Phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng là tình trạng phồng lên ở động mạch chủ - động mạch lớn nhất trong cơ thể, chạy từ tim xuống qua ngực và bụng.

Phình động mạch chủ bụng là gì?

Phình động mạch chủ bụng là sự phình lên ở phần dưới của mạch máu chính cung cấp máu cho cơ thể (động mạch chủ). Động mạch chủ bắt đầu từ tâm thất trái, chạy lên trên, uốn cong và phân nhánh tạo thành các mạch máu nhỏ hơn cung cấp máu cho đầu và cánh tay, sau đó chạy xuống qua ngực và bụng, tại đây động mạch chủ phân nhánh thành hai động mạch chậu chung.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất của cơ thể nên động mạch chủ bụng bị phình và vỡ sẽ gây chảy máu nguy hiểm đến tính mạng.

Việc điều trị phình động mạch chủ bụng phụ thuộc vào kích thước của túi phình và tốc độ hình thành. Nếu nhẹ thì có thể theo dõi và chưa cần điều trị nhưng nếu nghiêm trọng thì sẽ phải phẫu thuật khẩn cấp.

Triệu chứng phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng thường tiến triển chậm và không biểu hiện triệu chứng rõ rệt nên khó phát hiện. Hơn nữa, không phải lúc nào túi phình ở động mạch cũng bị vỡ. Ở một số người, túi phình chỉ có kích thước nhỏ và không to lên nhưng cũng có nhiều trường hợp túi phình ngày càng to và cuối cùng bị vỡ.

Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của phình động mạch chủ bụng gồm có:

  • Đau liên tục, kéo dài ở vùng bụng
  • Đau lưng
  • Cảm nhận thấy nhịp tim đập ở gần rốn

Nếu bị đau, đặc biệt là cơn đau xảy đến đột ngột và dữ dội thì phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Nguyên nhân gây phình động mạch chủ bụng

Túi phình có thể hình thành ở bất cứ đâu dọc theo động mạch chủ nhưng đa phần là ở đoạn động mạch chủ nằm trong bụng. Một số nguyên nhân có thể góp phần gây phình động mạch chủ bụng gồm có:

  • Xơ vữa động mạch: xảy ra khi chất béo và các chất khác tích tụ trên nội mạc mạch máu.
  • Cao huyết áp: Huyết áp tăng cao kéo dài có thể làm hỏng và làm suy yếu thành động mạch chủ.
  • Các bệnh gây viêm mạch máu
  • Nhiễm trùng trong động mạch chủ: Đôi khi, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm có thể gây phình động mạch chủ bụng.
  • Chấn thương: Chấn thương ở vùng bụng, chẳng hạn như do tai nạn xe có thể gây phình động mạch chủ bụng.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ bụng:

  • Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguy cơ lớn nhất của chứng phình động mạch chủ. Hút thuốc làm suy yếu thành mạch máu, điều này làm tăng nguy cơ phình động mạch và vỡ túi phình. Hút thuốc càng lâu và càng nhiều thì nguy cơ phình động mạch chủ càng cao. Những nam giới từ 65 đến 75 tuổi và đang hút thuốc lá hoặc từng hút thuốc lá trước đây nên siêu âm ổ bụng để tầm soát phình động mạch chủ bụng.
  • Tuổi cao: Phình động mạch chủ bụng xảy ra phổ biến nhất ở những người từ 65 tuổi trở lên.
  • Là nam giới: Nam giới có nguy cơ phình động mạch chủ bụng cao hơn nhiều so với phụ nữ.
  • Người da trắng: Người da trắng có nguy cơ phình động mạch chủ bụng cao hơn so với các chủng tộc khác.
  • Tiền sử gia đình: Có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ bụng làm tăng nguy cơ gặp phải vấn đề này.
  • Các dạng phình động mạch khác: Có tiền sử bị các dạng phình động mạch khác, chẳng hạn như phình động mạch khoeo chân (động mạch sau đầu gối) hoặc phình động mạch chủ ngực có thể làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ bụng.

Đối với những người có nguy cơ cao bị phình động mạch chủ, bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như dùng thuốc để hạ huyết áp và làm giảm áp lực lên các động mạch đã suy yếu.

Biến chứng của phình động mạch chủ bụng

Rách ở một hoặc nhiều lớp của thành động mạch chủ (lóc tách động mạch chủ) hoặc vỡ túi phình là những biến chứng chính của phình động mạch chủ bụng. Vỡ túi phình sẽ gây chảy máu trong và đe dọa đến tính mạng. Nói chung, túi phình càng lớn và càng phát triển nhanh thì nguy cơ vỡ càng cao.

Một số dấu hiệu cho thấy túi phình ở động mạch chủ có thể đã bị vỡ gồm có:

  • Đau bụng hoặc lưng đột ngột, dữ dội và kéo dài dai dẳng
  • Tụt huyết áp
  • Mạch nhanh

Phình động mạch chủ còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cục máu đông có thể bong ra khỏi thành trong của túi phình và làm tắc nghẽn mạch máu ở những nơi khác trong cơ thể, gây đau hoặc cản trở sự lưu thông máu đến cẳng chân, ngón chân, thận hoặc các cơ quan trong ổ bụng.

Phòng ngừa phình động mạch chủ bụng

Dưới đây là các cách để phòng ngừa phình động mạch chủ hoặc ngăn chứng phình động mạch chủ tiến triển nặng thêm:

  • Không hút thuốc hay sử dụng bất kỳ dạng thuốc lá nào khác, chẳng hạn như thuốc lá nhai. Ngoài ra cần tránh hít phải khói thuốc (hút thuốc thụ động).
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều loại trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo. Tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Ăn ít muối.
  • Kiểm soát huyết áp và cholesterol: Nếu cần dùng thuốc thì phải uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Tập thể dục thường xuyên: Cố gắng tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Nếu không quen vận động thì hãy bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng rồi sau đó tăng dần cường độ và thời gian tập luyện.

Những người bị phình động mạch chủ bụng không nên khuân vác nặng và hoạt động thể chất mạnh để tránh huyết áp tăng cao và làm gia tăng áp lực lên thành động mạch.

Căng thẳng thần kinh có thể làm tăng huyết áp nên hãy cố gắng thư giãn và hạn chế căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

Chẩn đoán phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng thường được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám một bệnh lý khác.

Để chẩn đoán chứng phình động mạch chủ bụng, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh cá nhân cũng như là gia đình. Nếu nghi ngờ phình động mạch chủ, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác nhận chẩn đoán:

  • Siêu âm ổ bụng: Đây là biện pháp phổ biến nhất để chẩn đoán phình động mạch chủ bụng. Siêu âm ổ bụng hoàn toàn không xâm lấn, không gây đau, sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể. Phương pháp này giúp đánh giá sự lưu thông máu qua các cấu trúc ở vùng bụng, bao gồm cả động mạch chủ. Trong quá trình siêu âm ổ bụng, bác sĩ bôi gel lên da bụng của người bệnh và di đầu dò. Sóng âm được truyền từ đầu dò qua gel vào bên trong cơ thể. Đầu dò thu sóng âm dội lại và những sóng âm thanh này được máy tính chuyển thành hình ảnh hiển thị trên màn hình.
  • Chụp CT ổ bụng: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mặt cắt của các cấu trúc bên trong vùng bụng. Phương pháp chụp CT ổ bụng tạo ra hình ảnh rõ ràng của động mạch chủ, nhờ đó có thể xác định kích thước và hình dạng của túi phình. Trong quá trình chụp CT, người bệnh nằm trên bàn chụp, sau đó được đẩy vào trong máy chụp và thực hiện theo một số yêu cầu của kỹ thuật viên. Đôi khi cần tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch để các mạch máu hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến do máy tính tạo ra để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cấu trúc bên trong vùng bụng. Đôi khi cần tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch để các mạch máu hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh.

Tầm soát phình động mạch chủ bụng

Nam giới hút thuốc lá có nguy cơ phình động mạch chủ bụng cao hơn so với phụ nữ và người không hút thuốc. Do đó, nhóm đối tượng này được khuyến nghị tầm soát phình động mạch chủ bụng. Cụ thể:

  • Nam giới từ 65 đến 75 tuổi đã và đang hút thuốc nên tầm soát bằng phương pháp siêu âm ổ bụng
  • Đối với những nam giới từ 65 đến 75 tuổi chưa bao giờ hút thuốc, việc siêu âm ổ bụng để tầm soát phình động mạch chủ bụng sẽ phụ thuộc các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tiền sử gia đình mắc chứng phình động mạch.

Chưa có đủ bằng chứng để kết luận liệu rằng phụ nữ từ 65 đến 75 tuổi đã hoặc đang hút thuốc hoặc có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ bụng có nên khám tầm soát hay không. Việc tầm soát ở nhóm đối tượng này phụ thuộc vào mức độ nguy cơ của từng trường hợp. Những phụ nữ chưa bao giờ hút thuốc thường không cần phải tầm soát phình động mạch chủ bụng.

Điều trị phình động mạch chủ bụng

Mục đích của các phương pháp điều trị phình động mạch chủ bụng là ngăn vỡ túi phình. Việc điều trị phụ thuộc vào kích thước của túi phình và tốc độ phát triển. Nếu túi phình nhỏ, người bệnh có thể chỉ cần theo dõi và tái khám thường xuyên nhưng nếu túi phình lớn hoặc đang to lên nhanh chóng thì sẽ phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Theo dõi

Nếu động mạch chủ bụng chỉ có túi phình nhỏ và không gây triệu chứng thì có thể chưa cần điều trị mà chỉ cần tái khám thường xuyên để theo dõi. Khi đi tái khám, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra xem túi phình có to lên hay không và đánh giá các bệnh lý khác, chẳng hạn như cao huyết áp – một bệnh lý có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phình động mạch.

Thông thường, những người bị phình động mạch chủ bụng nhẹ và không triệu chứng cần siêu âm ổ bụng sau khi chẩn đoán ít nhất 6 tháng và siêu âm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Phẫu thuật và các thủ thuật xâm lấn

Phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp mà túi phình động mạch có kích thước từ 4,8 đến 5,6cm trở lên hoặc nếu túi phình to lên nhanh chóng.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định phẫu thuật nếu người bệnh có các triệu chứng như đau bụng hoặc túi phình bị rò rỉ.

Phương pháp phẫu thuật cần thực hiện phụ thuộc vào kích thước và vị trí của túi phình, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các phương pháp phẫu thuật để điều trị phình động mạch chủ bụng gồm có:

  • Can thiệp nội mạch: Thủ thuật này chủ yếu được sử dụng để điều trị phình động mạch chủ bụng. Bác sĩ luồn một ống thông mềm, hẹp qua động mạch ở chân của người bệnh và nhẹ nhàng đưa đến động mạch chủ, sau đó đặt stent (ống lưới nhỏ bằng kim loại) tại vị trí có túi phình. Stent giúp củng cố đoạn bị suy yếu của động mạch chủ và ngăn vỡ túi phình.
  • Can thiệp nội mạch không phải lúc nào cũng là giải pháp phù hợp để điều trị phình động mạch chủ bụng. Sau thủ thuật, người bệnh sẽ phải tái khám thường xuyên để kiểm tra vị trí đặt stent có bị rò rỉ hay không.
  • Mổ mở: Bác sĩ rạch một đường dài trên bụng để tiếp cận đến động mạch chủ, sau đó cắt bỏ đoạn động mạch bị phình và thay bằng ống ghép nhân tạo. Thời gian để phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật có thể mất một tháng hoặc lâu hơn.

Phương pháp can thiệp nội mạch và mổ mở có tỷ lệ sống sót về lâu dài tương đương nhau.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/abdominal-aortic-aneurysm/symptoms-causes/syc-20350688

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Phình động mạch não

Chứng phình động mạch não xảy ra do thành động mạch bị mỏng đi. Túi phình thường hình thành ở ngã ba hay các nhánh trong động mạch vì thành mạch máu ở những vị trí này thường yếu hơn.

Phình động mạch chủ ngực

Phình động mạch chủ ngực thường tiến triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện. Không phải trường hợp phình động mạch chủ ngực nào cũng bị vỡ túi phình.

Hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận là tình trạng một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận bị thu hẹp. Điều này gây cản trở sự lưu thông máu đến thận và do đó khiến cơ quan này không được cung cấp oxy. Thận cần được cung cấp đủ máu để thực hiện chức năng lọc chất thải và chất lỏng thừa trong máu. Giảm lưu lượng máu đến thận sẽ gây tổn thương mô thận và làm tăng huyết áp khắp cơ thể.

Lóc tách động mạch chủ

Rất khó phát hiện lóc tách động mạch chủ nếu chỉ dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng vì các triệu chứng lóc tách động mạch chủ cũng tương tự như triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Hở van động mạch chủ

Thông thường, tình trạng hở van động mạch chủ xảy ra từ từ nên người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào trong nhiều năm và không biết rằng cơ thể mình đang có vấn đề bất thường. Tuy nhiên, đôi khi hở van động mạch chủ xảy ra đột ngột và nguyên nhân thường là do van động mạch chủ bị nhiễm trùng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây