Ung thư môi

Ung thư môi là gì?

Ung thư môi là bệnh ung thư xảy ra ở lớp da của môi. Ung thư có thể phát sinh ở bất kỳ vị trí nào dọc theo môi trên hoặc môi dưới nhưng phổ biến nhất là ở môi dưới. Ung thư môi được coi là một loại ung thư miệng.

Hầu hết các trường hợp ung thư môi là ung thư biểu mô tế bào vảy, có nghĩa là bắt đầu từ tế bào vảy – các tế bào mỏng, phẳng nằm ở lớp giữa và lớp ngoài của da.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư môi gồm có tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời và hút thuốc lá. Do đó, để giảm nguy cơ ung thư môi thì cần phải bảo vệ da mặt khỏi ánh nắng bằng cách bôi kem chống nắng, đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài và không hút thuốc lá.

Phương pháp điều trị ung thư môi thường là phẫu thuật để loại bỏ khối u. Đối với các trường hợp có khối u nhỏ thì quy trình phẫu thuật thường chỉ là một thủ thuật tiểu phẫu và gây tác động không đáng kể đến vẻ ngoài.

Đối với những trường hợp có khối u lớn thì sẽ phải cắt bỏ nhiều mô hơn. Sau đó cần tái tạo lại môi để bảo tồn khả năng ăn uống và nói chuyện bình thường, đồng thời khôi phục ngoại hình giống như trước khi phẫu thuật.

Dấu hiệu, triệu chứng ung thư môi

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư môi gồm có:

  • Có đốm phẳng hoặc hơi nhô lên, có màu sắc khác so với vùng da xung quanh (thường là màu trắng bợt hoặc đỏ)
  • Môi xuất hiện vết loét không lành, chảy máu
  • Môi hoặc vùng da quanh miệng có cảm giác ngứa, châm chích, đau hoặc tê

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên môi và vùng da quanh miệng.

Nguyên nhân gây ung thư môi

Nói chung, các bệnh ung thư đều bắt đầu phát sinh khi DNA của các tế bào có những thay đổi (đột biến). Sự đột biến này khiến cho các tế bào nhân lên một cách mất kiểm soát và tiếp tục tồn tại thay vì chết đi theo chu kỳ tự nhiên. Các tế bào bất thường này tích tụ lại tạo thành khối u có thể xâm lấn và phá hủy các mô khỏe mạnh xung quanh. Dần dần, chúng còn lan đến nhưng vị khác trong cơ thể (di căn).

Hiện khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nào khiến cho DNA của tế bào đột biến và dẫn đến ung thư.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư môi

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư môi gồm có:

  • Hút thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử, xì gà, tẩu, thuốc lá nhai...
  • Có da trắng
  • Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vùng mặt
  • Hệ miễn dịch suy yếu

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp được sử dụng để chẩn đoán ung thư môi gồm có:

  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra môi, miệng, mặt và cổ để tìm các dấu hiệu của ung thư, sau đó hỏi người bệnh về các dấu hiệu và triệu chứng gặp phải.
  • Sinh thiết: Lấy một mẫu mô nhỏ ở vị trí nghi ngờ để phân tích xem có sự hiện diện của tế bào ung thư hay không, nếu có thì sẽ xác định loại ung thư và mức độ ác tính của ung thư.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) được sử dụng để xác định ung thư đã di căn ra ngoài môi hay chưa.

Điều trị ung thư môi

Các phương pháp để điều trị ung thư môi gồm có:

  • Phẫu thuật: Cắt bỏ khối u ở môi và một phần mô lành xung quanh, sau đó sửa lại môi để người bệnh có thể ăn, uống và nói chuyện bình thường. Bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật giảm sẹo để hạn chế gây ảnh hưởng đến hình dạng môi và vẻ bề ngoài. Đối với các trường hợp có khối u nhỏ thì quy trình phẫu thuật thường chỉ là một thủ thuật tiểu phẫu. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có khối u lớn ở môi thì sẽ cần phải lên kế hoạch phẫu thuật cẩn thận để hạn chế gây ảnh hưởng đến hình dạng, cử động của môi và sau khi cắt bỏ khối u sẽ cần phẫu thuật tái tạo và tạo hình lại môi cho người bệnh. Trong quá trình phẫu thuật tái tạo, bác sĩ có thể lấy mô và da từ một bộ phận khác của cơ thể và ghép vào môi. Nếu như tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở cổ thì sẽ cần cắt bỏ cả các hạch bạch huyết này.
  • Xạ trị: Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia năng lượng mạnh, chẳng hạn như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong các trường hợp ung thư môi, xạ trị có thể được thực hiện một mình hoặc kết hợp với phẫu thuật (thường là phẫu thuật trước). Tùy từng trường hợp mà chùm tia phóng xạ sẽ chỉ nhắm vào môi hoặc nhắm cả vào các hạch bạch huyết ở cổ. Phương pháp xạ trị để điều trị bệnh ung thư môi thường là xạ trị chùm tia bên ngoài, trong đó một thiết bị lớn di chuyển xung quanh cơ thể người bệnh sẽ phát ra chùm tia phóng xạ và tập trung chính xác đến vị trí có khối u. Nhưng trong một số trường hợp, nguồn phóng xạ được đặt trực tiếp vào môi và được lấy ra sau một thời gian ngắn. Dạng xạ trị này được gọi là xạ trị bên trong hay xạ trị áp sát, cho phép sử dụng liều lượng phóng xạ cao hơn.
  • Hóa trị liệu: Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với ung thư môi, phương pháp hóa trị đôi khi được kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả điều trị. Trong trường hợp ung thư môi giai đoạn cuối đã di căn sang các vùng khác của cơ thể, hóa trị thường được thực hiện như một biện pháp để làm giảm các triệu chứng và giúp người bệnh dễ chịu hơn.
  • Điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích: Các loại thuốc này nhắm mục tiêu đến những điểm yếu cụ thể trong tế bào ung thư. Bằng cách tác động đến những điểm yếu này, thuốc nhắm trúng đích sẽ khiến cho các tế bào ung thư chết đi. Liệu pháp nhắm trúng đích thường được kết hợp với hóa trị liệu.
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị bằng các loại thuốc giúp hệ miễn dịch tự chống lại tế bào ung thư. Hệ miễn dịch vốn có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh nhưng lại không thể tấn công tế bào ung thư vì các tế bào này sản xuất ra loại protein giúp chúng không bị tế bào miễn dịch phát hiện. Liệu pháp miễn dịch có cơ chế là gây cản trở quá trình này. Đối với ung thư môi, liệu pháp miễn dịch thường được sử dụng khi ung thư đã tiến triển sang giai đoạn cuối và các phương pháp điều trị khác đều không còn khả thi.

Phòng ngừa ung thư môi

Để giảm nguy cơ ung thư môi thì cần:

  • Không thuốc lá: Nếu đang hút thuốc lá thì cần phải bỏ ngay. Khi hút thuốc lá, các tế bào trong môi phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại gây ung thư. Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư môi mà còn có thể gây ra nhiều bệnh ung thư khác.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng: Không nên để mặt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là lúc cường độ tia cực tím trong nắng ở mức mạnh nhất, ngay cả vào mùa đông hoặc những ngày trời nhiều mây. Nếu không có việc thực sự cần thiết thì không nên ra ngoài vào khoảng thời gian này và sắp xếp các hoạt động ngoài trời trước10 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều.
  • Sử dụng kem chống nắng: Nên chọn kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ít nhất là 30 và bôi cả trong những ngày không có nắng. Bôi đủ lượng kem cần thiết và bôi lại sau mỗi 2 tiếng hoặc thường xuyên hơn nếu đi bơi hoặc đổ mồ hôi.
  • Không dùng giường nhuộm da: Giường nhuộm da phát ra tia cực tím và cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư môi giống như ánh nắng mặt trời.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây