Cơ tim phì đại

Có nhiều nguyên nhân khiến cho cơ tim trở nên dày hơn hoặc khiến cho một trong các buồng tim giãn ra và làm cho tim lớn hơn bình thường. Cơ tim phì đại có thể là vấn đề tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.

Cơ tim phì đại là gì?

Cơ tim phì đại hay tim to (cardiomegaly) là tình trạng tim có kích thước lớn hơn bình thường.

Bản thân cơ tim phì đại không phải là một bệnh mà thường là dấu hiệu, triệu chứng của các bệnh lý hay vấn đề khác.

Cơ tim phì đại có thể xảy ra sau một thời gian cơ thể có những thay đổi, chẳng hạn như do mang thai hoặc xảy ra do một tình trạng bệnh lý như suy yếu cơ tim, bệnh mạch vành, các vấn đề về van tim hoặc nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim).

Có nhiều nguyên nhân khiến cho cơ tim trở nên dày hơn hoặc khiến cho một trong các buồng tim giãn ra và làm cho tim lớn hơn bình thường. Cơ tim phì đại có thể là vấn đề tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.

Để điều trị cơ tim phì đại thì thường phải điều trị nguyên nhân gốc rễ. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc, thủ thuật hoặc phẫu thuật.

Triệu chứng cơ tim phì đại

Ở nhiều người, cơ tim phì đại không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng nếu có thì các triệu chứng thường là:

  • Hụt hơi
  • Nhịp tim bất thường
  • Phù nề

Nếu được phát hiện sớm, cơ tim phì đại sẽ dễ điều trị hơn nên nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào thì hãy đi khám ngay.

Đến bệnh viện khẩn cấp khi có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây vì đó có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim:

  • Đau ngực
  • Đau lan đến các vùng khác của cơ thể như một hoặc cả hai cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc bụng
  • Khó thở nghiêm trọng
  • Ngất

Nguyên nhân gây cơ tim phì đại

Cơ tim phì đại có thể xảy ra do các bệnh lý khiến tim phải co bóp mạnh hơn bình thường hoặc gây tổn thương cơ tim. Đôi khi tim to lên và suy yếu mà không rõ nguyên nhân. Tình trạng này được gọi là cơ tim phì đại vô căn.

Bệnh tim bẩm sinh, tổn thương cơ tim do nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim có thể khiến cơ tim dày lên hoặc buồng tim giãn. Các bệnh lý khác cũng có thể dẫn đến cơ tim phì đại gồm có:

  • Cao huyết áp: Khi bị cao huyết áp, tim phải làm việc nhiền hơn để bơm máu đến phần còn lại của cơ thể, điều này dần dần khiến cơ tim to và dày lên. Cao huyết áp có thể làm cho tâm thất trái bị giãn và khiến cơ tim trở nên yếu đi. Cao huyết áp cũng có thể ảnh hưởng đến các buồng trên của tim (tâm nhĩ).
  • Bệnh van tim: Tim gồm có bốn van với vai trò giữ cho máu lưu thông đúng hướng. Nếu các van này bị hỏng do các bệnh như sốt thấp khớp, dị tật tim, nhiễm trùng (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng), rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), bệnh mô liên kết, một số loại thuốc hoặc xạ trị điều trị ung thư, tim có thể bị to lên.
  • Cơ tim giãn: Bệnh lý này khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể. Tim sẽ phải làm việc nhiều hơn và theo thời gian, tim sẽ to lên.
  • Tăng áp động mạch phổi: Tình trạng áp lực máu tăng lên trong động mạch nối tim và phổi, khiến tim phải co bóp mạnh hơn để máu có thể lưu thông giữa phổi và tim. Kết quả là tâm thất phải sẽ bị giãn và to lên.
  • Tràn dịch màng ngoài tim: Sự tích tụ chất lỏng trong khoang màng ngoài tim có thể khiến tim có vẻ to lên trên ảnh chụp X-quang ngực.
  • Bệnh mạch vành: Đây là tình trạng chất béo tích tụ tạo thành mảng xơ vữa trong động mạch tim, khiến cho lòng động mạch bị thu hẹp và gây cản trở sự lưu thông máu qua các mạch máu của tim. Bệnh mạch vành có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và gây tổn thương một phần cơ tim. Lúc này, tim phải co bóp mạnh hơn để cung cấp đủ máu đến phần còn lại của cơ thể và dần dần tim sẽ to lên.
  • Thiếu máu: Thiếu máu là tình trạng máu có quá ít hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đến các mô. Thiếu máu mạn tính không được điều trị có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc thất thường. Tim phải bơm máu nhiều hơn để bù đắp lượng oxy thiếu hụt trong máu.
  • Bệnh tuyến giáp: Cả suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) đều có thể dẫn đến các vấn đề về tim, trong đó có cơ tim phì đại.
  • Ứ sắt: Ứ sắt là tình trạng xảy ra do cơ thể không chuyển hóa chất sắt một cách hiệu quả, dẫn đến tích tụ sắt trong các cơ quan, bao gồm cả tim. Điều này có thể khiến tâm thất trái bị giãn do cơ tim trở nên suy yếu.
  • Các bệnh hiếm gặp ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn như bệnh thoái hóa tinh bột (amyloidosis): Thoái hóa tinh bột là tình trạng có các protein bất thường lưu thông trong máu và tích tụ lại trong tim, ảnh hưởng đến chức năng của tim và khiến tim to ra.

Các yếu tố nguy cơ

Nguy cơ bị cơ tim phì đại sẽ tăng cao nếu có bất kỳ yếu tố nào sau đây:

  • Cao huyết áp: Huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên được coi là cao huyết áp.
  • Tiền sử gia đình bị cơ tim phì đại hoặc bệnh cơ tim: Những người có người thân trong gia đình, chẳng hạn như bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc chứng cơ tim phì đại sẽ có nguy cơ gặp phải vấn đề này cao hơn bình thường.
  • Bệnh tim bẩm sinh: Những người sinh ra đã có vấn đề về cấu trúc tim có nguy cơ bị cơ tim phì đại cao hơn.
  • Bệnh van tim: Các bệnh lý làm hỏng van tim có thể khiến tim to lên.

Biến chứng của cơ tim phì đại

Nguy cơ xảy ra biến chứng do cơ tim phì đại phụ thuộc vào bộ phận bị phì đại của tim và nguyên nhân.

Cơ tim phì đại có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Suy tim: Phì đại tâm thất trái - một trong những loại cơ tim phì đại nghiêm trọng nhất - làm tăng nguy cơ suy tim. Suy tim là tình trạng mà cơ tim yếu đi và tâm thất giãn ra đến mức tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả.
  • Huyết khối: Cơ tim phì đại có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong nội tâm mạc. Cục máu đông có thể bong ra, di chuyển theo dòng máu và gây cản trở lưu thông máu đến các cơ quan quan trọng. Điều này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Cục máu đông hình thành ở tâm thất phải có thể di chuyển đến phổi và gây thuyên tắc phổi - một tình trạng đe dọa đến tính mạng.
  • Tiếng thổi ở tim: Ở nhiều người bị cơ tim phì đại, 2 trong số 4 van của tim là van hai lá và van ba lá bị giãn và không đóng chặt, khiến cho máu chảy ngược. Điều này tạo ra tiếng thổi ở tim khi nghe tim. Mặc dù không quá đáng ngại nhưng những trường hợp có tiếng thổi ở tim cần được theo dõi sát sao.
  • Ngừng tim và đột tử: Đôi khi, cơ tim phì đại có thể làm thay đổi nhịp đập của tim. Nhịp tim quá chậm hoặc quá nhanh có thể dẫn đến ngất xỉu hay thậm chí là ngừng tim và đột tử.

Phòng ngừa cơ tim phì đại

Hãy cho bác sĩ biết nếu có tiền sử gia đình mắc các bệnh có thể gây cơ tim phì đại, chẳng hạn như bệnh cơ tim. Những người bị bệnh cơ tim hoặc các bệnh tim khác cần điều trị theo đúng chỉ định để ngăn bệnh tiến triển nặng.

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như hút thuốc lá, cao huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường có thể làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đồng thời giảm thiếu nguy cơ cơ tim phì đại và suy tim.

Để giảm nguy cơ suy tim, hãy ăn uống lành mạnh, không lạm dụng rượu và không sử dụng các chất ma túy. Kiểm soát tình trạng cao huyết áp bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc sẽ giúp ngăn chứng tim to tiến triển thành suy tim.

Chẩn đoán cơ tim phì đại

Nếu người bệnh có các triệu chứng của vấn đề về tim, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và chỉ định các phương pháp chẩn đoán để kiểm tra xem cơ tim có bị phì đại hay không và tìm nguyên nhân. Các phương pháp chẩn đoán gồm có:

  • Chụp X-quang lồng ngực: Hình ảnh X-quang giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của phổi và tim. Nếu ảnh chụp X-quang cho thấy cơ tim phì đại thì sẽ phải thực hiện thêm các bước kiểm tra khác để tìm nguyên nhân.
  • Điện tâm đồ: Ghi lại hoạt động điện của tim thông qua các điện cực đặt trên da. Nhịp tim được ghi lại dưới dạng sóng và hiển thị trên màn hình hoặc in lên giấy. Điện tâm đồ giúp bác sĩ chẩn đoán các vấn đề về nhịp tim và tổn thương tim do nhồi máu cơ tim.
  • Siêu âm tim: Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh động của tim, giúp chẩn đoán và theo dõi phì đại cơ tim. Dựa trên hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá bốn buồng tim, khả năng bơm máu cuả tim, xác định buồng tim bị giãn, tình trạng van tim, phát hiện tiền sử nhồi máu cơ tim và bệnh tim bẩm sinh.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Phương pháp này cung cấp thông tin về mức độ hoạt động của tim trong quá trình hoạt động thể chất. Trong nghiệm pháp gắng sức, người bệnh thực hiện một số bài tập thể dục như đi bộ trên máy hoặc đạp xe tại chỗ trong khi bác sĩ theo dõi nhịp tim, huyết áp và nhịp thở.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: Trong quá trình chụp CT tim, người nằm trên bàn chụp và được đưa vào bên trong lòng máy chụp. Chùm tia X quét qua một khu vực hoặc toàn bộ cơ thể và cho ra hình ảnh chi tiết của tim và ngực. Chụp MRI tim sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của tim.
  • Xét nghiệm máu: Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ một số chất trong máu. Nồng độ bất thường có thể là dấu hiệu chỉ ra vấn đề về tim. Kết quả xét nghiệm máu giúp bác sĩ phát hiện hoặc loại trừ các bệnh lý khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự cơ tim phì đại.
  • Thông tim và sinh thiết: Trong thủ thuật này, một ống thông được đưa vào động mạch ở bẹn và luồn đến tim. Tại đây bác sĩ lấy một mẫu mô tim nhỏ để phân tích và đồng thời có thể đo áp lực trong các buồng tim. Bác sĩ có thể bơm thuốc cản quang vào các động mạch của tim và quan sát dưới màn hình tăng sáng để phát hiện tắc nghẽn động mạch.

Điều trị cơ tim phì đại

Phương pháp điều trị cơ tim phì đại phụ thuộc vào nguyên nhân.

Điều trị bằng thuốc

Nếu bệnh cơ tim hoặc một bệnh tim khác là nguyên nhân gây ra chứng tim to thì phương pháp điều trị thường là dùng thuốc:

  • Thuốc lợi tiểu để giảm lượng natri và nước trong cơ thể, nhờ đó làm giảm áp lực trong động mạch và tim.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE) để làm giảm huyết áp và cải thiện khả năng bơm máu của tim.
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): nhóm thuốc này có tác dụng tương tự thuốc ức chế men chuyển và dànhd cho những người không thể dùng thuốc ức chế men chuyển.
  • Thuốc chẹn beta để giảm huyết áp và cải thiện chức năng tim.
  • Thuốc chống đông máu để ngăn hình thành cục máu đông, từ đó giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim để duy trì nhịp tim ổn định bình thường.

Điều trị bằng phẫu thuật

Đối với những trường hợp cơ tim phì đại không thể điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định một trong các thủ thuật sau đây:

  • Cấy thiết bị điều hòa nhịp tim: Đối với một số loại cơ tim phì đại (bệnh cơ tim giãn), người bệnh cần cấy máy tạo nhịp tim để điều hòa các cơn co bóp ở tâm thất trái và tâm thất phải. Đối với những người có nguy cơ rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, giải pháp điều trị thường là dùng thuốc hoặc cấy máy khử rung tim (implantable cardioverter-defibrillator - ICD). Máy khử rung tim là một thiết bị nhỏ được cấy ở ngực để liên tục theo dõi nhịp tim và tạo ra sốc điện khi cần thiết để kiểm soát nhịp tim nhanh, thất thường. Máy khử rung tim cũng có thể hoạt động như máy tạo nhịp tim. Nếu nguyên nhân chính gây cơ tim phì đại là do rung nhĩ thì người bệnh sẽ cần điều trị bằng các thủ thuật để khôi phục nhịp tim bình thường hoặc để tim không đập quá nhanh.
  • Phẫu thuật van tim: Nếu nguyên nhân gây cơ tim phì đại là do một trong các van tim có vấn đề hoặc nếu cơ tim phì đại làm hỏng van tim, người bệnh sẽ phải phẫu thuật để sửa hoặc thay van tim.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Nếu cơ tim phì đại có liên quan đến bệnh mạch vành, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
  • Thiết bị hỗ trợ thất trái: Những người bị suy tim có thể cần cấy thiết bị hỗ trợ thất trái (left ventricular assist device – LVAD) để giúp tim bơm máu. Người bệnh có thể được cấy thiết bị này trong khi chờ ghép tim hoặc nếu không thể phẫu thuật ghép tim thì đây là giải pháp điều trị lâu dài cho bệnh suy tim.
  • Ghép tim: Phẫu thuật ghép tim là giải pháp cuối cùng cho những trường hợp không thể kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc. Tuy nhiên, do nguồn tạng hiến tạng rất khan hiếm nên những người bị bệnh tim, kể cả những người bị bệnh nặng, đều phải chờ rất lâu mới tìm được người hiến tim phù hợp.

Lối sống và chế độ ăn uống

Mặc dù không thể chữa khỏi cơ tim phì đại nhưng có nhiều cách để cải thiện tình trạng, trong đó có thay đổi lối sống và chế độ ăn uống:

  • Bỏ thuốc lá
  • Giữ cân nặng khỏe mạnh và giảm cân nếu thừa cân
  • Ăn ít muối
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường.
  • Theo dõi huyết áp và cố gắng duy trì huyết áp ổn định nếu bị cao huyết áp
  • Tập thể dục cường độ vừa phải đều đặn mỗi ngày
  • Hạn chế rượu bia và caffeine
  • Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây