Bốc hỏa

Mặc dù nguyên nhân cũng có thể là do các vấn đề sức khỏe hay bệnh lý khác nhưng bốc hỏa thường là do mãn kinh - thời kỳ mà chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ dần trở nên thất thường và cuối cùng dừng hẳn.

Bốc hỏa là gì?

Bốc hỏa là cảm giác nóng bừng đột ngột ở phần trên cơ thể, thường dữ dội nhất ở mặt, cổ và ngực. Khi bị bốc hỏa, da có thể đỏ ửng lên, giống như thể đang tức giận hay vừa mới vận động mạnh. Cơn bốc hỏa còn có thể gây vã mồ hôi. Và nếu như cơ thể bị mất nhiệt quá nhiều thì sẽ có cảm giác lạnh sau đó. Các cơn bốc hỏa có thể xảy ra khi ngủ vào ban đêm, gây đổ nhiều mồ hôi và làm gián đoạn giấc ngủ.

Mặc dù nguyên nhân cũng có thể là do các vấn đề sức khỏe hay bệnh lý khác nhưng bốc hỏa thường là do mãn kinh - thời kỳ mà chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ dần trở nên thất thường và cuối cùng dừng hẳn. Trên thực tế, bốc hỏa là triệu chứng phổ biến nhất của giai đoạn tiền mãn kinh – khoảng thời gian trước khi chính thức mãn kinh.

Có nhiều phương pháp để điều trị, khắc phục tình trạng bốc hỏa.

Biểu hiện

Các cơn bốc hỏa thường gây ra những hiện tượng như:

  • Cảm giác nóng đột ngột lan tỏa khắp ngực, cổ và mặt
  • Da đỏ ửng, có thể đỏ đều toàn bộ một phần trên cơ thể hoặc mảng đỏ mảng trắng
  • Tim đập nhanh
  • Đổ mồ hôi, chủ yếu ở phần trên cơ thể
  • Cảm giác ớn lạnh khi cơn bốc hỏa qua đi
  • Cảm giác lo âu, bồn chồn

Tần suất và mức độ của tình trạng bốc hỏa ở mỗi phụ nữ là khác nhau. Các cơn bốc hỏa có thể chỉ nhẹ và thoáng qua hoặc dữ dội đến mức làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày. Hiện tượng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày hoặc khi ngủ vào ban đêm. Cơn bốc hỏa xảy ra vào ban đêm gây đổ mồ hôi và có thể làm gián đoạn giấc ngủ.

Mặc dù mức độ thường xuyên xảy ra các cơn bốc hỏa ở mỗi người là khác nhau nhưng hầu hết phụ nữ khi ở giai đoạn tiền mãn kinh đều bị bốc hỏa gần như hàng ngày. Trung bình, triệu chứng bốc hỏa kéo dài khoảng 7 năm và ở một số người, tình trạng này kéo dài đến 10 năm hoặc thậm chí lâu hơn.

Khi nào cần đi khám?

Nếu các cơn bốc hỏa ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hoặc giấc ngủ vào ban đêm thì nên cân nhắc đi khám bác sĩ để được tư vấn các biện pháp khắc phục, điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bốc hỏa thường là do sự thay đổi nồng độ nội tiết tố (hormone) trước, trong và sau khi mãn kinh. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy rằng hiện tượng bốc hỏa xảy ra khi mức hormone estrogen giảm xuống khiến vùng dưới đồi trở nên nhạy cảm hơn với những thay đổi nhiệt độ cơ thể. Vùng dưới đồi là một vùng nhỏ của não bộ với nhiều chức năng khác nhau và một trong số đó là điều hòa thân nhiệt. Khi vùng dưới đồi cho rằng cơ thể đang quá nóng, nó sẽ bắt đầu một chuỗi các quá trình để hạ nhiệt và tạo ra cơn bốc hỏa.

Trong một số ít trường hợp, hiện tượng bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm là do nguyên nhân khác không liên quan đến mãn kinh, ví dụ như tác dụng phụ của thuốc, các vấn đề với tuyến giáp, một số bệnh ung thư và tác dụng phụ của phác đồ điều trị ung thư.

Các yếu tố nguy cơ

Không phải ai nào bước vào thời kỳ mãn kinh cũng đều bị bốc hỏa nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gồm có:

  • Hút thuốc lá: những phụ nữ hút thuốc dễ bị bốc hỏa hơn.
  • Béo phì: chỉ số khối cơ thể (BMI) càng lớn thì nguy cơ và tần suất bị bốc hỏa càng cao.
  • Chủng tộc: phụ nữ da đen dễ bị bốc hỏa vào thời kỳ mãn kinh hơn so với phụ nữ thuộc các chủng tộc khác. Phụ nữ châu Á là nhóm ít bị bốc hỏa do mãn kinh nhất.

Tác hại

Tình trạng bốc hỏa sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Cơn bốc hỏa vào ban đêm có thể gây gián đoạn giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ kém sẽ gây mệt mỏi, khiến cho các triệu chứng tiền mãn kinh càng nặng hơn.

Các nghiên cứu còn cho thấy rằng những phụ nữ bị bốc hỏa có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mất xương cao hơn so với những người không bị bốc hỏa.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán tình trạng bốc hỏa dựa trên mô tả các triệu chứng. Đôi khi sẽ cần làm xét nghiệm máu để xác nhận xem có đang trong giai đoạn tiền mãn kinh hay không.

Phương pháp khắc phục, điều trị

Cách hiệu quả nhất để giảm bớt các cơn bốc hỏa là dùng estrogen nhưng phương pháp này đi kèm nhiều rủi ro. Đối với những phụ nữ phù hợp dùng estrogen, nếu bắt đầu bổ sung hormone này trong vòng 10 năm kể từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng hoặc trước 60 tuổi thì lợi ích có thể sẽ lớn hơn rủi ro.

Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật cũng có thể làm giảm tình trạng bốc hỏa nhưng hiệu quả sẽ kém hơn so với liệu pháp hormone.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những ưu và nhược điểm của các phương pháp điều trị khác nhau. Nếu như bốc hỏa không ảnh hưởng đến cuộc sống thì không cần phải điều trị. Ở hầu hết phụ nữ thì các cơn bốc hỏa đều sẽ tự giảm dần theo thời gian cho dù không điều trị nhưng có thể phải mất nhiều năm.

Liệu pháp hormone

Estrogen là loại hormone chính được sử dụng để giảm bốc hỏa. Những phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung chỉ cần dùng estrogen. Nhưng những người vẫn còn tử cung nên bổ sung thêm progesterone để giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Cho dù là trong trường hợp nào thì liệu pháp hormone cũng cần được điều chỉnh tùy theo nhu cầu của từng người và chỉ nên sử dụng liều thấp nhất có thể. Thời gian điều trị ở mỗi người cũng khác nhau nhưng mục tiêu chung là cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ở một số phụ nữ, việc dùng kết hợp progesterone với estrogen gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, ngực căng đau, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón,... Đối với những người không thể dùng progesterone đường uống thì có thể dùng một loại thuốc kết hợp giữa bazedoxifene với estrogen liên hợp (Duavee) để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Giống như progesterone, dùng bazedoxifene cùng với estrogen cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Bazedoxifene còn giúp bảo vệ xương.

Những phụ nữ đã từng mắc hoặc có nguy cơ bị ung thư vú hoặc ung thư nội mạc tử cung, bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc cục máu đông cần hỏi ý kiến bác sĩ xem liệu pháp estrogen có phù hợp với mình hay không.

Thuốc chống trầm cảm

Paroxetine liều thấp (Brisdelle) là một loại thuốc chống trầm cảm và là phương pháp điều trị bốc hỏa duy nhất không chứa nội tiết tố được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận. Ngoài ra, các loại thuốc chống trầm cảm khác cũng được sử dụng để giảm bốc hỏa còn có:

  • Venlafaxine (Effexor XR)
  • Paroxetine (Paxil, Pexeva)
  • Citalopram (Celexa)
  • Escitalopram (Lexapro)

Mặc dù những loại thuốc này không hiệu quả như liệu pháp hormone đối với tình trạng bốc hỏa nặng nhưng vẫn giúp ích cho những phụ nữ không thể sử dụng hormone. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc chống trầm cảm gồm có buồn nôn, khó ngủ, buồn ngủ, tăng cân, khô miệng và rối loạn chức năng tình dục.

Các loại thuốc khác

Các loại thuốc khác cũng có tác dụng giảm bốc hỏa gồm có:

  • Gabapentin (Neurontin, Gralise,…): Gabapentin là một nhóm thuốc chống co giật có hiệu quả giảm các cơn bốc hỏa ở mức trung bình. Các tác dụng phụ gồm có buồn ngủ, chóng mặt, tích nước và mệt mỏi.
  • Pregabalin (Lyrica): Pregabalin là một loại thuốc chống co giật khác cũng được sử dụng để khắc phục triệu chứng bốc hỏa. Các tác dụng phụ gồm có chóng mặt, buồn ngủ, khó tập trung và tăng cân.
  • Oxybutynin (Ditropan XL, Oxytrol): Oxybutynin có cả dạng viên uống và dạng miếng dán, thường được sử dụng để điều trị các vấn đề về tiết niệu như bàng quang tăng hoạt. Thuốc này còn có tác dụng làm dịu cơn bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh. Các tác dụng phụ gồm có khô miệng, khô mắt, táo bón, buồn nôn và chóng mặt.
  • Clonidine (Catapres, Kapvay,…): Clonidine là một loại thuốc có dạng viên uống và dạng miếng dán, thường được sử dụng để điều trị cao huyết áp nhưng cũng có thể khắc phục tình trạng bốc hỏa. Các tác dụng phụ gồm có chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng và táo bón.

Phong bế thần kinh

Một kỹ thuật có tên là phong bế hạch hình sao (stellate ganglian block) đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị bốc hỏa từ mức độ vừa đến nặng nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm. Đây là phương pháp tiêm thuốc gây tê vào một cụm dây thần kinh ở cổ. Phương pháp này hiện đã được sử dụng để kiểm soát cơn đau. Các tác dụng phụ gồm có đau và bầm tím tại vị trí tiêm.

Châm cứu

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng châm cứu có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa

Các phương pháp trị liệu tâm lý

Ngoài các phương pháp trên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng một số biện pháp trị liệu tâm lý dưới đây có thể làm dịu triệu chứng bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi: Nhận thức – hành vi (cognitive behavioral therapy) là một hình thức tư vấn được sử dụng để khắc phục nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm. Phương pháp này không làm giảm tần suất các cơn bốc hỏa mà sẽ hạn chế mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống.
  • Thôi miên: Liệu pháp thôi miên có thể cải thiện tình trạng bốc hỏa. Nghiên cứu chỉ ra rằng thôi miên có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa.
  • Thiền chánh niệm: Hình thức thiền này giúp tập trung vào những gì đang diễn ra. Mặc dù không trực tiếp làm giảm bốc hỏa nhưng thiền chánh niệm có thể làm giảm mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống.

Thảo dược và thực phẩm chức năng

Một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng có ích cho các triệu chứng mãn kinh gồm có:

  • Estrogen thực vật: Nghiên cứu cho thấy phụ nữ ở các nước châu Á thường xuyên ăn nhiều đậu nành ít có nguy cơ bị bốc hỏa và các triệu chứng mãn kinh khác so với phụ nữ ở các nơi khác trên thế giới. Lý do có thể là bởi đậu nành chứa các hợp chất giống như estrogen.
  • Thiên ma (black cohosh): Thiên ma là một loại thảo dược đã được sử dụng trong y học từ xa xưa để cải thiện các triệu chứng mãn kinh phổ biến. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học về hiệu quả của thiên ma vẫn cho ra nhiều kết quả khác nhau và ngoài ra, loại thảo dược này còn có thể gây hại cho gan.
  • Nhân sâm: Nhân sâm có thể làm giảm triệu chứng bốc hỏa, mất ngủ và các triệu chứng về cảm xúc, tinh thần của thời kỳ mãn kinh.
  • Đương quy: Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đương quy có ích đối với các cơn bốc hỏa mãn kinh. Tuy nhiên, thảo dược này sẽ làm tăng tác dụng của các loại thuốc chống đông máu và dẫn đến vấn đề máu khó đông.
  • Vitamin E: Uống bổ sung vitamin E có thể làm giảm các cơn bốc hỏa nhẹ. Khi dùng liều lượng cao, vitamin E có thể gây loãng máu.

Mọi người thường cho rằng các sản phẩm tự nhiên không gây hại. Nhưng trên thực tế, tất cả các loại thảo dược và thực phẩm chức năng nguồn gốc thực vật đều đi kèm tác dụng phụ tiềm ẩn, một số trong đó còn gây nguy hiểm và ngoài ra, các sản phẩm này còn có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng. Do đó, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống

Nếu chỉ bị bốc hỏa nhẹ thì có thể thử các thay đổi trong lối sống và chế độ ăn uống sau:

  • Giữ mát cơ thể: Vào thời kỳ mãn kinh, thân nhiệt tăng nhẹ cũng có thể gây bốc hỏa. Hãy mặc đồ phù hợp với thời tiết và mặc quần áo thành nhiều lớp để có thể tiện cởi bỏ khi cảm thấy nóng. Mở cửa sổ và sử dụng quạt hoặc máy lạnh để giảm nhiệt độ xung quanh. Nếu cảm thấy bị bốc hỏa thì uống nước mát để hạ nhiệt.
  • Chú ý đến chế độ ăn uống: Thực phẩm cay nóng, đồ uống có chứa caffeine và rượu bia có thể gây bốc hỏa. Hãy theo dõi xem loại đồ ăn, thức uống cụ thể nào gây ra vấn đề và cố gắng tránh.
  • Thư giãn: Có thể giảm các cơn bốc hỏa nhẹ bằng cách thiền định, các bài tập hít thở sâu hoặc các kỹ thuật thư giãn, giảm căng thẳng khác. Ngay cả khi những biện pháp này không làm dịu được tình trạng bốc hỏa thì cũng vẫn sẽ mang lại những lợi ích khác, chẳng hạn như cải thiện chất lượng giấc ngủ và các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm gia tăng tần suất và mức độ các cơn bốc hỏa. Bỏ thuốc không chỉ có ích cho tình trạng bốc hỏa mà còn làm giảm nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.
  • Giảm cân: Ở những người thừa cân hay béo phì, giảm cân có thể giúp làm giảm bốc hỏa.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây