Hội chứng mạch vành cấp

Hội chứng mạch vành cấp thường gây ra đau tức hoặc khó chịu ở ngực. Các trường hợp bị hội chứng mạch vành cấp đều phải được can thiệp điều trị kịp thời.

Hội chứng mạch vành cấp là gì?

Hội chứng mạch vành cấp hay hội chứng động mạch vành cấp là một thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm các tình trạng đột ngột giảm lưu lượng máu đến tim.

Một trong những tình trạng như vậy là nhồi máu cơ tim (đau tim) – xảy ra khi tế bào bị chết, dẫn đến mô tim bị tổn thương hoặc bị hỏng. Ngay cả khi hội chứng mạch vành cấp không gây chết tế bào thì sự sụt giảm lưu lượng máu vẫn sẽ làm thay đổi hoạt động của tim và đây là một dấu hiệu cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim cao.

Hội chứng mạch vành cấp thường gây ra đau tức hoặc khó chịu ở ngực. Các trường hợp bị hội chứng mạch vành cấp đều phải được can thiệp điều trị kịp thời. Mục đích của các phương pháp điều trị là cải thiện lưu thông máu, điều trị các biến chứng và ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai.

Triệu chứng hội chứng mạch vành cấp

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng mạch vành cấp thường xuất hiện đột ngột, gồm có:

  • Đau ngực (đau thắt ngực) hoặc cảm giác khó chịu ở vùng ngực, có thể là cảm giác tức ở lồng ngực hoặc nóng rát
  • Đau lan từ ngực xuống vai, cánh tay, bụng trên, lưng, cổ hoặc hàm
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Đầy bụng, khó tiêu
  • Khó thở
  • Đột ngột ra nhiều mồ hôi
  • Lâng lâng, chóng mặt hoặc ngất
  • Mệt mỏi bất thường, không rõ nguyên nhân
  • Cảm giác bồn chồn, lo âu

Đau tức hoặc khó chịu ở ngực là triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng mạch vành cấp. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng mà mỗi người gặp phải là khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và các bệnh lý khác đang mắc. Phụ nữ, người cao tuổi hoặc người mắc bệnh tiểu đường thường không có triệu chứng đau ngực.

Khi nào cần đi khám?

Hội chứng mạch vành cấp là một vấn đề cần can thiệp khẩn cấp. Đau hoặc khó chịu ở vùng ngực có thể là dấu hiệu của bất kỳ bệnh lý đe dọa đến tính mạng nào. Do đó, khi nhận thấy dấu hiệu này thì phải gọi cấp cứu hoặc nhờ người xung quanh đưa đến bệnh viện ngay. Không được tự đi đến bệnh viện.

Nguyên nhân gây hội chứng mạch vành cấp

Hội chứng mạch vành cấp thường là kết quả của sự tích tụ chất béo (mảng xơ vữa) trong và trên thành động mạch vành - các mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến cơ tim.

Khi các mảng xơ vữa này bị vỡ hoặc bong ra, cục máu đông sẽ hình thành và gây cản trở sự lưu thông máu đến cơ tim.

Khi lượng oxy cung cấp cho các tế bào ở mức quá thấp, các tế bào của cơ tim sẽ bị chết. Điều này gây tổn thương mô cơ tim và dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Ngay cả khi không xảy ra sự chết tế bào, tình trạng giảm oxy vẫn khiến cho cơ tim không hoạt động bình thường. Sự thay đổi này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Khi hội chứng mạch vành cấp không đi kèm sự chết tế bào thì được gọi là chứng đau thắt ngực không ổn định (unstable angina).

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng mạch vành cấp cũng giống như yếu tố nguy cơ của các dạng bệnh tim mạch khác. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng mạch vành cấp gồm có:

  • Tuổi cao
  • Cao huyết áp
  • Cholesterol trong máu cao
  • Hút thuốc lá
  • Ít hoạt động thể chất
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Béo phì hoặc thừa cân
  • Bệnh tiểu đường
  • Tiền sử gia đình bị đau thắt ngực, bệnh tim mạch hoặc đột quỵ
  • Tiền sử cao huyết áp, tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ
  • Mắc Covid-19

Chẩn đoán hội chứng mạch vành cấp

Nếu người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng mạch vành cấp, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm và kỹ thuật cận lâm sàng để xác nhận sau khi khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh. Một số biện pháp để chẩn đoán hội chứng mạch vành cấp gồm có:

  • Điện tâm đồ (ECG): Các điện cực được gắn trên da của người bệnh để đo hoạt động điện của tim. Các xung động bất thường hoặc không đều có thể là dấu hiệu chỉ ra rằng tim đang không hoạt động bình thường do thiếu oxy. Từ kết quả điện tâm đồ, bác sĩ sẽ xác định được vị trí bị tắc nghẽn. Có thể cần thực hiện phương pháp này nhiều lần để chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh.
  • Xét nghiệm máu: Sự hiện diện cua một số enzyme trong máu có thể là dấu hiệu của sự chết tế bào dẫn đến tổn thương mô tim. Kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là có cơn nhồi máu cơ tim.

Ngoài dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ sẽ sử dụng thông tin từ hai phương pháp này để đưa ra chẩn đoán hội chứng mạch vành cấp. Từ thông tin thu được, bác sĩ cũng sẽ xác định xem tình trạng cụ thể là nhồi máu cơ tim hay đau thắt ngực không ổn định.

Có thể cần thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán khác để bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý, loại trừ hoặc tìm ra nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng hoặc để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị, theo dõi thích hợp:

  • Chụp động mạch vành: Kỹ thuật này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh các mạch máu của tim. Một ống thông dài, nhỏ được luồn qua động mạch, thường là động mạch ở cánh tay hoặc bẹn, đến các động mạch trong tim. Thuốc cản quang được bơm qua ống thông vào động mạch và sau đó tiến hành chụp X-quang. Hình ảnh X-quang cho thấy dòng chảy của thuốc nhuộm qua các động mạch, gíup phát hiện các vị trí bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp. Nếu phát hiện vấn đề, bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp ngay trong quá trình chụp mạch vành.
  • Siêu âm tim: Sử dụng đầu dò phát ra sóng âm thanh hướng đến tim để tạo ra hình ảnh của tim. Siêu âm tim giúp đánh giá chức năng bơm máu của tim.
  • Xạ hình tưới máu cơ tim: Phương pháp này cho biết cơ tim có được cung cấp đủ máu hay không và lưu lượng máu bị giảm ở đâu. Một lượng nhỏ chất phóng xạ an toàn được tiêm vào máu và máy chụp sẽ chụp ảnh đường đi của chất phóng xạ qua tim.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) mạch máu: Chụp CT mạch máu sử dụng công nghệ tia X chuyên dụng có thể tạo ra hình ảnh (các mặt cắt 2D) của tim ở nhiều góc độ khác nhau. Những hình ảnh này giúp phát hiện tình trạng hẹp hoặc tắc ở các động mạch vành.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Phương pháp này giúp đánh giá mức độ hoạt động của tim khi vận động. Bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim trong khi người bệnh thực hiện các hoạt động thể chất như chạy bộ hay đạp xe. Hoặc người bệnh được tiêm thuốc làm tăng nhịp tim thay vì phải vận động. Nghiệm pháp gắng sức chỉ được thực hiện khi người bệnh không có dấu hiệu của hội chứng mạch vành cấp hoặc các bệnh tim mạch nguy hiểm khác khi nghỉ ngơi. Các phương pháp được sử dụng để đánh giá hoạt động của tim trong nghiệm pháp gắng sức là điện tâm đồ, siêu âm tim hoặc xạ hình tưới máu cơ tim có.

Điều trị hội chứng mạch vành cấp

Mục đích trước hết của các phương pháp điều trị hội chứng mạch vành cấp là:

  • Giảm đau và giảm lo âu, căng thẳng cho người bệnh
  • Cải thiện lưu thông máu
  • Khôi phục chức năng tim một cách tối đa

Mục đích về lâu dài của việc điều trị là cải thiện chức năng tổng thể của tim, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Có thể kết hợp dùng thuốc và các thủ thuật xâm lấn để đạt được những điều này.

Dùng thuốc

Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán mà người bệnh sẽ phải dùng thuốc điều trị khẩn cấp hoặc dùng thuốc về lâu dài. Những loại thuốc thường được dùng trong điều trị hội chứng mạch vành cấp gồm có:

  • Thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch.
  • Nitroglycerin để cải thiện lưu thông máu bằng cách tạm thời làm giãn các mạch máu.
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel và prasugrel để ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
  • Thuốc chẹn beta để giúp cơ tim thả lỏng và làm giảm nhịp tim, nhờ đó giảm bớtáp lực lên tim và hạ huyết áp. Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có metoprolol và nadolol.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE) có tác dụng làm giãn mạch và cải thiện lưu thông máu, giúp  cho tim hoạt động tốt hơn. Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có lisinopril và benazepril.
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) có tác dụng kiểm soát huyết áp. Một số loại thuốc ức chế thụ thể angiotensin thường được sử dụng là irbesartan và losartan.
  • Statin để làm giảm cholesterol trong máu và ổn định mảng xơ vữa, ngăn mảng xơ vữa bong ra và gây tắc nghẽn mạch máu. Một số loại thuốc trong nhóm statin là atorvastatin và simvastatin.

Các thủ thuật và phẫu thuật

Bác sĩ có thể chỉ định một trong các thủ thuật sau đây để khôi phục lưu lượng máu đến cơ tim:

  • Nong mạch và đặt stent: Trong thủ thuật này, bác sĩ đưa một ống thông nhỏ vào đoạn động mạch bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp. Một sợi dây có gắn một quả bóng bơm hơi được đưa qua ống thông đến đoạn mạch máu bị hẹp. Sau đó, quả bóng được bơm phồng, ép các mảng xơ vữa sát vào thành mạch và nhờ đó mở rộng lòng động mạch. Thường phải kết hợp đặt stent để ngăn động mạch bị hẹp tắc trở lại.
  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Lấy một đoạn mạch máu từ một nơi khác trong cơ thể và ghép vào vị trí động mạch bị hẹp tắc để chuyển hướng dòng máu, giúp máu lưu thông một cách bình thường.

Ngăn ngừa nhồi máu cơ tim

Duy trì lối sống lành mạnh và thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe tim mạch là điều cần thiết để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim:

  • Không hút thuốc: Nếu hút thuốc thì hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt. Những người không hút thuốc cần tránh hít phải khói thuốc. Hút thuốc lá thụ động cũng gây hại cho sức khỏe tim mạch.
  • Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch: Ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt với một lượng vừa phải sữa ít béo và thịt nạc.
  • Tích cực vận động: Tập thể dục thường xuyên và tích cực vận động trong ngày rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
  • Theo dõi chỉ số cholesterol: Xét nghiệm cholesterol định kỳ để dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp. Tránh các loại thịt và sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo và cholesterol cao. Nếu được kê thuốc statin hoặc các loại thuốc hạ cholesterol khác thì phải dùng thuốc hàng ngày theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Kiểm soát huyết áp: Nên đo huyết áp thường xuyên và uống thuốc điều trị cao huyết áp đều đặn hàng ngày theo chỉ định.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân sẽ gây áp lực lên tim và có thể góp phần làm tăng nồng độ cholesterol, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch và nhiều bệnh lý khác.
  • Hạn chế căng thẳng: Thư giãn và giảm căng thẳng sẽ giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Hạn chế rượu bia: Chỉ nên uống rượu bia ở mức độ vừa phải. Uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày đối với phụ nữ và quá hai đơn vị cồn mỗi ngày đối với nam giới sẽ làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acute-coronary-syndrome/symptoms-causes/syc-20352136

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh mạch vành

Vì bệnh mạch vành thường tiến triển âm thầm trong suốt nhiều năm nên người bệnh không nhận thấy vấn đề bất thường cho đến khi động mạch đã bị tắc nghẽn nghiêm trọng hoặc bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bệnh mạch vành có thể ngăn ngừa và điều trị được.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Hội chứng Mittelschmerz

Trong hầu hết các trường hợp, hội chứng Mittelschmerz sẽ tự hết và không cần phải điều trị hoặc chỉ cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn và các biện pháp khắc phục tại nhà khác là đủ.

Hội chứng quá kích buồng trứng

Hội chứng quá kích buồng trứng có thể xảy ra ở những phụ nữ trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm thuốc kích thích rụng trứng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây