Nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong nhưng nhờ những tiến bộ trong y học nên tỷ lệ người sống sót sau nhồi máu cơ tim đã tăng đáng kể trong những năm trở lại đây. Điều quan trọng là phải gọi cấp cứu ngay khi nhận thấy bản thân hoặc người xung quanh có các dấu hiệu nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi sự lưu thông máu đến tim bị gián đoạn. Nguyên nhân thường là do chất béo, cholesterol và các chất khác tích tụ tạo thành mảng xơ vữa trong động mạch mang máu đến tim (động mạch vành).

Mảng xơ vữa có thể vỡ hoặc bong ra và làm hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Lưu lượng máu tới tim giảm sẽ làm hỏng một phần cơ tim.

Nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong nhưng nhờ những tiến bộ trong y học nên tỷ lệ người sống sót sau nhồi máu cơ tim đã tăng đáng kể trong những năm trở lại đây. Điều quan trọng là phải gọi cấp cứu ngay khi nhận thấy bản thân hoặc người xung quanh có các dấu hiệu nhồi máu cơ tim.

Dấu hiệu nhồi máu cơ tim

Các dấu hiệu phổ biến của nhồi máu cơ tim gồm có:

  • Đau, tức hay cảm giác như bị chèn ép, bóp chặt ở ngực. Cơn đau sau đó lan đến cánh tay, cổ, hàm hoặc lưng
  • Buồn nôn, khó tiêu, ợ chua hoặc đau bụng
  • Hụt hơi
  • Ra mồ hôi lạnh
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt hoặc hoa mắt

Dấu hiệu mà mỗi người gặp phải khi bị nhồi máu cơ tim không hoàn toàn giống nhau. Một số người chỉ bị đau ngực nhẹ trong khi một số khác lại bị đau dữ dội và cũng có nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra mà không hề có dấu hiệu cảnh báo. Đôi khi, dấu hiệu đầu tiên của nhồi máu cơ tim là ngừng tim đột ngột. Càng có nhiều dấu hiệu thì khả năng nhồi máu cơ tim càng lớn.

Cơn nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột hoặc sau vài giờ, vài ngày và thậm chí là vài tuần kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên có thể là đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực báo hiệu nhồi máu cơ tim thường có đặc điểm là xuất hiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn khi vận động và thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Nguyên nhân gây đau thắt ngực là do tạm thời giảm lưu lượng máu đến tim.

Khi nào cần đi khám?

Nếu nhận thấy bản thân hoặc người xung quanh có dấu hiệu nhồi máu cơ tim, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, kể cả khi các triệu chứng tự biến mất. Nếu bản thân có dấu hiệu nhồi máu cơ tim thì tuyệt đối không được tự lái xe đến bệnh viện vì tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến tai nạn trên đường đi. Nếu đã được kê các loại thuốc điều trị bệnh tim mạch, chẳng hạn như nitroglycerin hay aspirin, hãy sử dụng trong lúc chờ xe cấp cứu đến. Dùng aspirin trong cơn nhồi máu cơ tim giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông và làm giảm tổn thương tim. Tuy nhiên, aspirin có thể tương tác với các loại thuốc khác nên chỉ sử dụng aspirin khi có chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn của nhân viên y tế. Gọi cấp cứu trước khi uống aspirin.

Trong trường hợp nhìn thấy ai đó bị bất tỉnh và nghi ngờ người đó bị nhồi máu cơ tim, trước hết hãy gọi cấp cứu. Sau đó kiểm tra xem người đó có hô hấp và có mạch hay không. Nếu không còn thở hoặc không có mạch thì hãy tiến hành hồi sức tim phổi (CPR). Ấn mạnh và nhanh lên thành ngực của nạn nhân với tốc độ khoảng 100 đến 120 lần mỗi phút.

Nếu chưa qua đào tạo về hồi sức tim phổi thì chỉ nên ép tim ngoài lồng ngực. Nếu đã được đào tạo về hồi sức tim phổi thì có thể tiếp tục mở đường thở và hô hấp nhân tạo.

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi một hoặc nhiều động mạch vành bị tắc nghẽn. Theo thời gian, chất béo trong máu, bao gồm cả cholesterol, có thể tích tụ bên trong động mạch và làm thu hẹp lòng động mạch (xơ vữa động mạch). Tình trạng này được gọi là bệnh mạch vành và là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp nhồi máu cơ tim.

Mảng xơ vữa có thể bị vỡ và gây hình thành cục máu đông. Cục máu đông lớn sẽ gây cản trở dòng máu chảy qua động mạch vành, khiến cho tim không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng.

Động mạch vành có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần. Tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn gây nhồi máu cơ tim ST chênh lên (ST elevation myocardial infarction - STEMI) và tắc nghẽn một phần gây nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (non-ST elevation myocardial infarction - NSTEMI)

Phương pháp chẩn đoán và điều trị tùy thuộc vào loại nhồi máu cơ tim.

Một nguyên nhân khác gây nhồi máu cơ tim là do động mạch vành bị co thắt. Điều này gây gián đoạn sự lưu thông máu đến một phần cơ tim. Sử dụng thuốc lá và ma túy, chẳng hạn như cocaine, có thể gây ra co thắt động mạch vành đe dọa đến tính mạng.

Theo nghiên cứu, nhiễm Covid-19 cũng có thể gây tổn thương tim và dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Những ai có nguy cơ nhồi máu cơ tim?

Có nhiều yếu tố góp phần gây tích tụ mảng xơ vữa làm thu hẹp lòng động mạch và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, trong đó có những yếu tố có thể thay đổi được.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim gồm có:

  • Tuổi tác: Nam giới từ 45 tuổi trở lên và nữ giới từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ nhồi máu cơ tim hơn người trẻ tuổi.
  • Hút thuốc lá: Người hút thuốc và người tiếp xúc lâu dài với khói thuốc đều có nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Cao huyết áp: Theo thời gian, tình trạng cao huyết áp sẽ phá hỏng các động mạch mang máu đến tim. Nguy cơ nhồi máu cơ tim sẽ càng cao nếu cao huyết áp đi kèm các vấn đề khác, chẳng hạn như béo phì, cholesterol cao hoặc tiểu đường.
  • Cholesterol hoặc triglyceride trong máu cao: Nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay cholesterol xấu trong máu cao sẽ gây hẹp lòng động mạch. Nồng độ triglyceride (một loại chất béo trong máu) cao cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) hay cholesterol tốt trong máu cao có thể làm giảm nguy cơ.
  • Béo phì: Béo phì có liên quan đến cholesterol cao, triglyceride cao, cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Chỉ cần giảm 10% khối lượng cơ thể là đã có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Bệnh tiểu đường: Tuyến tụy không sản xuất đủ hormone insulin hoặc các tế bào cơ thể phản ứng kém với insulin khiến lượng đường trong máu tăng cao và điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Hội chứng chuyển hóa: Đây là một nhóm các vấn đề sức khỏe gồm có béo phì, cao huyết áp và đường huyết cao. Những người mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn gấp đôi so với những người khỏe mạnh.
  • Tiền sử gia đình bị nhồi máu cơ tim: Người có ông bà, bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị nhồi máu cơ tim sớm (trước 55 tuổi đối với nam và trước 65 tuổi đối với nữ) có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn bình thường.
  • Ít vận động: Lối sống ít vận động góp phần làm tăng nồng độ cholesterol trong máu và thừa cân, béo phì. Khoa học đã chứng minh những người tập thể dục thường xuyên có sức khỏe tim mạch tốt hơn.
  • Căng thẳng: Phản ứng của cơ thể khi bị căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Sử dụng ma tuý: Sử dụng các chất ma túy, chẳng hạn như cocaine hoặc amphetamine, có thể gây co thắt động mạch vành và dẫn đến nhồi máu cơ tim.
  • Tiền sử tiền sản giật: Tình trạng này gây tăng huyết áp trong thai kỳ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch về sau này.
  • Bệnh tự miễn: Mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Biến chứng của nhồi máu cơ tim

Tổn thương tim do nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Rối loạn nhịp tim: Nhồi máu cơ tim có thể làm thay đổi sự truyền dẫn tín hiệu điện trong tim và dẫn đến rối loạn nhịp tim. Trong nhiều trường hợp, nhồi máu cơ tim gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và thậm chí còn dẫn đến tử vong.
  • Suy tim: Cơn nhồi máu cơ tim có thể phá hủy nhiều mô tim đến mức phần cơ tim còn lại không thể bơm đủ máu ra khỏi tim. Suy tim có thể chỉ là tạm thời hoặc cũng có thể là một tình trạng mãn tính do tổn thương tim trên diện rộng và vĩnh viễn.
  • Ngừng tim đột ngột: Tim có thể ngừng đập do rối loạn truyền dẫn tín hiệu. Điều này có thể xảy ra mà không hề có dấu hiệu cảnh báo. Nhồi máu cơ tim làm tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim

Không bao giờ là quá muộn để thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, ngay cả khi đã bị nhồi máu cơ tim. Dưới đây là những cách để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim.

  • Dùng thuốc: Bác sĩ sẽ kê thuốc làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát và cải thiện chức năng tim. Dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe tim mạch.
  • Thay đổi lối sống: Duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên, hạn chế căng thẳng và kiểm soát các vấn đề sức khỏe có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, chẳng hạn như cao huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường.

Chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Trong trường hợp đã có các dấu hiệu nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ được hỏi về các triệu chứng và đo huyết áp, mạch, thân nhiệt. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành một số biện pháp để xem có đúng là bị nhồi máu cơ tim hay không:

  • Điện tâm đồ (ECG): Đây là bước đầu tiên được thực hiện để chẩn đoán cơn nhồi máu cơ tim. Điện tâm đồ hay đo điện tim ghi lại các tín hiệu điện khi đi qua tim. Máy điện tim gồm các điện cực được đặt trên ngực và tay chân của người bệnh. Tín hiệu điện tim được ghi lại dưới dạng sóng hiển thị trên màn hình hoặc in ra giấy. Do phần cơ tim bị tổn thương không dẫn truyền xung điện bình thường nên điện tâm đồ sẽ giúp phát hiện cơn nhồi máu cơ tim đang xảy ra hoặc từng xảy ra trước đây.
  • Xét nghiệm máu: Tổn thương tim do nhồi máu cơ tim khiến cho một số protein (enzyme) trong tim từ từ rò rỉ vào máu. Xét nghiệm máu đo nồng độ các protein này trong máu sẽ giúp phát hiện nhồi máu cơ tim.
  • Trong những trường hợp đang bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ sẽ ngay lập tức tiến hành các bước điều trị và các phương pháp chẩn đoán dưới đây để đánh giá tình trạng:
  • Chụp X-quang lồng ngực: Hình ảnh X-quang lồng ngực giúp kiểm tra kích thước của tim và các mạch máu cũng như là phát hiện sự tích tụ chất lỏng trong phổi.
  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh động của tim. Phương pháp này giúp đánh giá chức năng bơm máu qua tim của các buồng tim và van tim. Siêu âm tim còn giúp phát hiện tổn thương tim.
  • Chụp mạch vành: Đưa một ống thông qua động mạch, thường là động mạch ở chân hoặc bẹn của người bệnh và luồn đến các động mạch trong tim, sau đó bơm thuốc cản quang vào động mạch qua ống thông. Thuốc cản quang làm cho các động mạch hiển thị rõ trên hình ảnh X-quang và cho thấy các vị trí bị tắc nghẽn.
  • Chụp CT hoặc MRI tim: Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này tạo ra hình ảnh của tim và ngực. Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim sử dụng tia X. Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của tim. Người bệnh nằm trên bàn chụp và được đưa vào bên trong lòng máy chụp. Chụp CT và MRI tim được thực hiện nhằm chẩn đoán các vấn đề về tim và đánh giá mức độ tổn thương do nhồi máu cơ tim.

Điều trị nhồi máu cơ tim

Điều trị tại bệnh viện

Khi bị nhồi máu cơ tim, mỗi một phút trôi qua lại có thêm rất nhiều mô tim bị tổn thương hoặc chết. Do đó cần phải khôi phục sự lưu thông máu nhanh chóng để giảm thiểu tổn thương tim.

Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc được dùng để điều trị nhồi máu cơ tim gồm có:

  • Aspirin: Bệnh nhân có thể sẽ được hướng dẫn uống aspirin khi gọi cấp cứu hoặc khi được nhân viên y tế tiếp nhận. Aspirin làm giảm đông máu, nhờ đó duy trì lưu thông máu qua động mạch bị thu hẹp.
  • Thuốc tiêu sợi huyết: Những loại thuốc này giúp làm tan cục máu đông đang gây cản trở sự lưu thông máu đến tim. Uống thuốc tiêu sợi huyết kịp thời khi bị nhồi mau cơ tim giúp tăng khả năng sống sót và giảm thiểu tổn thương tim.
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Khi đến phòng cấp cứu, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu để ngăn chặn hình thành cục máu đông mới và giữ cho cục máu đông hiện tại không to thêm.
  • Các loại thuốc chống đông máu khác: Tùy thuộc vào tình trạng mà bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các loại thuốc chống đông máu khác, chẳng hạn như heparin để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Heparin được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.
  • Thuốc giảm đau, chẳng hạn như morphin.
  • Nitroglycerin: Đây là một loại thuốc được dùng để điều trị đau thắt ngực, có tác dụng làm giãn mạch máu và nhờ đó làm tăng lưu lượng máu đến tim.
  • Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này giúp thả lỏng cơ tim, làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp, nhờ đó giúp tim bơm máu dễ dàng hơn. Thuốc chẹn beta giúp hạn chế mức độ tổn thương cơ tim và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim tái phát.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Nhóm thuốc này làm giảm huyết áp và giảm áp lực cho tim.
  • Statin: Loại thuốc này giúp kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu.

Điều trị bằng thủ thuật và phẫu thuật

Ngoài thuốc, những người bị nhồi máu cơ tim có thể phải điều trị bằng các thủ thuật và phẫu thuật:

  • Nong và đặt stent động mạch vành, hay còn được gọi là can thiệp động mạch vành qua da (PCI). Trong thủ thuật này, bác sĩ đưa ống thông qua động mạch ở bẹn hoặc cổ tay của người bệnh đến động mạch bị tắc nghẽn trong tim. Trong những trường hợp đang bị nhồi máu cơ tim, thủ thuật này thường được thực hiện ngay trong quá trình thông tim - một thủ thuật để tìm ra vị trí bị tắc nghẽn trong động mạch. Khi ống thông đã vào đúng vị trí, quả bóng gắn ở đầu ống sẽ được bơm phồng trong thời gian ngắn để mở rộng lòng động mạch vành bị hẹp tắc. Sau đó, stent (ống lưới nhỏ bằng kim loại) được đặt trong động mạch để ngăn mạch máu bị hẹp trở lại và giúp máu lưu thông bình thường đến tim. Một số loại stent được phủ một loại thuốc phóng thích chậm có tác dụng ngăn ngừa tái hẹp động mạch vành.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Trong một số trường hợp, bác sĩ tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch vành khẩn cấp tại thời điểm xảy ra cơn nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, nếu có thể thì ca phẫu thuật thường được thực hiện khi tim đã hồi phục sau cơn nhồi máu cơ tim, thường là khoảng 3 đến 7 ngày. Trong ca phẫu thuật, một đoạn tĩnh mạch hoặc động mạch của chính người bệnh được khâu ghép vào gần đoạn động mạch vành hẹp tắc để đưa máu lưu thông bình thường đến tim. Người bệnh có thể sẽ phải ở lại bệnh viện vài ngày sau ca phẫu thuật để đảm bảo lưu lượng máu đến tim đã được phục hồi và tình trạng đã ổn định.

Phục hồi chức năng tim mạch

Chương trình phục hồi chức năng tim mạch gồm có theo dõi, tư vấn dinh dưỡng, các phương pháp trị liệu, dùng thuốc, điều chỉnh lối sống và tập luyện để giúp người bệnh chức năng tim mạch, khôi phục sinh hoạt bình thường, vượt qua các vấn đề về cảm xúc và cải thiện chất lượng cuộc sống sau nhồi máu cơ tim hoặc các vấn đề về tim mạch khác. Chương trình có thể được bắt đầu khi bệnh nhân còn nằm viện và tiếp tục trong vài tuần đến vài tháng sau khi xuất viện về nhà.

Tham gia vào chương trình phục hồi chức năng tim mạch là điều rất cần thiết, giúp tăng tuổi thọ sau nhồi máu cơ tim, giảm nguy cơ tái phát và nguy cơ xảy ra biến chứng do nhồi máu cơ tim.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây