Rạn da

Rạn da không cần điều trị. Nếu nhẹ thì các vết rạn thường tự mờ dần theo thời gian nhưng đa phần sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn.

Rạn da là gì?

Rạn da là những vệt dài, mảnh có màu trắng, hồng, đỏ hoặc đỏ nâu xuất hiện trên cơ thể, thường là bụng, ngực, hông, mông, đùi và chân. Đây là vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối của thai kỳ. Rạn da không gây đau đớn và cũng không gây hại gì nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn về mặt thẩm mỹ.

Rạn da không cần điều trị. Nếu nhẹ thì các vết rạn thường tự mờ dần theo thời gian nhưng đa phần sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn.

Các đặc điểm của rạn da

Các vết rạn da ở mỗi người là không giống nhau. Chúng thay đổi tùy thuộc vào thời gian tồn tại, nguyên nhân gây ra, vị trí trên cơ thể và loại da. Tuy nhiên, nhìn chung thì rạn da thường có các đặc điểm như sau:

  • Các đường dài, hẹp trên bụng, ngực, hông, mông, đùi hoặc các vị trí khác trên cơ thể
  • Có màu từ trắng, hồng, đỏ, tía cho đến nâu
  • Vết rạn mờ dần theo thời gian và chuyển sang màu nhạt hơn

Có cần điều trị không?

Rạn da không phải vấn đề đáng lo ngại nhưng nếu các vết rạn da có màu sẫm, xuất hiện ở những vùng cơ thể lộ ra bên ngoài hoặc lan rộng và có nhu cầu loại bỏ thì có thể đến gặp bác sĩ thẩm mỹ để được tư vấn các các lựa chọn điều trị.

Nguyên nhân gây rạn da

Nguyên nhân gây hình thành các vết rạn da là do da bị kéo căng quá mức, khiến cho các sợi collagen và elastin trong da bị đứt gãy. Một yếu tố góp phần gây ra điều này là nồng độ cortisol trong cơ thể tăng cao. Cortisol là một loại hormone được sản xuất tự nhiên bởi tuyến thượng thận. Nồng độ cortisol quá cao khiến cho da mất đi sự đàn hồi.

Những điều này thường xảy ra trong những trường hợp như:

  • Mang thai: Trong thời gian mang thai, da ở nhiều bộ phận cơ thể bị căng ra do sự phát triển của thai nhi và do sự thay đổi nội tiết tố. Tình trạng này gây hình thành các vết rạn da.
  • Tăng hoặc giảm cân quá nhanh: Tăng cân quá nhanh khiến cho da bị kéo căng và xuất hiện các vết rạn. Điều này cũng xảy ra khi giảm cân quá nhiều trong thời gian ngắn.
  • Dậy thì:  Sự tăng trưởng nhanh chóng khi bước vào tuổi dậy thì cũng là nguyên nhân phổ biến gây rạn da.
  • Dùng các sản phẩm chứa corticoid: Dùng corticoid (cả dạng bôi và dạng uống) trong thời gian dài sẽ làm giảm khả năng đàn hồi của da và khiến da dễ bị rạn.
  • Các vấn đề sức khỏe như hội chứng Cushing, hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos và các vấn đề về tuyến thượng thận khác: Những bệnh này làm tăng lượng cortisol trong cơ thể và giảm khả năng đàn hồi của da.
  • Nâng ngực bằng túi độn: Việc sử dụng túi nâng ngực có kích cỡ quá lớn sẽ khiến da ở khu vực này đột bị kéo căng và rạn.
  • Tập thể hình: Khi một nhóm cơ quá phát triển, vùng da bên trên cũng có thể bị rạn.

Mức độ nghiêm trọng của tình trạng rạn da phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có di truyền và mức độ da bị kéo căng.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ rạn da

Bất cứ ai cũng có thể bị rạn da nhưng một số yếu tố dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ:

  • Là phụ nữ
  • Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị rạn da
  • Mang thai, đặc biệt là những người mang thai khi còn trẻ
  • Tăng trưởng nhanh ở tuổi thiếu niên
  • Tăng hoặc giảm cân nhanh chóng
  • Sử dụng corticoid
  • Phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn
  • Tập thể hình và sử dụng anabolic steroid (steroid đồng hóa)
  • Mắc các bệnh làm tăng nồng độ cortisol và giảm độ đàn hồi da như hội chứng Cushing hoặc hội chứng Marfan

Biện pháp chẩn đoán

Không cần phải đi khám khi bị rạn da. Nhưng nếu còn có các triệu chứng khác và nghi ngờ mắc các bệnh khiến nồng độ cortisol tăng cao bất thường thì bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để đo nồng độ cortisol và thực hiện một số biện pháp chẩn đoán khác.

Điều trị rạn da

Rạn da không cần phải điều trị vì vô hại và thường tự mờ dần theo thời gian. Nếu cảm thấy các vết rạn gây mất thẩm mỹ thì có thể can thiệp để làm mờ nhưng các vết rạn sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn.

Dưới đây là một số phương pháp xử lý rạn da phổ biến nhất:

  • Kem retinoid: Các loại retinoid (dẫn xuất của vitamin A), chẳng hạn như tretinoin có thể làm mờ các vết rạn da mới. Tretinoin giúp tái tạo collagen trong da và làm cho những vùng da bị rạn phục hồi lại gần như bình thường. Tuy nhiên, tretinoin có thể gây kích ứng da. Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không được sử dụng retinoid vì thành phần này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến em bé.
  • Liệu pháp ánh sáng và laser: Liệu pháp ánh sáng và laser sẽ kích thích sản sinh collagen và cải thiện độ đàn hồi của da.
  • Lăn kim vi điểm: Đây là phương pháp sử dụng một dụng cụ cầm tay có nhiều đầu kim siêu nhỏ lăn trên da để kích thích tăng sinh collagen. Phương pháp này ít gây thay đổi sắc tố da hơn so với liệu pháp laser nên sẽ an toàn hơn cho những người có da tối màu.

Một số yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn phương pháp trị rạn da là thời gian bị rạn da, loại da, quỹ thời gian (vì một số phương pháp cần thực hiện tại bệnh viện hoặc spa và phải điều trị nhiều lần), chi phí, kết quả mong muốn... Có thể sẽ cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị để có hiệu quả cao nhất.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây