Ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng đôi khi còn được gọi là ung thư đại trực tràng, có nghĩa là bao gồm cả ung thư đại tràng và ung thư trực tràng.

Ung thư đại tràng là gì?

Ung thư đại tràng là bệnh ung thư bắt đầu phát sinh từ đại tràng (ruột già). Đại tràng là phần gần cuối của đường tiêu hóa.

Ung thư đại tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đa số các ca bệnh đều là người lớn tuổi. Bệnh này thường bắt đầu ở dạng các khối tế bào nhỏ, không phải ung thư (lành tính) được gọi là polyp hình thành ở bên trong đại tràng. Mặc dù không phải lúc nào polyp đại tràng cũng phát triển thành ung thư nhưng trong một số trường hợp, polyp trở thành khối u ác tính sau một thời gian.

Polyp có thể chỉ có kích thước rất nhỏ và hầu như không biểu hiện triệu chứng. Vì lý do này nên các bác sĩ khuyến nghị nên tầm soát định kỳ để phát hiện sớm và loại bỏ polyp đại tràng trước khi phát triển thành ung thư.

Có nhiều phương pháp để điều trị hoặc kiểm soát bệnh ung thư đại tràng, gồm có phẫu thuật, xạ trị và điều trị bằng thuốc, chẳng hạn như hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch.

Ung thư đại tràng đôi khi còn được gọi là ung thư đại trực tràng, có nghĩa là bao gồm cả ung thư đại tràng và ung thư trực tràng.

Dấu hiệu, triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư đại tràng gồm có:

  • Thay đổi thói quen đi ngoài, gồm có tiêu chảy hoặc táo bón thường xuyên
  • Phân lỏng
  • Chảy máu trực tràng (có lẫn máu trong phân)
  • Đau quặn bụng kéo dài dai dẳng
  • Đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, hay ợ chua
  • Cảm giác đi ngoài không hết
  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Sụt cân không chủ đích

Ở giai đoạn đầu, ung thư đại tràng thường không có triệu chứng và nếu có thì các triệu chứng mà mỗi người gặp phải sẽ khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u trong ruột già.

Khi nào cần đi khám?

Nếu nhận thấy bất kỳ biểu hiện bất thường kéo dài dai dẳng nào thì hãy đi khám.

Khi đi khám sức khỏe định kỳ, hãy hỏi bác sĩ về thời điểm nên bắt đầu tầm soát ung thư đại tràng. Các hướng dẫn thường khuyến nghị nên bắt đầu tầm soát vào khoảng 50 tuổi. Nhưng những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như có tiền sử gia đình mắc bệnh, sẽ cần tầm soát sớm hơn hoặc thường xuyên hơn bình thường.

Nguyên nhân

Ung thư đại tràng bắt đầu xảy ra khi DNA của các tế bào khỏe mạnh trong đại tràng có những thay đổi (đột biến). DNA chứa một tập hợp các chỉ dẫn hoạt động của tế bào.

Các tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia một cách có trật tự để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi DNA của tế bào bị đột biến thì các tế bào sẽ phân chia một cách mất kiểm soát, ngay cả khi cơ thể không cần tế bào mới. Các tế bào bất thường này không chế đi giống như tế bào bình thường mà tích tụ lại, tạo thành khối u.

Sau một thời gian, các tế bào ung thư sẽ xâm lấn vùng mô bình thường xung quanh. Tiếp theo, chúng sẽ di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể. Quá trình này được gọi là di căn.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng gồm có:

  • Tuổi tác cao: Ung thư đại tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phần lớn các ca bệnh đều là người trên 50 tuổi. Tỷ lệ ung thư đại tràng ở những người dưới 50 tuổi đang ngày càng tăng.
  • Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng cao hơn so với những người chủng tộc khác.
  • Tiền sử ung thư đại trực tràng hoặc polyp: Những người đã từng bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại tràng sẽ có nguy cơ bị ung thư đại tràng trong tương lai cao hơn.
  • Bệnh viêm ruột: Các bệnh viêm đại tràng mạn tính, chẳng hạn như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
  • Các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng: Một số đột biến gen di truyền có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong tổng số ca ung thư đại tràng là có liên quan đến gen di truyền. Các hội chứng di truyền phổ biến nhất làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng gồm có đa polyp tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis - FAP) và hội chứng Lynch, hay còn được gọi là ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp (hereditary nonpolyposis colorectal cancer  - HNPCC).
  • Tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng: Những người có người thân trong gia đình bị ung thư đại tràng hoặc ung thư trực tràng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Càng có nhiều thành viên trong gia đình bị bệnh thì nguy cơ càng cao.
  • Chế độ ăn uống ít chất xơ, nhiều chất béo: Thói quen ăn uống không lành mạnh, quá nhiều chất béo và calo nhưng lại ít chất xơ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng và ung thư trực tràng. Một số nghiên cứu còn phát hiện ra rằng những người có chế độ ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn cũng có nguy cơ bị ung thư đại tràng cao hơn.
  • Lối sống ít vận động: Những người lười vận động có nguy cơ cao mắc phải nhiều bệnh tậất khác nhau, trong đó có cả ung thư đại tràng. Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp làm giảm nguy cơ ung thư.
  • Bệnh tiểu đường: Nguy cơ mắc ung thư đại tràng tăng cao ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin, đặc biệt là khi mức đường huyết không được kiểm soát tốt.
  • Béo phì: Những người béo phì sẽ dễ bị ung thư đại tràng hơn so với những người có cân nặng bình thường và một khi mắc bệnh thì nguy cơ tử vong cũng cao hơn.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
  • Uống rượu: Uống quá nhiều rượu cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng.
  • Xạ trị điều trị ung thư: Xạ trị nhắm vào vùng bụng để điều trị các bệnh ung thư khác sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

Biện pháp sàng lọc và chẩn đoán

Tầm soát ung thư đại tràng

Các bác sĩ khuyến nghị thực hiện một số biện pháp sàng lọc đối với những người khỏe mạnh không có dấu hiệu ung thư để phát hiện sớm các thay đổi bất thường. Phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu mang lại cơ hội chữa khỏi bệnh cao nhất. Trong những năm gần đây, việc tầm soát định kỳ đã giúp làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do ung thư đại tràng.

Những người có nguy cơ ung thư đại tràng ở mức trung bình nên bắt đầu tầm soát ở độ tuổi 50. Nhưng những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng, nên cân nhắc tầm soát sớm hơn.

Có nhiều biện pháp sàng lọc ung thư và mỗi một biện pháp đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Khi đi khám, bác sĩ sẽ tư vấn về biện pháp sàng lọc phù hợp nhất. Nếu phát hiện có polyp trong quá trình nội soi thì có thể cắt bỏ ngay để ngăn ngừa polyp trở thành ung thư.

Chẩn đoán ung thư đại tràng

Nếu có các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư đại tràng thì sẽ cần tiến hành các biện pháp chẩn đoán dưới đây:

  • Nội soi đại tràng: sử dụng một ống dài, nhỏ có gắn máy quay và đèn chiếu sáng để quan sát toàn bộ đại tràng và trực tràng. Nếu phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào thì bác sĩ sẽ đưa dụng cụ phẫu thuật qua ống nội soi để lấy mẫu mô (sinh thiết) đem đi phân tích hoặc loại bỏ polyp.
  • Xét nghiệm máu: Không có phương pháp xét nghiệm máu nào có thể chỉ ra ung thư đại tràng nhưng xét nghiệm máu sẽ cho biết về tình trạng sức khỏe tổng thể và tình trạng của một số cơ quan, chẳng hạn như xét nghiệm chức năng gan và thận. Xét nghiệm máu còn giúp phát hiện một chất do tế bào ung thư đại tràng tạo ra (kháng nguyên carcinoembryonic - CEA). Theo dõi nồng độ CEA trong máu sẽ giúp bác sĩ dự đoán tiên lượng và liệu bệnh ung thư có đáp ứng với điều trị hay không.

Xác định giai đoạn ung thư

Sau khi xác nhận bệnh ung thư đại tràng, bác sĩ sẽ xác định mức độ lan rộng (giai đoạn) của ung thư nhằm đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất cho người bệnh.

Để xác định giai đoạn ung thư thì thường sẽ cần tiến hành các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (CT) ổ bụng, vùng chậu và ngực. Trong nhiều trường hợp, phải đến khi tiến hành phẫu thuật thì mới có thể xác định giai đoạn ung thư.

Các giai đoạn của bệnh ung thư đại tràng được biểu thị bằng chữ số La Mã từ 0 đến IV. Ở giai đoạn đầu, tế bào ung thư mới chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc bên trong đại tràng. Khi sang đến giai đoạn IV hay giai đoạn cuối, ung thư đã di căn đến các vùng khác của cơ thể.

Điều trị

Phác đồ điều trị ung thư tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi ca bệnh, gồm có vị trí của khối u, giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe. Phương pháp điều trị ung thư đại tràng thường gồm có phẫu thuật để loại bỏ khối u. Ngoài ra còn có các phương pháp khác, chẳng hạn như xạ trị và hóa trị.

Phẫu thuật điều trị ung thư giai đoạn đầu

Nếu khối u có kích thước rất nhỏ thì có thể điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, chẳng hạn như:

  • Cắt bỏ polyp bằng kỹ thuật nội soi: Nếu khối u nhỏ, khu trú, nằm hoàn toàn trong polyp và bệnh được phát hiện từ sớm thì có thể loại bỏ hoàn toàn trong quá trình nội soi.
  • Cắt bỏ niêm mạc đại tràng nội soi: Nếu polyp có kích thước lớn hơn thì cũng có thể loại bỏ trong quá trình nội soi. Bác sĩ sử dụng các dụng cụ đặc biệt để loại bỏ cả polyp cùng với một vùng nhỏ niêm mạc đại tràng.
  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (phẫu thuật nội soi ổ bụng): Nếu không thể cắt bỏ polyp trong quá trình nội soi đại tràng thì sẽ cần tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng. Trong quy trình này, bác sĩ rạch một vài đường nhỏ trên thành bụng và đưa ống nội soi vào. Hình ảnh hiển thị trên màn hình sẽ hướng dẫn quy trình phẫu thuật. Trong quá trình này, bác sĩ có thể cắt một vài hạch bạch huyết ở quanh khối u và đem đi phân tích để xác định phạm vi lan rộng của ung thư.

Phẫu thuật điều trị ung thư giai đoạn sau

Nếu ung thư đã xâm lấn vào thành hoặc xuyên qua thành đại tràng thì sẽ cần điều trị bằng một trong các phương pháp phẫu thuật sau:

  • Cắt bỏ một phần đại tràng: Trong quy trình này, bác sĩ cắt bỏ phần đại tràng có chứa khối u cùng với một phần mô khỏe mạnh xung quanh, sau đó nối lại các phần còn lại với nhau. Quy trình phẫu thuật này thường được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng.
  • Phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo: Nếu không thể nối các phần còn lại của đại tràng hoặc trực tràng thì có thể sẽ cần mở hậu môn nhân tạo, có nghĩa là tạo ra một lỗ mở trên thành bụng và nối với phần ruột còn lại để đưa phân ra ngoài. Phân sẽ được chứa trong một chiếc túi gắn với hậu môn nhân tạo. Đôi khi chỉ cần tạo hậu môn nhân tạo tạm thời trong thời gian chờ đại tràng hoặc trực tràng lành lại sau phẫu thuật nhưng cũng có nhiều trường hợp phải để hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
  • Cắt hạch bạch huyết: Các hạch bạch huyết gần khối u cũng thường được cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật ung thư đại tràng và sau đó được đem đi phân tích để xem có sự hiện diện của tế bào ung thư hay không.

Phẫu thuật điều trị ung thư giai đoạn cuối

Nếu bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối hoặc người bệnh có sức khỏe yếu thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để thông đại tràng bị tắc nghẽn hoặc khắc phục các vấn đề khác để cải thiện triệu chứng. Phương pháp phẫu thuật này không chữa khỏi bệnh ung thư mà sẽ nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng bệnh, chẳng hạn như tắc nghẽn, chảy máu và đau đớn.

Trong một số trường hợp mà ung thư mới chỉ di căn đến gan hoặc phổi trong khi sức khỏe tổng thể vẫn tốt thì có thể tiến hành phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị cục bộ khác để loại bỏ tế bào ung thư. Phương pháp hóa trị có thể được thực hiện trước hoặc sau ca phẫu thuật.

Hóa trị liệu

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị điều trị ung thư đại tràng thường được thực hiện sau khi phẫu thuật trong những trường hợp khối u có kích thước lớn hoặc đã di căn đến các hạch bạch huyết. Bằng cách này, thuốc hóa trị sẽ tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể và giảm nguy cơ ung thư tái phát.

Hóa trị cũng có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối ung thư cỡ lớn và giúp cho việc cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật được dễ dàng hơn.

Hóa trị cũng là một giải pháp điều trị để giảm nhẹ các triệu chứng trong những trường hợp ung thư đại tràng không thể phẫu thuật hoặc ung thư đã di căn sang các vùng khác của cơ thể. Đôi khi hóa trị được kết hợp với xạ trị.

Trong một số trường hợp bị ung thư đại tràng giai đoạn III nguy cơ thấp, người bệnh có thể chỉ cần trải qua đợt hóa trị ngắn hơn sau phẫu thuật nhằm làm giảm các tác dụng phụ của liệu trình điều trị truyền thống mà vẫn có hiệu quả tương đương.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia phóng xạ mạnh, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được thực hiện để thu nhỏ kích thước khối u trước khi phẫu thuật để có thể loại bỏ dễ dàng hơn.

Đối với những trường hợp mà phẫu thuật đã không còn khả thi thì có thể điều trị bằng phương pháp xạ trị để giảm bớt các triệu chứng, chẳng hạn như đau đớn. Đôi khi xạ trị được kết hợp với hóa trị liệu. Có hai dạng xạ trị là xạ trị chùm tia bên ngoài và xạ trị áp sát hay còn gọi là xạ trị trong. Trong xạ trị chùm tia bên ngoài, năng lượng phóng xạ đến từ một thiết bị di chuyển quanh người bệnh và nhắm vào vị trí có khối u trong cơ thể. Xạ trị áp sát là phương pháp đưa nguồn phóng xạ vào bên trong hoặc ngay sát khối u để tiêu diệt tế bào ung thư. Sau một thời gian, nguồn phóng xạ này sẽ được lấy ra.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Đây là phương pháp sử dụng các loại thuốc nhắm đến các gen hay protein chuyên biệt liên quan đến sự phát triển khối u của tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn các gen hay protein này, liệu pháp nhắm trúng đích sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư.

Phương pháp này đa phần được thực hiện trong những trường hợp ung thư đại tràng giai đoạn cuối và thường được kết hợp với hóa trị liệu.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị bằng các loại thuốc sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Hệ miễn dịch vốn có vai trò chống lại bệnh tật nhưng lại không thể tấn công tế bào ung thư vì chúng có khả năng sản xuất ra các protein “làm mù” các tế bào miễn dịch và khiến cho các tế bào này không thể nhận ra tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch sẽ gây cản trở quá trình tạo ra protein này.

Liệu pháp miễn dịch thường được sử dụng để điều trị ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Trước tiên có thể phải làm xét nghiệm tế bào ung thư để xem chúng có đáp ứng với phương pháp điều trị này hay không.

Chăm sóc giảm nhẹ

Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp giúp giảm đau đớn và các triệu chứng khác của các bệnh hiểm nghèo, ví dụ như ung thư. Quá trình chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đã qua đào tạo chuyên môn. Phương pháp này nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và gia đình của họ. Chăm sóc giảm nhẹ thường được kết hợp với các phương pháp điều trị tích cực, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, có thể thực hiện ngay sau chẩn đoán. Nếu được kết hợp cùng phác đồ điều trị thích hợp, chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp cho người bệnh sống lâu hơn.

Biện pháp phòng ngừa

Tầm soát ung thư đại tràng

Các bác sĩ khuyến nghị những người có nguy cơ ung thư đại tràng ở mức trung bình nên cân nhắc bắt đầu tầm soát ung thư đại tràng ở độ tuổi 50. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao hơn, chẳng hạn như những người có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng, nên bắt đầu tầm soát sớm hơn.

Thay đổi thói quen sống để giảm nguy cơ

Có thể giảm nguy cơ ung thư đại tràng bằng cách thực hiện một số thay đổi trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như:

  • Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt: Trái cây, rau tươi và ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa - các chất có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư. Nên ăn đa dạng các loại trái cây và rau củ để cung cấp cho cơ thể đầy đủ các vitamin và chất dinh dưỡng.
  • Uống rượu ở mức độ vừa phải: Nếu uống rượu thì chỉ nên uống ở mức độ vừa phải.
  • Bỏ thuốc lá: Nếu đang hút thuốc lá thì nên cố gắng bỏ càng sớm càng tốt.
  • Tập thể dục thường xuyên: Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu như không quen vận động thì ban đầu có thể chỉ tập nhẹ nhàng 15 – 20 phút rồi tăng dần lên.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu đang ở mức cân nặng hợp lý thì hãy cố gắng duy trì bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh với tập thể dục hàng ngày. Nếu đang bị thừa cân, béo phì thì nên giảm cân từ từ bằng cách tăng cường độ tập thể dục và giảm lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Phòng ngừa ung thư đại tràng cho người có nguy cơ cao

Một số loại thuốc đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ hình thành polyp tiền ung thư hoặc ung thư đại tràng, ví dụ như aspirin và các loại thuốc tương tự. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định rõ liều lượng và khoảng thời gian cần dùng để giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Cần lưu ý, việc dùng aspirin hàng ngày sẽ có một số rủi ro, ví dụ như xuất huyết và viêm loét tiêu hóa.

Cách này thường dành cho những người có nguy cơ cao bị ung thư đại tràng. Các bác sĩ không khuyến nghị sử dụng những loại thuốc này cho những người có nguy cơ ở mức trung bình.

Tuy nhiên, ngay cả khi thuộc nhóm có nguy cơ cao thì cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc để đảm bảo an toàn.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Sa thành sau âm đạo (sa trực tràng)

Sinh con và các hoạt động khác gây áp lực lên các mô vùng chậu có thể dẫn đến sa thành sau âm đạo. Nếu chỉ bị sa nhẹ thì thường không biểu hiện triệu chứng.

Viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi một số vi khuẩn nhất định, thường là C. difficile phát triển nhanh chóng và lấn át các vi khuẩn khác.

Polyp đại tràng

Bất kỳ ai cũng có thể bị polyp đại tràng nhưng nguy cơ sẽ cao hơn ở những người ngoài 50 tuổi, thừa cân, hút thuốc lá, có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.

Viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng xảy ra khi axit dạ dày ăn mòn bề mặt bên trong của dạ dày hoặc ruột non. Axit có thể tạo ra các vết loét gây đau và chảy máu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây