Mày đay và phù mạch

Mày đay và phù mạch là những hiện tượng phổ biến nhưng đa phần đều vô hại, thường khỏi trong vòng một ngày và không gây ra bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào, ngay cả khi không điều trị.

Mày đay và phù mạch là gì?

Nổi mày đay hay còn được gọi là mề đay là một phản ứng trên da gây ngứa và nổi các vết ban đỏ với nhiều kích thước khác nhau. Nổi mày đay có thể là do nhiều tác nhân gây ra, ví dụ như tiếp xúc với một số loại thực vật, thực phẩm, hoặc thuốc.

Phù mạch là hiện tượng có thể đi kèm với mày đay hoặc xảy ra đơn lẻ, với biểu hiện là sưng phù ở các lớp sâu bên dưới của da, thường là xung quanh mặt và môi. Mày đay và phù mạch là những hiện tượng phổ biến nhưng đa phần đều vô hại, thường khỏi trong vòng một ngày và không gây ra bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào, ngay cả khi không điều trị. Tuy nhiên, phù mạch có thể đe dọa đến tính mạng nếu tình trạng sưng phù gây bít đường thở.

Mày đay và phù mạch thường được điều trị bằng thuốc kháng histamin.

Dấu hiệu, triệu chứng

Mày đay

Các triệu chứng khi bị nổi mày đay gồm có:

  • Da nổi các mảng màu đỏ hoặc có màu trắng ở giữa và đỏ ở xung quanh
  • Các mảng này hơi nhô cao so với bề mặt da, nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, từ chỉ nhỏ như hạt đậu cho đến mảng lớn, lan rộng ra cả một vùng cơ thể hoặc xuất hiện thành cụm
  • Ngứa ngáy, có thể ngứa dữ dội

Hầu hết các trường hợp mày đay đều xuất hiện nhanh chóng và biến mất trong vòng 24 giờ mà không để lại dấu vết gì trên da. Nhưng chứng nổi mày đay mãn tính có thể kéo dài trong vài tuần và tái phát nhiều lần trong thời gian vài tháng đến vài năm.

Phù mạch

Phù mạch là một phản ứng tương tự như mày đay, nhưng xảy ra ở các lớp sâu hơn của da. Phù mạch có thể phát sinh cùng lúc với mày đay hoặc xảy ra đơn lẻ. Các triệu chứng của phù mạch gồm có:

  • Nổi các mảng ban đỏ trong vòng vài phút đến vài giờ tiếp xúc với tác nhân gây phản ứng
  • Sưng phù, đặc biệt là xung quanh mắt, má hoặc môi
  • Đau, có thể đi kèm cảm giác nóng ấm ở các khu vực xảy ra phản ứng

Khi nào cần đi khám?

Các trường hợp nổi mày đay hoặc phù mạch nhẹ có thể tự điều trị tại nhà nhưng cần đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng tiếp diễn liên tục trong một vài ngày mà không đỡ.

Nếu nguyên nhân gây nổi mày đay hoặc phù mạch là do dị ứng với thức ăn hoặc thuốc thì các triệu chứng có thể là dấu hiệu ban đầu của sốc phản vệ. Cần đến ngay cơ sở y tế nếu cảm thấy lưỡi, môi, miệng hoặc cổ họng bị sưng và/hoặc cảm thấy khó thở.

Nguyên nhân gây mày đay và phù mạch

Nguyên nhân gây nổi mày đay và phù mạch có thể là do:

  • Thực phẩm: có rất nhiều loại thực phẩm có thể gây ra phản ứng ở những người nhạy cảm. Một số thủ phạm phổ biến là động vật có vỏ (tôm, cua, ghẹ), cá, đậu phộng, các loại hạt, đậu nành, bột mì, trứng và sữa.
  • Thuốc: nhiều loại thuốc có thể gây nổi mày đay hoặc phù mạch. Một số ví dụ có thể kể đến như penicillin, aspirin, ibuprofen, naproxen natri và thuốc huyết áp.
  • Chất gây dị ứng trong không khí: phấn hoa và các chất gây dị ứng khác trong không khí có thể gây nổi mày đay, đôi khi kèm theo các triệu chứng ở đường hô hấp trên và dưới.
  • Yếu tố môi trường, ví dụ như ánh nắng mặt trời, khí hậu, tắm nước nóng, áp lực tác động lên da (quần áo chật hoặc gãi), căng thẳng về tinh thần, côn trùng cắn và tập thể dục.
  • Vấn đề sức khỏe và một số phương pháp điều trị: mày đay và phù mạch đôi khi cũng xảy ra do truyền máu hoặc do nhiễm vi khuẩn, virus, ví dụ như virus viêm gan và HIV.

Đa phần thì không xác định được nguyên nhân cụ thể gây nổi mày đay và phù mạch, đặc biệt là trong những trường hợp nổi mày đay mạn tính.

Các yếu tố nguy cơ

Mày đay và phù mạch là hiện tượng phổ biến nhưng nguy cơ xảy ra có thể tăng cao nếu như:

  • Đã từng bị nổi mày đay hoặc phù mạch trước đây
  • Có tiền sử xảy ra các dạng phản ứng dị ứng khác
  • Có tiền sử gia đình bị nổi mày đay, phù mạch hoặc phù mạch di truyền

Biến chứng của mày đay và phù mạch

Phù mạch nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng nếu như tình trạng sưng phù khiến cho cổ họng hoặc lưỡi bít đường thở.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ kiểm tra các biểu hiện trên da nào và lấy bệnh sử để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Đôi khi sẽ cần phải làm các xét nghiệm dị ứng, ví dụ như lẩy da hoặc test áp bì.

Điều trị nổi mày đay và phù mạch

Các biện pháp tự khắc phục tại nhà

Nếu chỉ có các triệu chứng nhẹ thì thường không cần điều trị vì nổi mày đay và phù mạch có thể tự khỏi hoặc có thể giảm bớt các triệu chứng khó chịu bằng những biện pháp dưới đây:

  • Tránh các tác nhân gây ra phản ứng: đó có thể là một loại thực phẩm, thuốc, phấn hoa, lông vật nuôi, cao su và côn trùng đốt. Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây nổi mày đay là do loại thuốc kê đơn đang dùng thì cần thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn tạm thời ngừng thuốc hoặc đổi sang loại thuốc khác. Không nên tự ý ngừng thuốc.
  • Sử dụng thuốc trị ngứa không kê đơn: thuốc kháng histamin đường uống không kê đơn, chẳng hạn như loratadine, cetirizine hoặc diphenhydramine có thể giúp giảm ngứa. Nếu phải làm việc thì nên chọn loại không gây buồn ngủ.
  • Chườm mát: đắp một chiếc khăn sạch nhúng nước mát lên vùng bị nổi mày đay và phù mạch sẽ giúp làm dịu da, giảm ngứa và sưng tấy.
  • Không gãi: mặc dù nổi mày đay và phù mạch có thể gây ngứa nhưng cố gắng không gãi để tránh da bị trầy xước. Có thể che lên vùng da đó bằng một miếng gạc để tránh gãi trong vô thức.
  • Tắm nước mát: tắm ước mát sẽ giúp giảm ngứa. Có thể hòa một vài thìa baking soda hoặc bột yến mạch vào nước tắm, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài để kiểm soát tình trạng ngứa mạn tính.
  • Mặc quần áo cotton rộng rãi: chất liệu cotton thoáng khí và có bề mặt mềm mại nên sẽ giúp giảm kích ứng da. Không mặc quần áo bằng chất liệu thô ráp, bó sát và đồ len.
  • Tránh ánh nắng mặt trời: tốt nhất là hạn chế ra ngòai trời một cách tối đa. Nếu phải ra thì cần che chắn kỹ cho da bằng quần áo dài, mũ, kính râm, khẩu trang và ở trong bóng râm bất cứ khi nào có thể.

Điều trị bằng thuốc

Nếu nổi mày đay và phù mạch gây ngứa dữ dội, các triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến việc sinh hoạt hoặc kéo dài không đỡ thì cần điều trị bằng thuốc:

  • Thuốc kháng histamin: phương pháp thường được sửu dụng để điều trị nổi mày đay và phù mạch là thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm ngứa, giảm sưng và các triệu chứng dị ứng khác. Thuốc kháng histamin có cả dạng kê đơn và dạng không kê đơn.
  • Thuốc chống viêm: trong trường hợp nổi mày đay hoặc phù mạch gây ra các triệu chứng nặng thì bác sĩ thường kê corticoid đường uống, chẳng hạn như prednisone để giảm sưng, đỏ và ngứa.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: nếu đã dùng thuốc kháng histamin và corticoid nhưng không hiệu quả thì sẽ phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. Các loại thuốc này có tác dụng làm dịu hệ miễn dịch đang hoạt động quá mức.

Trường hợp khẩn cấp

Đối với các trường hợp nổi mày đay hoặc phù mạch nghiêm trọng thì người bệnh sẽ cần được đưa đến phòng cấp cứu và tiêm khẩn cấp epinephrine (một loại adrenaline). Nhiều người phải sử dụng bút tiêm tự động epinephrine và luôn mang theo bên mình để có thể tự tiêm trong trường hợp khẩn cấp.

Phòng ngừa nổi mày đay và phù mạch

Để giảm nguy cơ bị nổi mày đay hoặc phù mạch thì cần:

  • Tránh các tác nhân gây ra phản ứng: nếu như đã biết những tác nhân nào có thể kích hoạt phản ứng dẫn đến nổi mày đay và phù mạch thì cần phải tránh xa.
  • Tắm rửa và thay quần áo: nếu mới tiếp xúc với phấn hoa hoặc lông động vật có thể gây nổi mày đay thì phải tắm rửa và thay quần áo ngay.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận là tình trạng một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận bị thu hẹp. Điều này gây cản trở sự lưu thông máu đến thận và do đó khiến cơ quan này không được cung cấp oxy. Thận cần được cung cấp đủ máu để thực hiện chức năng lọc chất thải và chất lỏng thừa trong máu. Giảm lưu lượng máu đến thận sẽ gây tổn thương mô thận và làm tăng huyết áp khắp cơ thể.

Phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng là tình trạng phồng lên ở động mạch chủ - động mạch lớn nhất trong cơ thể, chạy từ tim xuống qua ngực và bụng.

Phình động mạch não

Chứng phình động mạch não xảy ra do thành động mạch bị mỏng đi. Túi phình thường hình thành ở ngã ba hay các nhánh trong động mạch vì thành mạch máu ở những vị trí này thường yếu hơn.

Phình động mạch chủ ngực

Phình động mạch chủ ngực thường tiến triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện. Không phải trường hợp phình động mạch chủ ngực nào cũng bị vỡ túi phình.

Hội chứng mạch vành cấp

Hội chứng mạch vành cấp thường gây ra đau tức hoặc khó chịu ở ngực. Các trường hợp bị hội chứng mạch vành cấp đều phải được can thiệp điều trị kịp thời.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây