Hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận là tình trạng một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận bị thu hẹp. Điều này gây cản trở sự lưu thông máu đến thận và do đó khiến cơ quan này không được cung cấp oxy. Thận cần được cung cấp đủ máu để thực hiện chức năng lọc chất thải và chất lỏng thừa trong máu. Giảm lưu lượng máu đến thận sẽ gây tổn thương mô thận và làm tăng huyết áp khắp cơ thể.

Triệu chứng hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận thường không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào cho đến khi tình trạng bệnh tiến triển nặng. Bệnh lý này thường được phát hiện tình cờ trong quá trình khám các vấn đề sức khỏe khác. Đôi khi, chứng hẹp động mạch thận được phát hiện khi người bệnh gặp phải thay đổi bất thường về huyết áp, chẳng hạn như:

  • Cao huyết áp khởi phát đột ngột hoặc trở nên trầm trọng hơn mà không rõ nguyên nhân
  • Cao huyết áp bắt đầu xảy ra trước 30 tuổi hoặc sau 50 tuổi
  • Khi tình trạng hẹp động mạch thận tiến triển nặng, người bệnh sẽ gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng khác như:
  • Huyết áp tăng cao khó kiểm soát
  • Đặt ống nghe nghe thấy tiếng thổi ở bụng do máu chảy qua động mạch bị thu hẹp 
  • Nồng độ protein trong nước tiểu tăng cao hoặc các dấu hiệu khác cho thấy chức năng thận bất thường
  • Suy giảm chức năng thận trong thời gian điều trị cao huyết áp
  • Cơ thể bị giữ nước, gây phù nề
  • Suy tim kháng trị

Nguyên nhân gây hẹp động mạch thận

Hai nguyên nhân chính gây hẹp động mạch thận là:

  • Xơ vữa động mạch thận: Chất béo, cholesterol và các chất khác có thể tích tụ tạo thành mảng bám ở trong và trên thành động mạch thận. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch. Các mảng bám ngày càng lớn dần và cứng lại, cản trở sự lưu thông máu, gây hình thành sẹo trong thận và cuối cùng làm hẹp lòng động mạch. Chứng xơ vữa động mạch có thể xảy ra ở nhiều vị trí trong cơ thể và là nguyên nhân phổ biến nhất gây hẹp động mạch thận.
  • Loạn sản cơ: Cơ trong thành động mạch phát triển bất thường, điều này thường xảy ra từ khi còn nhỏ. Loạn sản cơ khiến cho động mạch thận gồm có các đoạn hẹp xen kẽ với các đoạn rộng, tạo nên hình dạng giống như chuỗi hạt.

Động mạch thận có thể bị thu hẹp nghiêm trọng khiến thận không được cung cấp đủ máu và dẫn đến cao huyết áp từ khi còn trẻ. Điều này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai quả thận. Hiện chưa rõ nguyên nhân nào gây ra chứng loạn sản cơ nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ và có thể là một vấn đề bẩm sinh.

Xơ vữa động mạch thận và chứng loạn sản cơ có thể ảnh hưởng đến các động mạch khác trong cơ thể và dẫn đến các biến chứng.

Trong một số trường hợp, hẹp động mạch thận là kết quả của các bệnh lý khác như viêm mạch máu hoặc do khối u trong bụng chèn ép lên các động mạch thận.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ hẹp động mạch ở thận và các bộ phận khác của cơ thể gồm có:

  • Tuổi cao
  • Cao huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch từ khi còn trẻ
  • Lối sống lười vận động

Biến chứng của hẹp động mạch thận

Chứng hẹp động mạch thận có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Cao huyết áp
  • Suy thận, cần điều trị bằng phương pháp lọc máu hoặc ghép thận
  • Giữ nước, gây phù nề ở cẳng chân, mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Khó thở do đột ngột tích tụ chất lỏng trong phổi (phù phổi)

Chẩn đoán hẹp động mạch thận

Để chẩn đoán hẹp động mạch thận, trước tiên bác sĩ sẽ:

  • Khám lâm sàng, gồm có nghe bằng ống nghe ở khu vực thận để phát hiện âm thanh bất thường – một dấu hiệu cho thấy động mạch đến thận bị thu hẹp
  • Đánh giá bệnh sử
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra chức năng thận
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để đo nồng độ hormone điều hòa huyết áp

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được thực hiện để chẩn đoán chứng hẹp động mạch thận:

  • Siêu âm Doppler: Sóng âm tần số cao giúp bác sĩ có thể quan sát và kiểm tra chức năng của các động mạch cũng như là của thận. Phương pháp này còn giúp phát hiện tình trạng tắc nghẽn trong mạch máu và đánh giá mức độ tắc nghẽn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Máy chụp X-quang được liên kết với máy tính và cho ra hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của các động mạch thận. Người bệnh có thể được tiêm thuốc cản quang để bác sĩ có thể quan sát dòng chảy của máu.
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA): Sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh 3D chi tiết của động mạch thận và thận. Người bệnh được tiêm thuốc đối quang vào động mạch để bác sĩ quan sát các mạch máu trong quá trình chụp cộng hưởng từ.
  • Chụp động mạch thận: Một kỹ thuật chụp X-quang đặc biệt giúp bác sĩ tìm ra vị trí bị tắc nghẽn trong động mạch thận và mở rộng phần bị hẹp bằng bóng và/hoặc stent. Trước khi chụp X-quang, bác sĩ tiêm thuốc cản quang vào động mạch thận qua một ống ng thong. Thuốc cản quang hiển thị trên ảnh chụp X-quang, cho phép quan sát các động mạch và đánh giá sự lưu thông máu một cách chính xác hơn. Chụp động mạch thận chủ yếu được thực hiện trong những trường hợp cần đặt stent vào mạch máu để giữ cho mạch máu mở rộng.

Điều trị hẹp động mạch thận

Các phương pháp để điều trị chứng hẹp động mạch thận gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc và thực hiện các thủ thuật để cải thiện sự lưu thông máu đến thận. Đôi khi cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau để có hiệu quả cao nhất. Nếu như người bệnh có sức khỏe tốt và tình trạng hẹp động mạch thận không gây triệu chứng thì có thể không cần phải điều trị.

Thay đổi lối sống

Nếu bị tăng huyết áp từ vừa đến nghiêm trọng thì có thể kiểm soát huyết áp bằng cách thực hiện một số điều chỉnh về lối sống và chế độ ăn uống như ăn ít muối, ăn những thực phẩm tốt cho tim mạch, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm cân nếu thừa cân, hạn chế rượu bia và đồ uống chứa caffeine, không hút thuốc lá…

Thuốc

Tình trạng cao huyết áp, cho dù chủ yếu có liên quan đến chứng hẹp động mạch thận, thường có thể được điều trị thành công bằng thuốc. Người bệnh có thể sẽ phải thử nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra loại phù hợp nhất và đôi khi phải dùng cùng lúc nhiều loại thuốc để kiểm soát huyết áp hiệu quả.

Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị cao huyết áp liên quan đến hẹp động mạch thận gồm có:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): các loại thuốc này giúp làm giãm mạch máu và ngăn chặn sự hình thành hoặc tác động của angiotensin II - một chất hóa học tự nhiên làm thu hẹp mạch máu trong cơ thể.
  • Thuốc lợi tiểu: giúp cơ thể loại bỏ natri và chất lỏng thừa.
  • Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn alpha-beta: làm giảm nhịp tim hoặc làm giãn mạch máu, nhờ đó làm giảm huyết áp.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: giúp làm giãn mạch máu.

Nếu xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây ra chứng hẹp động mạch thận thì người bệnh có thể sẽ phải dùng aspirin và thuốc hạ cholesterol.

Các thủ thuật điều trị

Một số trường hợp cần thực hiện các thủ thuật y tế để khôi phục sự lưu thông máu qua động mạch thận và cải thiện lưu lượng máu đến thận.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện nhằm so sánh thuốc với thủ thuật nong động mạch thận và đặt stent. Kết quả cho thấy các phương pháp điều trị này không có sự khác biệt về hiệu quả làm giảm huyết áp và cải thiện chức năng thận cho những bệnh nhân bị chứng hẹp động mạch thận mức độ vừa. Các thủ thuật nhằm mở rộng động mạch là lựa chọn điều trị cho những người đã dùng thuốc nhưng không hiệu quả, người không dung nạp thuốc, người thường xuyên bị giữ nước và người bị suy tim kháng trị.

Các thủ thuật để điều trị hẹp động mạch thận gồm có:

  • Nong và đặt stent động mạch thận: bác sĩ mở rộng động mạch thận bị hẹp và đặt một ống rỗng (stent) vào bên trong để giữ cho lòng động mạch luôn mở rộng và cho phép máu lưu thông qua dễ dàng hơn.
  • Bắc cầu động mạch thận: ghép một đoạn mạch máu lấy từ một vị trí khác trong cơ thể vào động mạch thận để thay đổi dòng chảy của máu đến thận. Đôi khi, phương pháp này được thực hiện bằng cách nối động mạch thận với mạch máu ở một cơ quan khác, chẳng hạn như gan hoặc lá lách. Bắc cầu động mạch thận là giải pháp điều trị khi phương pháp nong mạch không hiệu quả hoặc khi cần phải phẫu thuật thêm.

Điều chỉnh chế độ ăn và thói quen sống

Những người bị hẹp động mạch thận nên thực hiện một số thay đổi trong lối sống và chế độ ăn uống dưới đây:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Khi cân nặng tăng, huyết áp cũng sẽ tăng theo. Vì vật nên nếu thừa cân thì giảm cân có thể giúp giảm huyết áp.
  • Ăn ít muối: Ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể bị giữ nước. Điều này làm tăng thể tích máu và dẫn đến tăng huyết áp.
  • Tích cực hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm cân, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm cholesterol và giảm huyết áp. Nếu không quen vận động thì hãy bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng và tăng dần thời lượng cũng như là cường độ của buổi tập.
  • Giảm căng thẳng: Giảm căng thẳng thần kinh có thể làm giảm huyết áp.
  • Uống rượu bia vừa phải: Uống quá nhiều rượu bia sẽ làm tăng huyết áp.
  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/renal-artery-stenosis/symptoms-causes/syc-20352777

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng là tình trạng phồng lên ở động mạch chủ - động mạch lớn nhất trong cơ thể, chạy từ tim xuống qua ngực và bụng.

Phình động mạch não

Chứng phình động mạch não xảy ra do thành động mạch bị mỏng đi. Túi phình thường hình thành ở ngã ba hay các nhánh trong động mạch vì thành mạch máu ở những vị trí này thường yếu hơn.

Phình động mạch chủ ngực

Phình động mạch chủ ngực thường tiến triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện. Không phải trường hợp phình động mạch chủ ngực nào cũng bị vỡ túi phình.

Lóc tách động mạch chủ

Rất khó phát hiện lóc tách động mạch chủ nếu chỉ dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng vì các triệu chứng lóc tách động mạch chủ cũng tương tự như triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Hở van động mạch chủ

Thông thường, tình trạng hở van động mạch chủ xảy ra từ từ nên người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào trong nhiều năm và không biết rằng cơ thể mình đang có vấn đề bất thường. Tuy nhiên, đôi khi hở van động mạch chủ xảy ra đột ngột và nguyên nhân thường là do van động mạch chủ bị nhiễm trùng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây