Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục là gì?

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) hay gọi đầy đủ là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) là những bệnh lây từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục. Các loại vi sinh vật (vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng) gây ra những bệnh này lây truyền qua máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo và các chất dịch cơ thể khác.

Một số bệnh còn lây truyền qua cả những con đường khác không phải quan hệ tình dục, chẳng hạn như từ mẹ sang con khi mang thai hoặc khi sinh nở và lây truyền khi truyền máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm.

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác. Bạn có thể bị lây những bệnh này từ một người hoàn toàn khỏe mạnh.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến gồm có:

  • Bệnh lậu
  • Giang mai
  • Chlamydia
  • Nhiễm trichomonas
  • Mụn rộp (herpes) sinh dục
  • Mụn cóc sinh dục
  • Nhiễm HIV/AIDS
  • Rận mu

Dấu hiệu, triệu chứng

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau hoặc không có triệu chứng. Đó là lý do tại sao trong nhiều trường hợp, bệnh chỉ được phát hiện khi đã xảy ra biến chứng hoặc khi bạn tình đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh. Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của STD gồm có:

  • Có vết loét hoặc sẩn ở bộ phận sinh dục, vùng miệng hoặc hậu môn
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Tiết dịch bất thường từ dương vật
  • Dịch tiết âm đạo (khí hư) ra nhiều, có màu và mùi bất thường
  • Chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như sau khi quan hệ tình dục và giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục
  • Sưng đau hạch bạch huyết, đặc biệt là ở bẹn nhưng đôi khi lan rộng hơn
  • Đau bụng dưới
  • Sốt
  • Phát ban ở ngực, lưng bàn tay hoặc bàn chân

Các dấu hiệu và triệu chứng này có thể xuất hiện trong vòng vài ngày sau khi bị nhiễm bệnh hoặc phải nhiều năm sau mới biểu hiện ra ngoài, tùy thuộc vào từng bệnh.

Khi nào cần đi khám?

Hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu:

  • Quan hệ tình dục và có nguy cơ nhiễm STD
  • Gặp các dấu hiệu và triệu chứng của STD

Nguyên nhân

Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có thể do:

  • Vi khuẩn (lậu, giang mai, chlamydia)
  • Ký sinh trùng (trichomonas)
  • Virus (HPV, HSV, HIV)

Quan hệ tình dục còn là con đường lây lan nhiều loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng khác, ví dụ như virus viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, vi khuẩn shigella và Giardia intestinalis.

Các yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gồm có:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: việc thâm nhập qua đường âm đạo hoặc hậu môn mà không sử dụng bao cao su sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc STD. Sử dụng bao cao su không đúng cách hoặc không đều cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Quan hệ tình dục bằng miệng có nguy cơ lây truyền STD thấp hơn nhưng mầm bệnh vẫn có thể lây từ người bệnh sang bạn tình nếu không sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng (miếng cao su mỏng, hình vuông được làm bằng latex hoặc silicone)
  • Quan hệ tình dục với nhiều người: càng có nhiều bạn tình thì nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm STD càng cao.
  • Có tiền sử mắc bệnh: việc mắc một STD sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm một STD khác.
  • Bị ép buộc quan hệ tình dục: đối phó với hành vi cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục là điều rất khó khăn nhưng sau đó hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và điều trị kịp thời.
  • Lạm dụng rượu bia hoặc sử dụng thuốc kích thích: việc lạm dụng các chất gây nghiện sẽ làm giảm khả năng tự chủ và dễ thực hiện các hành vi tình dục nguy cơ cao.
  • Tiêm chích ma túy: dùng chung bơm kim tiêm là con đường lây lan nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, gồm có HIV, viêm gan B và viêm gan C.
  • Tuổi trẻ: một nửa số trường hợp nhiễm STD trên thế giới là những người trong độ tuổi từ 15 đến 24. Lý do có thể là bởi độ tuổi này còn chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân và thường không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
  • Nam giới sử dụng thuốc điều trị rối loạn cương dương: những nam giới đang dùng các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương như sildenafil, tadalafil và vardenafil có nguy cơ nhiễm STD cao hơn. Do đó, phải quan hệ tình dục an toàn khi sử dụng một trong những loại thuốc này.

Con đường lây truyền từ mẹ sang con

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như bệnh lậu, chlamydia, HIV và giang mai có thể truyền từ người mẹ bị bệnh sang con trong thời gian mang thai hoặc khi sinh nở. Ở trẻ sơ sinh, những bệnh này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hoặc thậm chí là tử vong. Vì thế, tất cả phụ nữ mang thai đều nên tầm soát các bệnh STD và điều trị.

Biện pháp chẩn đoán

Xét nghiệm

Nếu từng quan hệ tình dục không an toàn và nghi bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì nên đến bệnh viện làm xét nghiệm để xác nhận, cho dù có dấu hiệu, triệu chứng hay không. Các phương pháp xét nghiệm được thực hiện gồm có:

  • Xét nghiệm máu: có thể xác định nhiễm HIV hoặc các giai đoạn sau của bệnh giang mai.
  • Xét nghiệm nước tiểu: một số STD có thể được phát hiện bằng xét nghiệm nước tiểu.
  • Xét nghiệm dịch từ vết thương hở: nếu có vết loét ở bộ phận sinh dục thì bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch từ đó để chẩn đoán nguyên nhân.

Sàng lọc

Xét nghiệm bệnh ở những người không có triệu chứng được gọi là sàng lọc. Các phương pháp xét nghiệm sàng lọc cần thực hiện ở mỗi nhóm đối tượng là khác nhau:

  • Tất cả mọi người: Phương pháp xét nghiệm sàng lọc STD được khuyến nghị cho tất cả mọi người trong độ tuổi từ 13 đến 64 là xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước bọt để tìm sự hiện diện của HIV. Những người có nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần mỗi năm.
  • Những người sinh trong giai đoạn từ 1945 đến 1965: Những người sinh trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1965 có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan C ở mức cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Vì bệnh thường không gây ra triệu chứng cho đến khi tiến triển nặng nên các chuyên gia khuyến cáo những người trong độ tuổi này nên sàng lọc bệnh viêm gan C để phát hiện từ sớm.
  • Phụ nữ mang thai: Tất cả phụ nữ mang thai nói chung đều nên làm xét nghiệm HIV, viêm gan B, chlamydia và giang mai trong lần khám thai đầu tiên. Ngoài ra nên làm xét nghiệm bệnh lậu và viêm gan C ít nhất một lần trong thời gian mang thai đối với những phụ nữ có nguy cơ cao.
  • Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên: Xét nghiệm Pap để phát hiện các bất thường ở cổ tử cung, ví dụ như viêm nhiễm, các thay đổi tiền ung thư và tế bào ung thư. Đa số các ca ung thư cổ tử cung đều là do chủng HPV 16 và 18 gây ra. Các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần bắt đầu từ tuổi 21. Sau 30 tuổi thì nên làm xét nghiệm HPV - DNA và xét nghiệm Pap 5 năm một lần hoặc xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
  • Phụ nữ dưới 25 tuổi có quan hệ tình dục: Tất cả phụ nữ dưới 25 tuổi có quan hệ tình dục nên làm xét nghiệm chlamydia. Xét nghiệm chlamydia sử dụng mẫu nước tiểu hoặc dịch âm đạo.
    Theo một số khuyến nghị, phụ nữ nên làm xét nghiệm lại sau 3 tháng kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính và bắt đầu điều trị. Tình trạng tái nhiễm bệnh từ bạn tình chưa được điều trị hoặc có điều trị nhưng chưa khỏi là điều rất phổ biến. Vì vậy nên cần xét nghiệm lần hai để xác nhận bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn. Một người có thể mắc chlamydia nhiều lần nên hãy xét nghiệm lại khi quan hệ tình dục với bạn tình mới. Phụ nữ dưới 25 tuổi và có quan hệ tình dục cũng nên sàng lọc bệnh lậu.
  • Nam giới quan hệ tình dục đồng giới: So với các nhóm khác thì nam giới quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn, vì thế nên cần xét nghiệm STD hàng năm hoặc thường xuyên hơn, đặc biệt là xét nghiệm HIV, giang mai, chlamydia và bệnh lậu. Ngoài ra cũng nên làm xét nghiệm viêm gan B.
  • Người nhiễm HIV: Việc sống chung với HIV sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Do đó, nên xét nghiệm giang mai, lậu, chlamydia và herpes ngay sau khi được chẩn đoán nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV cũng được khuyến nghị sàng lọc viêm gan C. Phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn bình thường nên cần làm xét nghiệm Pap trong vòng một năm sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV và sau đó 6 tháng thì xét nghiệm lại.
  • Quan hệ tình dục với người mới: Trước khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc hậu môn với bạn tình mới thì cả hai hãy đi làm xét nghiệm STD. Tuy nhiên, không cần làm xét nghiệm mụn rộp sinh dục định kỳ trừ khi có triệu chứng.

Lưu ý, phải sau một thời gian kể từ khi nhiễm STD thì xét nghiệm mới có thể phát hiện. Nếu làm xét nghiệm quá sớm thì sẽ có kết quả âm tính giả, có nghĩa là âm tính dù thực sự đã bị nhiễm bệnh. Khoảng thời gian này của mỗi bệnh là khác nhau.

Điều trị

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể là do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùn gây ra. Các bệnh do vi khuẩn thường dễ điều trị nhất. Hầu hết bệnh do nhiễm virus đều không thể chữa khỏi mà chỉ có thể kiểm soát triệu chứng. Ở những phụ nữ đang mang thai và bị nhiễm STD, việc điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ lây truyền bệnh sang con.

Tùy thuộc vào bệnh cụ thể mà sẽ cần điều trị bằng một trong những phương pháp dưới đây:

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh, thường là đơn liều, có thể chữa khỏi nhiều bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn và ký sinh trùng, gồm có bệnh lậu, giang mai, chlamydia và trichomonas. Thông thường, bệnh lậu và chlamydia sẽ được điều trị cùng một lúc vì hai bệnh này thường xảy ra đồng thời. Khi được kê thuốc kháng sinh thì cần phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là phải tạm ngừng quan hệ tình dục trong suốt thời gian điều trị và 7 ngày sau khi hoàn thành liều kháng sinh, nếu có vết loét thì phải chờ lành lại hoàn toàn. Phụ nữ nên xét nghiệm lại sau 3 tháng kể từ khi kết thúc điều trị vì có khả năng tái nhiễm cao.
  • Thuốc kháng virus: Nếu bị herpes hoặc nhiễm HIV thì sẽ điều trị bằng thuốc kháng virus. Mặc dù thuốc sẽ không thể điều trị khỏi herpes nhưng có thể làm giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng và thời gian của mỗi đợt tái phát. Tuy nhiên, bạn tình vẫn có thể bị nhiễm bệnh.
  • Thuốc kháng virus (thuốc ARV) có thể làm giảm tải lượng HIV trong cơ thể và ngăn bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối (AIDS). Nếu bắt đầu điều trị sớm và tuân thủ đúng phác đồ thì sẽ có thể làm giảm tải lượng virus xuống mức không bị phát hiện. Lúc này, mặc dù virus vẫn còn trong cơ thể nhưng sẽ gần như không còn nguy cơ lây truyền sang người khác khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, vẫn phải dùng bao cao su để đảm bảo an toàn và ngăn các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Việc điều trị đều đặn bằng thuốc ARV còn giúp củng cố hệ miễn dịch cho người nhiễm HIV và ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Sau khi có kết quả chẩn đoán mắc STD và được kê thuốc điều trị thì hãy hỏi bác sĩ bao lâu sau cần phải xét nghiệm lại. Việc xét nghiệm lại nhằm đánh giá hiệu quả điều trị và đảm bảo bệnh đã được chữa khỏi hoặc được kiểm soát.

Thông báo cho bạn tình

Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với một bệnh STD thì phải thông báo cho tất cả bạn tình, bao gồm cả bạn tình hiện tại và những người đã từng quan hệ tình dục cùng trong vòng 3 tháng đến một năm trở lại để họ cũng đi xét nghiệm và điều trị nếu mắc.

Biến chứng

Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là ở giai đoạn đầu, thường không biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên tầm soát các bệnh này là điều rất quan trọng. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng.

Một số biến chứng có thể xảy ra khi các bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị gồm có:

  • Đau vùng chậu mãn tính
  • Các biến chứng thai kỳ
  • Viêm kết mạc
  • Viêm khớp
  • Bệnh viêm vùng chậu
  • Vô sinh
  • Bệnh tim mạch
  • Một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung và ung thư trực tràng do nhiễm HPV

Phòng ngừa

Có một số biện pháp để tránh hoặc giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục:

  • Không quan hệ tình dục: cách hiệu quả nhất để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục là không quan hệ tình dục.
  • Không quan hệ với nhiều người: càng quan hệ với ít bạn tình thì nguy cơ lây nhiễm STD sẽ càng thấp.
  • Xét nghiệm trước khi quan hệ: Trước khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo và hậu môn với một người mới thì cả hai hãy đi làm xét nghiệm STD. Quan hệ tình dục bằng miệng có rủi ro thấp hơn nhưng hãy nhớ sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng để ngăn sự tiếp xúc trực tiếp giữa niêm mạc miệng và bộ phận sinh dục.
  • Tiêm phòng: Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm vắc-xin, ví dụ như vắc-xin ngừa HPV, viêm gan A và viêm gan B.
    Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi từ 9 - 26 nên tiêm vắc-xin ngừa HPV. Vắc-xin ngừa viêm gan B thường được tiêm cho trẻ sơ sinh và vắc-xin ngừa viêm gan A được khuyến nghị tiêm cho trẻ 1 tuổi. Cả hai loại vắc-xin này đều được khuyến nghị cho những người chưa có miễn dịch (chưa bị bệnh) và cho những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như nam giới quan hệ tình dục đồng giới và người tiêm chích ma túy.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn và đường miệng – dương vật. Khi quan hệ đường miệng – âm đạo hoặc miệng – hậu môn thì có thể dùng màng chắn miệng. Lưu ý, không dùng gel bôi trơn gốc dầu hoặc Vaseline vì những sản phẩm này sẽ làm hỏng bao cao su hoặc màng chắn miệng.
    Không nên sử dụng bao cao su làm bằng các loại chất liệu tự nhiên, ví dụ bao cao su da cừu vì sẽ không thể ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục một cách hiệu quả. Ngoài ra, bao cao su không thể tạo sự bảo vệ tuyệt đối khỏi các bệnh này. Một số bệnh không chỉ lây qua chất dịch cơ thể mà còn lây qua sự tiếp xúc da, ví dụ như mụn cóc và mục rộp sinh dục. Các mầm bệnh này vẫn có thể lây truyền qua sự tiếp xúc ở những vùng da không được bao cao su che phủ. Các biện pháp tránh thai khác, chẳng hạn như thuốc tránh thai đường uống hay vòng tránh thai đều không có tác dụng ngăn ngừa STD.
  • Không uống quá nhiều rượu bia và sử dụng chất kích thích: Lạm dụng rượu bia và chất kích thích sẽ làm tăng nguy cơ mắc STD.
  • Cân nhắc cắt bao quy đầu: Có nghiên cứu cho thấy rằng việc cắt bao quy đầu ở nam giới có thể giảm tới 60% nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục với bạn tình nữ bị bệnh. Cắt bao quy đầu còn giúp ngăn ngừa lây nhiễm HPV và mụn rộp sinh dục (herpes sinh dục).
  • Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP): Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt việc sử dụng kết hợp thuốc emtricitabine, tenofovir disoproxil fumarate (Truvada), emtricitabine và tenofovir alafenamide (Descovy) để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục ở những người có nguy cơ cao. Phương pháp này được gọi là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), dành cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng thuộc nhóm có nguy cơ cao. Mỗi người sẽ cần làm xét nghiệm trước khi bắt đầu thực hiện PrEP và sau đó xét nghiệm cách 3 tháng một lần. Ngoài ra còn phải xét nghiệm chức năng thận trước khi dùng Truvada và sau đó xét nghiệm lại 6 tháng một lần. Những loại thuốc này phải được uống đều đặn mỗi ngày, chính xác theo chỉ định. Nếu sử dụng đúng thì PrEP có thể giúp giảm hơn 90% nguy cơ nhiễm HIV khi quan hệ tình dục. Nhưng ngoài ra vẫn nên sử dụng thêm các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như bao cao su để đảm bảo an toàn hơn nữa và ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Mắc bệnh mạn tính cần tiêm những vắc-xin nào?

Tiêm phòng là điều cần thiết đối với tất cả mọi người nhưng với những người có ít nhất một bệnh lý mạn tính thì vắc-xin lại càng có vai trò quan trọng hơn nữa.

Hội chứng Sweet (bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính)

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Sweet đều không xác định được nguyên nhân. Bệnh này đôi khi có liên quan đến các bệnh ung thư máu.

Bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính xảy ra khi một bệnh lý hoặc tình trạng làm suy giảm chức năng thận. Dần dần, tổn thương thận ngày càng tiến triển nặng trong vòng vài tháng hoặc vài năm.

Bệnh thận đái tháo đường

Bệnh thận đái tháo đường có thể tiến triển thành suy thận, hay còn được gọi là bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Suy thận có thể đe dọa đến tính mạng. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ phải lọc máu thường xuyên hoặc phẫu thuật ghép thận.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây