Đa ối

Hầu hết các trường hợp đa ối đều chỉ nhẹ và là kết quả của sự tích tụ dần dần nước ối trong nửa sau của thai kỳ. Tuy nhiên, đa ối nặng có thể gây khó thở, chuyển dạ sinh non hoặc các vấn đề khác.

Đa ối là gì?

Đa ối (polyhydramnios) là tình trạng tích tụ quá nhiều nước ối - chất lỏng bao quanh thai nhi trong tử cung khi mang thai. Đa ối xảy ra ở khoảng 1 đến 2% các trường hợp mang thai.

Hầu hết các trường hợp đa ối đều chỉ nhẹ và là kết quả của sự tích tụ dần dần nước ối trong nửa sau của thai kỳ. Tuy nhiên, đa ối nặng có thể gây khó thở, chuyển dạ sinh non hoặc các vấn đề khác.

Những sản phụ bị đa ối sẽ được theo dõi cẩn thận trong suốt thai kỳ để ngăn ngừa các biến chứng. Việc điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Đa ối nhẹ có thể sẽ tự hết nhưng nếu nặng thì cần theo dõi chặt chẽ hơn và phải can thiệp điều trị.

Triệu chứng

Các triệu chứng đa ối xảy ra do lượng nước ối lớn gây áp lực lên tử cung và các cơ quan lân cận.

Đa ối nhẹ hầu như không có bất kỳ dấu hiệu nào nhưng đa ối nặng có thể gây:

  • Khó thở
  • Sưng phù ở chi dưới và thành bụng
  • Khó chịu hoặc co thắt tử cung
  • Vị trí bất thường của thai nhi, chẳng hạn như thai ngôi mông

Đa ối còn có thể khiến cho tử cung to lên quá mức và khó cảm nhận được thai nhi trong khi khám thai.

Nguyên nhân

Một số nguyên nhân gây đa ối gồm có:

  • Dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến đường tiêu hóa hoặc hệ thần kinh trung ương của thai nhi
  • Mẹ bị bệnh tiểu đường
  • Hội chứng truyền máu song thai - một biến chứng có thể xảy ra khi mang song thai cùng trứng, trong đó một bé nhận được quá nhiều máu trong khi bé còn lại nhận được quá ít máu
  • Thiếu máu bào thai
  • Bất đồng nhóm máu mẹ con
  • Nhiễm trùng khi mang thai

Cũng có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân gây đa ối.

Biến chứng

Đa ối có thể dẫn đến:

  • Sinh non
  • Vỡ ối sớm
  • Nhau bong non - nhau thai bong ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh
  • Sa dây rốn - dây rốn sa xuống âm đạo
  • Phải mổ lấy thai
  • Thai chết lưu
  • Người mẹ bị ra nhiều máu do thiếu trương lực cơ tử cung sau khi sinh

Tình trạng đa ối xảy ra càng sớm trong thai kỳ và lượng nước ối dư thừa càng lớn thì nguy cơ xảy ra biến chứng càng cao.

Biện pháp chẩn đoán

Nếu bác sĩ nghi ngờ đa ối thì sẽ tiến hành siêu âm thai. Phương pháp này sử dụng sóng âm thành tần số cao để tạo ra hình ảnh của thai nhi trên màn hình.

Nếu lần siêu âm ban đầu cho thấy dấu hiệu của chứng đa ối thì bác sĩ sẽ tiếp tục siêu âm kỹ hơn và ước tính thể tích nước ối (amniotic fluid volume - AFV) bằng cách đo khoang ối lớn nhất, sâu nhất quanh thai nhi. Giá trị AFV từ 8cm trở lên có nghĩa là đa ối.

Một cách khác để đo lượng nước ối là chia buồng tử cung làm 4 phần và đo bề sâu của khoang lớn nhất trong mỗi phần, sau đó cộng lại. Con số tổng là chỉ số nước ối (amniotic fluid index - AFI). AFI từ 25cm trở lên có nghĩa là đa ối. Bác sĩ cũng sẽ siêu âm chi tiết để chẩn đoán hoặc loại trừ các dị tật bẩm sinh và các biến chứng khác.

Nếu như bác sĩ chẩn đoán đa ối thì có thể cần thực hiện thêm một số phương pháp xét nghiệm bổ sung. Việc xét nghiệm sẽ dựa trên các yếu tố nguy cơ, khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng và những đánh giá trước đó về thai nhi. Một số xét nghiệm có thể cần thực hiện gồm có:

  • Xét nghiệm máu: để phát hiện các bệnh nhiễm trùng liên quan đến đa ối.
  • Chọc ối: là một thủ thuật trong đó một lượng nước ối được lấy ra khỏi tử cung để làm xét nghiệm. Lượng nước ối này có chứa các tế bào thai và các chất do thai nhi tạo ra. Mẫu nước ối sẽ được đem đi phân tích bộ nhiễm sắc thể (karyotype) để sàng lọc các bất thường.

Những sản phụ bị đa ối sẽ được theo dõi chặt chẽ trong thời gian mang thai và cần tiến hành các phương pháp dưới đây:

  • Xét nghiệm Non-stress test (NST): phương pháp này đo tim thai khi thai nhi di chuyển trong bụng mẹ. Trong quá trình kiểm tra, người mẹ sẽ đeo một thiết bị đặc biệt trên bụng để đo nhịp tim của em bé. Trước đó có thể sẽ phải ăn uống thứ gì đó hoặc xoa nhẹ lên bụng mẹ để đánh thức thai nhi và làm cho thai nhi cử động.
  • Trắc đồ sinh vật lý (biophysical profile – BPP): sử dụng siêu âm để có thêm thông tin về nhịp thở, nhịp tim, trương lực cơ và chuyển động của em bé cũng như là thể tích nước ối trong tử cung. Phương pháp này có thể được kết hợp với xét nghiệm Non-stress.

Phương pháp điều trị

Đa phần các trường hợp đa ối nhẹ đều không cần điều trị và sẽ tự hết. Ngay cả những trường hợp đa ối gây triệu chứng khó chịu thì cũng thường có thể dễ dàng kiểm soát mà không cần phải can thiệp y tế.

Trong các trường hợp mà nguyên nhân là do một vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường thì việc điều trị, kiểm soát vấn đề đó sẽ giải quyết được chứng đa ối.

Nếu đa ối dẫn đến chuyển dạ sinh non, khó thở hoặc đau bụng dữ dội thì sẽ cần đến bệnh viện. Các phương pháp can thiệp điều trị gồm có:

  • Dẫn lưu lượng nước ối dư thừa: sử dụng phương pháp chọc ối để rút bớt lượng nước ối thừa ra khỏi tử cung. Thủ thuật này có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn như chuyển dạ sinh non, nhau bong non và vỡ ối sớm.
  • Dùng thuốc: bác sĩ sẽ kê thuốc indomethacin (một loại thuốc chống viêm không steroid) để làm giảm sự sản xuất nước tiểu của thai nhi và lượng nước ối. Tuy nhiên, không sử dụng thuốc này sau tuần 31 của thai kỳ. Do nguy cơ xảy ra các vấn đề về tim thai nên nhịp tim của em bé cần được theo dõi bằng phương pháp siêu âm tim thai và siêu âm Doppler khi dùng thuốc. Các tác dụng phụ khác còn có buồn nôn, nôn, trào ngược axit và viêm niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày).

Sau khi điều trị, sản phụ vẫn cần đến tái khám để bác sĩ theo dõi lượng nước ối khoảng 1 đến 3 tuần một lần.

Nếu bị đa ối mức độ từ nhẹ đến vừa thì vẫn có thể mang thai đủ tháng, có nghĩa là sinh ở tuần thứ 39 hoặc 40. Nhưng nếu bị đa ối nặng thì bác sĩ sẽ tư vấn về thời điểm sinh thích hợp để tránh các biến chứng cho mẹ và con.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây