Bệnh viêm trực tràng

Viêm trực tràng là gì?

Viêm trực tràng là tình trạng niêm mạc trực tràng bị viêm. Trực tràng là bộ phận nối đại tràng (ruột già) với hậu môn. Phân đi từ đại tràng qua trực tràng và ra khỏi cơ thể.

Viêm trực tràng gây ra các triệu chứng như đau đớn, tiêu chảy, chảy máu, tiết dịch hậu môn và cảm giác buồn đi ngoài liên tục. Các triệu chứng viêm trực tràng có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn hoặc kéo dài dai dẳng và trở thành mạn tính.

Viêm trực tràng thường xảy ra ở những người bị bệnh viêm ruột (bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng). Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI/STD) cũng là một nguyên nhân có thể dẫn đến viêm trực tràng. Ngoài ra, đôi khi bệnh này là một tác dụng phụ của phương pháp xạ trị điều trị ung thư.

Triệu chứng

Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp của bệnh viêm trực tràng gồm có:

  • Thường xuyên có cảm giác buồn đi ngoài
  • Chảy máu trực tràng (phân lẫn máu)
  • Đi ngoài có chất nhầy
  • Đau trực tràng
  • Đau kéo dài ở vùng bụng dưới bên trái
  • Cảm giác chướng bụng, đầy hơi, chán ăn, buồn nôn
  • Tiêu chảy nhiều lần
  • Đau đớn khi đi ngoài

Khi nào cần đi khám?

Cần đến bệnh viện khám khi gặp bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh viêm trực tràng.

Nguyên nhân

Một số nguyên nhân khiến cho niêm mạc trực tràng bị viêm gồm có:

  • Bệnh viêm ruột: Khoảng 30% những người bị bệnh viêm ruột (bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng) bị viêm trực tràng.
  • Nhiễm trùng: Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là những bệnh lây khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn, có thể dẫn đến viêm trực tràng. Một số ví dụ gồm có bệnh lậu, mụn rộp sinh dục và chlamydia. Các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do ăn uống, chẳng hạn như nhiễm vi khuẩn salmonella, shigella và campylobacter, cũng có thể gây viêm trực tràng.
  • Xạ trị: Xạ trị nhắm vào trực tràng hoặc các khu vực lân cận, chẳng hạn như tuyến tiền liệt, có thể gây viêm trực tràng. Tình trạng viêm có thể bắt đầu trong quá trình xạ trị và kéo dài đến vài tháng sau khi quá trình điều trị kết thúc hoặc cũng có thể phải nhiều năm sau khi xạ trị thì người bệnh mới bị viêm trực tràng.
  • Thuốc kháng sinh: Đôi khi, các loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại Clostridium difficile phát triển quá mức trong trực tràng.
  • Sau phẫu thuật: Bệnh viêm trực tràng có thể xảy ra sau các ca phẫu thuật cần mở hậu môn nhân tạo (chủ động tạo một lỗ mở trên thành bụng để đưa phân ra ngoài mà không đi qua trực tràng).
  • Do protein trong sữa: Điều này thường xảy ra ở những trẻ sơ sinh uống sữa bò hoặc sữa công thức làm từ đậu nành. Những trẻ bú mẹ cũng có thể bị viêm trực tràng nếu người mẹ ăn các sản phẩm làm từ sữa.
  • Viêm trực tràng do tăng bạch cầu ái toàn: Tình trạng này xảy ra khi bạch cầu ái toan (một loại bạch cầu) tích tụ trong niêm mạc trực tràng. Viêm trực tràng do tăng bạch cầu ái toàn chỉ xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm trực tràng gồm có:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục cũng sẽ làm tăng nguy cơ viêm trực tràng, ví dụ như quan hệ với nhiều bạn tình, không sử dụng bao cao su và quan hệ tình dục với bạn tình bị STD.
  • Mắc bệnh viêm ruột: Mắc bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm trực tràng.
  • Xạ trị điều trị ung thị: Xạ trị nhắm vào trực tràng hoặc gần trực tràng (chẳng hạn như các trường hợp xạ trị điều trị ung thư trực tràng, ung thư buồng trứng hoặc ung thư tuyến tiền liệt) sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm trực tràng.

Biến chứng

Viêm trực tràng không được điều trị hoặc không đáp ứng điều trị có thể dẫn đến các biến chứng, như:

  • Thiếu máu: Tình trạng chảy máu mạn tính từ trực tràng có thể dẫn đến thiếu máu. Khi bị thiếu máu, cơ thể không có đủ hồng cầu để vận chuyển oxy đến các tế bào. Thiếu máu sẽ gây mệt mỏi, da xanh xao, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, nhức đầu và dễ cáu gắt.
  • Loét trực tràng: Tình trạng viêm mạn tính ở trực tràng có thể dần tạo thành vết loét trên niêm mạc trực tràng.
  • Lỗ rò: Đôi khi vết loét sẽ xuyên qua thành ruột và tạo ra lỗ rò – đường nối bất thường giữa các phần khác nhau của ruột, giữa ruột và da hoặc giữa ruột với các cơ quan khác, chẳng hạn như bàng quang và âm đạo.

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp được sử dụng để chẩn đoán viêm trực tràng gồm có:

  • Xét nghiệm máu để phát hiện mất máu hoặc nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm phân nhằm xác định xem nguyên nhân gây viêm trực tràng có phải do nhiễm vi khuẩn hay không.
  • Nội soi đại tràng sigma: sử dụng ống nội soi để kiểm tra phần cuối cùng của đại tràng (đại tràng sigma và trực tràng. Trong quá trình này, bác sĩ có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) và đem đi phân tích.
  • Nội soi đại tràng để quan sát toàn bộ đại tràng. Bác sĩ cũng có thể tiến hành sinh thiết trong quá trình nội soi.
  • Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục: lấy một mẫu dịch tiết từ trực tràng hoặc từ niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra từ bàng quang).

Điều trị

Việc điều trị viêm trực tràng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm.

Điều trị viêm trực tràng do nhiễm trùng

Tùy thuộc vào nguyên nhân nhiễm trùng là do vi khuẩn hay virus mà bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp:

  • Thuốc kháng sinh: Đối với các trường hợp viêm trực tràng do nhiễm vi khuẩn thì sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh, chẳng hạn như doxycycline.
  • Thuốc kháng virus: Đối với với các trường hợp viêm trực tràng do nhiễm virus, chẳng hạn như nhiễm HSV (một loại virus lây truyền qua đường tình dục) thì sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng virus, chẳng hạn như acyclovir.

Điều trị viêm trực tràng do xạ trị

Các trường hợp viêm nhẹ có thể không cần điều trị nhưng nếu viêm trực tràng gây đau đớn và chảy máu nghiêm trọng thì sẽ phải can thiệp điều trị bằng các biện pháp như:

  • Dùng thuốc: Có thể dùng thuốc đường uống, thuốc đặt hoặc dung dịch thụt trực tràng, ví dụ như sucralfate, mesalamine, sulfasalazine và metronidazole. Những loại thuốc này sẽ giúp kiểm soát tình trạng viêm và giảm chảy máu.
  • Thuốc làm mềm phân: để khắc phục tình trạng tắc nghẽn trong trực tràng.
  • Các thủ thuật loại bỏ mô hỏng: Những thủ thuật này giúp cải thiện triệu chứng viêm trực tràng bằng cách phá hủy và loại bỏ vùng mô bị hỏng, chảy máu. Một số ví dụ gồm có đông máu bằng argon plasma (argon plasma coagulation - APC), áp lạnh, điện đông và các liệu pháp khác.

Viêm trực tràng do bệnh viêm ruột

Với các trường hợp viêm trực tràng do bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng thì việc điều trị sẽ nhằm mục đích giảm tình trạng viêm trong trực tràng. Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Dùng thuốc để kiểm soát viêm trực tràng: bác sĩ sẽ kê thuốc chống viêm, có thể là thuốc đường uống, thuốc đặt hoặc dung dịch thụt trực tràng, ví dụ như mesalamine hoặc corticosteroid (prednisone hoặc budesonide). Những người bị viêm trực tràng do bệnh Crohn thường phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như azathioprine hoặc infliximab.
  • Phẫu thuật: Nếu đã dùng thuốc nhưng các triệu chứng vẫn không đỡ thì có thể phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ những phần bị tổn hại của đường tiêu hóa.

Biện pháp phòng ngừa

Để giảm nguy cơ bị viêm trực tràng thì cần phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Một số cách phòng tránh các bệnh này gồm có:

  • Hạn chế số lượng bạn tình
  • Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục
  • Không quan hệ tình dục với người có vết loét, chảy dịch hoặc có bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở bộ phận sinh dục

Nếu nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì phải ngừng quan hệ tình dục cho đến khi điều trị khỏi hoặc cho đến khi bác sĩ xác nhận tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát để tránh lây bệnh sang người khác.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Sa thành sau âm đạo (sa trực tràng)

Sinh con và các hoạt động khác gây áp lực lên các mô vùng chậu có thể dẫn đến sa thành sau âm đạo. Nếu chỉ bị sa nhẹ thì thường không biểu hiện triệu chứng.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi một số vi khuẩn nhất định, thường là C. difficile phát triển nhanh chóng và lấn át các vi khuẩn khác.

Viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng xảy ra khi axit dạ dày ăn mòn bề mặt bên trong của dạ dày hoặc ruột non. Axit có thể tạo ra các vết loét gây đau và chảy máu.

Ung thư trực tràng

Trước đây, những người mắc bệnh ung thư trực tràng thường không sống được lâu, ngay cả khi được điều trị tích cực. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong y học mà tỷ lệ sống sót khi mắc bệnh ung thư trực tràng đã tăng lên đáng kể.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây