Tắc ruột

Nếu không điều trị, các phần bị tắc nghẽn của ruột có thể hoại tử và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu can thiệp kịp thời thì đa phần các trường hợp tắc ruột đều được điều trị thành công.

Tắc ruột là gì?

Tắc ruột là tình trạng ruột non hoặc ruột già (đại tràng) bị tắc nghẽn, khiến cho thức ăn và chất lỏng không thể di chuyển qua đường tiêu hóa một cách bình thường. Có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột, ví dụ như hình thành dải xơ (fibrous band) trong ổ bụng sau phẫu thuật, thoát vị, ung thư đại tràng, một số loại thuốc hoặc do một số bệnh lý viêm, chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc viêm túi thừa.

Nếu không điều trị, các phần bị tắc nghẽn của ruột có thể hoại tử và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu can thiệp kịp thời thì đa phần các trường hợp tắc ruột đều được điều trị thành công.

Triệu chứng

Các dấu hiệu, triệu chứng của tắc ruột gồm có:

  • Đau quặn bụng từng cơn
  • Chướng bụng, bụng căng
  • Ăn không ngon miệng
  • Táo bón
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Bí trung - đại tiện

Khi nào cần đi khám?

Do tắc ruột có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nên cần đến bệnh viện khám ngay lập tức nếu bị đau bụng dữ dội mà không đỡ hoặc có các dấu hiệu khác nghi là tắc ruột.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc ruột ở người lớn gồm có:

  • Dính ruột do các dải xơ hình thành trong khoang bụng sau phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu. Đây là một nguyên nhân gây tắc ruột phổ biến
  • Thoát vị
  • Ung thư đại tràng
  • Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc ruột là lồng ruột.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như:

  • Bệnh viêm ruột, gồm có bệnh Crohn và viêm loét đại tràng
  • Viêm túi thừa - tình trạng mà các túi nhỏ, phình ra (túi thừa) trong đường tiêu hóa bị nhiễm trùng, viêm
  • Xoắn ruột
  • Tắc nghẽn do phân
  • Giả tắc ruột

Giả tắc ruột (tắc ruột cơ năng hay tắc ruột do liệt ruột) cũng có thể gây ra các triệu chứng nêu trên nhưng tình trạng này khác với chứng tắc ruột thực thể. Ở những trường hợp bị giả tắc ruột, các vấn đề về cơ hoặc thần kinh làm gián đoạn sự co bóp cơ bình thường của ruột, điều này làm chậm hoặc ngừng sự di chuyển của thức ăn và chất lỏng qua hệ tiêu hóa.

Tắc ruột cơ năng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của ruột. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do:

  • Phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu
  • Nhiễm trùng
  • Một số loại thuốc ảnh hưởng đến cơ và thần kinh, ví dụ như thuốc chống trầm cảm và thuốc giảm đau nhóm opioid
  • Các rối loạn cơ và thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tắc ruột gồm có:

  • Từng phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu. Phẫu thuật có thể gây hình thành dải mô xơ và dẫn đến tắc ruột
  • Bệnh Crohn (một bệnh viêm ruột), khiến cho thành ruột dày lên và lòng ruột bị hẹp lại
  • Các bệnh ung thư trong khoang bụng

Biến chứng

Nếu không được điều trị, tắc ruột có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng, ví dụ như:

  • Hoại tử mô: Tắc ruột có thể làm gián đoạn sự lưu thông máu đến một phần ruột và khiến cho đoạn ruột đó bị hoại tử. Điều này sẽ gây thủng thành ruột và dẫn đến nhiễm trùng.
  • Nhiễm trùng: Tắc ruột có thể gây viêm phúc mạc – tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở trong ổ bụng. Đây là một tình trạng nguy hiểm cần được can thiệp ngay lập tức bằng phương pháp phẫu thuật.

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp được sử dụng để chẩn đoán tắc ruột gồm có:

  • Khám lâm sàng: Trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và các triệu chứng gặp phải. Sau đó sẽ kiểm tra các triệu chứng lâm sàng như chướng bụng, sờ thấy có vùng cứng và sử dụng ống nghe để nghe âm thanh trong ruột.
  • Chụp X-quang: Để xác nhận chẩn đoán tắc ruột, người bệnh sẽ cần chụp X-quang ổ bụng. Tuy nhiên, phương pháp chụp X-quang truyền thống chỉ có thể phát hiện một số nguyên nhân gây tắc ruột nhất định.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT là phương pháp sử dụng nhiều tia X quét lên một khu vực hoặc toàn bộ cơ thể theo mặt cắt ngang. Phương pháp này cho ra hình ảnh chi tiết hơn so với chụp X-quang truyền thống nên sẽ giúp chẩn đoán tắc ruột chính xác hơn.
  • Siêu âm: Ở các trường hợp trẻ em bị tắc ruột, siêu âm thường là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được thực hiện đầu tiên.
  • Thụt tháo bằng không khí hoặc baryt: Các phương pháp này giúp thu được hình ảnh đại tràng rõ nét hơn và được thực hiện khi nghi ngờ tắc ruột là do một số nguyên nhân nhất định. Trong quá trình thụt tháo, bác sĩ sẽ đưa không khí hoặc dung dịch baryt vào đại tràng qua trực tràng. Trong nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị lồng ruột, phương pháp thụt tháo bằng không khí hoặc dung dịch baryt (tháo lồng bằng bơm hơi/ baryt) có thể khắc phục được vấn đề và không cần điều trị thêm.

Điều trị

Có nhiều phương pháp để điều trị tắc ruột, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể nhưng người bệnh đều sẽ phải nhập viện.

Ổn định tình trạng

Trước tiên, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp để ổn định sức khỏe cho người bệnh:

  • Truyền dịch tĩnh mạch
  • Đặt một ống thống qua mũi vào dạ dày (ống thông mũi - dạ dày) để hút khí và dịch ra ngoài
  • Đặt ống thông tiểu vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài và lấy mẫu nước tiều làm xét nghiệm

Điều trị lồng ruột

Tháo lồng ruột bằng baryt hoặc hơi là biện pháp được sử dụng để chẩn đoán và điều trị chứng lồng ruột ở trẻ em. Nếu phương pháp này có hiệu quả thì không cần điều trị thêm.

Điều trị tắc ruột một phần

Nếu bị tắc ruột nhưng một phần thức ăn và chất lỏng vẫn có thể đi qua (tắc nghẽn một phần) thì có thể không cần điều trị thêm sau khi tình trạng đã ổn định. Người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống rất ít chất xơ để đoạn ruột bị tắc nghẽn có thể đẩy thức ăn qua dễ dàng hơn. Nếu tình trạng tắc nghẽn không hết thì sẽ phải phẫu thuật.

Điều trị tắc nghẽn hoàn toàn

Nếu thức ăn hoàn toàn không thể đi qua ruột thì sẽ phải tiến hành phẫu thuật để thông ruột. Quy trình phẫu thuật cụ thể sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí của đoạn ruột bị tắc. Thường sẽ phải loại bỏ vật cản hoặc đoạn ruột bị tắc nghẽn cũng như là những đoạn ruột đã bị hỏng.

Một lựa chọn điều trị khác là đặt stent kim loại tự giãn nở. Stent là một ống lưới bằng thép được đưa vào ruột thông qua ống nội soi, có tác dụng giữ cho lòng ruột mở để dần dần hết tắc nghẽn.

Stent thường được sử dụng để điều trị những người bị ung thư đại tràng hoặc để giảm đau tạm thời cho những trường hợp chưa thể phẫu thuật. Khi tình trạng ổn định, người bệnh có thể sẽ vẫn phải phẫu thuật.

Điều trị giả tắc ruột

Nếu nguyên nhân gây ra các triệu chứng là do giả tắc ruột (tắc ruột do liệt ruột) thì bác sĩ có thể chỉ định theo dõi tình trạng trong 1 - 2 ngày tại bệnh viện và điều trị nếu xác định được nguyên nhân. Giả tắc ruột có thể tự khỏi. Trong thời gian chờ, người bệnh có thể được đặt ống thông dạ dày (sonde dạ dày) hoặc truyền dịch tĩnh mạch để cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Nếu tình trạng tắc ruột do liệt ruột không tự khỏi thì bác sĩ sẽ kê thuốc kích thích cơ ruột co thắt để đẩy thức ăn và chất lỏng qua ruột. Nếu giả tắc ruột là do một bệnh lý khác hoặc do thuốc thì sẽ phải điều trị nguyên nhân gốc rễ hoặc tạm thời ngừng thuốc. Một số trường hợp giả tắc ruột cũng phải phẫu thuật để điều trị.

Trong trường hợp đại tràng bị phình to thì có thể khắc phục bằng phương pháp thông đại tràng. Thủ thuật này có thể được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi, trong đó ống nội soi được đưa qua hậu môn và vào bên trong đại tràng hoặc bằng cách phẫu thuật.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm ruột thừa

Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm ruột thừa nhưng vấn đề này thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 10 đến 30. Phương pháp điều trị đa phần là phẫu thuật cắt ruột thừa.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây