Tắc nghẽn niệu quản

Tắc nghẽn niệu quản có thể không biểu hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng. Khi có, các dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào vị trí bị tắc nghẽn, một phần hay toàn bộ niệu đạo, tốc độ tiến triển và tình trạng tắc nghẽn có ảnh hưởng đến thận hay không.

Tắc nghẽn niệu quản là gì?

Tắc nghẽn niệu quản là tình trạng một hoặc cả hai ống niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang) có bất thường gây cản trở dòng chảy nước tiểu. Tắc niệu quản có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ nhanh chóng chuyển từ nhẹ như đau, sốt và nhiễm trùng đến nghiêm trọng, chẳng hạn như suy giảm chức năng thận, nhiễm khuẩn huyết và tử vong.

Tình trạng tắc nghẽn niệu quản xảy ra khá phổ biến. Vì đây là vấn đề có thể điều trị được nên rất hiếm khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Triệu chứng tắc nghẽn niệu quản

Tắc nghẽn niệu quản có thể không biểu hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng. Khi có, các dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào vị trí bị tắc nghẽn, một phần hay toàn bộ niệu đạo, tốc độ tiến triển và tình trạng tắc nghẽn có ảnh hưởng đến thận hay không.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của tắc nghẽn niệu quả gồm có:

  • Đau
  • Lượng nước tiểu ít hơn bình thường
  • Tiểu khó
  • Có máu trong nước tiểu
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tăng huyết áp

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ nếu gặp các biểu hiện bất thường ở đường tiết niệu.

Đến ngay cơ sở y tế nếu có các triệu chứng dưới đây:

  • Đau đến mức không thể ngồi yên
  • Đau kèm theo buồn nôn và nôn ói
  • Đau kèm theo sốt và ớn lạnh
  • Có máu trong nước tiểu
  • Khó tiểu

Nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản

Tắc nghẽn niệu quản có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Một số trường hợp bị tắc nghẽn niệu quản bẩm sinh. Các nguyên nhân phổ biến gây tắc nghẽn niệu quản gồm có:

  • Niệu quản đôi: Đây là một dạng dị tật bẩm sinh, trong đó hai niệu quản hình thành trên cùng một quả thận. Niệu quản thứ hai có thể hình thành hoàn thiện hoặc chỉ hình thành một phần. Nếu một trong hai niệu quản không hoạt động bình thường, nước tiểu có thể trào ngược vào thận và gây tổn thương thận.
  • Tắc nghẽn ở vị trí niệu quản nối với thận hoặc bàng quang: Điều này gây cản trở dòng chảy nước tiểu. Sự tắc nghẽn ở vị trí niệu quản nối với thận (khúc nối bể thận - niệu quản) có thể khiến thận phình lên và cuối cùng ngừng hoạt động. Tình trạng này có thể là bẩm sinh hoặc cũng có thể bắt đầu xảy ra khi còn nhỏ, có thể là do chấn thương, sẹo hoặc đôi khi là do khối u. Sự tắc nghẽn ở vị trí niệu quản nối với bàng quang (khúc nối bàng quang - niệu quản) có thể khiến nước tiểu chảy ngược vào thận thay vì chảy xuống bàng quang.
  • Phình niệu quản: Nếu niệu quản quá hẹp và nước tiểu không thể chảy qua bình thường thì đoạn cuối của niệu quả có thể bị phình lên. Tình trạng này thường xảy ra ở đoạn niệu quản gần bàng quang, gây cản trở dòng chảy nước tiểu và khiến nước tiểu trào ngược vào thận, có thể dẫn đến tổn thương thận.
  • Xơ hóa sau phúc mạc: Bệnh lý hiếm gặp này xảy ra khi các mô xơ hình thành ở vùng sau khoang bụng. Mô xơ có thể hình thành do khối u ác tính (ung thư) hoặc do dùng một số loại thuốc điều trị chứng đau nửa đầu. Các sợi mô xơ bao quanh và gây tắc nghẽn niệu quản, khiến nước tiểu trào ngược lên thận.

Các nguyên nhân khác

Tình trạng tắc nghẽn niệu quản còn có thể là do các nguyên nhân khác. Những vấn đề này có thể xảy ra bên trong hoặc bên ngoài niệu quản:

  • Sỏi thận
  • Khối u ác tính và lành tính
  • Cục máu đông
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Tăng trưởng mô bất thường, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung
  • Thành niệu quản bị sưng trong thời gian dài, thường là do các bệnh lý như bệnh lao hoặc bệnh sán máng (một bệnh nhiễm ký sinh trùng)

Biến chứng của tắc nghẽn niệu quản

Tắc nghẽn niệu quản có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu và tổn thương thận không thể phục hồi.

Chẩn đoán tắc nghẽn niệu quản

Các bất thường ở đường tiết niệu của thai nhi như tắc nghẽn niệu quản có thể được phát hiện khi siêu âm thai định kỳ. Hình ảnh siêu âm cho phép quan sát các cơ quan của của thai nhi đang phát triển, gồm có thận, niệu quản và bàng quang. Thông thường, trẻ sơ sinh được siêu âm thêm một lần nữa sau khi sinh để đánh giá lại thận.

Nếu nghi ngờ tắc nghẽn niệu quản, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh dưới đây để xác nhận:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Phân tích mẫu máu và nước tiểu để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và sự hiện diện của creatinin – một dấu hiệu cho thấy rằng thận đang không hoạt động bình thường.
  • Siêu âm: Siêu âm khoang sau phúc mạc (siêu âm khu vực phía sau các cơ quan trong ổ bụng) cho phép bác sĩ đánh giá thận và niệu quản.
  • Đặt ống thông bàng quang: Để kiểm tra xem dòng chảy nước tiểu bị chặn hoàn toàn hay một phần, bác sĩ sẽ đưa một ống thông nhỏ qua niệu đạo, bơm thuốc cản quang vào bàng quang và tiến hành chụp X-quang thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo trước và trong khi đi tiểu.
  • Xạ hình thận: Tiêm chất đồng vị phóng xạ vào tĩnh mạch ở cánh tay. Máy xạ hình sẽ phát hiện phóng xạ và tạo ra hình ảnh. Bác sĩ sử dụng hình ảnh thu được để đánh giá hệ tiết niệu.
  • Nội soi bàng quang: Một ống nhỏ có gắn camera và đèn được đưa vào niệu đạo hoặc qua một đường rạch nhỏ trên da. Hình ảnh hiển thị trên màn hình cho phép bác sĩ quan sát bên trong niệu đạo và bàng quang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT là một kỹ thuật chụp X-quang ở nhiều góc độ khác nhau và sau đó xử lý bằng máy tính để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang của thận, niệu quản và bàng quang.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và mô trong hệ tiết niệu.

Điều trị tắc nghẽn niệu quản

Mục đích của việc điều trị tắc nghẽn niệu quản là loại bỏ tắc nghẽn hoặc điều hướng dòng chảy nước tiểu, để nước tiểu không chảy qua đoạn bị tắc nghẽn, nhờ đó phục hồi tổn thương ở thận. Người bệnh có thể phải dùng thuốc kháng sinh nếu như bị nhiễm trùng.

Dẫn lưu nước tiểu

Những trường hợp tắc nghẽn niệu quản gây đau dữ dội có thể cần phải khẩn cấp tiến hành thủ thuật nhằm đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể và tạm thời làm giảm các vấn đề do tắc nghẽn gây ra. Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Đặt stent niệu quản: một ống nhỏ, rỗng được đưa vào bên trong niệu quản để giữ cho niệu quả không bị thu hẹp lại và cho phép nước tiểu chảy ra bình thường.
  • Dẫn lưu thận qua da: luồn một ống qua lưng của người bệnh để dẫn lưu trực tiếp nước tiểu từ thận.
  • Đặt ống thông: đưa ống thông qua niệu đạo để dẫn nước tiểu từ bàng quang vào một túi chưa ở bên ngoài cơ thể. Phương pháp này thường được thực hiện trong những trường hợp mà vấn đề ở bàng quang góp phần gây tắc nghẽn niệu quản.

Các thủ thuật này có thể giúp giảm đau tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn.

Phẫu thuật

Một số trường hợp tắc nghẽn niệu quản cần phải phẫu thuật để điều trị.

Ca phẫu thuật điều trị tắc nghẽn niệu quản có thể được thực hiện bằng một trong các kỹ thuật sau:

  • Phẫu thuật nội soi qua niệu đạo: Đây là một phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó ống nội soi được đưa qua niệu đạo vào bàng quang và các bộ phận khác trong đường tiết niệu. Bác sĩ cắt phần niệu quản bị tổn thương hoặc bị tắc nghẽn và sau đó đặt stent để giữ cho niệu quả không bị thu hẹp lại, giúp cho nước tiểu có thể chảy qua bình thường. Phương pháp nội soi có thể được sử dụng để chẩn đoán và điều trị nhiều vấn đề ở đường tiết niệu.
  • Mổ mở: Bác sĩ rạch một đường ở bụng, sau đó tiếp cận đến niệu quản để loại bỏ vật cản gây tắc nghẽn và sửa lại niệu quản.
  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng: Bác sĩ rạch một hoặc nhiều đường nhỏ trên da để đưa ống nội soi cùng các dụng cụ cần thiết khác vào bên trong.
  • Phẫu thuật nội soi bằng robot: Sử dụng hệ thống cánh tay robot điều khiển từ xa để thực hiện các thao tác phẫu thuật.

Điểm khác biệt chính giữa các phương pháp phẫu thuật này là thời gian phục hồi sau ca phẫu thuật và số lượng, kích thước đường rạch.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ureteral-obstruction/symptoms-causes/syc-20354676

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Ung thư niệu quản

Người mắc ung thư niệu quản thường phải phẫu thuật để điều trị. Phương pháp điều trị ung thư niệu quản trong mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, mức độ xâm lấn cũng như là lựa chọn của người bệnh.

Trào ngược bàng quang – niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy theo hướng bất thường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ốm nghén

Triệu chứng điển hình nhất của ốm nghén là buồn nôn và nôn, thường xảy ra khi ngửi một số mùi nhất định, ăn thức ăn cay, nóng, đồ tanh,...

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là những trường hợp bị trào ngược axit nhẹ từ 2 lần một tuần trở lên hoặc trào ngược axit mức độ từ vừa đến nặng xảy ra ít nhất một lần một tuần.

Bệnh Barrett thực quản

Barrett thực quản làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Mặc dù nguy cơ này không cao nhưng vẫn cần tầm soát định kỳ bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết để phát hiện sớm các tế bào tiền ung thư.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây