Nốt ruồi

Hầu hết nốt ruồi đều vô hại nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể trở thành ung thư da.

Nốt ruồi là gì?

Nốt ruồi là những chấm hay đốm nhỏ có màu nâu hoặc đen, hình thành do sự tăng sắc tố da. Nốt ruồi thường xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ hoặc ở độ tuổi thiếu niên nhưng nốt ruồi mới cũng có thể xuất hiện khi trưởng thành. Hầu hết mọi người đều có từ 10 đến 40 nốt ruồi, một số nốt ruồi có thể thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc tự biến mất dần theo thời gian.

Hầu hết nốt ruồi đều vô hại nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể trở thành ung thư da. Theo dõi nốt ruồi và các dạng tăng sắc tố khác trên da là điều quan trọng để phát hiện sớm ung thư da, đặc biệt là ung thư tế bào hắc tố (melanoma).

Đặc điểm của nốt ruồi

Nốt ruồi bình thường có các đặc điểm dưới đây:

  • Màu sắc và bề mặt: Nốt ruồi thường có màu nâu nhạt, nâu sẫm hoặc đen, có thể phẳng hoặc gồ lên. Đôi khi còn có lông mọc ra từ nốt ruồi.
  • Hình dạng: Hầu hết nốt ruồi đều có hình bầu dục hoặc hình tròn.
  • Kích thước: Các nốt ruồi đa phần có đường kính dưới 6 mm nhưng ở một số người, nốt ruồi có đường kính lớn hơn nhiều.

Nốt ruồi có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, bao gồm cả da đầu, nách, dưới móng tay và các kẽ ngón tay, ngón chân. Một người đều có từ 10 đến 40 nốt ruồi. Đa số nốt ruồi đều xuất hiện trước tuổi 50. Các nốt ruồi có thể thay đổi về hình dạng, kích thước hoặc tự biến mất dần. Sự thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì và thời kỳ mang thai có thể khiến nốt ruồi trở nên sẫm màu hơn và to ra.

Phân biệt nốt ruồi bình thường và dấu hiệu ung thư hắc tố

Đôi khi, sự xuất hiện một nốt ruồi mới trên da hoặc các nốt ruồi có từ trước đột nhiên thay đổi bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư tế bào hắc tố - một dạng ung thư da. Có thể nhận biết dấu hiệu của bệnh ung thư da này bằng quy tắc ABCDE như sau:

  • Asymmetry (không đối xứng): hai nửa của nốt ruồi không giống nhau.
  • Border (đường viền): nốt ruồi khi bị ung thư hắc tố có đường viền không đều, lởm chởm hoặc hình dạng giống như vỏ sò.
  • Corlor (màu sắc): nốt ruồi có từ trước đột nhiên thay đổi màu sắc hoặc gồm có nhiều mảng màu hoặc không đều màu.
  • Diameter (đường kính): nốt ruồi có đường kính trên 6 mm.
  • Evolving (tiếp tục phát triển): nốt ruồi thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc hoặc độ nhô, đặc biệt là khi một phần hoặc toàn bộ nốt ruồi chuyển sang màu đen. Ngoài ra, cần để ý cả các biểu hiện mới ở nốt ruồi, chẳng hạn như ngứa ngáy hoặc chảy máu.

Nốt ruồi ung thư hắc tố có rất nhiều hình dạng khác nhau và không phải lúc nào cũng có đầy đủ  5 đặc điểm nêu trên.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ da liễu nếu nhận thấy da xuất hiện nốt ruồi mới có vẻ bất thường hoặc nốt ruồi có từ trước bắt đầu to lên, thay đổi màu sắc, hình dạng.

Nguyên nhân

Nốt ruồi hình thành khi các tế bào hắc tố trong da tập trung thành cụm. Tế bào hắc tố là tế bào có nhiệm vụ sản xuất ra melanin - sắc tố tự nhiên tạo nên màu sắc cho làn da.

Biến chứng

Mặc dù phần lớn nốt ruồi đều lành tính nhưng đôi khi, nốt ruồi có thể trở thành ung thư tế bào hắc tố. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da này gồm có:

  • Có nốt ruồi lớn bẩm sinh: Ở trẻ sơ sinh, những nốt ruồi có đường kính lớn hơn 5 cm được coi là lớn. Tuy nhiên, trên thực tế cũng chỉ có rất ít trường hợp nốt ruồi lớn bẩm sinh trở thành ung thư và nếu có thì đa phần đều xảy ra sau tuổi dậy thì.
  • Có nốt ruồi bất thường: Nốt ruồi lớn hơn nốt ruồi thông thường và có hình dạng bất thường được gọi là nốt ruồi không điển hình (loạn sản). Loại nốt ruồi này thường có phần chính giữa màu nâu sẫm, phần ngoài nhạt màu hơn, đường viền không đều và có xu hướng di truyền.
  • Có nhiều nốt ruồi: Những người có trên 50 nốt ruồi bình thường có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao hơn. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng số lượng nốt ruồi tỷ lệ thuận với nguy cơ ung thư. Theo một nghiên cứu thì những người dưới 50 tuổi có 20 nốt ruồi trở lên ở cánh tay có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao hơn. Một nghiên cứu khác đã chỉ ra mối liên hệ giữa số lượng nốt ruồi của phụ nữ và nguy cơ ung thư vú.
  • Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư hắc tố: Nếu trước đây đã từng bị ung thư hắc tố thì nguy cơ nốt ruồi trở thành ung thư sẽ cao hơn. Ngoài ra, một số loại nốt ruồi không điển hình có thể trở thành  một dạng ung thư hắc tố di truyền.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể nhận biết nốt ruồi bằng cách quan sát da. Có thể cân nhắc khám da định kỳ để bác sĩ theo dõi và kiểm tra các thay đổi bất thường trên da.

Nếu nghi ngờ một nốt ruồi là ung thư hắc tố thì sẽ cần lấy mẫu mô (sinh thiết) và kiểm tra bằng kính hiển vi.

Các phương pháp xử lý nốt ruồi

Hầu hết các nốt ruồi đều không cần phải xử lý nhưng nếu cảm thấy nốt ruồi gây ảnh hưởng đến ngoại hình thì có thể thử các cách như sau:

  • Dùng kem che khuyết điểm chấm lên nốt ruồi: Đây là cách đơn giản và nhanh chóng nhất nhưng chỉ che được nốt ruồi một cách tạm thời
  • Nếu có lông mọc ra từ nốt ruồi thì có thể nhổ
  • Tẩy nốt ruồi bằng công nghệ laser

Nếu nốt ruồi bị trầy xước hoặc kích ứng thì cần phải giữ cho vùng tổn thương luôn sạch sẽ. Đi khám bác sĩ nếu như tổn thương mãi không lành.

Khi đi khám, nếu xác nhận nốt ruồi là ung thư da thì sẽ cần tiến hành phẫu thuật để loại bỏ. Trước tiên bác sĩ gây tê khu vực xung quanh nốt ruồi và sau đó cắt bỏ. Thường sẽ cần cắt đi một vùng da lành xung quanh để đảm bảo không còn tế bào ung thư còn sót lại.. Quy trình này rất nhanh chóng nhưng có thể để lại sẹo vĩnh viễn. Nếu nhận thấy nốt ruồi xuất hiện trở lại sau khi đã loại bỏ thì cần đến gặp bác sĩ ngay.

Biện pháp phòng ngừa

Các biện pháp dưới đây có thể giúp làm giảm nguy cơ hình thành nốt ruồi và ung thư tế bào hắc tố.

Theo dõi các thay đổi

Phải thường xuyên kiểm tra da để phát hiện sớm những thay đổi có thể là dấu hiệu của ung thư hắc tố. Tự kiểm tra mỗi tháng một lần, đặc biệt là khi có tiền sử gia đình bị ung thư hắc tố. Cần kiểm tra từ đầu đến chân, bao gồm cả da đầu, lòng bàn tay, dưới móng tay, nách, ngực, cẳng chân, bàn chân, lòng bàn chân, các kẽ ngón chân, vùng sinh dục và giữa hai mông.

Khi nhận thấy những thay đổi bất thường thì cần đi khám bác sĩ ngay.

Bảo vệ da

Tiếp xúc với tia cực tím (tia UV) trong ánh nắng mặt trời hoặc từ các nguồn khác như giường nhuộm da sẽ tăng nguy cơ ung thư hắc tố và các dạng ung thư da khác. Những trẻ tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng thường có nhiều nốt ruồi hơn. Do đó, cần thực hiện các biện pháp dưới đây để bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia cực tím:

  • Tránh thời gian nắng cao điểm: Cường độ tia UV trong ánh nắng mặt trời ở mức mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu không có việc cần thiết thì không nên ra ngoài vào khoảng thời gian này.
  • Sử dụng kem chống nắng quanh năm: Bôi kem chống nắng khoảng 30 phút trước khi ra ngoài trời, kể cả trong những ngày nhiều mây vì cho dù không có nắng thì da vẫn phải tiếp xúc với tia cực tím. Nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ít nhất là 15. Thoa đủ lượng kem theo như hướng dẫn đều khắp vùng da cần bảo vệ và thoa lại sau mỗi 2 giờ hoặc thường xuyên hơn nếu đi bơi hoặc đổ mồ hôi. Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến nghị sử dụng kem chống nắng chống nước, phổ rộng với chỉ số SPF ít nhất là 30.
  • Che chắn da cẩn thận: Dù bôi kem chống nắng thì cũng vẫn phải che chắn kỹ cho da khi ra ngoài trời nắng bằng cách đội mũ, đeo kính râm, khẩu trang và mặc quần áo dài chen kín tay chân. Nên chọn quần áo bằng chất liệu chống nắng tốt và kính râm có khả năng bảo vệ mắt khỏi tia UVA/UVB.
  • Không nằm giường nhuộm da: Giường nhuộm da phát ra tia UV gây hại giống như ánh nắng và cũng làm tăng nguy cơ ung thư da.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây