Đau thắt ngực

Đau thắt ngực xảy ra do giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Máu mang oxy và các tế bào cơ tim cần có oxy để tồn tại và hoạt động bình thường. Cơ tim bị thiếu oxy sẽ dẫn đến một tình trạng gọi là thiếu máu cục bộ.

Đau thắt ngực là gì?

Đau thắt ngực là một triệu chứng xảy ra do giảm lượng máu đến tim. Đau thắt ngực là một dấu hiệu điển hình của bệnh mạch vành.

Cơn đau thắt ngực được nhiều người miêu tả là cảm giác như lồng ngực bị bóp chặt, chèn ép hay có vật nặng đè lên, gây tức hoặc đau.

Mặc dù đau thắt ngực tương đối phổ biến nhưng vẫn khó phân biệt với các dạng đau ngực khác, chẳng hạn như cảm giác khó chịu khi bị đầy bụng, khó tiêu. Nếu đột nhiên bị đau ngực không rõ nguyên nhân thì cần phải đi khám ngay.

Triệu chứng đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực thường bắt đầu ở giữa ngực, đằng sau xương ức và kéo dài khoảng vài phút. Sau đó cơn đau có thể lan sang cánh tay, cổ, hàm, vai hoặc lưng.

Đặc điểm cụ thể của cơn đau thắt ngực ở mỗi người là khác nhau, chẳng hạn như:

  • Cảm giác tức trong lồng ngực như bị ấn hay có vật nặng đè lên
  • Cảm giác như ngực bị bóp nghẹt
  • Cảm giác nóng rát

Cơn đau thắt ngực có thể đi kèm các triệu chứng khác như:

  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Đổ mồ hôi
  • Tê hoặc cảm giác nhói ở vai, cánh tay hoặc cổ tay
  •  Khó chịu ở dạ dày

Khi nhận thấy những triệu chứng này thì cần phải đến bệnh viện khám ngay lập tức.

Đau thắt ngực được chia thành nhiều loại là đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định và đau thắt ngực biến thể. Đau thắt ngực cũng có thể là dấu hiệu báo trước của cơn nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực ổn định là loại đau thắt ngực phổ biến nhất, thường xảy ra khi gắng sức và biến mất khi nghỉ ngơi. Ví dụ, cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện khi leo cầu thang hoặc khi thời tiết lạnh.

Đặc điểm của đau thắt ngực ổn định:

  • Xảy ra khi tim phải hoạt động nhiều hơn bình thường, chẳng hạn như khi tập thể dục hoặc leo cầu thang
  • Thường có thể dự đoán được và đặc điểm, cường độ của cơn đau vào mỗi lần thường tương tự nhau
  • Không kéo dài lâu, thường chỉ kéo dài tối đa 5 phút
  • Cơn đau biến mất sớm hơn nếu nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc điều trị đau thắt ngực

Mức độ nghiêm trọng, thời gian kéo dài và loại đau thắt ngực mà mỗi người gặp phải là khác nhau. Việc xuất hiện các triệu chứng mới hoặc các triệu chứng có sự thay đổi có thể là dấu hiệu của một loại đau thắt ngực nguy hiểm hơn (đau thắt ngực không ổn định) hoặc dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim.

Đặc điểm của đau thắt ngực không ổn định (cần phải cấp cứu):

  • Xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi
  • Mỗi lần đau thắt ngực có cường độ, đặc điểm và thời gian kéo dài không giống nhau
  • Xảy đến đột ngột
  • Thường dữ dội hơn và kéo dài hơn so với cơn đau thắt ngực ổn định, có thể kéo dài 30 phút hoặc lâu hơn
  • Có thể vẫn tiếp diễn khi nghỉ ngơi hoặc đã dùng thuốc điều trị đau thắt ngực
  • Có thể là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim

Còn một loại đau thắt ngực nữa là đau thắt ngực biến thể (còn gọi là đau thắt ngực Prinzmetal hay đau thắt ngực do co thắt mạch). Loại đau thắt ngực này hiếm gặp hơn. Nguyên nhân là do co thắt động mạch tim làm giảm lưu lượng máu tạm thời.

Đặc điểm của đau thắt ngực biến thể (đau thắt ngực Prinzmetal):

  • Thường xảy ra khi nghỉ ngơi
  • Đau dữ dội
  • Có thể thuyên giảm sau khi dùng thuốc

Đau thắt ngực ở phụ nữ

Các triệu chứng đau thắt ngực ở phụ nữ có thể khác với triệu chứng đau thắt ngực ở nam giới. Sự khác biệt này có thể dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngoài cảm giác đau hay khó chịu ở vùng ngực, phụ nữ bị đau thắt ngực còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như:

  • Buồn nôn
  • Khó thở
  • Đau bụng
  • Khó chịu ở cổ, hàm hoặc lưng
  • Đau nhói thay vì cảm giác tức ở lồng ngực

Khi nào cần đi khám?

Nếu cơn đau ngực kéo dài dai dẳng và không đỡ khi nghỉ ngơi hoặc uống thuốc điều trị thì đó có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Cần gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Không nên tự đến bệnh viện để tránh xảy ra tai nạn trên đường đi.

Nếu gần đây mới gặp triệu chứng khó chịu ở vùng ngực thì hãy đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp. Nếu đã được chẩn đoán mắc chứng đau thắt ngực ổn định nhưng tình trạng ngày càng trở nên nặng hơn hoặc có các triệu chứng mới thì cũng phải đi khám ngay.

Nguyên nhân gây đau thắt ngực

Đau thắt ngực xảy ra do giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Máu mang oxy và các tế bào cơ tim cần có oxy để tồn tại và hoạt động bình thường. Cơ tim bị thiếu oxy sẽ dẫn đến một tình trạng gọi là thiếu máu cục bộ.

Nguyên nhân phổ biến nhất làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim là bệnh động mạch vành (coronary artery disease). Các động mạch của tim (động mạch vành) có thể bị thu hẹp do mảng xơ vữa tích tụ từ chất béo. Tình trạng này được gọi là chứng xơ vữa động mạch.

Vào những lúc mà nhu cầu oxy thấp, chẳng hạn như khi nghỉ ngơi, cơ tim vẫn có thể hoạt động khi không được cung cấp đủ oxy mà không gây ra đau thắt ngực. Tuy nhiên, khi nhu cầu oxy tăng lên, chẳng hạn như khi tập thể dục, sự thiếu oxy đến cơ tim sẽ gây đau thắt ngực.

  • Đau thắt ngực ổn định: Đau thắt ngực ổn định thường xảy ra khi hoạt động thể chất. Khi leo cầu thang, tập thể dục hoặc đi bộ, tim cần nhiều máu hơn nhưng do các động mạch đã bị thu hẹp nên sự lưu thông máu đến tim sẽ giảm. Bên cạnh hoạt động thể chất, các yếu tố khác như căng thẳng thần kinh, thời tiết lạnh, ăn nhiều và hút thuốc cũng có thể gây hẹp động mạch và dẫn đến cơn đau thắt ngực.
  • Đau thắt ngực không ổn định: Các mảng xơ vữa tích tụ trong mạch máu bị vỡ hoặc bong ra sẽ làm hình thành cục máu đông. Cục máu đông sẽ nhanh chóng làm tắc nghẽn hoặc gây cản trở máu chảy qua động mạch bị hẹp. Điều này khiến cho lưu lượng máu đến cơ tim đột ngột giảm mạnh. Đau thắt ngực không ổn định cũng có thể là do cục máu đông làm tắc nghẽn hoàn toàn hoặc tắc nghẽn một phần mạch máu của tim. Đau thắt ngực không ổn định thường tiến triển nặng dần theo thời gian và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc điều trị thông thường. Nếu sự lưu thông máu không được cải thiện, tim sẽ bị thiếu oxy và dẫn đến nhồi máu cơ tim. Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm và cần phải điều trị khẩn cấp.
  • Đau thắt ngực Prinzmetal: Loại đau thắt ngực này là do động mạch vành bị co thắt đột ngột, khiến cho lòng mạch máu bị thu hẹp tạm thời. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến tim, gây đau ngực dữ dội. Đau thắt ngực Prinzmetal thường xảy ra khi nghỉ ngơi, đa phần là vào ban đêm cho đến rạng sáng. Mỗi đợt đau thắt ngực Prinzmetal thường gồm nhiều cơn đau xảy ra liên tiếp. Căng thẳng thần kinh, hút thuốc, dùng thuốc làm co mạch (chẳng hạn như một số loại thuốc trị đau nửa đầu) và sử dụng chất ma túy trái phép là những nguyên nhân có thể gây đau thắt ngực Prinzmetal.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đau thắt ngực:

  • Sử dụng thuốc lá: Sử dụng các sản phẩm thuốc lá (dạng hút, nhai, ngậm, hít…) và tiếp xúc lâu dài với khói thuốc (hút thuốc thụ động) gây tổn hại đến thành trong của động mạch, bao gồm cả động mạch đến tim, tạo điều kiện cho sự tích tụ cholesterol tạo thành mảng xơ vữa gây cản trở sự lưu thông máu.
  • Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch và làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, do đó làm làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, dẫn đến đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
  • Cao huyết áp: Theo thời gian, huyết áp cao kéo dài sẽ dần làm cứng thành động mạch và làm tổn thương động mạch.
  • Nồng độ cholesterol hoặc triglyceride trong máu cao: Cholesterol là thành phần chính tạo nên các mảng xơ vữa làm thu hẹp các động mạch trong cơ thể, bao gồm cả những động mạch cung cấp máu cho tim. Nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL cholesterol) hay cholesterol xấu ở mức cao làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Nồng độ triglyceride cao - một loại chất béo trong máu - cũng gây hại cho sức khỏe tim mạch.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch: Những người có ít nhất một thành viên trong gia đình bị bệnh mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim sẽ có nguy cơ đau thắt ngực cao hơn.
  • Tuổi cao: Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đau thắt ngực cao hơn so với người trẻ tuổi.
  • Ít vận động: Lối sống ít vận động góp phần làm tăng cholesterol trong máu, cao huyết áp, tiểu đường type 2 và béo phì. Đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và các bệnh tim mạch khác.
  • Béo phì: Béo phì thường có liên quan cholesterol cao, cao huyết áp và bệnh tiểu đường - tất cả đều làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và bệnh tim mạch. Khi bị thừa cân, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể.
  • Căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Căng thẳng kéo dài hay các cảm xúc tiêu cực như tức giận còn làm tăng huyết áp. Sự gia tăng nồng độ các hormone được tạo ra khi bị căng thẳng có thể khiến cho động mạch bị thu hẹp và làm trầm trọng thêm tình trạng đau thắt ngực.

Biến chứng của đau thắt ngực

Các cơn đau thắt ngực sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện một số hoạt động thường ngày, chẳng hạn như đi bộ hay leo cầu thang. Tuy nhiên, biến chứng nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim.

Các dấu hiệu cảnh báo phổ biến của cơn nhồi máu cơ tim gồm có:

  • Cảm giác đau tức và khó chịu như bị chèn ép, siết chặt hay có vật nặng đè lên ở vùng giữa ngực, kéo dài từ vài phút trở lên
  • Cơn đau lan từ ngực đến vai, cánh tay, lưng hoặc thậm chí đến răng và hàm
  • Các cơn đau ngực xảy đến dồn dập
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau kéo dài ở vùng bụng trên
  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi
  • Ngất xỉu
  • Cảm giác thấy có điều bất thường sắp xảy ra

Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này thì hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Phòng ngừa đau thắt ngực

Một số thay đổi trong thói quen sống hàng ngày có thể giúp cải thiện các triệu chứng đau thắt ngực và đồng thời ngăn ngừa đau thắt ngực:

  • Không hút thuốc lá
  • Theo dõi và kiểm soát các vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, chẳng hạn như cao huyết áp, cholesterol cao và bệnh tiểu đường
  • Ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý
  • Tập thể dục đều đặn và tăng cường hoạt động thể chất. Cố gắng tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Ngoài ra, nên tập các bài tập kháng lực như tập tạ hai lần một tuần, mỗi lần ít nhất 10 phút và các bài tập giãn cơ 3 lần một tuần, mỗi lần từ 5 đến 10 phút.
  • Hạn chế căng thẳng.
  • Không uống nhiều rượu bia. Nam giới chỉ nên uống tối đa hai đơn vị cồn mỗi ngày và nữ giới uống tối đa một đơn vị cồn.
  • Tiêm phòng cúm hàng năm để tránh các biến chứng về tim do virus cúm gây ra.

Chẩn đoán đau thắt ngực

Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán chứng đau thắt ngực, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh cá nhân, gia đình và khám lâm sàng.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp dưới đây để xác nhận chẩn đoán đau thắt ngực:

  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Mỗi nhịp đập của tim được kích hoạt bởi một xung điện được tạo ra từ các tế bào đặc biệt trong tim. Điện tâm đồ ghi lại những tín hiệu điện này khi đi qua tim. Kết quả điện tâm đồ giúp bác sĩ phát hiện dòng máu chảy qua tim có bị chậm lại hoặc gián đoạn và người bệnh có đang bị nhồi máu cơ tim hay không.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Đôi khi, việc phát hiện chứng đau thắt ngực sẽ dễ dàng hơn khi tim phải làm việc nhiều. Trong nghiệm pháp gắng sức, huyết áp và điện tâm đồ của người bệnh được theo dõi trong khi thực hiện các hoạt động thể chất như đi bộ trên máy chạy hoặc đạp đạp tại chỗ. Các phương pháp kiểm tra khác cũng có thể được thực hiện song song với nghiệm pháp gắng sức. Những người không thể vận động mạnh sẽ được tiêm thuốc làm tăng nhịp tim để mô phỏng việc tập thể dục và sau đó kiểm tra bằng các biện pháp chẩn đoán hình ảnh.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim. Bác sĩ sử dụng những hình ảnh này để xác định các vấn đề liên quan đến đau thắt ngực, gồm có tổn thương cơ tim do lưu thông máu kém. Siêu âm tim có thể được thực hiện trong nghiệm pháp gắng sức và kết quả giúp phát hiện những vùng tim không được cung cấp đủ máu.
  • Nghiệm pháp gắng sức hạt nhân: Phương pháp này giúp đo lưu lượng máu đến cơ tim khi nghỉ ngơi và khi gắng sức. Nghiệm pháp gắng sức hạt nhân cũng tương tự như nghiệm pháp gắng sức thông thường nhưng khác ở chỗ là người bệnh được tiêm một loại chất phóng xạ vào máu. Chất phóng xạ sẽ di chuyển theo dòng máu đến tim. Một máy chụp đặc biệt sẽ phát hiện chất phóng xạ trong tim và cho thấy đường đi của chất này trong cơ tim. Những phần của tim không nhiều chất phóng xạ chảy đến có nghĩa là không được cung cấp đủ máu.
  • Chụp X-quang lồng ngực: Sử dụng tia X để tạo hình ảnh của tim và phổi, giúp phát hiện vấn đề bất thường và kiểm tra xem người bệnh có bị cơ tim phì đại hay không.
  • Xét nghiệm máu: Khi tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim, một số enzyme từ tim sẽ rò rỉ vào máu. Sự hiện diện của các enzyme này trong máu có thể là dấu hiệu chỉ ra nhồi máu cơ tim.
  • Chụp mạch vành: Giúp kiểm tra bên trong các mạch máu của tim. Chụp mạch vành là một phần trong một nhóm các thủ thuật được chung gọi là thông tim. Trong quá trình chụp mạch vành, một loại thuốc cản quang được tiêm vào các mạch máu của tim và sau đó tiến hành chụp X-quang. Thuốc cản quang hiển thị trên ảnh chụp, cho phép kiểm tra chi tiết bên trong mạch máu.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim: Người bệnh nằm trên bàn chụp và được đẩy vào trong lòng máy quét lớn hình ống. Chùm tia X quét quanh cơ thể và tạo ra hình ảnh của tim và lồng ngực, giúp phát hiện các đoạn động mạch bị thu hẹp hoặc tim có bị phì đại hay không.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: Sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của cấu trúc tim và mạch máu trong tim.

Điều trị đau thắt ngực

Có nhiều phương pháp điều trị đau thắt ngực, gồm có thay đổi thói quen sống, chế độ ăn uống, dùng thuốc, nong mạch và đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Mục tiêu của các phương pháp điều trị là giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, đồng thời làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và tử vong.

Tuy nhiên, nếu bị đau thắt ngực không ổn định hoặc các triệu chứng đột nhiên thay đổi, chẳng hạn như đau thắt ngực xảy ra cả khi nghỉ ngơi thì người bệnh cần nhập viện điều trị khẩn cấp.

Điều trị bằng thuốc

Nếu đã thay đổi thói quen sống mà tình trạng đau thắt ngực không thuyên giảm thì người bệnh sẽ phải dùng các loại thuốc dưới đây để điều trị:

  • Nitrat: Nhóm thuốc nitrat thường được sử dụng để điều trị chứng đau thắt ngực. Nhóm thuốc này có tác dụng làm giãn và mở rộng mạch máu, nhờ đó giúp máu lưu thông nhiều hơn đến cơ tim. Người bệnh có thể dùng thuốc nitrat khi cảm thấy triệu chứng đau thắt ngực, trước khi thực hiện các hoạt động có thể gây đau thắt ngực (chẳng hạn như vận động mạnh) hoặc dùng thuốc lâu dài như một biện pháp phòng ngừa. Dạng thuốc nitrat được sử dụng phổ biến nhất để điều trị đau thắt ngực là viên nén nitroglycerin ngậm dưới lưỡi.
  • Aspirin: Aspirin làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, giúp máu dễ dàng chảy qua các động mạch tim bị hẹp. Ngăn ngừa hình thành cục máu đông sẽ làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trươc khi dùng aspirin hàng ngày.
  • Thuốc ngăn ngừa tắc mạch: Một số loại thuốc như clopidogrel, prasugrel và ticagrelor có thể làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông bằng cách ngăn tiểu cầu trong máu kết dính với nhau. Mhững loại thuốc này có thể được kê cho những người không thể dùng aspirin.
  • Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này có cơ chế tác dụng là ngăn chặn tác động của hormone epinephrine, hay còn được gọi là adrenaline. Kết quả là tim đập chậm hơn và nhẹ nhàng hơn, nhờ đó làm giảm huyết áp. Thuốc chẹn beta còn giúp làm giãn và mở rộng các mạch máu để tăng cường lưu thông máu, điều này làm giảm hoặc ngăn ngừa chứng đau thắt ngực.
  • Statin: Statin là nhóm thuốc được sử dụng để giảm cholesterol trong máu. Nhóm thuốc này có cơ chế là ức chế HMG-CoA reductase - một loại enzyme mà cơ thể cần để tạo ra cholesterol. Statin còn giúp cơ thể tái hấp thu lượng cholesterol đã tích tụ trong thành động mạch, nhờ đó giúp ngăn mạch máu bị tắc nghẽn thêm. Statin còn có nhiều lợi ích khác đối với động mạch tim.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng làm giãn và mở rộng mạch máu bằng cách tác động đến các tế bào cơ trong thành động mạch. Điều này làm tăng lưu lượng máu trong tim, từ đó làm giảm hoặc ngăn ngừa đau thắt ngực.
  • Thuốc điều trị cao huyết áp: Đối với những người bị cao huyết áp, tiểu đường, có dấu hiệu suy tim hoặc bệnh thận mạn tính, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc điều trị cao huyết áp. Có hai nhóm thuốc điều trị cao huyết áp chính là thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB).
  • Ranolazine (Ranexa): Ranolazine có thể được dùng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị đau thắt ngực khác, chẳng hạn như thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn beta hoặc nitroglycerin.

Các thủ thuật và phẫu thuật

Thay đổi thói quen sống và dùng thuốc là những phương pháp thường được khuyến nghị để điều trị chứng đau thắt ngực ổn định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đau thắt ngực cần phải điều trị bằng các thủ thuật như nong mạch, đặt stent và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

  • Nong mạch và đặt stent: Trong quá trình nong mạch, hay còn được gọi là can thiệp mạch vành qua da (percutaneous coronary intervention - PCI), một quả bóng bơm hơi nhỏ được đưa vào động mạch bị hẹp. Khi đã vào đúng vị trí, quả bóng được bơm căng để mở rộng lòng động mạch và sau đó bác sĩ đặt stent vào bên trong động mạch để ngăn mạch máu bị thu hẹp trở lại. Phương pháp này giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim, nhờ đó làm giảm hoặc chấm dứt tình trạng đau thắt ngực. Nong mạch và đặt stent là một giải pháp điều trị phù hợp cho những người bị đau thắt ngực không ổn định hoặc đau thắt ngực ổn định, mãn tính nhưng không đáp ứng với thuốc và thay đổi thói quen sống.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Trong ca phẫu thuật, một đoạn tĩnh mạch hoặc động mạch được cắt từ một nơi khác trong cơ thể và ghép vào vị trí động mạch bị hẹp tắc để máu lưu thông qua một cách bình thường. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành giúp làm tăng lưu lượng máu đến tim và giảm hoặc chấm dứt chứng đau thắt ngực. Đây là một giải pháp điều trị cho chứng đau thắt ngực không ổn định và đau thắt ngực ổn định không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Phản xung động ngọai biên (external counterpulsation - ECP): Các vòng bơm hơi được đặt quanh bắp chân, đùi và xương chậu của người bệnh để tăng lưu lượng máu đến tim. Một đợt điều trị bằng phương pháp ECP gồm có nhiều buổi. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và các tổ chức tim mạch khác, ECP có thể giúp làm giảm các triệu chứng đau thắt ngực tái phát hay đau thắt ngực kháng trị.

Phòng ngừa bệnh tim mạch

Vì chứng đau thắt ngực thường là do bệnh tim mạch nên phòng ngừa bệnh tim mạch sẽ giúp giảm nguy cơ đau thắt ngực. Một trong những điều quan trọng nhất để phòng ngừa bệnh tim mạch là thay đổi thói quen sống, ví dụ như:

  • Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
  • Giảm cân một cách khoa học, lành mạnh nếu thừa cân.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế tối đa chất béo bão hòa, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt và rau củ quả tươi.
  • Tập thể dục đều đặn nhưng kế hoạch tập luyện phải phù hợp với tình trạng sức khỏe.
  • Vì cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi gắng sức nên hãy cẩn thận khi thực hiện các công việc nặng và nghỉ ngơi đủ.
  • Điều trị và kiểm soát các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, cao huyết áp và cholesterol cao.
  • Không ăn quá no.
  • Thư giãn và hạn chế căng thẳng.
  • Uống rượu bia ở mức độ vừa phải (đối đa hai đơn vị cồn mỗi ngày đối với nam giới và tối đa một đơn vị cồn mỗi ngày đối với phụ nữ).

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/angina/symptoms-causes/syc-20369373

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Co thắt tâm vị

Hiện chưa có cách chữa khỏi chứng co thắt tâm vị. Một khi bị tê liệt thì cơ thực quản sẽ không thể hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng các phương pháp như nội soi, thủ thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật.

Phình động mạch chủ ngực

Phình động mạch chủ ngực thường tiến triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện. Không phải trường hợp phình động mạch chủ ngực nào cũng bị vỡ túi phình.

Ngoại tâm thu thất

Ở những người không mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thất thường không đáng ngại và có thể không cần điều trị nếu như không xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ cần thiết trong những trường hợp mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thất xảy ra thường xuyên hoặc gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây