Viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi một số vi khuẩn nhất định, thường là C. difficile phát triển nhanh chóng và lấn át các vi khuẩn khác.

Viêm đại tràng giả mạc là gì?

Viêm đại tràng giả mạc (pseudomembranous colitis), còn được gọi là viêm đại tràng liên quan đến kháng sinh, là tình trạng viêm đại tràng do sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridioides difficile hay còn có tên khác là Clostridium difficile (C. difficile).

Sự phát triển quá mức của vi khuẩn C. difficile thường xảy ra sau một thời gian nằm viện hoặc điều trị bằng thuốc kháng sinh. Điều này phổ biến nhất ở những người trên 65 tuổi.

Triệu chứng

Các triệu chứng thường gặp của viêm đại tràng màng giả gồm có:

  • Tiêu chảy
  • Đau quặn bụng, hoặc ấn vào đau
  • Sốt
  • Phân có mủ hoặc chất nhầy
  • Buồn nôn
  • Mất nước

Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể xuất hiện ngay sau 1 đến 2 ngày kể từ khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh nhưng cũng có thể phải sau vài tháng hoặc lâu hơn kể từ khi kết thúc đợt kháng sinh.

Khi nào cần đi khám?

Nếu hiện đang dùng hoặc gần đây đã dùng thuốc kháng sinh và bị tiêu chảy thì cần đi khám, ngay cả khi chỉ bị tiêu chảy nhẹ. Ngoài ra, hãy đến bệnh viện khám bất cứ khi nào bị tiêu chảy nặng, kèm theo sốt, đau quặn bụng hoặc có lẫn máu, mủ trong phân.

Nguyên nhân

Bình thường, các loại vi khuẩn trong đại tràng tồn tại ở trạng thái cân bằng nhưng thuốc kháng sinh và một số loại thuốc khác có thể phá vỡ sự cân bằng này. Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi một số vi khuẩn nhất định, thường là C. difficile phát triển nhanh chóng và lấn át các vi khuẩn khác. Vi khuẩn này sản sinh ra độc tố nhưng thường chỉ tạo ra một lượng nhỏ và khi số lượng vi khuẩn nhiều lên, lượng độc tố cũng tăng cao và gây hại cho đại tràng.

Mặc dù gần như mọi loại kháng sinh đều có thể gây ra viêm đại tràng giả mạc nhưng một số loại có nguy cơ cao hơn gồm có:

  • Fluoroquinolon, chẳng hạn như ciprofloxacin và levofloxacin
  • Penicillin, chẳng hạn như amoxicillin và ampicillin
  • Clindamycin
  • Cephalosporin, chẳng hạn như cefixime

Các nguyên nhân khác

Ngoài kháng sinh, các loại thuốc khác đôi khi cũng có thể gây viêm đại tràng giả mạc. Thuốc hóa trị được sử dụng trong điều trị ung thư có thể làm đảo lộn sự cân bằng bình thường của hệ vi khuẩn trong đại tràng.

Một số bệnh ảnh hưởng đến đại tràng, chẳng hạn như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn, cũng có thể khiến người bệnh bị viêm đại tràng giả mạc.

Các bào tử của vi khuẩn C. difficile có khả năng kháng lại nhiều chất khử trùng thông thường và có thể lây truyền từ tay của nhân viên y tế sang cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, số trường hợp bị nhiễm vi khuẩn C. difficile ở những người không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào đang ngày càng tăng, trong đó có cả những người gần đây không hề đến các cơ sở y tế và không sử dụng thuốc kháng sinh.

Sự xuất hiện của chủng vi khuẩn mới

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một chủng C. difficile mới tạo ra nhiều độc tố hơn các chủng trước đây. Chủng mới này cũng có khả năng đề kháng tốt hơn với một số loại thuốc và đã xuất hiện ở những người chưa từng đến bệnh viện hoặc uống thuốc kháng sinh.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị viêm đại tràng màng giả gồm có:

  • Uống thuốc kháng sinh
  • Ở trong bệnh viện hoặc viện dưỡng lão
  • Tuổi cao, đặc biệt là người trên 65 tuổi
  • Có hệ miễn dịch suy yếu
  • Bị bệnh đại tràng, chẳng hạn như bệnh viêm ruột hoặc ung thư đại trực tràng
  • Từng phẫu thuật ruột
  • Điều trị ung thư bằng hóa trị liệu

Biến chứng

Đa số các trường hợp viêm đại tràng màng giả đều được điều trị khỏi. Tuy nhiên, ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì bệnh này đôi khi vẫn có thể đe dọa đến tính mạng. Một số biến chứng có thể xảy ra gồm có:

  • Mất nước: Tiêu chảy nặng sẽ dẫn đến mất nước và chất điện giải. Điều này khiến cơ thể khó hoạt động bình thường và có thể khiến huyết áp tụt xuống mức thấp nguy hiểm.
  • Suy thận: Trong một số trường hợp, tình trạng mất nước có thể xảy ra quá nhanh khiến chức năng thận bị suy giảm đột ngột.
  • Phình đại tràng nhiễm độc: Đây là một vấn đề hiếm gặp, trong đó đại tràng không thể đẩy khí và phân ra ngoài, khiến đại tràng bị phình lên. Nếu không được điều trị, đại tràng có thể bị vỡ và vi khuẩn từ cơ quan này xâm nhập vào khoang bụng. Những trường hợp này cần phải phẫu thuật khẩn cấp và có thể gây tử vong.
  • Thủng đại tràng: Biến chứng này khá hiếm gặp và là kết quả do niêm mạc đại tràng bị tổn thương nghiêm trọng hoặc sau khi bị phình đại tràng nhiễm độc. Khi đại tràng bị thủng, vi khuẩn sẽ tràn vào khoang bụng, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm (viêm phúc mạc).
  • Tử vong: Ngay cả những trường hợp nhiễm khuẩn C. difficile mức độ nhẹ đến vừa cũng có thể nhanh chóng tiến triển thành bệnh gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, viêm đại tràng giả mạc đôi khi còn có thể tái phát, thường là vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau khi điều trị thành công.

Chẩn đoán

Các biện pháp được thực hiện để chẩn đoán viêm đại tràng màng giả và phát hiện các biến chứng gồm có:

  • Xét nghiệm phân để phát hiện nhiễm C. difficile ở đại tràng.
  • Xét nghiệm máu nhằm phát hiện số lượng bạch cầu tăng cao bất thường – một dấu hiệu cho thấy các bệnh nhiễm trùng như nhiễm C. difficile trong những trường hợp có triệu chứng tiêu chảy.
  • Nội soi đại tràng thường hoặc nội soi đại tràng sigma: trong hai phương pháp nội soi này, bác sĩ sử dụng một ống dài có gắn camera thu nhỏ ở đầu để kiểm tra bên trong đại tràng nhằm tìm các dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc như những chỗ lồi, mảng vàng (tổn thương) và sưng.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: nếu người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng thì sẽ cần chụp X-quang ổ bụng hoặc chụp CT để tìm dấu hiệu của các biến chứng như phình đại tràng nhiễm độc hoặc thủng đại tràng.

Điều trị

Các phương pháp điều trị viêm đại tràng giả mạc gồm có:

  • Ngừng thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác gây ra vấn đề: đôi khi, chỉ cần ngừng loại thuốc kháng sinh đang dùng là có thể giải quyết được vấn đề hoặc làm dịu các triệu chứng, chẳng hạn như tiêu chảy.
  • Dùng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm C. difficile: nếu đã thử cách trên mà các triệu chứng vẫn tiếp diễn thì bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị C. difficile. Điều này giúp các vi khuẩn khác phát triển bình thường trở lại và khôi phục sự cân bằng vốn có của hệ vi khuẩn trong đại tràng.
    Người bệnh có thể được kê thuốc kháng sinh đường uống, truyền tĩnh mạch hoặc qua một ống đưa vào dạ dày qua đường mũi (ống thông mũi - dạ dày). Vancomycin và fidaxomicin là hai loại kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất để điều trị viêm đại tràng giả mạc. Với những trường hợp không thể dùng hai loại thuốc này thì có thể sử dụng metronidazole. Đối với những người bị bệnh nặng, bác sĩ có thể kê vancomycin đường uống kết hợp với metronidazole truyền tĩnh mạch hoặc vancomycin dạng dung dịch thụt vào trực tràng.
  • Cấy vi sinh vật trong phân (FMT): Nếu tình trạng viêm đại tràng quá nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng tái phát nhiều lần thì có thể phải điều trị bằng phương pháp cấy vi sinh vật trong phân (fecal microbial transplantation – FMT) từ một người hiến tặng khỏe mạnh để khôi phục sự cân bằng vi khuẩn trong đại tràng của người bệnh. Vi sinh vật từ người hiến tặng có thể được đưa qua ống thông mũi - dạ dày, đưa trực tiếp vào đại tràng hoặc bào chế thành viên nang và nuốt qua đường miệng. Có thể điều trị trước bằng một đợt kháng sinh và sau đó là phương pháp FMT.

Các triệu chứng viêm đại tràng giả mạc thường sẽ cải thiện dần trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu điều trị.

Điều trị viêm đại tràng giả mạc tái phát

Sự xuất hiện của các chủng C. difficile mới mạnh hơn và có khả năng kháng thuốc kháng sinh cao hơn đã làm cho việc điều trị viêm đại tràng màng giả ngày càng trở nên khó khăn và tình trạng bệnh tái phát trở nên phổ biến hơn. Sau mỗi lần mắc bệnh, nguy cơ bệnh tiếp tục tái phát lại càng tăng.

Các giải pháp điều trị gồm có:

  • Thuốc kháng sinh: khi bệnh tái phát, người bệnh sẽ tiếp tục phải điều trị bằng một đợt kháng sinh nữa và sẽ lâu khỏi bệnh hơn.
  • Phẫu thuật: đây là một giải pháp cho những người bị suy tạng nặng, vỡ đại tràng và viêm phúc mạc. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần đại tràng. Một phương pháp phẫu thuật mới là tạo hậu môn nhân tạo kiểu quai bằng kỹ thuật nội soi. Phương pháp này ít xâm lấn hơn và kết quả rất khả quan.
  • Cấy vi sinh vật (FMT): phương pháp FMT cũng được sử dụng để điều trị viêm đại tràng giả mạc tái phát. Đưa vi sinh vật vào cơ thể người bệnh qua đường miệng, đường mũi hoặc đưa trực tiếp vào trong đại tràng.
  • Bezlotoxumab: cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt bezlotoxumab – một kháng thể đơn dòng ở người - để giảm nguy cơ tái phát tình trạng nhiễm C. difficile. Khi được sử dụng kết hợp với thuốc kháng sinh, bezlotoxumab đã được chứng minh là giúp làm giảm đáng kể sự tái phát nhiễm trùng.

Thay đổi thói quen sinh hoạt và phương pháp điều trị khác

Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung các loại vi khuẩn và nấm men có lợi (probiotic) có thể giúp ngăn ngừa sự nhiễm vi khuẩn C. difficile. Mặc dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh hiệu quả của phương pháp này trong điều trị viêm đại tràng giả mạc tái phát nhưng các sản phẩm probiotic đều rất an toàn nên hoàn toàn có thể thử. Người dùng có thể lựa chọn probiotic dạng viên nang hoặc dạng dung dịch.

Để đối phó với tình trạng tiêu chảy và mất nước do viêm đại tràng màng giả thì nên:

  • Uống nhiều nước: tốt nhất là uống nước lọc nhưng ngoài ra cũng có thể uống thêm các loại đồ uống có chứa natri và kali (chất điện giải), ví dụ như nước khoáng, nước uống thể thao, dung dịch bù nước và điện giải đường uống, nước hầm xương và nước hoa quả. Tránh các loại đồ uống chứa nhiều đường, cồn và caffeine, chẳng hạn như cà phê, trà và nước ngọt có ga. Những đồ uống này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
  • Tránh các loại thực phẩm gây kích thích: Tránh xa các loại thực phẩm cay, nhiều mỡ, đồ chiên và bất kỳ loại thực phẩm nào khác làm cho các triệu chứng trở nên nặng hơn.

Biện pháp phòng ngừa

Để ngăn chặn sự lây lan vi khuẩn C. difficile và các mầm bệnh khác thì các bệnh viện và cơ sở y tế đều phải thực hiện các biện pháp khử trùng nghiêm ngặt. Dưới đây là một số biện pháp khác để ngăn ngừa sự lây nhiễm C. difficile và bệnh viêm đại tràng giả mạc:

  • Rửa tay: Nhân viên y tế cần vệ sinh tay cẩn thận trước và sau khi điều trị, chăm sóc cho người bệnh. Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan C. difficile vì các loại chất khử trùng tay chứa cồn không thể tiêu diệt hết các bào tử của vi khuẩn này. Ngoài ra, mỗi người cần rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trước và sau khi dùng phòng vệ sinh.
  • Các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc: Những người nhập viện do nhiễm C. difficile cần ở phòng riêng hoặc ở chung với những người mắc bệnh tương tự. Nhân viên bệnh viện và người đến thăm cần đeo găng tay dùng một lần và áo choàng cách ly khi ở trong phòng cho đến ít nhất 48 giờ sau khi bệnh nhân hết tiêu chảy.
  • Khử trùng kỹ lưỡng: Tất cả các bề mặt phải được khử trùng cẩn thận bằng sản phẩm có chứa clo để tiêu diệt các bào tử C. difficile.
  • Tránh sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết: Nếu chỉ mắc những bệnh nhẹ thì không nên lạm dụng thuốc kháng sinh. Khi có bệnh thì tốt nhất nên đi khám để bác sĩ kê thuốc phù hợp. Nếu cần điều trị bằng kháng sinh thì chỉ nên dùng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.

Nguồn tham khảo

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pseudomembranous-colitis/symptoms-causes/syc-20351434

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng xảy ra khi axit dạ dày ăn mòn bề mặt bên trong của dạ dày hoặc ruột non. Axit có thể tạo ra các vết loét gây đau và chảy máu.

Viêm đại tràng vi thể

Viêm đại tràng vi thể có thể tự khỏi. Nhưng nếu các triệu chứng bệnh không có chuyển biến hoặc nghiêm trọng thì cần điều trị.

Sa thành sau âm đạo (sa trực tràng)

Sinh con và các hoạt động khác gây áp lực lên các mô vùng chậu có thể dẫn đến sa thành sau âm đạo. Nếu chỉ bị sa nhẹ thì thường không biểu hiện triệu chứng.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây