Ốm nghén

Triệu chứng điển hình nhất của ốm nghén là buồn nôn và nôn, thường xảy ra khi ngửi một số mùi nhất định, ăn thức ăn cay, nóng, đồ tanh,...

Ốm nghén là gì?

Ốm nghén là hiện tượng buồn nôn và nôn mửa xảy ra khi mang thai. Đây là một hiện tượng rất phổ biến mà nhiều phụ nữ gặp phải, thường là trong ba tháng đầu của thai kỳ nhưng cũng có không ít người bị nghén trong suốt thời gian mang thai. Các nhiều biện pháp để giảm cảm giác buồn nôn, ví dụ như như thường xuyên ăn vặt trong suốt cả ngày, ngậm gừng hoặc dùng các loại thuốc giảm buồn nôn.

Một số phụ nữ còn gặp phải dạng ốm nghén nặng gọi là hội chứng nôn nghén với triệu chứng buồn nôn và nôn nghiêm trọng, có thể gây mất nước hoặc dẫn đến sụt hơn 5% khối lượng cơ thể trước khi mang thai. Tình trạng này có thể phải nhập viện và điều trị bằng cách truyền dịch, thuốc và thậm chí là đặt ống thông dạ dày.

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình nhất của ốm nghén là buồn nôn và nôn, thường xảy ra khi ngửi một số mùi nhất định, ăn thức ăn cay, nóng, đồ tanh, tiết nhiều nước bọt hoặc đôi khi là không có nguyên nhân nào cả. Ốm nghén đa phần xảy ra trong ba tháng đầu và thường bắt đầu trước tuần thứ 9 sau khi thụ thai. Ở hầu hết mẹ bầu thì các triệu chứng nghén thường sẽ cải thiện kể từ giữa đến cuối ba tháng giữa của thai kỳ.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám bác sĩ nếu gặp những hiện tượng dưới đây:

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa nghiêm trọng, cứ ăn uống vào lại nôn ra
  • Mỗi lần đi tiểu chỉ ra một lượng nhỏ hoặc nước tiểu có màu sẫm
  • Cảm thấy chóng mặt, xây xẩm khi đứng lên
  • Tim đập nhanh

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ốm nghén là do những thay đổi nội tiết tố diễn ra trong thai kỳ. Đôi khi, tình trạng buồn nôn và nôn mửa dữ dội hoặc kéo dài dai dẳng có thể do một bệnh lý tiềm ẩn không liên quan đến thai kỳ, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp hoặc bệnh gan.

Ai dễ bị ốm nghén?

Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể bị nghén khi mang thai nhưng nguy cơ sẽ cao hơn ở những người:

  • Hay bị buồn nôn hoặc nôn do say tàu xe, đau nửa đầu, một số mùi vị nhất định hoặc tiếp xúc với estrogen (ví dụ như dùng thuốc tránh thai) trước khi mang thai
  • Từng bị ốm nghén trong lần mang thai trước
  • Đang mang đa thai

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị hội chứng nôn nghén:

  • Mang thai con gái
  • Có tiền sử gia đình bị hội chứng nôn nghén
  • Đã từng bị hội chứng nôn nghén khi mang thai trước đây

Biến chứng

Buồn nôn và nôn là những hiện tượng bình thường khi mang thai và đa phần sẽ không gây ra bất kỳ biến chứng nào cho mẹ và thai nhi.

Nhưng nếu không được can thiệp điều trị thì tình trạng buồn nôn và nôn nghiêm trọng có thể gây mất nước, mất cân bằng điện giải, giảm đi tiểu và phải nhập viện. Một số nghiên cứu còn cho thấy hội chứng nôn nghén có thể khiến thai nhi chậm tăng cân.

Biện pháp chẩn đoán

Ốm nghén có thể được chẩn đoán dễ dàng dựa trên triệu chứng. Bác sĩ sẽ hỏi về tần suất cảm thấy buồn nôn, số lần thường bị nôn, có thể ăn uống được hay không và đã thử các biện pháp khắc phục nào hay chưa. Nếu có biểu hiện hội chứng nôn nghén thì bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, làm một số xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu.

Điều trị

Các mẹo giảm ốm nghén

Để giảm ốm nghén thì mẹ bầu có thể thử các cách dưới đây:

  • Chọn lựa thực phẩm cẩn thận: Nên chọn những thực phẩm giàu đạm, ít chất béo, dễ tiêu và tránh đồ dầu mỡ, đồ tanh, thức ăn cay. Các món mặn và món có chứa gừng sẽ giúp giảm cảm giác buồn nôn.
  • Ăn nhẹ thường xuyên: Ăn nhẹ nhiều bữa trong ngày thay vì ăn ba bữa lớn để dạ dày không bị quá đầy. Nhưng cũng không nên nhịn đói vì dạ dày trống rỗng có thể gây buồn nôn nặng hơn.
  • Uống nhiều nước: Cố gắng uống 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày. Mỗi khi thấy buồn nôn thì hãy nhấp một ngụm nước.
  • Ngậm gừng: Ngậm một lát gừng tươi hoặc uống một ít trà gừng sẽ giúp giảm cơn ốm nghén ngay tức thì.
  • Chú ý đến các tác nhân gây buồn nôn: Tránh các loại thực phẩm hoặc mùi gây ra cảm giác buồn nôn.
  • Hít thở không khí trong lành: Nếu thời tiết tốt thì hãy mở cửa sổ trong nhà hoặc nơi làm việc để hít thở không khí và cố gắng đi bộ ngoài trời hàng ngày.
  • Thay đổi thời gian uống vitamin: Nếu cảm thấy buồn nôn sau khi uống vitamin thì hãy uống trong khi ăn hoặc ngay trước khi đi ngủ.
  • Súc miệng sau khi nôn: Axit từ dạ dày có thể làm hỏng men răng. Nếu có thể thì hãy súc miệng bằng một cốc nước có pha một thìa cà phê baking soda sau khi nôn. Điều này sẽ giúp trung hòa axit và bảo vệ răng.

Dùng thuốc

Để khắc phục các triệu chứng ốm nghén thì có thể uống bổ sung vitamin B6 (pyridoxine) và dùng các loại thuốc không kê đơn như doxylamine (Unisom). Nếu như tình hình không cải thiện thì bác sĩ sẽ kê thuốc chống buồn nôn.

Có một số loại thuốc kê đơn mà mẹ bầu có thể dùng trong thời kỳ mang thai để điều trị ốm nghén. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn hoặc thực phẩm chức năng nào trong thời gian mang thai.

Buồn nôn và nôn ở mức độ vừa đến nặng khi mang thai có thể gây mất nước và mất cân bằng điện giải, chẳng hạn như natri hoặc kali. Những trường hợp này nên uống nhiều nước và uống bù điện giải.

Nếu bị hội chứng nôn nghén thì có thể phải truyền dịch và dùng thuốc chống buồn nôn tại bệnh viện.

Các phương pháp trị liệu

Một số phương pháp trị liệu có thể làm giảm tình trạng ốm nghén:

  • Bấm huyệt: Vòng đeo tay bấm huyệt thường được dùng để giảm say tàu xe nhưng cũng có thể cải thiện cảm giác buồn nôn và nôn khi mang bầu.
  • Châm cứu: Dùng các cây kim mảnh đâm vào các huyệt trên cơ thể. Phương pháp này có tác dụng điều trị nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có cả ốm nghén.
  • Thôi miên: Mặc dù mới chỉ có rất ít nghiên cứu về phương pháp này nhưng một số phụ nữ đã thấy giảm ốm nghén nhờ liệu pháp thôi miên.
  • Liệu pháp mùi hương: Một số mùi hương (thường được tạo ra bằng cách đốt tinh dầu) có thể giúp làm giảm ốm nghén.

Phòng ngừa

Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng ốm nghén. Tuy nhiên, hãy tránh các tác nhân gây ra cảm giác buồn nôn, ví dụ như các mùi khó chịu, mệt mỏi, thức ăn cay nóng, đồ dầu mỡ, đồ tanh và thức ăn chứa nhiều đường.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Tắc nghẽn niệu quản

Tắc nghẽn niệu quản có thể không biểu hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng. Khi có, các dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào vị trí bị tắc nghẽn, một phần hay toàn bộ niệu đạo, tốc độ tiến triển và tình trạng tắc nghẽn có ảnh hưởng đến thận hay không.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây