HIV/AIDS

Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa trị khỏi HIV/AIDS nhưng các loại thuốc kháng virus có thể làm chậm đáng kể sự tiến triển của bệnh. Những loại thuốc này còn giúp làm giảm nguy cơ tử vong do AIDS.

HIV/AIDS là gì?

HIV là viết tắt của human immunodeficiency virus, có nghĩa là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Bằng cách phá hỏng hệ miễn dịch, HIV cản trở khả năng chống lại nhiễm trùng và bệnh tật của cơ thể. Khi không được điều trị, tình trạng nhiễm HIV sẽ tiến triển thành AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Nhiễm HIV/AIDS là một tình trạng mãn tính, có khả năng đe dọa đến tính mạng.

Nhiễm HIV là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Virus này chủ yếu lây qua chất dịch cơ thể khi quan hệ tình dục nhưng cũng có thể lây khi vô tình tiếp xúc với máu của người bệnh hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời gian mang thai, khi sinh nở hoặc cho con bú. Nếu không điều trị thì sau nhiều năm HIV sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch nghiêm trọng và chuyển sang giai đoạn cuối hay còn được gọi là AIDS.

Hiện nay chưa có cách chữa trị khỏi HIV/AIDS nhưng các loại thuốc kháng virus có thể làm chậm đáng kể sự tiến triển của bệnh. Những loại thuốc này còn giúp làm giảm nguy cơ tử vong do AIDS.

Dấu hiệu, triệu chứng

Nhiễm HIV/AIDS có nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn. Nếu không điều trị, nhiễm HIV sẽ tiến triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn cấp tính, giai đoạn mạn tính và giai đoạn AIDS.

Giai đoạn 1: Giai đoạn cấp tính

Người nhiễm HIV có thể gặp phải các biểu hiện giống như cúm trong vòng từ 2 đến 4 tuần sau khi virus xâm nhập vào cơ thể. Giai đoạn đầu này được gọi là nhiễm HIV cấp tính, có thể kéo dài trong vài tuần. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra gồm có:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Đau cơ và đau khớp
  • Phát ban
  • Đau rát họng
  • Sưng hạch bạch huyết, chủ yếu là ở cổ
  • Tiêu chảy
  • Sụt cân
  • Ho
  • Đổ mồ hôi về đêm

Những triệu chứng này có thể chỉ rất nhẹ đến mức người bệnh không nhận thấy. Tuy nhiên, lúc này lượng virus trong máu (tải lượng virus) ở mức khá cao. Vì thế nên ở giai đoạn cấp tính, HIV dễ lây hơn so với các giai đoạn sau.

Giai đoạn 2: Giai đoạn mạn tính

Trong giai đoạn mạn tính hay còn gọi là giai đoạn tiềm ẩn, HIV vẫn tồn tại trong cơ thể và cụ thể là ở trong các tế bào bạch cầu. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nhiều người không có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào.

Giai đoạn mạn tính có thể kéo dài nhiều năm nhưng cũng có thể nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sau.

Khi virus tiếp tục sinh sôi và phá hủy các tế bào miễn dịch - các tế bào giúp chống lại bệnh tật trong cơ thể - thì người bệnh có thể sẽ bị các bệnh nhiễm trùng nhẹ hoặc có các dấu hiệu, triệu chứng mãn tính như:

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Sưng hạch bạch huyết, đây thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm HIV
  • Tiêu chảy
  • Sụt cân
  • Nấm miệng
  • Bệnh zona thần kinh (giời leo)
  • Viêm phổi

Giai đoạn cuối: AIDS

Nhờ có phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus mà hầu hết những người nhiễm HIV hiện nay đều không bị AIDS. Nhưng nếu không được điều trị thì nhiễm HIV sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS sau khoảng 8 đến 10 năm.

Khi đã sang đến giai đoạn này, hệ miễn dịch đã bị tổn hại nghiêm trọng. Người bệnh sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư. Nhiễm trùng cơ hội là những bệnh mà hệ miễn dịch ở người khỏe mạnh có thể dễ dàng chống lại. Nhưng ở người nhiễm HIV/AIDS, tác nhân gây bệnh lại lợi dụng hệ miễn dịch suy yếu và gây ra các vấn đề nghiêm trọng.

Triệu chứng của một số bệnh nhiễm trùng cơ hội gồm có:

  • Đổ mồ hôi
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Sốt tái đi tái lại
  • Tiêu chảy mãn tính
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Có các đốm trắng hoặc các tổn thương bất thường trên lưỡi hoặc bên trong miệng
  • Tình trạng mệt mỏi kéo dài dai dẳng mà không rõ nguyên nhân
  • Suy nhược cơ thể
  • Sụt cân
  • Phát ban hoặc nổi sẩn lạ trên da

Khi nào cần đi khám?

Nếu nghi ngờ có thể mình đã bị nhiễm HIV thì hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được tư vấn làm xét nghiệm.

Nguyên nhân

Nhiễm HIV/AIDS là do virus gây ra. Virus này có thể lây lan qua quan hệ tình dục hoặc đường máu, lây từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.

HIV trở thành AIDS như thế nào?

HIV phá hủy các tế bào T-CD4 – các tế bào bạch cầu có vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Càng có ít tế bào T-CD4 thì hệ miễn dịch càng trở nên suy yếu.

Một người có thể bị nhiễm HIV với ít hoặc không có triệu chứng trong suốt nhiều năm trước khi chuyển sang giai đoạn AIDS. AIDS được xác định khi số lượng tế bào T-CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3 máu hoặc có một biến chứng xác định AIDS, chẳng hạn như các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng hoặc ung thư.

HIV lây truyền như thế nào?

HIV lây truyền qua các chất dịch cơ thể, gồm có máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, hậu môn và sữa mẹ. Một người sẽ bị nhiễm HIV khi các chất dịch có chứa virus này xâm nhập vào cơ thể. Điều này có thể xảy ra khi:

  • Quan hệ tình dục: HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng. Virus xâm nhập vào cơ thể qua vết loét ở miệng hoặc các vết xước nhỏ bên trong hậu môn và âm đạo.
  • Dùng chung bơm kim tiêm: Dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy cũng là một con đường phổ biến làm lây truyền HIV và các bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn như viêm gan.
  • Truyền máu: Trong một số trường hợp, HIV lây lan qua đường truyền máu. Tuy nhiên, hiện nay điều này rất hiếm khi xảy ra vì máu sau khi được lấy từ người hiến sẽ trải qua quá trình sàng lọc kỹ càng và tất cả máu có chứa mầm bệnh,ví dụ như HIV đều sẽ bị loại bỏ.
  • Trong khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú: Người mẹ bị nhiễm HIV có thể truyền virus sang con trong thai kỳ, trong quá trình sinh nở hoặc cho con bú. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị trong thời gian mang thai có thể giảm đáng kể nguy cơ này.

Các con đường không lây truyền HIV

HIV không lây truyền qua sự tiếp xúc thông thường, ví dụ như khi ôm, hôn, bắt tay hay dùng chung vật dụng với người bệnh. HIV cũng không lây qua không khí, nước bọt và côn trùng cắn.

Các yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai, dù là ở độ tuổi, chủng tộc, giới tính hoặc khuynh hướng tình dục nào cũng đều có thể bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ cao hơn nếu như:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ là một cách hữu hiệu để bảo vệ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn có nguy cơ lây truyền HIV cao hơn so với quan hệ qua đường âm đạo và đường miệng. Nguy cơ nhiễm HIV cũng tăng cao nếu có nhiều bạn tình.
  • Mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác: Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra vết loét hay vết thương hở trên bộ phận sinh dục. Điều này tạo điều kiện cho HIV xâm nhập vào cơ thể.
  • Tiêm chích ma túy: Những người tiêm chích ma túy thường dùng chung bơm kim tiêm. Điều này làm tăng nguy cơ tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV.

Biến chứng

Nhiễm HIV làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến cho cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và một số bệnh ung thư.

Các bệnh nhiễm trùng cơ hội

  • Viêm phổi do Pneumocystis (PCP): Đây là một dạng viêm phổi do nấm Pneumocystis jirovecii gây ra. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh này đã giảm đáng kể nhờ có các loại thuốc kháng virus điều trị HIV/AIDS nhưng PCP vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi ở những người sống chung với HIV.
  • Nhiễm nấm Candida (nấm miệng): Nhiễm nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở những người nhiễmn HIV. Candida là một loại nấm men vốn tồn tại tự nhiên trên cơ thể và khi hệ miễn dịch suy yếu, chúng sẽ phát triển quá mức. Nấm Candida gây viêm và tạo ra một lớp phủ dày, màu trắng trên miệng, lưỡi, thực quản hoặc âm đạo.
  • Bệnh lao: Mặc dù số ca mắc đã giảm đáng kể nhưng lao vẫn là bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất liên quan đến HIV ở các quốc gia kém phát triển. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người bị AIDS.
  • Nhiễm Cytomegalovirus (CMV): Cytomegalovirus là một loại virus lây truyền qua chất dịch cơ thể như nước bọt, máu, nước tiểu, tinh dịch và sữa mẹ. Ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, virus này sẽ ở trạng thái không hoạt động trong cơ thể. Nhưng nếu hệ miễn dịch bị suy yếu thì CMV sẽ hoạt động và gây ra vấn đề ở mắt, đường tiêu hóa, phổi hoặc các cơ quan khác.
  • Viêm màng não do nấm Cryptococcus: Viêm màng não là tình trạng viêm xảy ra ở lớp màng và chất dịch bao quanh não và tủy sống. Viêm màng não do nấm Cryptococcus là một bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương phổ biến ở người nhiễm HIV, do một loại nấm có trong đất gây ra.
  • Nhiễm nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma: Đây là một bệnh nhiễm trùng có khả năng gây chết người do Toxoplasma gondii - một loại ký sinh trùng lây lan chủ yếu bởi mèo. Mèo mang ký sinh trùng này trong phân và có thể lây lan sang các động vật khác cũng như là con người. Nhiễm nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma có thể gây ra bệnh tim và các cơn co giật khi lây lan đến não bộ.

Các bệnh ung thư

  • Ung thư hạch: Ung thư hạch hay u lympho là bệnh ung thư bắt đầu trong các tế bào bạch cầu. Dấu hiệu ban đầu phổ biến nhất là sưng hạch bạch huyết không đau ở cổ, nách hoặc bẹn.
  • Ung thư Kaposi (Kaposi's sarcoma): Là bệnh ung thư xảy ra ở thành mạch máu, thường có biểu hiện là hình thành các nốt màu hồng, đỏ hoặc tím trên da và miệng. Ở những người có da tối màu, những nốt này có màu nâu sẫm hoặc đen. Ung thư Kaposi cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, gồm có cả đường tiêu hóa và phổi.

Các biến chứng khác

  • Hội chứng suy kiệt: HIV không được điều trị có thể gây sụt cân đáng kể, thường kèm theo triệu chứng tiêu chảy, suy nhược mãn tính và sốt.
  • Biến chứng về thần kinh: HIV có thể gây ra các triệu chứng về thần kinh như lú lẫn, hay quên, trầm cảm, lo âu và đi lại khó khăn. Người nhiễm HIV có thể bị một chứng bệnh gọi là rối loạn nhận thức thần kinh liên quan đến HIV (HAND), gồm có các triệu chứng như thay đổi hành vi, giảm chức năng tâm thần nhẹ cho đến chứng suy giảm trí nhớ nghiêm trọng, gây suy nhược và mất khả năng hoạt động.
  • Bệnh thận: Bệnh thận liên quan đến HIV (HIVAN) là tình trạng viêm các bộ lọc nhỏ trong thận (nephron). Những bộ lọc này có vai trò loại bỏ chất lỏng dư thừa và chất thải từ máu rồi chuyển vào nước tiểu. Bệnh này thường xảy ra ở người da đen hoặc người gốc Tây Ban Nha.
  • Bệnh gan: Bệnh gan cũng là một biến chứng lớn của nhiễm HIV, đặc biệt là ở những người còn bị viêm gan B hoặc viêm gan C.

Biện pháp chẩn đoán

HIV có thể được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước bọt. Các phương pháp xét nghiệm cụ thể gồm có:

  • Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể (xét nghiệm combo Ag/Ab): Xét nghiệm này được thực hiện trên lấy máu lấy từ tĩnh mạch. Kháng nguyên là những chất có trên chính virus và thường có thể phát hiện được (xét nghiệm cho kết quả dương tính) trong vòng vài tuần sau khi phơi nhiễm. Kháng thể là những phân tử được hệ miễn dịch tạo ra khi phát hiện có vi khuẩn, virus xâm nhập. Thông thường, phải mất vài tuần đến vài tháng thì hệ miễn dịch mới sản xuất đủ lượng kháng thể để xét nghiệm phát hiện ra. Do đó mà có thể phải sau từ ​​2 đến 6 tuần sau khi phơi nhiễm thì phương pháp xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể mới cho kết quả dương tính.
  • Xét nghiệm kháng thể: Xét nghiệm này phát hiện kháng thể kháng HIV trong máu hoặc nước bọt. Hầu hết các phương pháp xét nghiệm HIV nhanh, bao gồm cả bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà, là xét nghiệm kháng thể. Thường phải sau từ ​​3 đến 12 tuần sau khi phơi nhiễm thì xét nghiệm kháng thể mới cho kết quả dương tính.
  • Xét nghiệm axit nucleic (NAT): Xét nghiệm này phát hiện chính virus trong máu (tải lượng virus). Xét nghiệm NAT được thực hiện trên mẫu máu lấy từ tĩnh mạch. Nếu như có khả năng đã phơi nhiễm với HIV trong vài tuần trở lại thì bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm NAT. Phương pháp này có thể phát hiện HIV sớm nhất.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp xét nghiệm phù hợp nhất. Nếu đã làm xét nghiệm và có kết quả âm tính thì vẫn nên xét nghiệm lại sau vài tuần đến vài tháng để xác nhận kết quả vì đôi khi, các xét nghiệm cho kết quả âm tính giả, có nghĩa là âm tính trong khi thực sự đã bị nhiễm virus. Điều này thường xảy ra khi làm xét nghiệm quá sớm sau phơi nhiễm.

Các xét nghiệm để xác định giai đoạn bệnh

Nếu các xét nghiệm trên cho kết quả dương tính với HIV thì sẽ bác sĩ sẽ thực hiện tiếp các xét nghiệm dưới đây để xác định giai đoạn bệnh và từ đó có hướng điều trị:

  • Xét nghiệm đếm số lượng tế bào T: Tế bào T-CD4 là các tế bào bạch cầu mà HIV tấn công và sử dụng làm nơi để chúng tự sao chép, nhân lên. Ngay cả khi không có triệu chứng thì nhiễm HIV cũng vẫn sẽ tiến triển thành AIDS khi số lượng tế bào T-CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3 máu.
  • Xét nghiệm đo tải lượng virus (HIV-RNA): Xét nghiệm này đo số lượng virus có trong máu. Mục đích của phác đồ điều trị HIV là giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được. Điều này sẽ làm giảm đáng kể khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các biến chứng khác liên quan đến HIV. Lúc này, người nhiễm HIV cũng sẽ không còn lây bệnh sang người khác.
  • Xét nghiệm HIV kháng thuốc: Một số chủng HIV có khả năng kháng thuốc. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định xem chủng HIV trong cơ thể có kháng thuốc hay không và từ đó kê loại thuốc điều trị phù hợp.

Xét nghiệm tìm biến chứng

Một số xét nghiệm có thể cần thực hiện để phát hiện các bệnh nhiễm trùng hoặc biến chứng khác của HIV/AIDS:

  • Bệnh lao
  • Viêm gan B hoặc viêm gan C
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Tổn thương gan hoặc thận
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Ung thư cổ tử cung và ung thư hậu môn
  • Nhiễm Cytomegalovirus
  • Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma

Điều trị

Hiện tại chưa có cách chữa khỏi HIV/AIDS và một khi đã bị nhiễm HIV thì cơ thể cũng không thể tiêu diệt được. Tuy nhiên, có nhiều loại thuốc có thể kiểm soát HIV và ngăn ngừa các biến chứng. Những loại thuốc này được gọi là thuốc kháng virus (thuốc ARV). Những người nhiễm HIV thường phải dùng kết hợp cùng lúc nhiều loại thuốc ARV khác nhau, đây được gọi là liệu pháp kháng virus (antiretroviral therapy - ART). Tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV đều phải bắt đầu điều trị ngay bằng thuốc ARV, bất kể giai đoạn và biến chứng.

Liệu pháp kháng virus thường là sự kết hợp của 2 loại thuốc trở lên từ các nhóm thuốc ARV khác nhau để làm giảm tải lượng HIV trong máu một cách hiệu quả nhất. Hiện nay còn có những loại thuốc ARV kết hợp, có nghĩa là chứa 3 loại thuốc khác nhau trong cùng một viên và uống một lần mỗi ngày.

Mỗi nhóm thuốc ARV tác động đến virus theo một cơ chế riêng. Việc điều trị bằng cách kết hợp thuốc từ các nhóm khác nhau nhằm mục đích:

  • Khắc phục tình trạng kháng thuốc của một số chủng HIV
  • Tránh tạo ra các chủng HIV kháng thuốc mới
  • Giảm tải lượng virus trong máu một cách tối đa

Phác đồ điều trị HIV được sử dụng phổ biến nhất là dùng 2 loại thuốc trong cùng một nhóm và kết hợp với một loại thuốc thuộc nhóm khác.

Các nhóm thuốc ARV điều trị HIV gồm có:

  • Thuốc ức chế enzyme phiên mã ngược nucleoside hoặc nucleotide (NRTI): Khi xâm nhập vào một tế bào khỏe mạnh, HIV sẽ tạo ra bản sao của chính nó. Virus thực hiện điều này bằng cách sử dụng một loại enzyme gọi là enzyme phiên mã ngược (reverse transcriptase). NRTI sẽ ức chế enzyme này. Một số thuốc trong nhóm NRTI gồm có abacavir (Ziagen), tenofovir (Viread), emtricitabine (Emtriva), lamivudine (Epivir) và zidovudine (Retrovir). Ngoài ra còn có các loại thuốc kết hợp, chẳng hạn như emtricitabine/tenofovir (Truvada) và emtricitabine/tenofovir alafenamide (Descovy).
  • Thuốc ức chế enzyme phiên mã ngược không nucleoside (NNRTI): ngăn chặn loại enzyme mà HIV cần để tạo bản sao của chính chúng. Một số thuốc trong nhóm này gồm có efavirenz (Sustiva), rilpivirine (Edurant) và doravirine (Pifeltro).
  • Thuốc ức chế protease (PI): ngăn cản hoạt động của protease - một loại enzyme khác mà HIV cần để tạo bản sao. Một số thuốc trong nhóm này gồm có atazanavir (Reyataz), darunavir (Prezista) và lopinavir/ritonavir (Kaletra).
  • Thuốc ức chế integrase: vô hiệu hóa integrase - một enzyme được HIV sử dụng để đưa vật liệu di truyền của chúng vào tế bào T-CD4. Một số thuốc trong nhóm này gồm có bictegravir natri/emtricitabine/tenofovir alafenamide fumar (Biktarvy), raltegravir (Isentress) và dolutegravir (Tivicay).
  • Thuốc ức chế xâm nhập hoặc hòa màng: ngăn chặn sự xâm nhập của HIV vào tế bào T-CD4. Một số thuốc trong nhóm này gồm có enfuvirtide (Fuzeon) và maraviroc (Selzentry).

Bắt đầu và duy trì điều trị

Tất cả những người bị nhiễm HIV, bất kể số lượng tế bào T-CD4 là bao nhiêu hay có những triệu chứng nào, đều nên điều trị ngay bằng thuốc kháng virus.

Tuân thủ đúng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV để duy trì tải lượng virus trong máu ở không phát hiện được là cách tốt nhất để sống khỏe mạnh và lâu dài.

Để liệu pháp kháng virus phát huy hiệu quả tối đa thì điều quan trọng là phải dùng thuốc theo đúng chỉ định, không được bỏ bất kỳ liều nào. Tải lượng virus không thể phát hiện được sẽ giúp:

  • Giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh
  • Giảm nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và ung thư
  • Giảm khả năng HIV kháng thuốc
  • Giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác

Duy trì điều trị HIV đôi khi không phải chuyện đơn giản. Người bệnh có thể sẽ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, ví dụ như:

  • Mẫn cảm hay phản ứng dị ứng
  • Sốt, buồn nôn, nôn
  • Ăn không ngon miệng
  • Tiêu chảy
  • Chảy máu
  • Mệt mỏi
  • Thay đổi tâm trạng
  • Loạn dưỡng mỡ
  • Phát ban
  • Nồng độ cholesterol cao
  • Tăng huyết áp
  • Đường huyết cao
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
  • Tổn thương gan và thận
  • Loãng xương
  • Khó ngủ
  • Cảm giác nóng, châm chích hoặc tê ở bàn tay và chân do vấn đề ở dây thần kinh

Cần tái khám định kỳ để theo dõi sức khỏe và hiệu quả điều trị. Hãy cho bác sĩ biết nếu gặp phải bất cứ vấn đề gì trong thời gian điều trị để có cách khắc phục.

Điều trị các bệnh khác khi nhiễm HIV

Một số vấn đề sức khỏe xảy ra tự nhiên do quá trình lão hóa nhưng sẽ khó kiểm soát hơn nếu bị nhiễm HIV. Ví dụ, một số loại thuốc điều trị bệnh tim, xương khớp hoặc hội chứng chuyển hóa do tuổi già có thể sẽ tương tác với thuốc điều trị HIV. Do đó, khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV thì hãy báo cho bác sĩ về các vấn đề sức khỏe hay bệnh lý khác và các loại thuốc đang dùng. Nếu như đang dùng thuốc ARV và được chẩn đoán mắc một bệnh khác thì cũng phải cho bác biết để kê thuốc cho phù hợp, tránh xảy ra tương tác thuốc.

Theo dõi đáp ứng điều trị

Người nhiễm HIV và điều trị bằng thuốc ARV sẽ phải làm xét nghiệm đo tải lượng virus và số lượng tế bào T-CD4 định kỳ để theo dõi đáp ứng với phác đồ điều trị. Xét nghiệm sẽ được thực hiện sau khi bắt đầu dùng thuốc được 2 và 4 tuần, sau đó cách 3 đến 6 tháng thì xét nghiệm lại.

Nếu điều trị tốt thì sẽ có thể làm giảm tải lượng virus trong máu xuống mức không thể phát hiện được. Nhưng điều này không có nghĩa là đã khỏi bệnh. Ngay cả khi xét nghiệm không phát hiện thấy HIV trong máu thì virus vẫn tồn tại ở những nơi khác trong cơ thể, chẳng hạn như trong các hạch bạch huyết và các cơ quan nội tạng.

Thay đổi lối sống

Ngoài dùng thuốc, người nhiễm HIV cũng cần tự biết cách chăm sóc bản thân để có thể sống khỏe mạnh. Một số biện pháp nên thực hiện gồm có:

  • Ăn đồ ăn tốt cho sức khỏe: phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể bằng cách ăn nhiều trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Điều này giúp cải thiện mức năng lượng và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Không ăn thực phẩm sống: vi khuẩn và ký sinh trùng trong thực phẩm có thể gây ra những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở những người bị nhiễm HIV. Vì thế nên chỉ được ăn đồ nấu chín kỹ và tránh các loại đồ sống như sushi, sashimi, hải sản sống hay thịt bò tái. Ngoài ra phải chọn những sản phẩm sữa đã qua tiệt trùng.
  • Tiêm vắc-xin để ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng như viêm phổi và cúm. Ngoài ra cũng nên cân nhắc tiêm các loại vắc-xin khác như vắc-xin ngừa HPV, viêm gan A và viêm gan B. Người nhiễm HIV chỉ nên tiêm các loại vắc-xin bất hoạt và không được tiêm các vắc-xin sống do hệ miễn dịch đã suy yếu.
  • Chăm sóc vật nuôi: Một số vật nuôi có thể mang các loại vi sinh vật gây bệnh nhiễm trùng ở những người dương tính với HIV. Phân mèo có thể gây ra bệnh nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma, bò sát có thể mang vi khuẩn salmonella và chim có thể mang nấm cryptococcus hoặc histoplasmosis. Hãy nhớ rửa tay kỹ sau khi đụng vào vật nuôi và sau khi vệ sinh chuồng.

Thực phẩm chức năng

Có nhiều loại thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch hoặc chống lại tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV. Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng cải thiện khả năng miễn dịch của các sản phẩm này nhưng một số loại thực phẩm chức năng mà người nhiễm HIV có thể thử gồm có:

  • Acetyl-L-carnitine: Trong một số nghiên cứu, acetyl-L-carnitine được sử dụng để điều trị chứng đau dây thần kinh, tê hoặc yếu cơ (bệnh thần kinh) ở những người mắc bệnh tiểu đường. Chất này cũng có thể làm dịu các vấn đề về thần kinh liên quan đến HIV ở những người bị thiếu chất này.
  • Đạm whey và một số axit amin: Bằng chứng ban đầu cho thấy đậm whey (whey protein) - một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất pho mát - có thể giúp tăng cân cho những người nhiễm HIV. Đạm whey còn có tác dụng giảm tiêu chảy và tăng số lượng tế bào T-CD4. Các axit amin L-glutamine, L-arginine và hydroxymethylbutyrate (HMB) cũng có tác dụng hỗ trợ tăng cân.
  • Probiotic: Có một số nghiên cứu cho thấy rằng lợi khuẩn Saccharomyces boulardii có thể giúp điều trị tiêu chảy do HIV nhưng chỉ nên sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sữa non của bò cũng đang được nghiên cứu để điều trị vấn đề này.
  • Vitamin và các khoáng chất: Vitamin A, D, E, C và B cũng như các khoáng chất như kẽm, sắt và selen sẽ giúp cải thiện một số vấn đề sức khỏe cho những người bị thiếu hụt.

Lưu ý, một số sản phẩm có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc đang dùng. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào để đảm bảo không xảy ra vấn đề không mong muốn.

Phòng ngừa

Hiện chưa có vắc-xin để phòng ngừa lây nhiễm HIV và cũng chưa có thuốc chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, có thể ngăn ngừa sự lây truyền HIV bằng những biện pháp dưới đây:

  • Điều trị để phòng ngừa (TasP): ở những người đang sống chung với HIV, điều trị đều đặn bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) sẽ giúp tránh lây virus sang bạn tình. Khi tải lượng virus giảm xuống mức không thể phát hiện được, có nghĩa là xét nghiệm máu không phát hiện thấy virus thì sẽ không còn lây truyền HIV cho người khác. Điều quan trọng là phải dùng thuốc đúng theo chỉ định và khám sức khỏe định kỳ.
  • Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP): Nếu nghĩ rằng có thể mình đã bị phơi nhiễm với HIV khi quan hệ tình dục hay tiếp xúc với máu của người bệnh thì hãy đến bệnh viện ngay để được kê thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). Phương pháp này giúp giảm đáng kể nguy cơ bị nhiễm HIV nhưng phải được bắt đầu càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ đầu tiên sau phơi nhiễm và tiếp tục dùng thuốc trong 28 ngày sau đó.
  • Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục: Hãy sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục, dù là qua đường hậu môn hay đường âm đạo. Phụ nữ có thể sử dụng bao cao su nữ. Nếu sử dụng gel bôi trơn thì hãy chọn sản phẩm gel gốc nước. Gel bôi trơn gốc dầu có thể làm hỏng bao cao su. Khi quan hệ tình dục bằng miệng, hãy sử dụng màng chắn miệng hoặc nếu không mua được thì có thể sử dụng bao cao su để thay thế bằng cách cắt dọc thân bao và mở ra tạo thành một miếng chắn.
  • Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP): Đây là phương pháp sử dụng các loại thuốc kháng virus, ví dụ như thuốc kết hợp emtricitabine và tenofovir (Truvada), emtricitabine và tenofovir alafenamide (Descovy) để làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người chưa nhiễm virus nhưng có nguy cơ cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), PrEP có thể làm giảm hơn 90% nguy cơ lây nhiễm HIV nếu sử dụng đúng cách. Trước khi bắt đầu PrEP sẽ cần làm xét nghiệm để xác nhận chưa bị nhiễm virus và sau đó xét nghiệm định kỳ 3 tháng một lần. Ngoài ra còn phải xét nghiệm chức năng thận trước khi dùng thuốc Truvada và tiếp tục xét nghiệm 6 tháng một lần. Một khi đã bắt đầu PrEP thì cần phải dùng thuốc đều đặn mỗi ngày. PrEP không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nên vẫn cần sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục. Những người bị viêm gan B cần đến khám bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu PrEP.
  • Thông báo cho bạn tình nếu bị nhiễm HIV: Cần báo cho cả bạn tình hiện tại và những người đã từng quan hệ tình dục trước đây nếu như xét nghiệm cho kết quả dương tính với HIV để họ cũng đi xét nghiệm và bắt đầu điều trị.
  • Không dùng chung bơm kim tiêm: Luôn sử dụng kim tiêm mới, không dùng lại và không dùng chung với người khác.
  • Điều trị khi mang thai: Những phụ nữ dương tính với HIV có thể sẽ lây truyền bệnh sang con. Nhưng nếu điều trị tốt thì sẽ có thể giảm đáng kể nguy cơ này.
  • Cân nhắc cắt bao quy đầu đối với nam giới: Có bằng chứng cho thấy rằng cắt bao quy đầu ở nam giới có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây