Sa van hai lá

Thông thường, sa van hai lá không đe dọa đến tính mạng và không cần điều trị nhưng trong một số trường hợp, người bị sa van hai lá cần phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật, đặc biệt là khi tình trạng này gây nôn mửa nghiêm trọng.

Sa van hai lá là gì?

Sa van hai lá là một loại bệnh van tim xảy ra ở van nằm giữa các buồng tim trái. Van hai lá hay còn được gọi là van nhĩ thất trái là 1 trong 4 van tim. Van hai lá gồm có hai lá van mỏng ngăn cách giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Giống như các van khác của tim, van hai lá là van một chiều, có chức năng ngăn máu chảy ngược.

Sa van hai lá là tình trạng mà van hai lá phồng lên và sa vào buồng trên bên trái của tim (tâm nhĩ trái) khi tim co bóp.

Sa van hai lá đôi khi khiến máu chảy ngược qua van, tình trạng này được gọi là hở hai lá.

Thông thường, sa van hai lá không đe dọa đến tính mạng và không cần điều trị nhưng trong một số trường hợp, người bị sa van hai lá cần phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật, đặc biệt là khi tình trạng này gây nôn mửa nghiêm trọng.

Sa van hai lá còn được gọi là hội chứng barlow.

Triệu chứng sa van hai lá

Các dấu hiệu và triệu chứng của sa van hai lá xảy ra do máu chảy ngược qua van.

Các triệu chứng sa van hai lá mà mỗi người gặp phải không hoàn toàn giống nhau. Nhiều người bị sa van hai lá không có các triệu chứng rõ rệt hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ, xuất hiện dần dần.

Các triệu chứng thường gặp của sa van hai lá gồm có:

  • Tim đập nhanh hoặc không đều (rối loạn nhịp tim)
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Khó thở hoặc hụt hơi, đặc biệt là khi tập thể dục hoặc khi nằm thẳng
  • Mệt mỏi

Khi nào cần đi khám?

Nếu nhận thấy các dấu hiệu của sa van hai lá, hãy đi khám để xác định nguyên nhân. Có rất nhiều bệnh lý cũng gây ra các triệu chứng tương tự như sa van hai lá.

Nếu bị đau ngực đột ngột hoặc kéo dài dai dẳng hoặc có các dấu hiệu khác của nhồi máu cơ tim thì phải gọi cấp cứu ngay lập tức.

Nếu đã được chẩn đoán bị sa van hai lá thì phải đi khám khi nhận thấy các triệu chứng trở nặng.

Nguyên nhân gây sa van hai lá

Van hai lá là một trong bốn van tim. Các van này có chức năng giữ cho máu lưu thông đúng hướng. Mỗi van có các lá van đóng mở một lần vào mỗi nhịp tim. Nếu van không mở hoặc đóng bình thường, lưu lượng máu qua tim đến phần còn lại của cơ thể sẽ bị giảm.

Ở bệnh sa van hai lá, một hoặc cả hai lá van của van hai lá có kích thước lớn hoặc giãn ra nhiều hơn bình thường. Các lá van phồng lên giống như chiếc dù và sa vào buồng tim phía trên bên trái (tâm nhĩ trái) mỗi khi tim co bóp để bơm máu.

Điều này khiến van hai lá không đóng chặt và khi máu chảy ngược qua van, tình trạng này được gọi là hở van hai lá.

Các yếu tố nguy cơ

Bệnh sa van hai lá có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào nhưng các triệu chứng nghiêm trọng của sa van hai lá chủ yếu xảy ra ở nam giới trên 50 tuổi.

Sa van hai lá có thể di truyền và có liên quan đến một số bệnh lý khác như:

  • Dị dạng van ba lá hay bệnh tim Ebstein
  • Hội chứng Ehlers-Danlos
  • Bệnh Graves
  • Hội chứng Marfan
  • Loạn dưỡng cơ
  • Vẹo cột sống

Biến chứng của sa van hai lá

Sa van hai lá có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Hở van hai lá: Tình trạng các lá van của van hai lá không đóng chặt, khiến máu chảy ngược khi van đóng và tim khó hoạt động bình thường. Nam giới và những người bị cao huyết áp có nguy cơ hở van hai lá cao hơn.
  • Rối loạn nhịp tim: Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra nếu sa van hai lá gây ra tình trạng máy chảy ngược nghiêm trọng và phình tâm nhĩ trái.

Chẩn đoán sa van hai lá

Để chẩn đoán sa van hai lá, bác sĩ trước hết sẽ khám lâm sàng và nghe tim.

Ở những người bị sa van hai lá, bác sĩ sẽ nghe thấy tiếng click qua ống nghe. Nếu máu bị rò rỉ ngược qua van hai lá thì sẽ còn có tiếng thổi ở tim.

Các phương pháp thường được thực hiện để xác nhận chẩn đoán sa van hai lá và đánh giá tình trạng tim gồm có:

  • Siêu âm tóa: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh chuyển động của tim. Kỹ thuật siêu âm tim tiêu chuẩn - siêu âm tim qua thành ngực (transthoracic echocardiogram) - có thể giúp xác nhận chẩn đoán sa van hai lá và xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Đôi khi bác sĩ sử dụng phương pháp siêu âm tim qua thực quản (transesophageal echocardiogram) để có hình ảnh chi tiết hơn của van hai lá. Trong kỹ thuật siêu âm tim này, một đầu dò nhỏ được đưa qua miệng xuống dạ dày.
  • Chụp X-quang lồng ngực: Phương pháp này cho biết tình trạng của tim và phổi, giúp kiểm tra xem tim có bị to hay không.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Phương pháp này đo hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ có thể phát hiện rối loạn nhịp tim – một vấn đề có thể đi kèm sa van hai lá.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Bệnh nhân đi bộ trên máy chạy hoặc đạp xe tại chỗ trong khi bác sĩ theo dõi hoạt động của tim bằng điện tâm đồ. Nghiệm pháp gắng sức cho biết phản ứng của tim với hoạt động thể chất và liệu các triệu chứng sa van hai lá có xảy ra khi tập thể dục hay không. Nếu bệnh nhân không thể vận động, bác sĩ sẽ dùng thuốc làm tăng nhịp tim để mô phỏng tác động của việc vận động thể chất lên tim.
  • Thông tim: Phương pháp này không thường được sử dụng để chẩn đoán sa van hai lá nhưng có thể được thực hiện khi các phương pháp khác không chẩn đoán được tình trạng bệnh. Trong quá trình thông tim, một ống thông được đưa qua mạch máu ở cánh tay hoặc bẹn đến động mạch ở tim và sau đó thuốc cản quang được tiêm qua ống thông. Thuốc cản quang làm cho các động mạch trong buồng tim hiển thị rõ ràng hơn trên ảnh chụp X-quang.

Điều trị sa van hai lá

Hầu hết các trường hợp sa van hai lá, đặc biệt là những trường hợp không có triệu chứng, đều không cần điều trị.

Những người bị hở van hai lá nhưng không có triệu chứng có thể cũng không cần điều trị nhưng phải đi khám xuyên để theo dõi tình trạng bệnh.

Nếu bị hở van hai lá nghiêm trọng, người bệnh sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật ngay cả khi không có triệu chứng.

Điều trị bằng thuốc

Có thể cần dùng thuốc để điều trị rối loạn nhịp tim hoặc các biến chứng khác của sa van hai lá. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm có:

  • Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này có tác dụng làm giãn mạch máu và làm giảm nhịp tim, nhờ đó hạ huyết áp.
  • Thuốc lợi tiểu: Những loại thuốc này giúp cơ thể đào thải bớt muối (natri) và nước qua nước tiểu để làm giảm huyết áp.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim: Nhóm thuốc này được sử dụng để giúp kiểm soát nhịp tim bất thường.
  • Thuốc chống đông máu: Nếu sa van hai lá gây rung nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim), bác sĩ có thể sẽ kê thuốc chống đông máu hay còn gọi là thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông vì rung nhĩ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và đột quỵ. Những người đã phẫu thuật thay van hai lá bằng van cơ học cũng phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời.
  • Thuốc kháng sinh: Sa van hai lá thường không cần thiết phải điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng nếu đã phẫu thuật thay van hai lá thì nên dùng thuốc kháng sinh trước khi thực hiện các thủ thuật nha khoa để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Phẫu thuật

Hầu hết những người bị sa van hai lá đều không cần phải phẫu thuật nhưng bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nếu người bệnh bị hở van hai lá nghiêm trọng, bất kể có triệu chứng hay không.

Vấn đề ở van hai lá có thể được khắc phục bằng cách sửa van hai lá hoặc thay van. Sửa van hai lá là lựa chọn phổ biến hơn vì giúp giữ lại van hai lá tự nhiên.

Ca phẫu thuật sửa hoặc thay van hai lá có thể được thực hiện bằng kỹ thuật phẫu thuật tim hở hoặc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu có ưu điểm là đường rạch nhỏ hơn, ít mất máu hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn.

Trong quá trình phẫu thuật sửa van hai lá, bác sĩ cắt đi một phần lá van bị sa để các lá van có thể đóng chặt và thay dây chằng van hai lá nếu cần thiết.

Đối với những trường hơp không thể sửa van hai lá, các lá van sẽ được thay thế. Trong ca phẫu thuật thay van hai lá, bác sĩ cắt bỏ van hai lá và thay bằng van cơ học hoặc van tim sinh học (van được tạo nên từ mô tim của người hiến tặng mô tim đã qua xử lý của hoặc bò, lợn).

Van tim sinh học có thể bị hỏng sau một thời gian và cần phải thay mới.

Cho dù có cần điều trị hay không thì những người bị sa van hai lá đều phải tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng van tim.

Lối sống và chế độ ăn uống

Một số thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn sa van hai lá dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn:

  • Ăn uống lành mạnh: Nên ăn các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như trái cây và rau xanh, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo, thịt gia cầm, cá và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Hạn chế ăn muối và đường.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu thừa cân hoặc béo phì thì cần kết hợp chế độ ăn kiêng khoa học với tập thể dục đều đặn để giảm cân.
  • Thường xuyên hoạt động thể chất: Hầu hết người bị sa van hai lá vẫn có thể sinh hoạt và tập thể dục bình thường. Cố gắng tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu sa van hai lá gây nôn mửa thì cần trao đổi với bác sĩ trước khi tập thể dục.
  • Kiểm soát căng thẳng: Có nhiều cách để giảm căng thẳng như tập thể dục, tập yoga, nghe nhạc hoặc chỉ cần đi dạo ngoài trời.
  • Không hút thuốc lá: Nếu hút thuốc thì hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt. Có nhiều cách để cai thuốc như liệu pháp thay thế nicotine, uống nhiều nước, giảm căng thẳng hoặc dùng thuốc…

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mitral-valve-prolapse/symptoms-causes/syc-20355446

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây