Co thắt tâm vị

Hiện chưa có cách chữa khỏi chứng co thắt tâm vị. Một khi bị tê liệt thì cơ thực quản sẽ không thể hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng các phương pháp như nội soi, thủ thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật.

Co thắt tâm vị là gì?

Co thắt tâm vị là một dạng rối loạn hiếm gặp mà thực quản khó đẩy thức ăn và chất lỏng từ miệng xuống dạ dày.

Co thắt tâm vị xảy ra khi các dây thần kinh trong thực quản bị tổn hại. Kết quả là thực quản bị tê liệt và giãn ra dần theo thời gian, cuối cùng là mất khả năng co bóp đẩy thức ăn xuống dạ dày. Thay vì đi xuống, thức ăn ứ lại trong thực quản, đôi khi lên men và trào ngược lên miệng, gây ra vị đắng. Tình trạng này đôi khi bị nhầm với bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Tuy nhiên, ở chứng co thắt tâm vị, vấn đề đến từ thức ăn bị ứ lại trong thực quản còn khi bị trào ngược dạ dày thực quản thì vấn đề là do axit trào ngược lên từ dạ dày.

Hiện chưa có cách chữa khỏi chứng co thắt tâm vị. Một khi bị tê liệt thì cơ thực quản sẽ không thể hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng các phương pháp như nội soi, thủ thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật.

Triệu chứng

Các triệu chứng co thắt tâm vị thường xuất hiện dần dần và trở nên nặng hơn theo thời gian. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Khó nuốt, cảm thấy như thức ăn hoặc đồ uống bị mắc kẹt trong cổ họng
  • Thức ăn và nước bọt bị trào ngược
  • Ợ nóng
  • Ợ hơi
  • Các cơn đau tức ngực
  • Ho về đêm
  • Viêm phổi (do thức ăn đi vào phổi)
  • Sụt cân
  • Nôn mửa

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác gây ra chứng co thắt tâm vị hiện vẫn chưa được xác định rõ. Theo một số nghiên cứu thì chứng rối loạn chức năng này xảy ra có thể là do mất tế bào thần kinh trong thực quản. Có vài giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến điều này, trong đó có nhiễm virus và đáp ứng tự miễn trong cơ thể. Trong một số ít trường hợp, chứng co thắt tâm vị xảy ra do rối loạn di truyền hoặc nhiễm trùng.

Biện pháp chẩn đoán

Nhiều trường hợp bị co thắt tâm vị mà không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán nhầm vì chứng bệnh này có các triệu chứng tương tự như nhiều vấn đề tiêu hóa khác. Một số phương pháp được sử dụng để chẩn đoán chứng co thắt tâm vị gồm có:

  • Đo áp lực nhu động thực quản: phương pháp này đo sự co thắt, phối hợp, lực tác động của các cơ thực quản và mức độ giãn mở của cơ vòng thực quản dưới trong khi nuốt. Đây là cách chính xác nhất để xác định dạng vấn đề về nhu động thực quản.
  • Chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang (chụp thực quản cản quang): người bệnh uống dung dịch thuốc cản quang và tiến hành chụp X-quang. Thuốc cản quang sẽ bao phủ bề mặt trong của đường tiêu hóa và hiển thị rõ trên ảnh X-quang. Điều này giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng của thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non. Ngoài ra có thể cần nuốt một viên barium để kiểm tra thực quản có bị tắc nghẽn hay không.
  • Nội soi đại tràng: đưa một ống dài, mềm có gắn đèn và máy ảnh (ống nội soi) xuống cổ họng để bác sĩ kiểm tra bên trong thực quản và dạ dày. Phương pháp này giúp xác định sự tắc nghẽn một phần thực quản nếu các triệu chứng hoặc kết quả chụp X-quang cản quang cho thấy khả năng này. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để kiểm tra các vấn đề khác có thể phát sinh, ví dụ như Barrett thực quản.

Điều trị

Các phương pháp điều trị co thắt tâm vị có mục đích chính là làm cho cơ vòng thực quản dưới giãn ra hoặc mở ra để đồ ăn, đồ uống có thể di chuyển qua đường tiêu hóa dễ dàng hơn.

Phương pháp điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của chứng co thắt tâm vị.

Các phương pháp không cần phẫu thuật

Các phương pháp điều trị co thắt tâm vị không cần phẫu thuật gồm có:

  • Nong thực quản bằng bóng: sử dụng kỹ thuật nội soi để đưa một quả bóng vào giữa cơ vòng thực quản và bơm căng để làm cho cơ giãn ra. Có thể cần thực hiện lặp lại thủ thuật này nếu cơ vòng thực quản dưới mở chưa đủ rộng. Khoảng một phần ba số người được điều trị bằng phương pháp nong thực quản đều phải điều trị lặp lại trong vòng 5 năm. Trước khi thực hiện phương pháp này, người bệnh được cho dùng thuốc an thần.
  • Tiêm Botox: Botox là một loại độc tố botulinum nhóm A có tác dụng làm suy yếu hoạt động của cơ. Có thể tiêm trực tiếp Botox vào cơ vòng thực quản bằng kim nội soi. Thường sẽ phải tiêm nhiều lần để có hiệu quả và việc này có thể gây khó khăn cho việc phẫu thuật sau này nếu cần.
  • Phương pháp tiêm Botox thường chỉ được sử dụng cho những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc tiến hành nong thực quản bằng bóng do tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe. Hiệu quả sau khi tiêm thường chỉ kéo dài tối đa 6 tháng. Nếu sau khi tiêm Botox mà tình trạng có sự cải thiện rõ rệt thì có thể xác nhận chẩn đoán chứng co thắt tâm vị.
  • Dùng thuốc: bác sĩ kê một số loại thuốc giãn cơ như nitroglycerin hoặc nifedipine để người bệnh uống trước khi ăn. Những loại thuốc này không có hiệu quả cao và còn đi kèm một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Phương pháp điều trị bằng thuốc thường chỉ dành cho những người không thể phẫu thuật, không thể nong thực quản bằng bóng và đã tiêm Botox nhưng không có tác dụng. Phương pháp này hiếm khi được chỉ định để điều trị co thắt tâm vị.

Phẫu thuật

Các quy trình phẫu thuật để điều trị chứng co thắt tâm vị gồm có:

  • Phẫu thuật Heller: cắt phần đầu dưới của cơ vòng thực quản để cho phép thức ăn đi xuống dạ dày dễ dàng hơn. Quy trình phẫu thuật này có thể được thực hiện với kỹ thuật không xâm lấn (phẫu thuật Heller nội soi). Phẫu thuật Heller có nhược điểm là có thể dẫn đến chứng trào ngược dạ dày thực quản. Để tránh các vấn đề phát sinh trong tương lai sau ca phẫu thuật thì có thể thực hiện đồng thời thủ thuật tạo nếp gấp đáy vị hay còn gọi là phẫu thuật Nissen. Trong thủ thuật này, bác sĩ quấn phần trên của dạ dày xung quanh phần dưới của thực quản để tạo ra một van chống trào ngược, ngăn không cho axit từ dạ dày trào vào thực quản. Thủ thuật tạo nếp gấp đáy vị cũng được thực hiện bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu (nội soi).
  • Cắt cơ qua nội soi đường miệng (peroral endoscopic myotomy - POEM): Trong quy trình POEM, bác sĩ sử dụng ống nội soi đưa qua miệng xuống cổ họng và rạch một đường ở niêm mạc bên trong thực quản. Sau đó, giống như phương pháp phẫu thuật Heller, bác sĩ sẽ cắt phần đầu dưới của cơ vòng thực quản. Phương pháp POEM cũng có thể được kết hợp thủ thuật tạo nếp gấp đáy vị để ngăn ngừa trào ngược axit dạ dày. Nếu không tạo nếp gấp đáy vị và bị trào ngược axit sau ca phẫu thuật POEM thì có thể điều trị bằng thuốc trước, sau đó nếu tình hình không cải thiện thì cân nhắc làm phẫu thuật.

Nguồn tham khảo

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/achalasia/diagnosis-treatment/drc-20352851

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Đau thắt ngực

Đau thắt ngực xảy ra do giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Máu mang oxy và các tế bào cơ tim cần có oxy để tồn tại và hoạt động bình thường. Cơ tim bị thiếu oxy sẽ dẫn đến một tình trạng gọi là thiếu máu cục bộ.

Ngoại tâm thu thất

Ở những người không mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thất thường không đáng ngại và có thể không cần điều trị nếu như không xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ cần thiết trong những trường hợp mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thất xảy ra thường xuyên hoặc gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây