Ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu là gì?
Ngộ độc rượu là một hậu quả nghiêm trọng - và đôi khi có thể gây chết người - của việc uống quá nhiều rượu trong một thời gian ngắn. Uống rượu quá nhiều và quá nhanh có thể ảnh hưởng đến hô hấp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, phản xạ họng và có khả năng dẫn đến hôn mê, thậm chí là tử vong.
Ngộ độc rượu (cồn) cũng có thể xảy ra khi người lớn hoặc trẻ nhỏ vô tình hoặc cố ý uống các sản phẩm gia dụng có chứa cồn.
Người bị ngộ độc rượu cần được điều trị khẩn cấp.
Dấu hiệu
Các dấu hiệu của ngộ độc rượu gồm có:
- Đầu óc không tỉnh táo
- Nôn mửa
- Co giật
- Nhịp thở chậm (dưới 8 nhịp thở một phút)
- Thở không đều (khoảng cách trên 10 giây giữa các lần thở)
- Da tái xanh, nhợt nhạt
- Thân nhiệt thấp
- Bất tỉnh
Khi nào cần đi khám?
Không phải trường hợp ngộ độc rượu nào cũng có tất cả các dấu hiệu kể trên. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào sau khi uống rượu hoặc uống phải các sản phẩm có chứa cồn thì cần đến ngay cơ sở y tế. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, người bị ngộ độc rượu sẽ có nguy cơ tử vong.
Nếu nghi ngờ ai đó bị ngộ độc rượu, ngay cả khi không có các dấu hiệu điển hình thì hãy đưa họ đến bệnh viện ngay lập tức và hãy chuẩn bị đầy đủ thông tin để cung cấp cho nhân viên y tế, ví dụ như loại, lượng rượu mà người đó đã uống và thời gian uống. Tuyệt đối không được để người đó một mình. Vì ngộ độc rượu ảnh hưởng đến phản xạ họng nên những người bị ngộ độc rượu có thể bị sặc khi nôn mửa và không thể thở được. Trong thời gian chờ được cấp cứu, không được cố làm cho người bị ngộ độc rượu nôn ra vì việc này có thể gây sặc. Nếu người bị ngộ độc rượu nôn mửa thì hãy đỡ người đó ngồi dậy. Nếu không thể thì hãy quay đầu người đó sang một bên để tránh bị nghẹt thở. Cố gắng giữ cho nạn nhân tỉnh táo để tránh mất ý thức.
Nguyên nhân
Cồn etanol (rượu etylic) có trong các loại đồ uống có cồn, nước súc miệng, chiết xuất thực vật được sử dụng trong nấu ăn, một số loại thuốc và sản phẩm gia dụng. Ngộ độc rượu etylic xảy ra do tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn, đặc biệt là trong thời gian ngắn.
Các dạng cồn khác, gồm có cồn isopropyl (có trong cồn tẩy rửa, kem dưỡng da và một số sản phẩm tẩy rửa), methanol hay ethylene glycol (thành phần phổ biến trong chất chống đông, sơn và dung môi) có thể gây ra các dạng ngộ độc nguy hiểm khác và cũng cần được điều trị khẩn cấp.
Uống quá nhiều rượu
Nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc rượu là do uống quá nhiều. Lượng rượu dẫn đến ngộ độc ở mỗi người là khác nhau và một số người có thể tiêu thụ một lượng rượu rất lớn mới rơi vào trạng thái mất ý thức. Ngay cả khi đã bất tỉnh hoặc đã ngừng uống thì cồn vẫn tiếp tục được giải phóng từ dạ dày và ruột vào máu và nồng độ cồn trong cơ thể tiếp tục tăng lên.
Thế nào là quá nhiều?
Không giống như thức ăn phải mất hàng giờ mới được tiêu hóa, đồ uống có cồn được cơ thể hấp thụ một cách nhanh chóng. Và cũng phải mất nhiều thời gian hơn để cơ thể đào thải lượng cồn đã tiêu thụ. Phần lớn được rượu bia nạp vào cơ thể được xử lý (chuyển hóa) bởi gan.
Uống càng nhiều, đặc biệt là trong thời gian ngắn thì nguy cơ ngộ độc rượu càng cao.
Uống quá nhiều được định nghĩa là trên 5 phần đồ uống có cồn đối với nam giới và trên 4 phần đối với nữ giới trong vòng 2 tiếng.
Một phần đồ uống có cồn có nghĩa là:
- 355 ml bia (chứa khoảng 5% cồn)
- 237 đến 266 ml rượu mạch nha (chứa khoảng 7% cồn)
- 148 ml rượu vang (chứa khoảng 12% cồn)
- 44 ml rượu mạnh loại 80 độ (chứa khoảng 40% cồn)
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu gồm có:
- Thừa cân, béo phì
- Tình trạng sức khỏe yêu
- Để bụng rỗng khi uống rượu
- Uống rượu cùng với các chất kích thích khác
- Đồ uống có nồng độ cồn cao
- Tỷ lệ và lượng rượu tiêu thụ lớn
- Uống rượu kém chất lượng
- Khả năng uống kém
Biện pháp chẩn đoán
Ngoài kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ còn tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu để đo nồng độ cồn trong máu và xác định các dấu hiệu khác của ngộ độc rượu, chẳng hạn như mức đường huyết thấp.
Điều trị
Các phương pháp điều trị ngộ độc rượu thường nhằm mục đích hỗ trợ hồi phục và giảm tổn hại đến các cơ quan nội tạng trong quá trình cơ thể tự đào thải rượu. Các phương pháp này gồm có:
- Theo dõi sức khỏe
- Phòng ngừa các vấn đề về hô hấp
- Liệu pháp oxy
- Truyền dịch tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước
- Bổ sung vitamin và glucose để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của ngộ độc rượu
Người lớn và trẻ nhỏ vô tình uống methanol hoặc cồn isopropyl có thể cần chạy thận nhân tạo để lọc bỏ chất thải và độc tố khỏi cơ thể. Điều này giúp tăng tốc độ đào thải cồn trong máu.
Những điều không nên làm khi bị ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu là một sự cố khẩn cấp và không thể tự điều trị tại nhà. Dưới đây là một số điều không nên làm khi có người bị ngộ độc rượu vì có thể khiến cho vấn đề càng thêm trầm trọng hơn:
- Cho người bị ngộ độc đi ngủ. Người đó có thể bị mất ý thức và thậm chí tử vong khi đang ngủ
- Uống cà phê đen hoặc các loại đồ uống chứa caffeine khác. Các loại đồ uống này không có tác dụng “giải rượu”.
- Tắm nước lạnh. Điều này khiến cho thân nhiệt giảm đột ngột và có thể gây bất tỉnh
- Móc họng cho nôn. Điều này sẽ không làm mất tác động của rượu lên cơ thể.
Khi có người bị ngộ độc rượu thì điều duy nhất cần làm là đưa ngay người đó đến cơ sở y tế.
Biến chứng
Một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra do ngộ độc rượu:
- Sặc: uống rượu có thể gây nôn mửa. Vì ngộ độc rượu làm giảm phản xạ họng nên sẽ làm tăng nguy cơ bị sặc khi nôn, đặc biệt là khi đã bất tỉnh.
- Ngừng thở: hít chất nôn vào phổi có thể dẫn đến gián đoạn hô hấp (ngạt thở). Nếu không can thiệp kịp thời, điều này có thể gây tử vong.
- Mất nước trầm trọng: nôn mửa sẽ khiến cơ thể bị mất nước nghiêm trọng, dẫn đến huyết áp thấp và nhịp tim nhanh rất nguy hiểm.
- Co giật: lượng đường trong máu có thể giảm xuống thấp đến mức gây co giật.
- Hạ thân nhiệt: nhiệt độ cơ thể có thể hạ xuống quá thấp và dẫn đến ngừng tim.
- Rối loạn nhịp tim: ngộ độc rượu có thể khiến tim đập bất thường hoặc thậm chí ngừng đập.
- Tổn thương não: uống quá nhiều rượu bia có thể gây tổn thương không thể phục hồi cho não bộ.
- Tử vong: bất kỳ vấn đề nào ở trên đều có thể dẫn đến tử vong.
Phòng ngừa
Để tránh xảy ra ngộ độc rượu thì cần:
- Uống rượu ở mức độ vừa phải: nếu uống rượu thì hãy uống có chừng mực. Phụ nữ và nam giới trên 65 tuổi chỉ nên uống một phần đồ uống có cồn mỗi ngày và nam giới từ 65 tuổi trở xuống chỉ nên uống 2 phần/ngày. Khi uống thì hãy uống từ từ, không uống quá nhiều cùng một lúc.
- Không uống rượu khi bụng đói: có thức ăn trong dạ dày sẽ giúp làm chậm sự hấp thụ rượu. Mặc dù điều này không thể ngăn ngừa ngộ độc rượu nhưng sẽ làm giảm phần nào nguy cơ.
- Giáo dục cho thanh thiếu niên: Cần nói chuyện với thanh thiếu niên về sự nguy hiểm của việc uống quá nhiều rượu bia. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ ngộ độc rượu cao do chưa hiểu biết đầy đủ.
- Để đồ uống có cồn xa tầm với của trẻ: nếu nhà có trẻ nhỏ thì cần phải cất tất cả các loại đồ uống có cồn cũng như là các sản phẩm gia dụng chứa cồn, gồm có mỹ phẩm, nước súc miệng, chất tẩy rửa và thuốc xa tầm với của trẻ. Để các sản phẩm độc hại trong tủ có khóa.
Nguồn tham khảo
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/alcohol-poisoning/symptoms-causes/syc-20354386
Viêm gan do rượu
Một khi đã mắc bệnh viêm gan do rượu thì phải bỏ rượu ngay. Nếu còn tiếp tục uống rượu thì sẽ có nguy cơ cao bị tổn thương gan nghiêm trọng và có thể tử vong.
Không dung nạp rượu
Không dung nạp rượu xảy ra khi cơ thể không sản xuất các enzyme cần thiết để phân hủy (chuyển hóa) các chất độc trong rượu.
Ý kiến bạn đọc