Mãn kinh

Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên. Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu diễn ra ở độ tuổi 40 đến 50.Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên.

Mãn kinh là gì?

Mãn kinh là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Một phụ nữ sẽ được xác định là mãn kinh sau khi đã trải qua 12 tháng liên tiếp không có kinh nguyệt. Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu diễn ra ở độ tuổi 40 đến 50.

Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên. Các thay đổi diễn ra trong cơ thể ở giai đoạn này sẽ dẫn đến những dấu hiệu về thể chất, chẳng hạn như bốc hỏa, mệt mỏi, đổ mồ hôi về đêm, khô âm đạo và cả các biểu hiện về cảm xúc, tinh thần như dễ cáu gắt, bồn chồn và thay đổi tâm trạng thất thường. Một số triệu chứng này có thể gây gián đoạn giấc ngủ, làm giảm mức năng lượng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp để điều trị các triệu chứng mãn kinh, từ điều chỉnh lối sống cho đến các loại thuốc.

Dấu hiệu

Trong vài tháng hoặc vài năm trước khi mãn kinh (giai đoạn tiền mãn kinh), phụ nữ sẽ gặp các dấu hiệu như:

  • Kinh nguyệt không đều
  • Khô âm đạo
  • Bốc hỏa
  • Ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt
  • Lo âu, bồn chồn
  • Dễ tăng cân và tốc độ trao đổi chất chậm lại
  • Rụng tóc
  • Khô da
  • Ngực giảm đầy đặn và chảy xệ

Mỗi một phụ nữ sẽ gặp phải các dấu hiệu tiền mãn kinh khác nhau nhưng một dấu hiệu chung ở hầu hết phụ nữ là chu kỳ kinh nguyệt có sự thay đổi bất thường trong một thời gian trước khi kết thúc hẳn.

Không có kinh nguyệt (mất kinh nguyệt) là điều hoàn toàn bình thường và rất phổ biến trong giai đoạn tiền mãn kinh. Thông thường, phụ nữ bị mất kinh nguyệt từ một đến một vài tháng và sau đó có trở lại. Chu kỳ kinh nguyệt cũng thường rút ngắn lại so với trước đây, có nghĩa là các kỳ kinh diễn ra gần nhau hơn. Mặc dù kinh nguyệt không đều nhưng vẫn có thể mang thai trong giai đoạn tiền mãn kinh. Nếu như bị chậm kinh nhưng không chắc mình đã bắt đầu mãn kinh hay chưa thì hãy thử thai.

Khi nào cần đi khám?

Phụ nữ nên đi khám sức khỏe và khám phụ khoa định kỳ để được chăm sóc sức khỏe dự phòng và điều trị sớm nếu có bất kỳ vấn đề nào. Cho dù đã mãn kinh thì vẫn nên đi khám phụ khoa. Nhiều bệnh lý có thể xảy ra ngay cả khi không còn kinh nguyệt, ví dụ như ung thư nội mạc tử cung.

Chăm sóc sức khỏe dự phòng khi có tuổi gồm có các phương pháp tầm soát theo như khuyến nghị, chẳng hạn như nội soi đại tràng, chụp nhũ ảnh và xét nghiệm mỡ máu. Ngoài ra còn có các phương pháp kiểm tra, theo dõi khác, ví dụ như xét nghiệm tuyến giáp (tùy vào bệnh sử).

Nếu bị chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh thì cần đi khám ngay.

Nguyên nhân

Mãn kinh tự nhiên

Thời kỳ mãn kinh tự nhiên diễn ra khi nồng độ các nội tiết tố (hormone) sinh dục suy giảm. Khi phụ nữ gần đến tuổi 30, buồng trứng bắt đầu sản xuất ít estrogen và progesterone hơn. Đây là hai hormone điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, kể từ lúc này, khả năng sinh sản bắt đầu giảm. Ở độ tuổi 40, chu kỳ kinh nguyệt có thể trở nên dài hơn hoặc ngắn lại, ra máu nhiều hơn hoặc ít hơn so với trước và số kỳ kinh một năm có thể tăng hoặc giảm. Sau đó, khi bước sang độ tuổi 50 thì buồng trứng ngừng rụng trứng và không còn kinh nguyệt nữa.

Mãn kinh sớm

Các nguyên nhân gây mãn kinh sớm hơn bình thường gồm có:

  • Phẫu thuật cắt buồng trứng: buồng trứng là cơ quan sản xuất các hormone, gồm có estrogen và progesterone, giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Phẫu thuật cắt buồng trứng được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau, ví dụ như u nang hay ung thư. Sau ca phẫu thuật, cơ thể sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh ngay lập tức. Kinh nguyệt dừng lại và phụ nữ sẽ bị bốc hỏa cùng các dấu hiệu mãn kinh khác. Các hiện tượng gặp phải khi mãn kinh sớm do phẫu thuật thường sẽ nghiêm trọng hơn so với mãn kinh tự nhiên vì những thay đổi nội tiết tố xảy đến đột ngột thay vì diễn ra dần dần trong vài năm. Phẫu thuật cắt tử cung và vẫn giữ nguyên buồng trứng thường không gây mãn kinh ngay lập tức. Mặc dù không còn kinh nguyệt nữa nhưng buồng trứng vẫn rụng trứng và sản xuất estrogen cùng với progesterone.
  • Hóa trị và xạ trị: các phương pháp điều trị ung thư này có thể gây mãn kinh. Các triệu chứng như bốc hỏa có thể xuất hiện ngay trong quá trình điều trị hoặc một thời gian ngắn sau đó. Hiện tượng ngừng kinh nguyệt (và khả năng sinh sản) không phải lúc nào cũng xảy ra vĩnh viễn sau khi hóa trị nên vẫn cần sử dụng các biện pháp tránh thai nếu không muốn sinh con. Xạ trị chỉ ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng khi chùm tia phóng xạ chiếu trực tiếp vào cơ quan này. Xạ trị ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như mô vú hoặc đầu và cổ, sẽ không ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng và gây mãn kinh.
  • Suy buồng trứng nguyên phát: có khoảng 1% phụ nữ mãn kinh trước 40 tuổi. Mãn kinh sớm có thể là do buồng trứng không sản xuất đủ lượng hormone sinh dục bình thường. Tình trạng này được gọi là suy buồng trứng nguyên phát, có thể xuất phát từ yếu tố di truyền hoặc các bệnh tự miễn. Tuy nhiên, thường thì không xác định được nguyên nhân gây mãn kinh sớm. Những phụ nữ này nên điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế, ít nhất là cho đến tuổi mãn kinh tự nhiên để duy trì sức khỏe não bộ, tim mạch và xương.

Biến chứng

Sau khi mãn kinh, nguy cơ mắc một số bệnh lý sẽ tăng lên, ví dụ như:

  • Bệnh tim mạch: nồng độ estrogen suy giảm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả phụ nữ và nam giới. Để giảm nguy cơ thì cần tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng ổn định. Ngoài ra, nên đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi chỉ số cholesterol và huyết áp.
  • Loãng xương: đây là tình trạng mật độ xương bị giảm, khiến cho xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy. Trong vài năm đầu sau khi mãn kinh, sự giảm mật độ xương thường diễn ra với tốc độ nhanh và làm tăng nguy cơ loãng xương. Phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương đặc biệt dễ bị gãy xương sống, hông và cổ tay.
  • Tiểu không tự chủ: khi mô âm đạo và niệu đạo mất đi tính đàn hồi thì sẽ dẫn đến tình trạng són tiểu cấp kỳ (urge incontinence) với các biểu hiện như đột ngột buồn tiểu gấp và tiểu khi chưa kịp vào nhà vệ sinh hoặc tiểu không tự chủ do áp lực (stress incontinence) với các biểu hiện như són tiểu khi ho, cười hoặc vận động mạnh. Tình trạng này làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Tăng cường cơ sàn chậu bằng bài tập Kegel và sử dụng viên đặt estrogen âm đạo có thể giúp giảm các triệu chứng tiểu không tự chủ. Liệu pháp hormone thay thế cũng là một lựa chọn điều trị hiệu quả để khắc phục những vấn đề về đường tiết niệu và âm đạo trong thời kỳ mãn kinh, từ đó ngăn ngừa chứng tiểu không tự chủ.
  • Giảm chức năng tình dục: khô âm đạo do giảm sản xuất dịch bôi trơn và mất độ đàn hồi mô sẽ gây đau rát và chảy máu khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, giảm cảm giác còn có thể làm giảm ham muốn của phụ nữ đối với hoạt động tình dục. Có thể khắc phục vấn đề này bằng cách dùng gel bôi trơn gốc nước và kem dưỡng ẩm âm đạo. Nếu đã dùng gel bôi trơn nhưng không thấy cải thiện nhiều thì có thể thử dùng các sản phẩm estrogen tại chỗ dạng kem bôi, viên đặt hoặc vòng đặt.
  • Tăng cân: nhiều phụ nữ bị tăng cân trong giai đoạn tiền mãn kinh và sau khi mãn kinh do quá trình trao đổi chất bị chậm lại. Để tránh tăng cân thì phải giảm ăn và tập thể dục thường xuyên

Biện pháp chẩn đoán

Thông thường, chỉ cần dựa vào các thay đổi trên cơ thể là đủ để biết đã bắt đầu bước vào thời kỳ mãn kinh. Nếu cảm thấy lo lắng về kinh nguyệt không đều hoặc hiện tượng bốc hỏa thì có thể đi khám bác sĩ.

Đa phần thì không cần thực hiện xét nghiệm để xác định mãn kinh nhưng trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ:

  • Hormone kích thích nang trứng (FSH) và estrogen (estradiol) vì nồng độ FSH tăng và estradiol giảm khi mãn kinh
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH) vì tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) có thể gây ra các triệu chứng tương tự như dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh

Có thể sử dụng que thử FSH để kiểm tra nồng độ hormone này trong nước tiểu. Cách này sẽ cho biết nồng độ FSH cao hay thấp. Nếu cao thì có thể là đang trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Tuy nhiên, vì nồng độ FSH tăng và giảm trong suốt chu kỳ kinh nguyệt nên việc xác định mãn kinh dựa trên phương pháp kiểm tra tại nhà này cũng không được chính xác lắm.

Điều trị

Mãn kinh là một quá trình diễn ra tự nhiên và không cần phải điều trị. Các biện pháp dưới đây nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính sau mãn kinh:

  • Liệu pháp hormone thay thế (HRT): liệu pháp estrogen là lựa chọn điều trị hiệu quả nhất để giảm các cơn bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh. Tùy thuộc vào bệnh sử cá nhân và gia đình, bác sĩ sẽ kê liều lượng estrogen phù hợp nhưng thường chỉ cần dùng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất sao cho vừa đủ để làm giảm các triệu chứng mãn kinh. Việc sử dụng liệu pháp hormone trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh tim mạch và ung thư vú. Những phụ nữ vẫn còn tử cung sẽ cần dùng thêm progestin ngoài estrogen vì nếu chỉ dùng mình estrogen thì sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tử cung. Estrogen còn giúp ngăn ngừa loãng xương. Nên đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của liệu pháp hormone thay thế trước khi bắt đầu dùng.
  • Estrogen âm đạo: để giảm tình trạng khô âm đạo thì có thể dùng estrogen dạng thuốc đặt, vòng hoặc kem bôi trực tiếp vào âm đạo. Các sản phẩm này sẽ giải phóng một lượng nhỏ estrogen và sau đó được mô âm đạo hấp thụ, giúp giảm tình trạng khô, đau rát khi quan hệ tình dục và một số triệu chứng ở đường tiết niệu.
  • Thuốc chống trầm cảm liều thấp: một số loại thuốc chống trầm cảm trong nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) có thể làm giảm các cơn bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh. Thuốc này có thể kiểm soát triệu chứng bốc hỏa cho những phụ nữ không thể bổ sung estrogen vì lý do sức khỏe hoặc những phụ nữ gặp phải các vấn đề về cảm xúc, tinh thần.
  • Gabapentin (Gralise, Horizant, Neurontin): thuốc này vốn được sử dụng để điều trị động kinh nhưng ngoài ra cũng có tác dụng giảm các cơn bốc hỏa mãn kinh. Thuốc này phù hợp cho những phụ nữ không thể sử dụng liệu pháp estrogen và những người bị bốc hỏa vào ban đêm.
  • Clonidine (Catapres, Kapvay): Clonidine, dạng thuốc đường uống hoặc miếng dán, thường được sử dụng để điều trị cao huyết áp nhưng cũng có thể giảm triệu chứng bốc hỏa.
  • Thuốc ngăn ngừa hoặc điều trị loãng xương: tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân của từng người mà có thể dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị loãng xương. Ngoài ra có thể uống bổ sung vitamin D để giúp xương chắc khỏe.

Trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng nên đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về những rủi ro và lợi ích. Sau đó nên đi khám định kỳ vì nhu cầu điều trị có thể thay đổi theo thời gian.

Các biện pháp không cần dùng thuốc:

Nhiều triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh chỉ diễn ra tạm thời và có thể điều trị hoặc giảm nhẹ bằng các cách như:

  • Làm mát cơ thể: mặc quần áo nhiều lớp để tiện cởi ra khi nóng, uống nước mát hoặc giảm nhiệt độ phòng. Hãy xác định các yếu tố gây ra cơn bốc hỏa, ví dụ như đồ ăn, đồ uống nóng, caffeine, thức ăn cay, rượu bia, căng thẳng, thời tiết nóng bức, không gian ngột ngạt,…
  • Giảm khó chịu ở âm đạo: dùng gel bôi trơn gốc nước và gốc silicone khi quan hệ tình trạng để giảm đau rát do khô âm đạo. Không nên dùng bôi trơn gốc dầu vì sẽ làm hỏng bao cao su. Nên lựa chọn những sản phẩm không chứa glycerin vì chất này có thể gây nóng rát hoặc kích ứng ở người có da nhạy cảm. Hoạt động tình dục thường xuyên sẽ giúp giảm khó chịu ở âm đạo nhờ làm tăng sự lưu thông máu đến mô.
  • Ngủ đủ giấc: không nên uống đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê trước khi đi ngủ để tránh bị mất ngủ và không uống quá nhiều rượu bia để tránh làm gián đoạn giấc ngủ. Không nên tập thể dục gần sát giờ đi ngủ. Nếu các cơn bốc hỏa làm phiền giấc ngủ thì nên có cách khắc phục để có thể nghỉ ngơi đầy đủ mỗi ngày.
  • Thực hiện các biện pháp thư giãn: các biện pháp như hít thở sâu, mát-xa, thiền hay đi dạo sẽ giúp giảm các triệu chứng về tinh thần của thời kỳ mãn kinh.
  • Củng cố cơ sàn chậu: các bài tập cơ sàn chậu, được gọi là bài tập Kegel, có thể cải thiện chứng tiểu không tự chủ.
  • Có chế độ ăn uống cân bằng: ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế chất béo bão hòa, dầu mỡ và đường. Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D để ngăn ngừa loãng xương.
  • Không hút thuốc: hút thuốc lá và thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, loãng xương, ung thư và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Thuốc lá còn làm tăng các cơn bốc hỏa và dẫn đến mãn kinh sớm ở những phụ nữ chưa mãn kinh.
  • Tập thể dục đêu đặn: hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, loãng xương và các vấn đề do lão hóa khác.
  • Yoga: yoga có thể giúp làm giảm các triệu chứng cả về thể chất lẫn tinh thần của thời kỳ mãn kinh. Ngoài ra, các bài tập thăng bằng như yoga và thái cực quyền có thể cải thiện sức mạnh cũng như là khả năng phối hợp của cơ thể, nhờ đó giảm nguy cơ té ngã và gãy xương. Trước tiên nên tham gia lớp học yoga để được hướng dẫn tập đúng tư thế và các kỹ thuật hít thở. Sau khi nắm vững các tư thế cơ bản thì có thể tự tập theo clip ở nhà.
  • Châm cứu: châm cứu là một phương pháp trị liệu được dùng trong y học cổ truyền, sử dụng kim để kích thích các huyệt trên cơ thể. Phương pháp này có thể giúp cải thiện tạm thời các triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh.
  • Thôi miên: theo một vài nghiên cứu, liệu pháp thôi miên có thể làm giảm tần suất bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh. Liệu pháp này còn giúp cải thiện giấc ngủ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thảo dược và thực phẩm chức năng

Một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh gồm có:

  • Estrogen thực vật (phytoestrogen): nhóm estrogen này có tự nhiên trong một số loại thực phẩm. Có hai loại phytoestrogen chính là isoflavone và lignans. Isoflavone có đậu nành, đậu lăng, đậu gà và các loại đậu khác. Lignans có trong hạt lanh, ngũ cốc nguyên hạt và một số loại trái cây, rau củ. Isoflavone có một số tác động giống như estrogen yếu. Vì vậy những phụ nữ bị ung thư vú cần nói chuyện với bác sĩ trước khi uống bổ sung isoflavone. Cây xô thơm (sage) cũng có chứa các hợp chất có tác dụng giống như estrogen và có một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy loại gia vị này có thể kiểm soát các triệu chứng mãn kinh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, không nên dùng cho những người bị dị ứng, phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Cần cẩn thận khi sử dụng ở người cao huyết áp hoặc động kinh.
  • Hormone sinh học (bioidentical hormone): các hormone này có nguồn gốc từ thực vật. Thuật ngữ "hormone sinh học" dùng để chỉ nhóm hormone có cấu trúc hóa học giống với các hormone tự nhiên mà cơ thể sản sinh ra. Tuy nhiên, các loại hormon sinh học hiện vẫn chưa được chính thức phê chuẩn đưa vào sử dụng nên chưa thể đảm bảo tính hiệu quả và an toàn. Cũng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy hormone sinh học hiệu quả hơn và ít tác dụng phụ hơn so với liệu pháp hormone thay thế truyền thống trong việc làm giảm các triệu chứng mãn kinh.
  • Thiên ma (black cohosh): thiên ma là một loại thảo dược đã được sử dụng trong y học cổ truyền để giảm các triệu chứng mãn kinh. Tuy nhiên, loại thảo dược này có thể gây hại cho gan và không an toàn cho phụ nữ có tiền sử ung thư vú.

Ngoài ra còn có các loại thảo dược và thực phẩm chức năng khác như cỏ ba lá đỏ (red clover), kava, đương quy, DHEA, tinh dầu hoa anh thảo (evening primrose oil) và cây tỳ giải (wild yam).

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược và thực phẩm chức năng nào để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Một số có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm hoặc tương tác với các loại thuốc khác đang dùng và gây hại cho sức khỏe.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Vô kinh

Vô kinh có thể xảy ra vì nhiều lý do. Một số trong đó là những hiện tượng bình thường diễn ra trong cuộc đời của phụ nữ nhưng cũng có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.

Rong kinh

Một số trường hợp bị rong kinh mà không rõ nguyên nhân nhưng ở nhiều phụ nữ thì vấn đề này là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.

Đau bụng kinh (thống kinh)

Ở một số phụ nữ, các cơn đau chỉ ở mức độ nhẹ và sau 1 – 2 ngày là hết nhưng ở nhiều người, tình trạng đau bụng kinh lại nghiêm trọng đến mức cản trở các hoạt động hàng ngày và tiếp diễn trong suốt thời gian hành kinh.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Tiền mãn kinh

Mỗi phụ nữ bắt đầu tiền mãn kinh ở một độ tuổi khác nhau. Đa số phụ nữ gặp các dấu hiệu tiền mãn kinh, chẳng hạn như kinh nguyệt không đều, từ khoảng độ tuổi 40 những cũng có nhiều người nhận thấy những thay đổi ngay từ giữa độ tuổi 30.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây