Ung thư túi mật

Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, khả năng chữa khỏi ung thư túi mật là rất cao. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ung thư túi mật đều được phát hiện khi đã chuyển sang các giai đoạn sau nên thường có tiên lượng xấu.

Ung thư túi mật là gì?

Ung thư túi mật là bệnh ung thư bắt đầu từ các tế bào trong túi mật.

Túi mật là một cơ quan nhỏ, hình quả lê nằm ở phía bên phải của bụng, ngay bên dưới gan. Túi mật là nơi tích trữ dịch mật – chất dịch do gan tạo ra và có vai trò rất quan trọng cho quá trình tiêu hóa chất béo trong thức ăn.

Ung thư túi mật là bệnh ung thư không phổ biến. Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, khả năng chữa khỏi ung thư túi mật là rất cao. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ung thư túi mật đều được phát hiện khi đã chuyển sang các giai đoạn sau nên thường có tiên lượng xấu. Lý do là bởi bệnh này thường không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng rõ rệt nào ở giai đoạn đầu. Ngoài ra, do túi mật nằm ở vị trí khá khuất trong ổ bụng nên ung thư thường âm thầm tiến triển mà không bị phát hiện.

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh ung thư túi mật gồm có:

  • Đau bụng, đặc biệt là ở vùng bụng trên bên phải
  • Chướng bụng
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Vàng da và tròng trắng của mắt
  • Buồn nôn, nôn, chất nôn có thể lẫn dịch mật màu vàng xanh, có vị đắng
  • Sốt

Khi nào cần đi khám?

Hãy đi khám bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi là ung thư túi mật.

Nguyên nhân

Ung thư túi mật xảy ra khi DNA của các tế bào khỏe mạnh trong túi mật có những thay đổi (đột biến). DNA có chứa các chỉ dẫn cho hoạt động của tế bào. Sự đột biến DNA khiến cho các tế bào phát triển một cách mất kiểm soát và tiếp tục sống thay vì chết đi theo chu kỳ tự nhiên giống như các tế bào khỏe mạnh. Các tế bào bất thường này tích tụ lại tạo thành khối u. Sau đó tế bào ung thư tách ra khỏi khối u, lan đến vùng mô xung quanh và sang các khu vực khác trong cơ thể.

Hầu hết các trường hợp ung thư túi mật đều bắt đầu phát sinh từ các tế bào tuyến nằm ở bề mặt bên trong của túi mật. Loại ung thư túi mật này được gọi là ung thư biểu mô tuyến.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư túi mật gồm có:

  • Giới tính: Tỷ lệ mắc ung thư túi mật ở phụ nữ cao hơn ở nam giới.
  • Tuổi tác: Nguy cơ ung thư túi mật tăng lên khi có tuổi.
  • Tiền sử sỏi mật: Ung thư túi mật thường xảy ra ở những người bị sỏi mật hoặc đã từng bị sỏi mật. Sỏi mật càng lớn thì nguy cơ càng cao. Tuy nhiên, không phải ai bị sỏi mật cũng bị ung thư túi mật. Tỷ lệ mắc ung thư túi mật ở những người bị sỏi mật cũng chỉ ở mức thấp.
  • Các bệnh và vấn đề khác ở túi mật: Các bệnh lý khác ở túi mật cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư túi mật, ví dụ như polyp, viêm mạn tính và nhiễm trùng.
  • Viêm đường mật: Viêm xơ đường mật nguyên phát – tình trạng các ống dẫntừ túi mật và gan bị viêm và hình thành mô sẹo – có thể làm tăng nguy cơ ung thư túi mật.

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp được sử dụng để chẩn đoán ung thư túi mật gồm có:

  • Xét nghiệm máu: để kiểm tra chức năng gan, từ đó có thể xác định nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ cho thấy hình ảnh của túi mật.

Xác định giai đoạn ung thư túi mật

Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư túi mật, bước tiếp theo là xác định mức độ lan rộng (giai đoạn) của bệnh ung thư. Điều này sẽ giúp đưa ra tiên lượng và phác đồ điều trị.

Các phương pháp được sử dụng để xác định đoạn ung thư gồm có:

  • Phẫu thuật mở bụng thăm dò: có thể sẽ phải phẫu thuật để kiểm tra bên trong khoang bụng nhằm tìm các dấu hiệu cho thấy ung thư túi mật đã di căn. Quy trình phẫu thuật này được thực hiện bằng phương pháp nội soi ổ bụng, trong đó bác sĩ rạch một đường nhỏ trên bụng và đưa ống nội soi vào bên trong. Máy ảnh gắn ở đầu ống nội soi sẽ cho thấy hình ảnh của các cơ quan xung quanh túi mật để tìm dấu hiệu ung thư đã di căn.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra đường mật: trước tiên bác sĩ tiêm thuốc cản quang vào đường mật và sau đó thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, gồm có chụp cộng hưởng từ đường mật hoặc nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP). Thuốc cản quang sẽ hiển thị rõ trên hình ảnh và cho thấy các bất thường, ví dụ như tắc nghẽn trong đường mật.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác: Hầu hết những người bị ung thư túi mật đều sẽ phải trải qua nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác nhau để kiểm tra xem ung thư đã lan rộng hay vẫn còn khu trú. Các phương pháp thường được sử dụng gồm có chụp CT và MRI ổ vùng bụng cũng như là lồng ngực.

Bác sĩ sử dụng kết quả của các phương pháp này để xác định giai đoạn ung thư. Bệnh ung thư túi mật tiến triển qua 5 giai đoạn, từ 0 đến IV. Ở các giai đoạn đầu, ung thư mới chỉ giới hạn trong túi mật và càng sang các giai đoạn sau thì ung thư càng lan rộng, di căn đến các cơ quan lân cận rồi sang các vùng khác ở xa trong cơ thể.

Điều trị

Phác đồ điều trị ung thư túi mật sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Mục đích của việc điều trị là loại bỏ khối u nhưng khi điều này không còn khả thi thì sẽ cần điều trị bằng các biện pháp khác để làm chậm sự tiến triển của ung thư và giảm các triệu chứng cho người bệnh.

Phẫu thuật điều trị ung thư giai đoạn đầu

Các trường hợp ung thư túi mật giai đoạn đầu thường được điều trị bằng phẫu thuật:

  • Phẫu thuật cắt bỏ túi mật: Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu và các tổn thương ung thư mới chỉ khu trú trong túi mật thì có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt túi mật.
  • Phẫu thuật cắt túi mật và một phần gan: Nếu ung thư đã lan ra ngoài túi mật và di căn vào gan thì sẽ cần phải cắt bỏ túi mật cùng với một phần gan và đường mật bao quanh túi mật.

Nếu như khối u trong túi mật có kích thước rất nhỏ thì có thể loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật cắt túi mật và sau đó không cần điều trị thêm. Tuy nhiên, nếu như có khả năng tế bào ung thư vẫn còn sau phẫu thuật thì người bệnh sẽ cần hóa trị hoặc các phương pháp điều trị khác.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào đang phát triển bất thường trong cơ thể, bao gồm cả tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch ở cánh tay, đường uống hoặc kết hợp cả hai.

Phương pháp hóa trị có thể được thực hiện sau khi phẫu thuật nếu như còn sót lại tế bào ung thư hoặc cũng có thể được sử dụng để kiểm soát bệnh ung thư đối với những trường hợp mà phẫu thuật đã không còn khả thi.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia phóng xạ mạnh, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Các chùm năng lượng phóng xạ có thể đến từ một thiết bị di chuyển xung quanh cơ thể người bệnh hoặc nguồn phóng xạ được đưa vào bên trong cơ thể, ngay sát khối u.

Xạ trị đôi khi được kết hợp với hóa trị sau khi phẫu thuật nếu như không thể loại bỏ được hoàn toàn tế bào ung thư. Xạ trị cũng là một giải pháp để làm giảm triệu chứng và kiểm soát ung thư cho những trường hợp không thể phẫu thuật.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng các loại thuốc có tác dụng can thiệp vào các điểm yếu cụ thể của tế bào ung thư và khiến cho các tế bào này chết đi. Liệu pháp nhắm trúng đích là một lựa chọn điều trị cho các trường hợp ung thư túi mật giai đoạn cuối.

Trước tiên bác sĩ sẽ xét nghiệm tế bào ung thư để xác định loại thuốc nhắm trúng đích hiệu quả nhất.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch sử dụng các loại thuốc hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư. Hệ miễn dịch vốn có chức năng chống lại bệnh tật nhưng lại không thể tấn công tế bào ung thư vì các tế bào này sản sinh ra các protein khiến cho tế bào miễn dịch không phát hiện ra chúng. Các loại thuốc trong liệu pháp miễn dịch có tác dụng can thiệp vào quá trình này.

Liệu pháp miễn dịch là một lựa chọn điều trị ung thư túi mật giai đoạn cuối.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây