Ngừng tim đột ngột

Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức đột ngột. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống điện của tim có vấn đề, làm gián đoạn hoạt động bơm máu của tim và dẫn đến ngừng lưu thông máu trong cơ thể.

Ngừng tim đột ngột không giống như nhồi máu cơ tim – tình trạng xảy ra do sự lưu thông máu đến một phần của tim bị gián đoạn. Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim đôi khi gây ra rối loạn trong hệ thống điện của tim và dẫn đến ngừng tim đột ngột.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, ngừng tim đập đột ngột sẽ dẫn đến tử vong. Do đó, bệnh nhân cần được can thiệp nhanh chóng và đúng cách. Hồi sinh tim phổi (CPR), sử dụng máy khử rung tim hoặc thậm chí chỉ cần ép ngực ngoài lồng ngực trong khi chờ nhân viên y tế đến có thể giúp cải thiện khả năng sống sót cho bệnh nhân.

Dấu hiệu ngừng tim đột ngột

Các dấu hiệu của ngừng tim đột ngột xuất hiện ngay lập tức khi hoạt động của tim bị gián đoạn. Các dấu hiệu thường gặp gồm có:

  • Ngất
  • Không có mạch
  • Ngừng thở
  • Mất ý thức

Đôi khi, bệnh nhân gặp các dấu hiệu bất thường từ trước khi ngừng tim, chẳng hạn như:

  • Cảm giác đau hoặc khó chịu ở ngực
  • Khó thở
  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Tim đập nhanh và mạnh trong lồng ngực (đánh trống ngực)

Tuy nhiên, ngừng tim đột ngột thường xảy ra mà không có dấu hiệu cảnh báo trước.

Khi nào cần đi khám?

Gọi cấp cứu ngay nếu bản thân hoặc người xung quanh có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Đau thắt ngực
  • Tim đập nhanh hoặc không đều
  • Thở khò khè không rõ nguyên nhân
  • Khó thở
  • Ngất xỉu hoặc choáng váng, xây xẩm như sắp ngất
  • Hoa mắt, chóng mặt

Khi tim ngừng đập, cơ thể sẽ không được cung cấp máu giàu oxy và điều này có thể dẫn đến tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn chỉ trong vòng vài phút. Do đó, khi một người bị ngừng tim, các biện pháp cấp cứu phải được thực hiện ngay lập tức và mỗi một giây đều vô cùng quý giá.

Nếu nhận thấy có người bị bất tỉnh và không thể hô hấp bình thường, hãy thực hiện các bước sau:

  1. Gọi cấp cứu trước khi bắt đầu hồi sinh tim phổi.
  2. Tiến hành hồi sức tim phổi (CPR): Kiểm tra nhanh nhịp thở của người đó. Nếu người đó không thở bình thường, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi. Ấn mạnh và dứt khoát lên ngực của bệnh nhân với tốc độ từ 100 đến 120 lần mỗi phút. Nếu đã được đào tạo về hồi sức tim phổi, hãy kiểm tra đường thở của bệnh nhân và hô hấp nhân tạo sau mỗi 30 lần ấn.
  3. Nếu chưa qua đào tạo về hồi sức tim phổi thì chỉ cần tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực. Chờ lồng ngực phồng trở lại hoàn toàn sau mỗi lần ép. Tiếp tục thực hiện cho đến khi có máy khử rung tim di động hoặc cho đến khi nhân viên y tế đến.
  4. Sử dụng máy khử rung tim di động, nếu có. Máy khử rung tim kiểm tra nhịp tim của bệnh nhân và tạo sốc điện khi cần. Sau khi sốc điện, tiếp tục hồi sinh tim phổi ngay lập tức, bắt đầu bằng ép ngực rồi hô hấp nhân tạo hoặc chỉ ép ngực trong khoảng 2 phút.
  5. Sử dụng máy khử rung tim để kiểm tra lại nhịp tim của bệnh nhân. Nếu cần thiết, máy khử rung tim sẽ tiếp tục tạo sốc điện. Lặp lại quy trình này cho đến khi bệnh nhân khôi phục ý thức hoặc nhân viên y tế đến.

Nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột

Thông thường, nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột là do rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường). Rối loạn nhịp tim xảy ra khi có trục trặc trong hệ thống điện của tim.

Hệ thống điện kiểm soát tốc độ và nhịp đập của tim. Nếu hệ thống điện có vấn đề, tim sẽ đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Những bất thường về nhịp tim này đa phần chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và vô hại nhưng một số loại rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến ngừng tim đột ngột.

Loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất tại thời điểm ngừng tim đột ngột là rối loạn nhịp tim ở buồng tim phía dưới (tâm thất). Các xung điện quá nhanh và thất thường khiến tâm thất rung lên thay vì co bóp để bơm máu (rung thất).

Các bệnh lý có thể dẫn đến ngừng tim đột ngột

Ngừng tim đột ngột có thể xảy ra ở cả những người có sức khỏe tim mạch bình thường. Tuy nhiên, rối loạn nhịp tim nguy hiểm thường xảy ra ở những người mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như:

  • Bệnh mạch vành: Hầu hết các trường hợp ngừng tim đột ngột đều xảy ra ở những người bị bệnh mạch vành – tình trạng mà động mạch bị tắc nghẽn do cholesterol và các chất khác tích tụ, làm giảm lưu lượng máu đến tim.
  • Nhồi máu cơ tim: Thường là kết quả của bệnh mạch vành nghiêm trọng, nhồi máu cơ tim có thể gây ra rung thất và ngừng tim đột ngột. Ngoài ra, cơn nhồi máu cơ tim có thể gây hình thành mô sẹo trong tim. Mô sẹo gây gián đoạn quá trình truyền tín hiệu điện và dẫn đến những bất thường về nhịp tim.
  • Tim to (bệnh cơ tim phì đại): Tình trạng thành tim dày lên, khiến cho tim to hơn bình thường. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của tim và có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.
  • Bệnh van tim: Rò rỉ hoặc hẹp van tim có thể khiến cho cơ tim bị kéo giãn hoặc dày lên. Các buồng tim giãn rộng hoặc suy yếu sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.
  • Dị tật tim bẩm sinh: Một nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột ở trẻ nhỏ hoặc thiếu niên là bệnh tim bẩm sinh. Những người trưởng thành đã từng phẫu thuật điều trị dị tật tim bẩm sinh vẫn có nguy cơ cao bị ngừng tim đột ngột.
  • Các vấn đề về hệ thống điện trong tim: Ở một số người, vấn đề nằm ở chính hệ thống điện của tim chứ không phải do cơ tim hay van tim. Một số dạng rối loạn hệ thống điện của tim có thể kể đến như hội chứng Brugada và hội chứng QT kéo dài.

Ai có nguy cơ ngừng tim đột ngột?

Vì ngừng tim đột ngột thường có liên quan đến bệnh mạch vành nên những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành cũng có thể làm tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột. Các yếu tố này gồm có:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch vành
  • Hút thuốc lá
  • Cao huyết áp
  • Cholesterol trong máu cao
  • Béo phì
  • Bệnh tiểu đường
  • Lối sống ít vận động

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột:

  • Đã từng bị ngừng tim trước đây hoặc tiền sử gia đình bị ngừng tim
  • Từng bị nhồi máu cơ tim
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc các bệnh tim mạch khác, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim, dị tật tim bẩm sinh, suy tim và bệnh cơ tim phì đại
  • Lớn tuổi - nguy cơ ngừng tim đột ngột tăng lên theo tuổi tác
  • Là nam giới
  • Sử dụng chất ma túy, chẳng hạn như cocaine hoặc amphetamine
  • Mất cân bằng dinh dưỡng, chẳng hạn như nồng độ kali hoặc magiê trong máu thấp
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Bệnh thận mạn

Biến chứng của ngừng tim đột ngột

Ngừng tim đột ngột làm giảm lưu lượng máu đến não và gây bất tỉnh. Nếu không nhanh chóng khôi phục nhịp tim lại bình thường, não sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và dẫn đến tử vong. Nhiều người dù sống sót sau ngừng tim nhưng lại gặp phải nhiều biến chứng do tổn thương não.

Phòng ngừa ngừng tim đột ngột

Có thể giảm nguy cơ ngừng tim đột ngột bằng cách khám sức khỏe định kỳ, tầm soát tim mạch và duy trì lối sống điều độ, có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Một số thay đổi về lối sống giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch:

  • Không hút thuốc lá
  • Đạt được và duy trì cân nặng hợp lý
  • Uống rượu bia vừa phải. Phụ nữ và nam giới trên 65 tuổi không nên uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày và nam giới dưới 65 tuổi không nên uống quá đơn vị cồn. Một đơn vị cồn là khoảng 10 gram cồn nguyên chất.
  • Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch.
  • Tích cực hoạt động thể chất.
  • Hạn chế căng thẳng.

Dùng thuốc

Đối với những người đang mắc bệnh tim mạch hoặc các bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bác sĩ sẽ đề nghị dùng các loại thuốc để cải thiện sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như thuốc điều trị cholesterol cao hoặc thuốc kiểm soát đường huyết.

Những người đang mắc các bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột có thể phải dùng thuốc chống loạn nhịp tim.

Thiết bị y tế

Đối với những trường hợp có nguy cơ ngừng tim cao, bác sĩ có thể chỉ định cấy máy khử rung tim để phòng ngừa.

Chẩn đoán ngừng tim đột ngột

Nếu bệnh nhân sống sót sau ngừng tim đột ngột, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân để có biện pháp ngăn ngừa tái diễn trong tương lai. Các phương pháp thường được sử dụng để tìm nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột gồm có:

Điện tâm đồ (ECG)

Điện tâm đồ hay đo điện tim là một phương pháp đơn giản, không xâm lấn, sử dụng các cảm biến (điện cực) gắn lên ngực và đôi khi ở cả tay chân của bệnh nhân để kiểm tra hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ giúp phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc các bất thường khác trong hoạt động điện của tim, chẳng hạn như khoảng QT kéo dài. Những bất thường này làm tăng nguy cơ đột tử.

Xét nghiệm máu

Bệnh nhân có thể phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ kali, magiê, hormone và các hóa chất khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn được thực hiện nhằm phát hiện tổn thương tim và tiền sử nhồi máu cơ tim gần đây.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng gồm có:

  • Chụp X-quang lồng ngực: Phương pháp này giúp kiểm tra kích thước và hình dạng của tim cũng như các mạch máu của tim. Chụp X-quang lồng ngực còn giúp phát hiện suy tim.
  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim. Siêu âm tim giúp kiểm tra tình trạng tổn thương tim do nhồi máu cơ tim, tim không bơm đủ mạnh hoặc vấn đề với van tim. Siêu âm tim và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như xạ hình, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) và thông tim đều giúp đánh giá khả năng bơm máu của tim bằng cách đo phân suất tống máu (ejection fraction) - một trong những yếu tố quan trọng nhất dự báo nguy cơ ngừng tim đột ngột. Phân suất tống máu là tỷ lệ phần trăm máu được bơm ra từ tâm thất trong mỗi nhịp tim. Phân suất tống máu bình thường là 50% đến 70%. Phân suất tống máu dưới 40% làm tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột.
  • Xạ hình: Phương pháp này thường được thực hiện kết hợp với nghiệm pháp gắng sức (stress test) để xác định các vấn đề về lưu lượng máu đến tim. Một lượng nhỏ chất phóng xạ, chẳng hạn như thallium, được tiêm vào máu. Máy quét phát hiện chất phóng xạ khi chảy qua tim và phổi, nhờ đó giúp đánh giá được sự lưu thông máu.
  • Thông tim: Trong quy trình này, một ống thông được đưa qua động mạch, thường là động mạch ở cánh tay, đến các động mạch trong tim và sau đó tiêm thuốc cản quang vào động mạch tim qua ống thông. Thuốc cản quang làm cho các mạch máu hiển thị trên ảnh X-quang và cho thấy các vị trí bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Nếu phát hiện có đoạn bị hẹp hoặc tắc, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị ngay bằng phương pháp nong động mạch và đặt stent để ngăn động mạch bị tắc nghẽn trở lại.

Điều trị ngừng tim đột ngột

Khi xảy ra ngừng tim đột ngột, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức.

Hồi sinh tim phổi

Hồi sinh tim phổi (CPR) ngay lập tức là bước rất quan trọng trong điều trị ngừng tim đột ngột. Hồi sinh tim phổi giúp duy trì lưu lượng máu giàu oxy đến các cơ quan quan trọng của cơ thể, nhờ đó duy trì sự sống cho bệnh nhân trong thời gian chờ nhân viên y tế. 

Khi nhận thấy có người bị bất tỉnh, hãy gọi cấp cứu ngay trước khi tiến hành hồi sinh tim phổi.  Sau đó, kiểm tra hô hấp của nạn nhân. Nếu người đó không thể thở bình thường, hãy bắt đầu ấn mạnh và nhanh lên ngực với tốc độ từ 100 đến 120 lần mỗi phút, chờ cho lồng ngực phồng lên hoàn toàn sau mỗi lần ấn. Tiếp tục thực hiện cho đến khi có máy khử rung tim tự động bên ngoài (AED) hoặc cho đến khi nhân viên cấp cứu đến.

Khử rung tim

Trong những trường hợp bị rung thất - một loại rối loạn nhịp tim có thể gây ngừng tim đột ngột, phương pháp điều trị thường là truyền sốc điện qua thành ngực đến tim. Phương pháp này được gọi là khử rung tim, có tác dụng làm cho tim ngừng đập trong giây lát và chấm dứt nhịp đập bất thường của tim. Điều này giúp khôi phục nhịp tim trở lại bình thường.

Máy khử rung tim có chức năng nhận biết rung thất và chỉ tạo ra sốc điện khi cần thiết.

Các phương pháp điều trị tại bệnh viện

Khi bệnh nhân được đưa đến phòng cấp cứu, nhân viên y tế sẽ thực hiện các biện pháp để ổn định tình trạng và điều trị nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc mất cân bằng điện giải, tùy theo vấn đề cụ thể xảy ra trong mỗi ca bệnh. Bệnh nhân có thể được cho dùng thuốc ổn định nhịp tim.

Điều trị về lâu dài

Sau khi bệnh nhân hồi phục, bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp kiểm tra để xác định nguyên nhân gây ngừng tim và đề nghị các phương pháp điều trị dự phòng để giảm nguy cơ ngừng tim trong tương lai.

Các phương pháp điều trị này gồm có:

  • Dùng thuốc: Bác sĩ thường sẽ kê thuốc chống loạn nhịp tim để điều trị khẩn cấp hoặc điều trị lâu dài cho các trường hợp bị rối loạn nhịp tim hoặc biến chứng do rối loạn nhịp tim. Những người có nguy cơ ngừng tim đột ngột thường phải dùng thuốc chẹn beta (thuốc ức chế beta) – một nhóm thuốc giãn mạch được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh tim mạch. Các loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng để điều trị các bệnh lý dẫn đến rối loạn nhịp tim là thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn kênh canxi.
  • Cấy máy khử rung tim (ICD): Sau khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, bác sĩ có thể sẽ đề nghị cấy máy khử rung tim - một thiết bị nhỏ chạy bằng pin được cấy bên trong cơ thể gần xương đòn trái. Thiết bị gồm có một hoặc nhiều dây dẫn gắn điện cực chạy qua các tĩnh mạch đến tim. Máy khử rung tim liên tục theo dõi nhịp tim. Nếu phát hiện tim đập quá chậm, thiết bị sẽ tác động để làm tăng nhịp tim giống như máy tạo nhịp tim. Nếu phát hiện sự thay đổi nhịp tim nguy hiểm, thiết bị sẽ phát ra sốc điện năng lượng thấp hoặc cao để điều hòa nhịp tim về lại bình thường.
  • Nong mạch vành: Thủ thuật này nhằm mở rộng động mạch vành bị hẹp tắc, giúp cho máu lưu thông thuận lợi đến tim và nhờ đó làm giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Trong quá trình nong mạch vành, một ống thông dài được đưa qua động mạch (thường là động mạch ở chân) đến động mạch bị hẹp tắc ở tim. Khi ống thông đã đến đúng vị trí, quả bóng gắn ở đầu ống sẽ được làm phồng lên để mở rộng đoạn động mạch bị thu hẹp. Sau đó, stent (ống lưới nhỏ bằng kim loại) được đưa vào động mạch để giữ cho động mạch không bị thu hẹp trở lại và duy trì lưu thông máu bình thường đến tim. Thủ thuật nong mạch vành có thể được thực hiện ngay trong quá trình thông tim - một phương pháp được sử dụng để xác định vị trí bị hẹp trong động mạch đến tim.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Ghép một đoạn mạch máu của chính người bệnh vào bên cạnh vị trí bị tắc hoặc hẹp của động mạch vành để làm cấu nối khôi phục sự lưu thông máu đến tim. Điều này giúp tăng lượng máu đến tim và giảm tần suất nhịp tim nhanh.
  • Triệt đốt đường dẫn truyền phụ: Phương pháp này giúp chặn đường dẫn truyền tín hiệu điện bất thường trong tim. Một hoặc nhiều ống thông được luồn qua các mạch máu đến tim. Ống thông được đặt dọc theo các đường dẫn truyền tín hiệu điện mà bác sĩ xác định là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim. Các điện cực ở đầu ống thông được làm nóng bằng năng lượng sóng radio frequency (RF) để phá hủy một vùng mô tim nhỏ và ngăn chặn sự dẫn truyền tín hiệu điện gây rối loạn nhịp tim.
  • Phẫu thuật tim: Đối với những trường hợp bị dị tật tim bẩm sinh, có vấn đề ở van tim hoặc bệnh cơ tim, phẫu thuật điều chỉnh những bất thường là điều cần thiết để cải thiện nhịp tim và lưu lượng máu, nhờ đó giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim nguy hiểm.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây