban đầu là xuất hiện đốm trắng hoặc vàng bên dưới đầu móng tay hoặc móng chân. Khi nấm lan vào sâu trong móng, móng có thể bị đổi màu, dày lên và trở nên giòn, dễ gãy, đặc biệt là ở phần rìa móng. Bệnh nấm móng có thể xảy ra ở nhiều ngón tay cùng lúc.

Nếu chỉ bị nấm móng nhẹ và không gây khó chịu thì có thể không cần điều trị. Nhưng nếu nấm móng tay gây đau đớn và khiến móng dày lên, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày thì cần phải điều trị. Có nhiều phương pháp trị nấm móng, từ dùng thuốc không kê đơn cho đến phẫu thuật. Tuy nhiên, ngay cả khi điều trị thành công thì nấm móng vẫn có thể tái phát.

Các triệu chứng của bệnh nấm móng

Khi bị nấm móng, móng tay hoặc móng chân thường có những biểu hiện như:

  • Dày lên
  • Chuyển màu, từ trắng đục cho đến vàng nâu
  • Giòn, dễ vỡ vụn hoặc rìa móng lởm chởm
  • Móng biến dạng
  • Chuyển màu tím đen do các mảnh vụn tích tụ bên dưới móng tay
  • Có mùi hôi

Nấm móng có thể xảy ra ở cả móng tay và móng chân nhưng đa phần là móng chân.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám bác sĩ nếu đã thử các biện pháp tự điều trị nhưng không hiệu quả và móng ngày càng đổi màu, dày lên hoặc biến dạng. Cũng nên đi khám nếu mắc bệnh tiểu đường và có các dấu hiệu bị nấm móng.

Nguyên nhân gây nấm móng

Nấm móng là bệnh do nấm gây ra. Thủ phạm phổ biến nhất là một loại nấm có tên là dermatophyte. Ngoài ra, nấm men và nấm mốc cũng có thể gây bệnh nấm móng.

Nấm móng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Giống như nhiều bộ phận khác của cơ thể, móng tay và móng chân cũng bị lão hóa và trở nên khô, giòn. Các vết nứt trên móng tạo điều kiện cho nấm xâm nhập. Các yếu tố khác, chẳng hạn như lưu thông máu kém đến bàn chân và hệ miễn dịch suy yếu… cũng có thể góp phần gây nấm móng.

Nấm móng chân có thể phát sinh từ bệnh nấm da chân và nấm có thể lây lan từ một ngón sang các ngón khác. Rất hiếm khi bị lây nấm móng từ người khác.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh nấm móng gồm có:

  • Lớn tuổi do sự lưu thông máu giảm, tiếp xúc với nấm trong suốt nhiều năm và móng mọc chậm hơn
  • Ra nhiều mồ hôi chân
  • Có tiền sử bệnh nấm da chân
  • Hay đi chân trần ở những nơi công cộng ẩm ướt, chẳng hạn như hồ bơi, phòng tắm ở phòng gym,…
  • Có vết thương hở ở da hoặc móng
  • Có bệnh về da, chẳng hạn như bệnh vẩy nến
  • Bị bệnh tiểu đường, tuần hoàn máu kém hoặc hệ miễn dịch suy yếu

Biến chứng của bệnh nấm móng

Nếu nghiêm trọng, bệnh nấm móng có thể gây đau đớn và khiến cho móng bị hỏng vĩnh viễn. Nấm móng còn có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác lan rộng ra ngoài bàn chân nếu bị suy giảm hệ miễn dịch do thuốc, mắc bệnh tiểu đường hoặc các bệnh lý khác.

Ở những người bị tiểu đường, sự lưu thông máu kém đi và giảm cảm giác ở bàn chân. Người bệnh tiểu đường còn có nguy cơ cao bị viêm mô tế bào – một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn. Vì vậy nên nấm móng hay bất kỳ tổn thương nào ở bàn chân, cho dù chỉ rất nhẹ cũng đều có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn. Cần đi khám bác sĩ nếu bị tiểu đường và nhận thấy các dấu hiệu nghi là bệnh nấm móng.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ quan sát móng để chẩn đoán bệnh nấm móng. Sau đó có thể phải cắt một ít móng hoặc cạo lấy mảnh vụn bên dưới móng rồi đem mẫu đến phòng thí nghiệm để xác nhận nấm móng và loại nấm cụ thể.

Điều này còn giúp loại trừ các bệnh lý khác cũng có biểu hiện tương tự như nấm móng, chẳng hạn như bệnh vẩy nến. Các loại vi sinh vật khác như nấm men và vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào móng và gây nhiễm trùng. Biết chính xác nguyên nhân gây nhiễm trùng giúp bác sĩ xác định phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Điều trị nấm móng

Việc điều trị bệnh nấm móng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và loại nấm bị nhiễm. Đôi khi bệnh này rất khó điều trị và có thể mất nhiều tháng mới thấy kết quả rõ rệt. Ngay cả khi điều trị thành công thì bệnh nấm móng vẫn có thể tái phát.

Các biện pháp tự điều trị

Nếu bị nhiễm nấm nhẹ và các triệu chứng không gây ảnh hưởng gì nhiều thì có thể thử các biện pháp tự điều trị dưới đây:

  • Bôi thuốc kháng nấm: Nhiều loại thuốc kháng nấm được bán rộng rãi tại các hiệu thuốc và có thể dễ dàng mua mà không cần đơn của bác sĩ. Nếu có các mảng trắng trên bề mặt móng thì trước tiên cần dũa đi, ngâm móng trong nước ấm, lau khô rồi mới bôi thuốc.
  • Cắt và dũa móng tay: Điều này giúp giảm áp lực lên móng và giảm cảm giác khó chịu. Ngoài ra, dũa mỏng móng trước khi bôi thuốc kháng nấm sẽ giúp thuốc tiếp cận sâu hơn đến các lớp móng bên dưới.

Trước khi cắt tỉa hoặc dũa móng tay thì nên làm mềm móng bằng kem có chứa urê.

Điều trị bằng thuốc

Nếu đã thử tự điều trị tại nhà nhưng tình trạng nấm móng không cải thiện thì cần đi khám. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng nấm tại chỗ hoặc thuốc đường uống. Đôi khi sẽ cần kết hợp cả thuốc dạng bôi và dạng uống.

  • Thuốc kháng nấm đường uống: Những loại thuốc này thường được sử dụng đầu tiên vì có tác dụng điều trị nhiễm nấm nhanh hơn so với các loại thuốc bôi. Một số thuốc thường được sử dụng là terbinafine và itraconazole. Những loại thuốc này kích thích mọc móng mới, khỏe mạnh thay thế móng bị bệnh. Thường sẽ phải dùng thuốc trong 6 đến 12 tuần nhưng phải đến khi móng mọc trở lại hoàn toàn mới thấy hiệu quả rõ rệt. Có thể phải mất 4 tháng hoặc lâu hơn để điều trị dứt điểm nấm móng. Thuốc kháng nấm đường uống cho hiệu quả thấp hơn ở người trên 65 tuổi.
  • Thuốc kháng nấm đường uống có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, từ nhẹ như phát ban da cho đến nặng như tổn thương gan. Có thể cần xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra đáp ứng với thuốc. Không nên dùng thuốc kháng nấm đường uống cho những người bị bệnh gan, suy tim sung huyết hoặc những người đang dùng một số loại thuốc nhất định.
  • Sơn móng tay thuốc: Bác sĩ có thể kê một loại thuốc kháng nấm có tên là ciclopirox. Thuốc này có dạng giống như sơn móng tay, được quệt lên móng bị nhiễm nấm và vùng da xung quanh mỗi ngày một lần. Sau 7 ngày, lau sạch các lớp thuốc bằng cồn và bôi lớp thuốc mới. Có thể cần sử dụng ciclopirox hàng ngày trong thời gian lên đến một năm để ngăn nấm móng tái phát.
  • Thuốc kháng nấm tại chỗ: Ngoài ra còn có thể trị nấm móng bằng các loại thuốc kháng nấm tại chỗ dạng kem. Trước tiên, ngâm móng bị nhiễm nấm vào nước ấm để làm mềm móng, sau đó thấm khô và bôi thuốc. Nên dũa móng trước khi bôi để thuốc phát huy tác dụng tốt hơn. Điều này giúp thuốc đi qua bề mặt móng cứng và thẩm thấu xuống các lớp bị nhiễm nấm bên dưới. Ngoài ra có thể thoa kem dưỡng có chứa urê để làm mỏng móng.

Phẫu thuật

Có thể sẽ phải loại bỏ móng tạm thời để bôi thuốc kháng nấm trực tiếp lên vùng bị nhiễm nấm bên dưới móng. Trong những trường hợp nấm móng không đáp ứng với thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ móng vĩnh viễn nếu tình trạng nhiễm nấm quá nghiêm trọng và gây đau đớn.

Phòng ngừa bệnh nấm móng

Những biện pháp dưới đây sẽ giúp ngăn ngừa nấm móng và nấm da chân:

  • Rửa tay chân thường xuyên, nhất là sau khi chạm vào móng hay vùng da bị nhiễm nấm . Dưỡng ẩm cho móng sau khi rửa.
  • Cắt móng thẳng theo chiều ngang, dùng dũa mài các cạnh sắc và những chỗ móng dày. Khử trùng dụng cụ cắt móng sau mỗi lần sử dụng.
  • Mang tất bằng chất liệu thấm hút mồ hôi tốt và thay ít nhất 1 lần/ngày.
  • Chọn giày làm bằng chất liệu thoáng khí.
  • Thay dép hoặc để chân trần khi ngồi làm việc và về nhà
  • Bỏ giày cũ và thường xuyên xịt thuốc diệt khuẩn hoặc bột khử mùi
  • Đi dép trong ở những nơi công cộng như hồ bơi và phòng tắm công cộng
  • Yêu cầu nhân viên làm nail khử trùng dụng cụ trước khi sử dụng
  • Không sơn móng và dùng móng giả

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây