Suy gan cấp

Suy gan cấp tính còn được gọi là suy gan tối cấp và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như xuất huyết và tăng áp lực trong não.

Suy gan cấp là gì?

Suy gan cấp tính là tình trạng mất chức năng gan xảy ra nhanh chóng, trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, thường là ở những người không có bệnh gan từ trước. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do virus viêm gan hoặc các loại thuốc, chẳng hạn như acetaminophen. Trái ngược với suy gan cấp tính, suy gan mạn tính xảy ra từ từ sau một khoảng thời gian dài. Suy gan cấp ít phổ biến hơn suy gan mạn.

Suy gan cấp tính còn được gọi là suy gan tối cấp và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như xuất huyết và tăng áp lực trong não. Đó đều là những trường hợp phải can thiệp khẩn cấp.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, những người bị suy gan cấp đôi khi có thể hồi phục sau khi điều trị. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phẫu thuật ghép gan là cách duy nhất để chữa khỏi bệnh.

Triệu chứng

Các dấu hiệu, triệu chứng của suy gan cấp tính gồm có:

  • Vàng da và tròng trắng mắt
  • Đau ở vùng bụng trên bên phải (vị trí của gan)
  • Bụng phình to (cổ trướng)
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Cảm giác mệt mỏi, khó chịu
  • Đầu óc lú lẫn, mơ hồ, rối loạn ý thức
  • Buồn ngủ
  • Hơi thở có thể có mùi mốc hoặc mùi ngọt
  • Run tay

Khi nào cần đi khám?

Suy gan cấp có thể xảy ra nhanh chóng ở những người vốn khỏe mạnh và gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu đột nhiên bị vàng mắt hoặc vàng da, đau ở vùng bụng trên hoặc có bất kỳ thay đổi bất thường nào về trạng thái tinh thần, tính tình hoặc hành vi thì cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Nguyên nhân

Suy gan cấp xảy ra khi các tế bào gan bị tổn hại nghiêm trọng và không còn khả năng hoạt động bình thường. Một số nguyên nhân tiềm ẩn gồm có:

  • Dùng acetaminophen quá liều: dùng quá nhiều acetaminophen hay paracetamol là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy gan cấp tính. Suy gan cấp có thể xảy ra sau khi uống một liều acetaminophen quá lớn hoặc sau khi dùng liều cao hơn chỉ định trong một vài ngày. Nếu nhận thấy đã dùng quá liều acetaminophen thì cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa suy gan. Không chờ cho đến khi có các dấu hiệu bất thường mới đi khám.
  • Thuốc kê đơn: Một số loại thuốc kê đơn, gồm có thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid và thuốc chống co giật, có thể gây suy gan cấp tính.
  • Thảo dược: Một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng, ví dụ như kava, ma hoàng (ephedra), bán chi liên (skullcap) và bạc hà hăng (pennyroyal) có thể gây suy gan cấp tính.
  • Virus viêm gan và các loại virus khác: Viêm gan A, viêm gan B và viêm gan E có thể dẫn đến suy gan cấp. Các loại virus khác cũng có thể gây suy gan cấp là virus Epstein-Barr, virus cytomegalo và virus herpes simplex (HSV).
  • Nhiễm độc: Các chất độc có thể gây suy gan cấp tính gồm có nấm độc Amanita phalloides, đôi khi bị nhầm với một loại nấm có thể ăn được. Carbon tetrachloride là một chất độc cũng có thể gây suy gan cấp. Nó là một hóa chất công nghiệp có trong chất làm lạnh và dung môi để sản xuất sáp, vecni và các vật liệu khác.
  • Bệnh tự miễn: Suy gan có thể xảy ra do viêm gan tự miễn - một căn bệnh mà hệ miễn dịch của cơ thể tấn công chính các tế bào gan, gây viêm và tổn thương.
  • Vấn đề ở tĩnh mạch trong gan: Các bệnh mạch máu, chẳng hạn như hội chứng Budd-Chiari, có thể gây tắc nghẽn trong các tĩnh mạch của gan và dẫn đến suy gan cấp.
  • Bệnh chuyển hóa: Nguyên nhân gây suy gan cấp có thể là do một số bệnh chuyển hóa hiếm gặp, chẳng hạn như bệnh Wilson và gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ.
  • Ung thư: Các bệnh ung thư bắt đầu ở gan hoặc di căn từ các bộ phận khác đến gan có thể khiến gan bị hỏng.
  • Sốc: Nhiễm trùng hệ thống và sốc nhiễm khuẩn có thể làm suy giảm nghiêm trọng sự lưu thông máu đến gan và dẫn đến suy gan.
  • Sốc nhiệt: Hoạt động thể chất quá mức trong môi trường nhiệt độ cao có thể gây suy gan cấp.

Một số trường hợp suy gan cấp không có nguyên nhân rõ ràng.

Biến chứng

Suy gan cấp có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Phù não (ứ dịch trong não): Dịch tích tụ sẽ làm tăng áp lực trong não và có thể dẫn đến mất phương hướng, rối loạn tinh thần nghiêm trọng và co giật.
  • Chảy máu và rối loạn đông máu: Khi bị tổn hại, gan không thể tạo ra đủ các yếu tố đông máu và gây ra các vấn đề như xuất huyết tiêu hóa. Đây là một tình trạng phổ biến ở những người bị suy gan cấp và đôi khi rất khó kiểm soát.
  • Nhiễm trùng: Những người bị suy gan cấp tính có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn bình thường, đặc biệt là nhiễm trùng trong máu, đường hô hấp và tiết niệu.
  • Suy thận: Suy thận thường xảy ra sau khi bị suy gan, đặc biệt là những trường hợp mà nguyên nhân là do dùng quá liều acetaminophen. Điều này làm tổn thương cả gan và thận.

Phòng ngừa suy gan cấp

Giảm nguy cơ suy gan cấp bằng cách bảo vệ sức khỏe lá gan:

  • Sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn: nếu phải dùng acetaminophen hoặc các loại thuốc khác thì cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng và không dùng nhiều hơn mức liều lượng khuyến cáo. Nếu đã bị bệnh gan thì cần hỏi ý kiến bác sĩ xem việc dùng acetaminophen có an toàn hay không.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc không kê đơn, thảo dược và thực phẩm chức năng. Một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng và gây hại cho gan.
  • Uống rượu ở mức độ vừa phải: Mỗi người khỏe mạnh chỉ nên uống tối đa một ly rượu mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới.
  • Tránh các hành vi làm tăng nguy cơ: Không tiêm chích ma túy, không dùng chung bơm kim tiêm, không hút thuốc lá, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nếu có ý định xăm mình hoặc xỏ khuyên trên cơ thể thì hãy chọn những nơi uy tín và đảm bảo dụng cụ phải được khử trùng cẩn thận trước khi dùng.
  • Tiêm vắc-xin: Nếu bị bệnh gan mạn tính, có tiền sử mắc bất kỳ loại viêm gan nào hoặc có nguy cơ viêm gan cao thì nên tiêm vắc-xin phòng viêm gan B và viêm gan A.
  • Tránh tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của người khác: Vô tình chạm vào kim tiêm người khác đã sử dụng hoặc tiếp xúc vết thương hở với máu, chất dịch cơ thể của người khác là những con đường lây truyền virus viêm gan. Dùng chung dao cạo hoặc bàn chải đánh răng cũng có thể bị lây bệnh.
  • Không ăn nấm dại: Rất khó phân biệt giữa nấm độc và các loại nấm ăn được.
  • Cẩn thận khi dùng hóa chất dạng xịt: Khi sử dụng chất làm sạch, thuốc diệt côn trùng, diệt nấm, sơn và các hóa chất độc hại dạng xịt khác thì hãy mở cửa phòng để thông gió và đeo khẩu trang. Ngoài ra, cần đeo găng tay, mặc áo dài tay và đội mũ trùm. Thực hiện theo hướng dẫn ghi trên sản phẩm một cách cẩn thận.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Béo phì có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, gồm có gan nhiễm mỡ, viêm gan và xơ gan.

Chẩn đoán

Các biện pháp được thực hiện để chẩn đoán suy gan cấp tính gồm có:

  • Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra chức năng gan. Phương pháp xét nghiệm PT (kiểm tra thời gian prothrombin) giúp xác định thời gian hình thành cục máu đông. Khi bị suy gan cấp tính, máu không đông nhanh như bình thường.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: có thể sẽ cần siêu âm để kiểm tra gan. Phương pháp này cho thấy tổn thương gan và giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra các vấn đề về gan. Ngoài ra cũng có thể phải chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (chụp CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tình trạng gan và mạch máu. Các phương pháp này có thể chỉ ra một số nguyên nhân gây suy gan cấp, chẳng hạn như hội chứng Budd-Chiari hoặc khối u. Bác sĩ thường sẽ chỉ định chụp CT hoặc MRI nếu nghi ngờ có vấn đề và không xác định được bằng phương pháp siêu âm.
  • Sinh thiết gan: lấy một mẫu mô gan nhỏ và đem đi phân tích để tìm nguyên nhân khiến gan không hoạt động bình thường. Vì những người bị suy gan cấp có nguy cơ chảy máu khi sinh thiết nên có thể phải sử dụng kỹ thuật sinh thiết gan qua tĩnh mạch cảnh, trong đó bác sĩ rạch một đường nhỏ ở cổ để đưa một ống thông mảnh vào tĩnh mạch, qua tim và vào tĩnh mạch đi ra ngoài gan. Sau đó, bác sĩ đưa kim qua ống thông và lấy một mẫu mô gan.

Điều trị

Khi có các biểu hiện suy gan cấp thì cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Tùy vào nguyên nhân mà tình trạng suy gan cấp sẽ được điều trị bằng các phương pháp dưới đây:

  • Dùng thuốc điều trị nhiễm độc: Các trường hợp suy gan cấp tính do dùng quá liều acetaminophen được điều trị bằng một loại thuốc có tên là acetylcysteine. Thuốc này cũng có thể điều trị được cả các nguyên nhân khác gây suy gan cấp. Những trường hợp suy gan do chất độc của nấm và các dạng ngộ độc khác cần điều trị bằng các loại thuốc giải độc và phục hồi tổn thương gan. Ngoài ra bác sĩ sẽ còn chỉ định các biện pháp để kiểm soát các triệu chứng đang gặp phải và ngăn ngừa biến chứng do suy gan cấp, ví dụ như:
  • Giảm áp lực do dịch tích tụ trong não: Phù não do suy gan cấp có thể làm tăng áp lực lên não và cần dùng thuốc để giảm sự tích tụ dịch.
  • Ghép gan: Khi gan bị tổn thương nghiêm trọng do suy gan cấp và không thể hồi phục được thì giải pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật ghép gan. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ đi lá gan bị hỏng và thay thế bằng lá gan khỏe mạnh từ người hiến tặng.
  • Tầm soát các bệnh nhiễm trùng: Lấy mẫu máu và nước tiểu để xét nghiệm tìm các bệnh nhiễm trùng. Nếu bị nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị.
  • Ngăn ngừa xuất huyết nghiêm trọng: người bệnh có thể phải dùng thuốc để giảm nguy cơ xuất huyết. Nếu bị mất nhiều máu thì phải tiến hành xét nghiệm để tìm ra nguồn gốc chảy máu và có thể cần truyền máu.
  • Bổ sung chất dinh dưỡng: Nếu không ăn được thì sẽ cần dùng thực phẩm chức năng để bổ sung các chất dinh dưỡng bị thiếu hụt.

Các phương pháp điều trị trong tương lai

Các nhà khoa học hiện đang tiếp tục nghiên cứu các phương pháp mới để điều trị bệnh suy gan cấp, đặc biệt là những phương pháp có thể làm giảm hoặc trì hoãn việc phải phẫu thuật ghép gan. Dưới đây là một số phương pháp hiện đang trong quá trình thử nghiệm và chưa được đưa vào sử dụng:

  • Các thiết bị hỗ trợ gan nhân tạo: cấy một thiết bị có thể thực hiện chức năng của lá gan, giống như máy lọc máu khi thận ngừng hoạt động. Có nhiều loại thiết bị khác nhau đang được nghiên cứu. Thử nghiệm cho thấy rằng một số thiết bị này có thể cải thiện khả năng sống sót của người bị suy gan. Trong một thử nghiệm, một thiết bị có tên là hệ thống hỗ trợ gan ngoài cơ thể (extracorporeal liver support system) đã giúp một số người bị suy gan cấp sống sót mà không cần phải phẫu thuật ghép gan. Phương pháp điều trị còn được gọi là trao đổi huyết tương khối lượng lớn. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu thêm về phương pháp này.
  • Cấy ghép tế bào gan: trong tương lai có thể chỉ cần cấy ghép tế bào gan thay vì toàn bộ lá gan để tạm thời trì hoãn việc phải phẫu thuật ghép gan. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn nhờ phương pháp này. Tình trạng thiếu gan hiến tặng là một trong những khó khăn rất lớn của phương pháp phẫu thuật ghép gan.
  • Ghép gan phụ trợ: cắt bỏ đi một phần nhỏ của lá gan và thay thế bằng một phần gan khỏe mạnh có kích thước tương đương. Điều này cho phép gan tự tái sinh mà không cần dùng đến thuốc ức chế miễn dịch sau phẫu thuật. Cho đến thời điểm này thì ghép gan phụ trợ vẫn là một quy trình phẫu thuật phức tạp và cần nghiên cứu thêm.
  • Ghép tạng dị loại: thay thế gan của người bệnh bằng gan của động vật hoặc từ các nguồn không phải của con người. Các bác sĩ đã thử tiến hành ghép gan lợn vào cơ thể người cách đây vài chục năm nhưng kết quả là thất bại. Tuy nhiên, những tiến bộ trong y học miễn dịch và cấy ghép đã cho phép các nhà nghiên cứu thử nghiệm lại phương pháp ghép tạng dị loại. Nếu thành công thì đây sẽ là giải pháp có thể cứu sống hàng triệu người đang chờ ghép tạng hiện nay.

Nguồn tham khảo

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acute-liver-failure/symptoms-causes/syc-20352863 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây