Ung thư da

Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư da xảy ra khi DNA của tế bào da bị đột biến. Đột biến trong DNA làm cho các tế bào phát triển một cách mất kiểm soát và không chết đi theo chu kỳ bình thường. Chúng tập hợp lại và tạo thành khối u.

Ung thư da là gì?

Ung thư da là sự phát triển bất thường của các tế bào da, thường xảy ra ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, bệnh ung thư phổ biến này cũng có thể phát sinh trên những vùng da ít khi tiếp xúc với nắng.

Có 3 loại ung thư da chính là ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố.

Có thể giảm nguy cơ ung thư da bằng cách hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với tia cực tím (tia UV). Ngoài ra, mỗi người cần kiểm tra da thường xuyên để phát hiện sớm những thay đổi bất thường. Giống như các loại ung thư khác, ung thư da càng được phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công sẽ càng cao.

Nguyên nhân

Ung thư da xảy ra khi DNA của tế bào da bị đột biến. Đột biến trong DNA làm cho các tế bào phát triển một cách mất kiểm soát và không chết đi theo chu kỳ bình thường. Chúng tập hợp lại và tạo thành khối u.

Các loại tế bào da có thể phát triển thành ung thư

Ung thư da bắt đầu phát sinh ở lớp biểu bì - lớp trên cùng của da. Biểu bì là một lớp da mỏng được tạo nên từ các tế bào da mà cơ thể liên tục thay thế. Biểu bì có chứa 3 loại tế bào chính là:

  • Tế bào vảy: là những tế bào dẹt ở phần trên (bên ngoài) của biểu bì. Các tế bào này liên tục bong ra và được thay thế bằng tế bào mới. Khi các tế bào vảy phát triển ngoài tầm kiểm soát thì sẽ dẫn đến ung thư biểu mô tế bào vảy.
  • Tế bào đáy: là những tế bào có vai trò sản sinh ra các tế bào da mới, nằm bên dưới các tế bào vảy. Loại ung thư da phát sinh từ các tế bào này được gọi là ung thư biểu mô tế bào đáy.
  • Tế bào hắc tố: là những tế bào sản sinh ra melanin - sắc tố tạo nên màu sắc bình thường cho da, nằm ở phần dưới của lớp biểu bì. Các tế bào hắc tố sản sinh ra nhiều melanin hơn khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để bảo vệ cho các lớp bên dưới của da. Loại ung thư da bắt đầu từ các tế bào này được gọi là ung thư hắc tố.

Tia cực tím và các nguyên nhân gây ung thư da khác

Nguyên nhân khiến cho DNA của các tế bào da bị đột biến và dẫn đến ung thư da chủ yếu là do tia cực tím (tia UV) trong ánh nắng mặt trời hoặc từ các nguồn khác, ví dụ như giường nhuộm da. Tuy nhiên, ung thư da cũng có thể xảy ra ở cả những vùng da ít khi tiếp xúc với nắng. Điều này có nghĩa là còn nhiều yếu tố khác cũng có thể góp phần gây ung thư da, ví dụ như tiếp xúc với các chất độc hại hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu.

Dấu hiệu, triệu chứng

Những vị trí thường bị ung thư da

Ung thư da chủ yếu xảy ra ở các vùng da hay phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ví dụ như da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, mu bàn tay và trên cẳng chân ở phụ nữ. Tuy nhiên, ung thư da cũng có thể phát sinh ở những khu vực ít tiếp xúc với nắng, chẳng hạn như lòng bàn tay, bên dưới móng tay hoặc móng chân và vùng sinh dục.

Bất kỳ ai cũng có thể bị ung thư da, kể cả những người có da tối màu. Ở những người có da tối màu, ung thư thường hình thành ở những vị trí không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào đáy

Ung thư biểu mô tế bào đáy thường xảy ra ở những vùng hay phải tiếp xúc với ánh nắng, ví dụ như cổ hoặc mặt.

Ung thư biểu mô tế bào đáy thường có một trong các đặc điểm như sau:

  • Nổi sẩn màu da hoặc hồng
  • Tổn thương phẳng, màu da hoặc nâu, đen
  • Vết loét chảy máu hoặc đóng vảy, lành lại rồi lại tái phát

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào vảy

Thông thường, ung thư biểu mô tế bào vảy xảy ra ở các vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời của cơ thể, chẳng hạn như mặt, tai và bàn tay. Những người có da tối màu có thể bị ung thư biểu mô tế bào vảy ở những vị trí ít tiếp xúc với nắng.

Ung thư biểu mô tế bào vảy có một trong các đặc điểm dưới đây:

  • Nổi nốt đỏ, cứng
  • Xuất hiện vùng tổn thương phẳng với bề mặt có vảy

Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư hắc tố

Ung thư tế bào hắc tố có thể phát sinh ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Dạng ung thư da này có thể hình thành ở các vùng da khỏe mạnh hoặc một nốt ruồi trước đây trở thành ung thư. Ở nam giới, ung thư hắc tố thường xuất hiện trên mặt hoặc thân trên còn ở phụ nữ, bệnh ung thư này thường phát triển ở cẳng chân. Ung thư hắc tố có thể hình thành ở cả những vùng da không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Bất kỳ ai, dù là tông màu da nào cũng đều có thể bị ung thư hắc tố. Ở những người có da tối màu, ung thư hắc tố thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, dưới móng tay hoặc móng chân.

Các dấu hiệu, triệu chứng của ung thư hắc tố gồm có:

  • Xuất hiện mảng da màu nâu có các đốm sẫm màu
  • Nốt ruồi thay đổi về màu sắc, kích thước, bề mặt hoặc bị chảy máu
  • Da có vùng tổn thương nhỏ với đường viền không đều và có các mảng màu đỏ, hồng, trắng, xanh hoặc xanh đen
  • Vùng tổn thương đau, ngứa hoặc rát
  • Xuất hiện các đốm sẫm màu trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu ngón tay, ngón chân hoặc ở niêm mạc miệng, mũi, âm đạo, hậu môn

Dấu hiệu và triệu chứng của các loại ung thư da ít gặp

Ngoài ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư hắc tố thì còn có các loại ung thư da khác nhưng ít gặp hơn, gồm có:

  • Ung thư Kaposi (Kaposi sarcoma): dạng ung thư da hiếm gặp này phát sinh trong các mạch máu của da và có biểu hiện là các mảng màu đỏ hoặc tím trên da hoặc niêm mạc. Ung thư Kaposi chủ yếu xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như người nhiễm HIV/AIDS và ở những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật ghép tạng.
  • Ung thư biểu mô tế bào Merkel: ung thư biểu mô tế bào Merkel gây nổi các nốt cứng, bề mặt nhẵn bóng trên hoặc ngay bên dưới da và trong các nang lông. Ung thư biểu mô tế bào Merkel thường xảy ra ở đầu, cổ và thân trên.
  • Ung thư biểu mô tuyến bã: đây là một bệnh ung thư da hiếm gặp nhưng tiến triển nhanh, bắt đầu phát sinh từ các tuyến bã nhờn trong da. Ung thư biểu mô tuyến bã thường xuất hiện dưới dạng các nốt cứng, không đau trên da. Loại ung thư da này có thể xảy ra ở bất cứ đâu nhưng đa phần là trên mí mắt và có thể bị nhầm với các vấn đề khác.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ da liễu khi nhận thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào trên da. Không phải thay đổi nào trên da cũng là dấu hiệu của ung thư. Bác sĩ sẽ kiểm tra để xác định nguyên nhân cụ thể. Khi được phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công sẽ cao hơn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư da

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư da gồm có:

  • Da trắng: Bất kỳ ai, dù là màu da nào cũng đều có thể bị ung thư da. Tuy nhiên, làn da có ít hắc tố (melanin) sẽ có khả năng chống lại tia cực tím yếu hơn. Do đó, những người có da trắng, tóc vàng hoặc đỏ và mắt sáng màu, dễ bị tàn nhang hoặc cháy nắng sẽ có nguy cơ bị ung thư da cao hơn so với những người có da tối màu.
  • Từng bị cháy nắng: Việc từng bị cháy nắng nghiêm trọng (phồng rộp) sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư da.
  • Phơi nắng quá nhiều: Bất kỳ ai thường xuyên phơi nắng trong thời gian dài đều có thể bị ung thư da, đặc biệt là khi để da tiếp xúc trực tiếp với nắng mà không có các biện pháp bảo vệ như kem chống nắng hoặc quần áo dài. Các nguồn tia cực tím khác, ví dụ như đèn và giường nhuộm da cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.
  • Sống ở nơi có nhiều nắng hoặc ở trên cao: Những người sống ở vùng khí hậu nóng sẽ phải tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn so với những người sống ở vùng khí hậu lạnh. Ở những vùng trên cao, ví dụ như đồi núi, cường độ tia cực tím sẽ mạnh hơn do gần mặt trời và nguy cơ ung thư da cao hơn.
  • Có nốt ruồi: Những người có nhiều nốt ruồi hoặc có một loại nốt ruồi bất thường gọi là nevi loạn sản (dysplastic nevi) có nguy cơ ung thư da cao hơn. Những nốt ruồi bất thường này lớn hơn nốt ruồi thông thường và dễ trở thành ung thư hơn. Nếu có nốt ruồi trên da thì cần theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm những thay đổi.
  • Tổn thương da tiền ung thư: Một dạng tổn thương da được gọi là dày sừng quang hóa có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Những vùng da tiền ung thư này thường có biểu hiện là các mảng sần sùi, có vảy, màu từ hồng đậm cho đến nâu, đa phần xuất hiện trên mặt, đầu và bàn tay. Những người có làn da trắng và từng bị tổn thương do ánh nắng mặt trời có nguy cơ cao nhất.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư da: Nguy cơ ung thư da sẽ cao hơn nếu như có người thân trong gia đình mắc bệnh này.
  • Tiền sử cá nhân bị ung thư da: Nếu đã từng bị ung thư da một lần thì bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào. 
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ ung thư da cao hơn, ví dụ như những người nhiễm HIV/AIDS và những người dùng thuốc ức chế miễn dịch sau phẫu thuật ghép tạng.
  • Tiếp xúc với bức xạ: Việc từng tiếp xúc với bức xạ để điều trị các vấn đề về da như viêm da cơ địa (bệnh chàm) và mụn trứng cá có thể làm tăng nguy cơ ung thư da, đặc biệt là ung thư biểu mô tế bào đáy.
  • Tiếp xúc với một số chất: Tiếp xúc với một số chất độc hại, chẳng hạn như asen, cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp để chẩn đoán ung thư da:

  • Khám lâm sàng: bác sĩ quan sát da để xác định xem những thay đổi trên da có phải dấu hiệu ung thư hay không.
  • Sinh thiết da: tách một mẫu mô ở vùng nghi ngờ và đem đi phân tích. Sinh thiết giúp xác nhận có đúng là ung thư da hay không và loại ung thư da cụ thể.

Xác định giai đoạn ung thư

Sau khi đã xác nhận ung thư da, bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp bổ sung để xác định giai đoạn (mức độ lan rộng) của ung thư.

Vì các loại ung thư da bề mặt như ung thư biểu mô tế bào đáy hiếm khi lan rộng nên kỹ thuật sinh thiết loại bỏ toàn bộ khối u thường là phương pháp xét nghiệm duy nhất cần thực hiện để xác định giai đoạn ung thư. Tuy nhiên, trong những trường hợp bị ung thư biểu mô tế bào vảy kích thước lớn, ung thư biểu mô tế bào Merkel hoặc ung thư hắc tố, bác sĩ thường phải thực hiện thêm các phương pháp khác để xác định giai đoạn ung thư, ví dụ như các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra xem các hạch bạch huyết lân cận có mang tế bào ung thư hay không. Đôi khi sẽ cần cắt hạch bạch huyết để kiểm tra dấu hiệu của ung thư (sinh thiết hạch bạch huyết).

Các giai đoạn của bệnh ung thư được biểu thị bằng chữ số La Mã từ I đến IV. Ở giai đoạn I, u có kích thước nhỏ và tế bào ung thư mới chỉ giới hạn ở khu vực phát sinh ban đầu. Khi sang giai đoạn IV, ung thư đã lan sang các vùng khác của cơ thể.

Xác định giai đoạn ung thư giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị ung thư da

Phương pháp điều trị ung thư da và các tổn thương da tiền ung thư (dày sừng quang hóa) ở mỗi ca bệnh là khác nhau, tùy thuộc vào kích thước, loại, độ sâu và vị trí của vùng tổn thương. Với các trường hợp ung thư da kích thước nhỏ, giới hạn ở bề mặt da thì có thể loại bỏ toàn bộ khối u trong quá trình sinh thiết và không cần phương pháp điều trị nào khác.

Nếu cần điều trị thêm thì các lựa chọn gồm có:

  • Đóng băng: có thể điều trị dày sừng quang hóa và ung thư da giai đoạn đầu, kích thước nhỏ bằng cách làm đông lạnh các tế bào bất thường bằng nitơ lỏng (phương pháp này còn được gọi là phẫu thuật lạnh). Sau khi tan băng, các tế bào da bị phá hủy sẽ bong ra.
  • Phẫu thuật cắt bỏ: phương pháp điều trị này có thể áp dụng cho tất cả các loại ung thư da. Bác sĩ sẽ cắt bỏ mô ung thư và vùng da lành xung quanh. Một số trường hợp cần cắt bỏ một vùng da rộng xung quanh khối u.
  • Phẫu thuật Mohs: phương pháp này dành cho các trường hợp ung thư da kích thước lớn hơn, tái phát hoặc khó điều trị, bao gồm cả ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy. Phẫu thuật Mohs thường được thực hiện khi ung thư xảy ra ở những vị trí không thể cắt bỏ nhiều da, chẳng hạn như trên mũi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cắt từng lớp da bị ung thư và kiểm tra dưới kính hiển vi cho đến khi không còn phát hiện tế bào bất thường. Quy trình phẫu thuật này cho phép loại bỏ các tế bào ung thư mà không cần cắt đi quá nhiều da lành xung quanh.
  • Nạo và đốt điện hoặc áp lạnh: sau khi cắt bỏ phần lớn khối u, bác sĩ loại bỏ các lớp tế bào ung thư bằng dụng cụ nạo và tiếp đến sử dụng kim điện để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Đôi khi có thể dùng thêm nitơ lỏng để đóng băng các tế bào bên dưới và xung quanh vùng điều trị. Đây là một phương pháp đơn giản và nhanh chóng, có thể điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy mỏng.
  • Xạ trị: sử dụng chùm tia mang năng lượng lớn, chẳng hạn như tia X, để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là một giải pháp điều trị khi không thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư bằng phương pháp phẫu thuật.
  • Hóa trị liệu: sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với các trường hợp mà ung thư chỉ giới hạn ở lớp trên cùng của da thì có thể điều trị bằng hóa trị liệu tại chỗ (bôi trực tiếp thuốc lên da). Nếu ung thư da đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thì cần điều trị bằng hóa trị liệu toàn thân.
  • Liệu pháp quang động: phương pháp điều trị này tiêu diệt tế bào ung thư da bằng cách kết hợp năng lượng ánh sáng laser và các loại thuốc có tác dụng làm cho tế bào ung thư trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
  • Liệu pháp sinh học: dựa vào hệ miễn dịch của chính cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Phòng ngừa ung thư da

Hầu hết các loại ung thư da đều có thể phòng ngừa được. Để tránh bị ung thư da thì cần bảo vệ da bằng các biện pháp dưới đây:

  • Không đi ra ngoài khi trời nắng gắt: Khoảng thời gian mà tia cực tím trong nắng có cường độ cao nhất là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Do đó, nên hạn chế ra ngoài trời trong khoảng thời gian này, kể cả vào mùa đông và những ngày trời nhiều mây. Làn da chúng ta phải tiếp xúc với tia UV quanh năm và mây hầu như không ngăn được các tia có hại này. Tránh ra ngoài khi trời nắng gắt sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương da do cháy nắng và giảm nguy cơ mắc ung thư da.
  • Bôi kem chống nắng: Mặc dù kem chống nắng không ngăn được 100% tia cực tím, đặc biệt là loại tia cực tím gây ung thư hắc tố nhưng sẽ giúp tạo sự bảo vệ cho da khỏi tác hại của ánh nắng. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ít nhất là 30, kể cả vào mùa đông và trong những ngày trời âm u, nhiều mây. Bôi một lớp kem chống nắng đủ dày, đều khắp vùng da cần bảo vệ và bôi lại sau mỗi 2 giờ hoặc thường xuyên hơn nếu đi bơi hoặc đổ mồ hôi.
  • Mặc quần áo dài: Kem chống nắng không thể bảo vệ da hoàn toàn khỏi tia UV. Vì vậy, cần tăng cường sự bảo vệ bằng cách mặc quần áo dài, tối màu, làm bằng chất liệu chống nắng tốt, đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang và kính râm khi đi ngoài trời. Nên chọn kính râm có khả năng ngăn chặn cả tia UVA và UVB.
  • Không dùng giường nhuộm da: Ánh sáng trong giường nhuộm ra cũng phát ra tia cực tím làm tăng nguy cơ ung thư da.
  • Lưu ý khi dùng loại thuốc khiến da nhạy cảm với ánh nắng: Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc kháng sinh, có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng. Cần tìm hiểu kỹ về tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc nào đang dùng. Nếu như thuốc đó làm tăng độ nhạy cảm với nắng thì cần bảo vệ da kỹ hơn để tránh bị cháy nắng và ung thư da.
  • Kiểm tra da thường xuyên và đi khám bác sĩ khi có thay đổi bất thường: Mỗi người cần tự kiểm tra da thường xuyên để phát hiện những thay đổi bất thường, ví dụ như xuất hiện tàn nhang, nốt ruồi và vết bớt mới hoặc các vết trước đây đột nhiên lan rộng hơn. Hãy kiểm tra toàn thân, đặc biệt là ngực, mu bàn tay, lòng bàn tay, bàn chân, cẳng chân, cả các kẽ ngón chân và dùng gương kiểm tra những vùng thường khó phát hiện như sau gáy, tai, da đầu, vùng sinh dục và sau mông.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây