Sa thành sau âm đạo (sa trực tràng)

Sinh con và các hoạt động khác gây áp lực lên các mô vùng chậu có thể dẫn đến sa thành sau âm đạo. Nếu chỉ bị sa nhẹ thì thường không biểu hiện triệu chứng.

Sa thành sau âm đạo là gì?

Sa thành sau âm đạo xảy ra khi lớp mô mỏng ngăn cách giữa trực tràng và âm đạo bị suy yếu, khiến cho trực trạng tụt xuống và đẩy vào thành sau của âm đạo. Sa thành sau âm đạo còn được gọi là sa trực tràng.

Sinh con và các hoạt động khác gây áp lực lên các mô vùng chậu có thể dẫn đến sa thành sau âm đạo. Nếu chỉ bị sa nhẹ thì thường không biểu hiện triệu chứng.

Nếu sa thành sau âm đạo nặng thì vùng mô bị sa sẽ nhô ra ngoài cửa âm đạo và gây khó chịu nhưng hầu như không gây đau đớn.

Đối với những trường hợp chỉ bị sa thành sau âm đạo nhẹ thì thường chỉ cần các biện pháp tự khắc phục và các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu nghiêm trọng thì sẽ phải làm phẫu thuật.

Triệu chứng

Sa thành sau âm đạo nhẹ thường không biểu hiện triệu chứng.

Nếu nặng hơn thì thường sẽ có một số triệu chứng như:

  • Xuất hiện một khối mô mềm nhô ra qua cửa âm đạo
  • Đại tiện khó khăn
  • Cảm giác tức ở trực tràng
  • Cảm giác đại tiện không hết phân
  • Có cảm giác lỏng lẻo trong âm đạo khi quan hệ tình dục

Nhiều phụ nữ bị sa thành sau âm đạo còn bị sa các cơ quan vùng chậu khác, chẳng hạn như bàng quang, tử cung hoặc sa phần trên của âm đạo ở những phụ nữ đã từng phẫu thuật cắt tử cung.

Khi nào cần đi khám?

Sa thành sau âm đạo là một vấn đề thường gặp, kể cả ở những phụ nữ chưa từng sinh con. Trên thực tế, nhiều người thậm chí còn không biết mình bị sa âm đạo do không có bất kỳ triệu chứng nào.

Tuy nhiên, nếu bị sa mức độ vừa hoặc nặng thì sẽ gây khó chịu. Đi khám bác sĩ nếu:

  • Phát hiện thấy có mô nhô ra qua cửa âm đạo.
  • Bị táo bón mãn tính và đã thử nhiều phương pháp điều trị nhưng không hiệu quả.

Nguyên nhân

Sa thành sau âm đạo xảy ra do sàn chậu phải chịu áp lực trong thời gian dài. Một số nguyên nhân gây ra điều này gồm có:

  • Táo bón mãn tính hoặc thường xuyên phải rặn khi đại tiện
  • Ho mãn tính hoặc viêm phế quản
  • Thường xuyên phải nâng vật nặng
  • Thừa cân, béo phì
  • Mang thai và sinh nở

Các cơ, dây chằng và mô liên kết hỗ trợ âm đạo bị kéo giãn và yếu đi khi mang thai, chuyển dạ và sinh nở. Mang thai càng nhiều lần thì nguy cơ bị sa thành sau âm đạo càng cao.

Những phụ nữ chỉ sinh mổ ít có nguy cơ bị sa âm đạo hơn nhưng vấn đề này vẫn có thể xảy ra.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị sa thành sau âm đạo gồm có:

  • Di truyền: Một số phụ nữ bẩm sinh có mô liên kết ở vùng chậu yếu hơn bình thường nên dễ bị sa thành sau âm đạo.
  • Sinh nở: Sinh thường nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ sa các cơ quan trong vùng chậu. Nếu bị rách hoặc phải rạch tầng sinh môn (vùng mô giữa cửa âm đạo và hậu môn) trong khi sinh thì cũng sẽ có nguy cơ gặp phải vấn đề này cao hơn.
  • Lão hóa: Khi có tuổi thì sẽ bị giảm dần khối lượng cơ, độ đàn hồi và chức năng thần kinh, khiến cho các cơ bị kéo giãn và yếu đi.
  • Béo phì: Khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực lên các mô sàn chậu.

Biện pháp chẩn đoán

Tình trạng sa thành sau âm đạo thường được phát hiện ra khi khám phụ khoa.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu:

  • Rặn giống như khi đi ngoài. Việc này sẽ làm cho phần sau âm đạo bị đẩy xuống dưới và giúp bác sĩ có thể đánh giá mức độ sa.
  • Siết chặt các cơ vùng chậu giống như khi đang nhịn tiểu để kiểm tra sức mạnh của các cơ.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ còn đặt một số câu hỏi nhằm đánh giá xem tình trạng sa âm đạo ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào, từ đó tìm ra hướng điều trị.

Đôi khi sẽ cần tiến hành thêm các phươgn pháp chẩn đoán hình ảnh như:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc X-quang để xác định kích thước của vùng mô bị sa
  • Chụp cộng hưởng từ động học sàn chậu, tống phân (defecography-MRI) nhằm đánh giá khả năng làm trống của trực tràng

Điều trị

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng sa thành sau âm đạo. Nếu nhẹ thì có thể chỉ cần theo dõi hoặc đặt vòng nâng pessary.

  • Theo dõi: Nếu chỉ có ít hoặc không có triệu chứng thì các biện pháp tự khắc phục đơn giản, chẳng hạn như thực hiện các bài tập Kegel để tăng cường cơ vùng chậu, có thể giúp cải thiện tình trạng.
  • Đặt vòng nâng pessary: Vòng nâng pessary là một chiếc vòng bằng nhựa hoặc cao su được đưa vào âm đạo để hỗ trợ các mô bị suy yếu. Vòng nâng này cần được tháo ra thường xuyên để làm sạch.

Phẫu thuật

Sẽ phải làm phẫu thuật nếu:

  • Vùng mô bị sa nhô ra bên ngoài cửa âm đạo và gây khó chịu.
  • Bị sa các cơ quan vùng chậu khác ngoài âm đạo và gây khó chịu. Việc phẫu thuật sửa lại các cơ quan này có thể được thực hiện cùng một lúc.

Quy trình phẫu thuật thường gồm có các bước loại bỏ vùng mô bị kéo giãn, phình ra ở thành âm đạo và khâu lại để hỗ trợ các cấu trúc trong vùng chậu. Một miếng lưới bằng vật liệu tổng hợp có thể được đặt vào để hỗ trợ và củng cố cho lớp mô liên kết.

Các biện pháp tự khắc phục

Trong những trường hợp chỉ bị sa thành sau âm đạo nhẹ thì các biện pháp tự khắc phục dưới đây cũng có thể giúp cải thiện được phần nào vấn đề:

  • Thực hiện các bài tập Kegel để tăng cường các cơ vùng chậu và hỗ trợ các cơ bị suy yếu
  • Tránh táo bón bằng cách ăn thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước
  • Hạn chế rặn khi đi ngoài
  • Tránh nâng vật nặng
  • Kiểm soát tình trạng ho
  • Giảm cân nếu thừa cân, béo phì

Bài tập Kegel

Bài tập Kegel có tác dụng tăng cường cơ sàn chậu. Sàn chậu khỏe sẽ tạo sự hỗ trợ tốt hơn cho các cơ quan vùng chậu, giúp ngăn tình trạng sa trở nên nặng hơn và làm giảm các triệu chứng của sa tử cung.

Cách thực hiện bài tập Kegel như sau:

  • Siết chặt các cơ sàn chậu giống như thể bạn đang nhịn tiểu.
  • Giữ nguyên trong 5 giây và sau đó thả lỏng trong 5 giây. Nếu cảm thấy khó thì ban đầu chỉ giữ trong 2 giây và thả lỏng trong 3 giây rồi tăng dần thời gian lên cho đến khi có thể siết cơ trong 10 giây mỗi lần.
  • Lặp lại như vậy 10 lần.
  • Thực hiện 3 lượt mỗi ngày.

Bài tập Kegel sẽ cho hiệu quả cao nhất khi có sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu và được kết hợp với liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback). Phản hồi sinh học là phương pháp sử dụng các thiết bị theo dõi nhằm đảm bảo siết chặt cơ đúng cách trong khoảng thời gian thích hợp.

Khi đã học được cách thực hiện đúng thì có thể tập bài tập Kegel bất cứ lúc nào và bất cứ đâu, ví dụ như khi ngồi làm việc, khi xem TV hay khi ngồi chờ xe bus.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ bị sa thành sau âm đạo thì hãy:

  • Thực hiện bài tập Kegel thường xuyên: Bài tập này giúp tăng cường cơ sàn chậu, đây là điều rất quan trọng sau khi sinh con.
  • Điều trị và ngăn ngừa táo bón bằng cách uống nhiều nước và ăn thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau xanh, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tránh nâng vật nặng. Nếu nâng thì phải nâng đúng cách, dồn trọng tâm vào chân thay vì thắt lưng và lưng.
  • Kiểm soát tình trạng ho mãn tính: Điều trị nguyên nhân gây ho và không hút thuốc lá.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu thừa cân, béo phì thì cần giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Ung thư trực tràng

Trước đây, những người mắc bệnh ung thư trực tràng thường không sống được lâu, ngay cả khi được điều trị tích cực. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong y học mà tỷ lệ sống sót khi mắc bệnh ung thư trực tràng đã tăng lên đáng kể.

Sa thành trước âm đạo (sa bàng quang)

Sa thành trước âm đạo là vấn đề có thể điều trị được. Đối với các trường hợp bị sa nhẹ hoặc sa mức độ vừa thì chỉ cần điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật.

Viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi một số vi khuẩn nhất định, thường là C. difficile phát triển nhanh chóng và lấn át các vi khuẩn khác.

Polyp đại tràng

Bất kỳ ai cũng có thể bị polyp đại tràng nhưng nguy cơ sẽ cao hơn ở những người ngoài 50 tuổi, thừa cân, hút thuốc lá, có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây