Lóc tách động mạch chủ

Rất khó phát hiện lóc tách động mạch chủ nếu chỉ dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng vì các triệu chứng lóc tách động mạch chủ cũng tương tự như triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Lóc tách động mạch chủ là gì?

Lóc tách động mạch chủ là tình trạng xuất hiện vết rách ở lớp bên trong của động mạch chính trong cơ thể (động mạch chủ). Máu chảy vào vết rách, làm cho lớp trong và lớp giữa của động mạch chủ bị tách ra. Nếu máu chảy qua thành động mạch chủ ra bên ngoài, người bệnh có thể bị tử vong.

Lóc tách động mạch chủ không phải vấn đề phổ biến. Tình trạng này thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi 60 và 70. Các triệu chứng của lóc tách động mạch chủ thường tương tự như triệu chứng của các bệnh lý khác và điều này có thể dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, khi lóc tách động mạch chủ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khả năng sống sót thường khá cao.

Triệu chứng lóc tách động mạch chủ

Các triệu chứng lóc tách động mạch chủ cũng tương tự như triệu chứng của các bệnh tim mạch khác, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình gồm có:

  • Đột ngột đau ngực dữ dội hoặc đau lưng trên, cảm giác đau được nhiều người miêu tả là giống như lưng hoặc ngực sắp bị tách ra làm đôi. Cơn đau có thể lan xuống cổ hoặc lưng dưới.
  • Đột ngột đau bụng dữ dội
  • Mất ý thức
  • Khó thở
  • Các triệu chứng tương tự như đột quỵ, gồm có thay đổi thị lực đột ngột, khó nói và yếu hoặc liệt ở một bên cơ thể
  • Mạch yếu ở một bên cánh tay hoặc đùi so với bên còn lại
  • Đau chân
  • Đi lại khó khăn

Nếu đột nhiên bị đau ngực dữ dội, khó thở hoặc có các triệu chứng của đột quỵ thì phải gọi cấp cứu ngay. Mặc dù những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng là do vấn đề nghiêm trọng nhưng tốt hơn hết vẫn nên nhanh chóng đến bệnh viện. Phát hiện và điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây lóc tách động mạch chủ

Lóc tách động mạch chủ xảy ra do một khu vực trên thành động mạch chủ bị suy yếu.

Lóc tách động mạch chủ được chia thành hai loại theo vị trí có vết rách trên động mạch chủ.

  • Loại A: Đây là loại lóc tách động mạch chủ phổ biến và nguy hiểm nhất. Vết rách hình thành  đoạn động mạch chủ sát tim. Vết rách cũng có thể xuất hiện ở đoạn động mạch chủ đi lên (động mạch chủ lên).
  • Loại B: Vết rách hình thành ở đoạn động mạch đi xuống (động mạch chủ xuống).

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ lóc tách động mạch chủ gồm có:

  • Cao huyết áp không được kiểm soát
  • Xơ vữa động mạch, khiến thành động mạch bị cứng
  • Động mạch bị suy yếu và phồng lên (phình động mạch chủ)
  • Van động mạch chủ hai lá (một dạng dị tật van động mạch chủ)
  • Hẹp eo động mạch chủ bẩm sinh
  • Một số bệnh di truyền làm tăng nguy cơ lóc tách động mạch chủ:
  • Hội chứng Turner: Một dạng rối loạn di truyền có thể gây cao huyết áp, bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác.
  • Hội chứng Marfan: Một rối loạn di truyền, trong đó mô liên kết (mô hỗ trợ nhiều cấu trúc khác nhau trong cơ thể) bị suy yếu. Những người mắc hội chứng Marfan thường có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ và các mạch máu khác hoặc tiền sử gia đình bị lóc tách động mạch chủ.
  • Các bệnh mô liên kết khác như hội chứng Ehlers-Danlos - một nhóm vấn đề về mô liên kết có đặc điểm là khớp lỏng lẻo và mạch máu dễ vỡ hoặc hội chứng Loeys-Dietz – có đặc điểm là xoắn động mạch, đặc biệt là động mạch ở cổ.
  • Viêm động mạch (viêm động mạch tế bào khổng lồ) cũng làm tăng nguy cơ lóc tách động mạch chủ.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác của lóc tách động mạch chủ còn có:

  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị lóc tách động mạch chủ cao hơn phụ nữ.
  • Tuổi tác: Lóc tách động mạch chủ thường xảy ra ở những người từ 60 tuổi trở lên.
  • Sử dụng cocaine: Cocaine làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ lóc tách động mạch chủ.
  • Mang thai: Đôi khi, tình trạng lóc tách động mạch chủ xảy ra trong thai kỳ ở những phụ nữ khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tim mạch.
  • Tập tạ nặng và các bài tập kháng lực cường độ cao khác: Những hình thức tập luyện này có thể gây tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ lóc tách động mạch chủ.

Biến chứng của lóc tách động mạch chủ

Lóc tách động mạch chủ có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Tử vong do chảy máu trong nghiêm trọng
  • Tổn thương nội tạng, chẳng hạn như suy thận hoặc tổn thương đường ruột đe dọa đến tính mạng
  • Đột quỵ
  • Hở van động mạch chủ (van động mạch chủ không thể đóng chặt, khiến máu chảy ngược từ động mạch chủ vào tâm thất) hoặc chèn ép tim (máu và dịch tích tụ ở khoang giữa màng ngoài tim và cơ tim, gây áp lực lên tim)

Phòng ngừa lóc tách động mạch chủ

Để giảm nguy cơ lóc tách động mạch chủ thì cần tránh bị chấn thương ngực và thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe tim mạch:

  • Kiểm soát huyết áp: Những người bị cao huyết áp nên mua máy đo huyết áp tại nhà để tự theo dõi huyết áp và dùng thuốc điều trị cao huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.
  • Không hút thuốc: Nếu hút thuốc thì cần phải bỏ càng sớm càng tốt.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm cân nếu thừa cân.
  • Ăn các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như trái cây, rau củ tươi và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế ăn muối và chất béo xấu.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Thắt dây an toàn khi đi ô tô: Điều này giúp làm giảm nguy cơ chấn thương ngực khi xảy ra tai nạn.
  • Trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh cá nhân và gia đình: Nếu có tiền sử gia đình bị lóc tách động mạch chủ, bệnh mô liên kết hoặc van động mạch chủ hai lá thì cần cho bác sĩ biết khi đi khám sức khỏe. Đối với những trường hợp có các bệnh di truyền làm tăng nguy cơ lóc tách động mạch chủ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng thuốc, ngay cả khi huyết áp bình thường.
  • Điều trị phình động mạch chủ: Việc điều trị phình động mạch chủ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Nếu nhẹ thì có thể chưa cần điều trị mà chỉ cần tái khám thường xuyên để theo dõi nhưng cũng có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa vỡ túi phình và lóc tách động mạch chủ.

Chẩn đoán lóc tách động mạch chủ

Rất khó phát hiện lóc tách động mạch chủ nếu chỉ dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng vì các triệu chứng lóc tách động mạch chủ cũng tương tự như triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nếu nhận thấy các dấu hiệu lóc tách động mạch chủ như đột ngột đau ngực dữ dội, chênh lệch huyết áp ở cánh tay phải và trái hay ảnh chụp X-quang lồng ngực cho thấy động mạch chủ lên bị giãn rộng bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp chẩn đoán dưới đây để xác định nguyên nhân chính xác:

  • Siêu âm tim qua thực quản: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim. Siêu âm tim qua thực quản là một kỹ thuật siêu âm tim đặc biệt, trong đó đầu dò được đưa qua thực quản xuống gần tim. Phương pháp này cung cấp hình ảnh rõ nét hơn của tim và động mạch chủ so với siêu âm tim thông thường.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực: Sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang của các cấu trúc trong cơ thể. Chụp CT lồng ngực giúp xác nhận chẩn đoán lóc tách động mạch chủ.
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA): Sử dụng năng lượng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của các mạch máu.

Điều trị lóc tách động mạch chủ

Lóc tách động mạch chủ cần được điều trị khẩn cấp. Các phương pháp điều trị gồm có phẫu thuật hoặc dùng thuốc, tùy thuộc vào vị trí có vết rách trên động mạch chủ.

Điều trị lóc tách động mạch chủ loại A

Các phương pháp điề trị lóc tách động mạch chủ loại A:

  • Phẫu thuật: Bác sĩ cắt bỏ đi phần động mạch chủ bị lóc tách và ngăn máu rò rỉ vào thành động mạch chủ, sau đó đặt một ống ghép nhân tạo để thay cho đoạn động mạch bị cắt bỏ. Nếu van động mạch chủ bị rò rỉ do động mạch chủ bị hỏng thì sẽ phải đồng thời thay thế cả van. Van mới được đặt trong ống ghép.
  • Dùng thuốc: Người bệnh cần dùng các loại huốc để giảm nhịp tim và huyết áp, nhờ đó ngăn tình trạng lóc tách động mạch chủ tiến triển nặng. Một số loại thuốc được dùng nhằm kiểm soát huyết áp trước khi phẫu thuật.

Điều trị lóc tách động mạch chủ loại B

Các phương pháp điề trị lóc tách động mạch chủ loại B:

  • Dùng thuốc: Các loại thuốc điều trị lóc tách động mạch chủ loại A cũng có thể được dùng để điều trị lóc tách động mạch chủ loại B.
  • Phẫu thuật: Các phương pháp phẫu thuật điều trị lóc tách động mạch chủ loại B cũng giống như lóc tách động mạch chủ loại A. Đôi khi, stent (ống lưới nhỏ bằng kim loại) được đặt vào động mạch chủ để củng cố thành động mạch cho những trường hợp lóc tách phức tạp.

Sau khi điều trị, người bệnh có thể phải dùng thuốc suốt đời để kiểm soát huyết áp và chụp CT hoặc MRI định kỳ để theo dõi tình trạng động mạch.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/aortic-dissection/symptoms-causes/syc-20369496

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận là tình trạng một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận bị thu hẹp. Điều này gây cản trở sự lưu thông máu đến thận và do đó khiến cơ quan này không được cung cấp oxy. Thận cần được cung cấp đủ máu để thực hiện chức năng lọc chất thải và chất lỏng thừa trong máu. Giảm lưu lượng máu đến thận sẽ gây tổn thương mô thận và làm tăng huyết áp khắp cơ thể.

Phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng là tình trạng phồng lên ở động mạch chủ - động mạch lớn nhất trong cơ thể, chạy từ tim xuống qua ngực và bụng.

Phình động mạch não

Chứng phình động mạch não xảy ra do thành động mạch bị mỏng đi. Túi phình thường hình thành ở ngã ba hay các nhánh trong động mạch vì thành mạch máu ở những vị trí này thường yếu hơn.

Phình động mạch chủ ngực

Phình động mạch chủ ngực thường tiến triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện. Không phải trường hợp phình động mạch chủ ngực nào cũng bị vỡ túi phình.

Hở van động mạch chủ

Thông thường, tình trạng hở van động mạch chủ xảy ra từ từ nên người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào trong nhiều năm và không biết rằng cơ thể mình đang có vấn đề bất thường. Tuy nhiên, đôi khi hở van động mạch chủ xảy ra đột ngột và nguyên nhân thường là do van động mạch chủ bị nhiễm trùng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây