Ngoại tâm thu thất

Ở những người không mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thất thường không đáng ngại và có thể không cần điều trị nếu như không xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ cần thiết trong những trường hợp mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thất xảy ra thường xuyên hoặc gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống.

Ngoại tâm thu thất là gì?

Ngoại tâm thu thất (premature ventricular contraction) là tình trạng xuất hiện những nhịp tim đến sớm bất thường, bắt nguồn một trong hai buồng bơm máu bên dưới của tim (tâm thất). Những nhịp đập đến sớm này làm gián đoạn nhịp tim bình thường, đôi khi gây ra cảm giác tim bỏ nhịp hoặc đập mạnh trong lồng ngực.

Ngoại tâm thu thất là một dạng rối loạn nhịp tim phổ biến.

Ở những người không mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thất thường không đáng ngại và có thể không cần điều trị nếu như không xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ cần thiết trong những trường hợp mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thất xảy ra thường xuyên hoặc gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống.

Triệu chứng ngoại tâm thu thất

Ngoại tâm thu thất thường ít hoặc không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, nhịp tim đến sớm có thể gây ra cảm giác bất thường ở ngực, chẳng hạn như:

  • Cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực
  • Tim đập bỏ qua một nhịp
  • Cảm nhận thấy rõ nhịp tim

Khi nào cần đi khám?

Nếu nhận thấy tim đập nhanh, mạnh hơn bình thường hoặc cảm giác tim đập bỏ nhịp thì hãy đi khám. Đó có thể chỉ là những hiện tượng bình thường do lo âu, hồi hộp nhưng cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như bệnh tim mạch, thiếu máu, cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) và nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây ngoại tâm thu thất

Để hiểu nguyên nhân gây ngoại tâm thu thất thì trước hết cần tìm hiểu qua một chút về hoạt động của tim.

Tim được tạo nên bởi bốn buồng, gồm có hai buồng ở trên (tâm nhĩ) và hai buồng ở dưới (tâm thất).

Nhịp tim được điều khiển bởi nút xoang – một bộ phận nằm ở buồng trên bên phải của tim (tâm nhĩ). Nút xoang truyền đi các tín hiệu điện để bắt đầu mỗi nhịp tim. Các tín hiệu điện này di chuyển qua tâm nhĩ, làm cho cơ tim co bóp và bơm máu vào tâm thất.

Tiếp theo, các tín hiệu đi đến một cụm tế bào gọi là nút nhĩ thất hay nút AV và tại đây, các tín hiệu hoạt động chậm lại. Điều này giúp máu chảy vào tâm thất. Khi các tín hiệu điện đến tâm thất, tâm thất sẽ co bóp và bơm máu đến phổi hoặc phần còn lại của cơ thể.

Ở những người có tim khỏe mạnh, quá trình truyền tín hiệu này diễn ra liền mạch, suôn sẻ và nhịp tim khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, không hoạt động là từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút.

Ngoại tâm thu thất là những cơn co bóp bất thường, bắt đầu từ tâm thất thay vì tâm nhĩ. Các cơn co bóp này bắt đầu sớm hơn thời điểm dự kiến diễn ra nhịp tim tiếp theo.

Không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân gây ngoại tâm thu thất. Một số yếu tố như bệnh tim mạch hoặc những thay đổi trong cơ thể có thể làm cho các tế bào trong tâm thất không thể truyền tín hiệu điện một cách bình thường. Bệnh tim mạch hoặc sẹo trong tim có thể khiến các tín hiệu của tim di chuyển sai hướng.

Các nguyên nhân có thể gây ngoại tâm thu thất gồm có:

  • Một số loại thuốc, gồm có thuốc điều trị nghẹt mũi và thuốc kháng histamin
  • Lạm dụng rượu hoặc ma túy
  • Các chất kích thích như caffeine hoặc thuốc lá
  • Tăng nồng độ hormone adrenaline trong cơ thể do tập thể dục hoặc lo âu
  • Tổn thương cơ tim do bệnh

Các yếu tố nguy cơ

Một số thói quen xấu và bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ ngoại tâm thu thất, chẳng hạn như:

  • Tiêu thụ nhiều caffeine
  • Hút thuốc lá
  • Uống nhiều rượu
  • Sử dụng ma túy, chẳng hạn như cocaine hoặc methamphetamine
  • Thường xuyên lo âu, căng thẳng
  • Tiền sử nhồi máu cơ tim
  • Bệnh tim mạch, gồm có bệnh tim bẩm sinh, bệnh mạch vành, suy tim và bệnh cơ tim

Biến chứng của ngoại tâm thu thất

Thường xuyên xảy ra ngoại tâm thu thất hoặc bị một số dạng ngoại tâm thu thất nhất định có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường) hoặc bệnh cơ tim (cơ tim suy yếu).

Ở những người bị bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thất xảy ra thường xuyên có thể dẫn đến nhịp tim hỗn loạn nguy hiểm và có thể bị đột tử do tim.

Chẩn đoán ngoại tâm thu thất

Để chẩn đoán ngoại tâm thu thất, bác sĩ sẽ nghe tim bằng ống nghe. Người bệnh sẽ được hỏi về thói quen sống và bệnh sử.

Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) là phương pháp thường được sử dụng để xác nhận chẩn đoán ngoại tâm thu thất.

Điện tâm đồ giúp phát hiện nhịp tim đến sớm, đồng thời giúp xác định loại và nơi bắt nguồn nhịp đập bất thường.

Điện tâm đồ hay đo điện tim là một phương pháp kiểm tra nhanh chóng, không gây đau đớn nhằm ghi lại hoạt động điện của tim. Các điện cực được đặt trên ngực và đôi khi ở cánh tay và chân của người bệnh. Các điện cực được kết nối với máy tính, nơi hiển thị kết quả đo. Kết quả điện tâm đồ cho biết tim có đang đập quá nhanh hay quá chậm hay không.

Nếu ngoại tâm thu thất xảy ra không thường xuyên thì có thể sẽ không phát hiện được bằng phương pháp điện tâm đồ tiêu chuẩn. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các thiết bị điện tâm đồ di động tại nhà để theo dõi nhịp tim. Các thiết bị điện tâm đồ di động thường được sử dụng gồm có:

  • Holter điện tâm đồ: Thiết bị điện tâm đồ di động này thường được đeo trên người trong một ngày hoặc lâu hơn để ghi lại nhịp tim trong các hoạt động hàng ngày. Một số thiết bị cá nhân, chẳng hạn như đồng hồ thông minh, cũng có tính năng theo dõi điện tâm đồ.
  • Máy ghi biến cố: Thiết bị này cũng tương tự như máy Holter nhưng được đeo lâu hơn, có thể lên đến 30 ngày hoặc cho đến khi xuất hiện các triệu chứng hoặc nhịp tim bất thường. Khi phát hiện thấy các triệu chứng, người bệnh sẽ nhấn nút trên máy để ghi lại. Một số loại máy ghi biến cố tự động phát hiện và ghi lại nhịp tim bất thường.

Ngoài ra có thể cần tiến hành nghiệm pháp gắng sức, trong đó người bệnh đi bộ trên máy chạy hoặc đạp xe tại chỗ trong khi bác sĩ đo điện tim. Nghiệm pháp gắng sức giúp kiểm tra xem tập thể dục có kích hoạt ngoại tâm thu thất hay không.

Điều trị ngoại tâm thu thất

Hầu hết những người bị ngoại tâm thu thất nhưng không mắc bệnh tim mạch đều không cần điều trị. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thất có thể dẫn đến các vấn đề về nhịp tim nghiêm trọng hơn (rối loạn nhịp tim). Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngoại tâm thu thất.

Các phương pháp điều trị đối với những trường hợp ngoại tâm thu thất xảy ra thường xuyên:

  • Thay đổi lối sống: Chấm dứt các thói quen xấu, chẳng hạn như tiêu thụ nhiều caffeine hay hút thuốc lá có thể làm giảm tình trạng tâm thất co bóp sớm và giảm bớt các triệu chứng.
  • Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê thuốc điều trị cao huyết áp để làm giảm các cơn co bóp sớm. Những loại thuốc thường được sử dụng để điều trị ngoại tâm thu thất là thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi. Người bệnh cũng có thể cần dùng thuốc kiểm soát nhịp tim nếu bị nhịp nhanh thất (một loại rối loạn nhịp tim) hoặc ngoại tâm thu thất thường xuyên cản trở chức năng tim.
  • Triệt đốt qua ống thông: Nếu đã thay đổi lối sống và dùng thuốc mà tình trạng không cải thiện, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thủ thuật triệt đốt bằng ống thông để chấm dứt các cơn co bóp thêm bất thường ở tâm thất. Trong thủ thuật này, bác sĩ luồn một hoặc nhiều ống thông qua động mạch, thường là động mạch ở bẹn và dẫn ống thông đến tim của bệnh nhân. Các điện cực trên đầu ống thông tạo ra năng lượng nhiệt (sóng cao tần) để làm hình thành các vết sẹo nhỏ trong tim. Các vết sẹo này sẽ chặn các tín hiệu điện bất thường và khôi phục nhịp tim bình thường.

Các phương pháp điều trị khác

Các biện pháp dưới đây có thể giúp kiểm soát các cơn ngoại tâm thu thất và cải thiện sức khỏe tim mạch:

  • Theo dõi các yếu tố kích hoạt: Nếu thường xuyên bị ngoại tâm thu thất, hãy ghi lại thời điểm xuất hiện các triệu chứng và những loại đồ ăn, hành động diễn ra trước thời điểm đó. Việc này sẽ giúp xác định loại thực phẩm, đồ uống hoặc các hoạt động gây ra cơn ngoại tâm thu thất.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích: Thuốc lá, đồ uống có cồn, caffeine và các chất kích thích khác có thể gây ra cơn ngoại tâm thu thất. Hạn chế hoặc tránh hoàn toàn các chất này có thể làm giảm các triệu chứng ngoại tâm thu thất.
  • Kiểm soát căng thẳng: Lo âu, căng thẳng có thể kích hoạt rối loạn nhịp tim. Có nhiều cách để giảm căng thẳng thần kinh, ví dụ như tập thể dục, ngồi thiền, dành thời gian cho sở thích, tham gia các hoạt động ngoài trời hay đi chơi cùng người thân, bạn bè.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premature-ventricular-contractions/symptoms-causes/syc-20376757

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Mang thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung không thể tồn tại và phát triển bình thường cho đến ngày sinh. Nếu không can thiệp xử lý kịp thời, túi thai sẽ bị vỡ và gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người mẹ.

Co thắt tâm vị

Hiện chưa có cách chữa khỏi chứng co thắt tâm vị. Một khi bị tê liệt thì cơ thực quản sẽ không thể hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng các phương pháp như nội soi, thủ thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật.

Đau thắt ngực

Đau thắt ngực xảy ra do giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Máu mang oxy và các tế bào cơ tim cần có oxy để tồn tại và hoạt động bình thường. Cơ tim bị thiếu oxy sẽ dẫn đến một tình trạng gọi là thiếu máu cục bộ.

Bệnh động mạch ngoại biên

Nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên thường là do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo tích tụ trên thành bên trong động mạch và gây cản trở sự lưu thông máu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây