Nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược được coi là một biến chứng thai kỳ nguy cơ cao. Nếu phát hiện tình trạng này khi mang thai thì thường sẽ cần sinh mổ sớm và sau đó là phẫu thuật cắt tử cung.

Nhau cài răng lược là gì?

Nhau cài răng lược (placenta accreta) là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra khi nhau thai phát triển quá sâu vào thành tử cung.

Nhau thai là một bộ phận hình tròn như chiếc bánh phát triển trong tử cung khi mang thai, nối dây rốn của em bé với thành tử cung của người mẹ, có vai trò cung cấp oxy, chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải. Thông thường, nhau thai sẽ bong ra khỏi thành tử cung sau khi sinh. Nhưng khi bị nhau cài răng lược thì một phần hoặc toàn bộ bánh nhau vẫn còn dính lại trong tử cung. Điều này có thể gây mất máu nghiêm trọng sau khi sinh.

Nhau thai có thể bám vào đến lớp cơ của thành tử cung (placenta increta) hoặc phát triển xuyên qua thành tử cung (placenta percreta).

Nhau cài răng lược được coi là một biến chứng thai kỳ nguy cơ cao. Nếu phát hiện tình trạng này khi mang thai thì thường sẽ cần sinh mổ sớm và sau đó là phẫu thuật cắt tử cung.

Dấu hiệu

Nhau cài răng lược thường không có dấu hiệu nào trong suốt thai kỳ nhưng đôi khi có thể gây chảy máu âm đạo trong ba tháng cuối. Vấn đề này đa phần được phát hiện khi siêu âm thai định kỳ.

Nguyên nhân

Nhau cài răng lược được cho là có liên quan đến những bất thường trong niêm mạc tử cung, ví dụ như sẹo sau mổ lấy thai hoặc ca phẫu thuật tử cung trước đây. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có thể xảy ra trong cả những trường hợp không có tiền sử phẫu thuật tử cung.

Yếu tố nguy cơ

Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhau cài răng lược, gồm có:

  • Đã từng phẫu thuật tử cung: Nguy cơ bị nhau cài răng lược tăng lên theo số lần sinh mổ hoặc các ca phẫu thuật tử cung khác đã trải qua trước đây.
  • Có tiền sử viêm niêm mạc tử cung.
  • Từng nạo phá thai nhiều lần
  • Vị trí nhau thai: Nếu nhau thai che phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung (nhau tiền đạo) hay nằm ở phần dưới của tử cung thì sẽ có nguy cơ bị nhau cài răng lược cao hơn.
  • Tuổi tác: Nhau cài răng lược xảy ra phổ biến ở những phụ nữ mang thai khi đã ngoài 35 tuổi.
  • Từng sinh con: Nguy cơ nhau cài răng lược tăng lên theo số lần sinh nở.

Biến chứng

Nhau cài răng lược có thể gây:

Xuất huyết nghiêm trọng: Nhau cài răng lược là một trong những nguyên nhân chính gây xuất huyết nghiêm trọng sau khi sinh. Điều này có thể dẫn đến một tình trạng đe dọa tính mạng khiến máu không thể đông lại một cách bình thường (đông máu nội mạch lan tỏa), suy phổi (hội chứng suy hô hấp ở người lớn) và suy thận. Khi mất máu quá nhiều thì sẽ cần phải truyền máu.

Sinh non: Nhau cài răng lược có thể dẫn đến chuyển dạ sinh non.

Biện pháp chẩn đoán

Ở những sản phụ có các yếu tố nguy cơ bị nhau cài răng lược trong khi mang thai, chẳng hạn như nhau thai che phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung (nhau tiền đạo) hoặc từng phẫu thuật tử cung trước đây thì bác sĩ sẽ phải kiểm tra kỹ lưỡng. Phương pháp siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ giúp đánh giá mức độ bám của nhau thai vào thành tử cung.

Điều trị

Những sản phụ được chẩn đoán nhau cài răng lược khi đi khám thai định kỳ sẽ được chỉ định sinh mổ và bác sĩ sẽ có những biện pháp đảm bảo an toàn cho quá trình sinh nở.

Nếu bị nhau cài răng lược nghiêm trọng thì sẽ cần phẫu thuật cắt tử cung sau khi sinh để ngăn ngừa tình trạng mất máu nhiều.

Nếu bị chảy máu âm đạo trong ba tháng cuối thai kỳ thì có thể cần phải nhập viện sớm để theo dõi.

Trước ca sinh mổ

Bác sĩ sẽ nói rõ cho sản phụ và người nhà về những rủi ro và biến chứng tiềm ẩn liên quan đến nhau cài răng lược cũng như là các khả năng có thể xảy ra như:

  • Phải truyền máu trong hoặc sau khi sinh
  • Đưa sản phụ vào phòng chăm sóc đặc biệt sau sinh nếu tình trạng chảy máu nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng.

Trong ca sinh mổ

Trong khi sinh mổ, bác sĩ sẽ rạch một đường ở bụng dưới và sau đó rạch mở tử cung để đưa em bé ra ngoài. Với những trường hợp nhau cài răng lược nhẹ thì có thể để chỉ cắt đi phần lớn nhau thai và để lại phần bám với tử cung. Mặc dù có thể giữ nguyên tử cung nhưng việc để lại nhau thai sẽ đi kèm một số rủi ro và cần phải theo dõi sát sao sau ca mổ. Cho dù nhau thai bám ít vào thành tử cung thì cũng không được cố bóc tách vì điều này sẽ gây chảy nhiều máu.

Với những trường hợp nhau cài răng lược nghiêm trọng thì sẽ phải cắt bỏ tử cung sau khi mổ lấy thai. Đa phần thì có thể giữ lại buồng trứng để tránh cho người mẹ bị mãn kinh sớm. Tuy nhiên, nếu nhau thai đã phát triển xuyên qua thành tử cung và xâm lấn sang cả các cơ quan khác như bàng quang hoặc trực tràng thì sẽ cần cắt bỏ một phần các cơ quan này. Sau khi không còn tử cung, phụ nữ sẽ không thể mang thai được nữa.

Trong một số rất ít trường hợp, cả tử cung lẫn nhau thai đều có thể được giữ lại sau khi sinh và để cho nhau thai tự tiêu biến theo thời gian. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như:

  • Xuất huyết nặng
  • Nhiễm trùng
  • Vẫn phải cắt tử cung sau này

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy rằng những phụ nữ bị nhau cài răng lược và không cắt tử cung sau khi sinh sẽ có nguy cơ cao tiếp tục bị nhau cài răng lược hoặc gặp các biến chứng khác vào những lần mang thai tiếp theo.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo sẽ cản trở đường ra của em bé khi sinh nên nếu vấn đề không giải quyết thì sẽ phải sinh mổ.

Nhau bong non

Nhau bong non thường xảy đến đột ngột và nếu không được điều trị thì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây