Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo sẽ cản trở đường ra của em bé khi sinh nên nếu vấn đề không giải quyết thì sẽ phải sinh mổ.

Nhau tiền đạo là gì?

Nhau thai là một cấu trúc hình thành bên trong tử cung khi mang thai, cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho thai nhi và đồng thời loại bỏ các chất thải. Nhau thai kết nối dây rốn của thai nhi với thành tử cung của người mẹ. Trong phần lớn các trường hợp mang thai, nhau thai bám ở phần trên hoặc hai bên thành tử cung.

Nhau tiền đạo (placenta previa) xảy ra khi nhau thai che phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung của người mẹ. Nhau tiền đạo có thể gây chảy máu nghiêm trọng trong thời gian mang thai và khi sinh nở.

Những thai phụ bị nhau tiền đạo có thể bị chảy máu trong suốt thai kỳ và cả trong khi sinh. Nếu phát hiện vấn đề này, bác sĩ sẽ chỉ định tránh các hoạt động có thể gây ra các cơn co thắt, gồm có quan hệ tình dục, thụt rửa, sử dụng tampon, cốc nguyệt san và các hoạt động có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, ví dụ như chạy bộ, ngồi xổm và nhảy.

Nhau tiền đạo sẽ cản trở đường ra của em bé khi sinh nên nếu vấn đề không giải quyết thì sẽ phải sinh mổ.

Dấu hiệu

Chảy máu âm đạo màu đỏ tươi mà không đau trong nửa sau của thai kỳ là dấu hiệu chính của nhau tiền đạo. Một số phụ nữ còn gặp phải các cơn co thắt.

Ở nhiều phụ nữ được chẩn đoán bị nhau tiền đạo ngay từ sớm khi mang thai, vấn đề thường sẽ tự hết. Khi tử cung to lên theo sự phát triển của thai nhi, khoảng cách giữa cổ tử cung và nhau thai cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nhau thai che phủ cổ tử cung càng nhiều và càng về cuối thai kỳ thì khả năng nhau tiền đạo tự hết sẽ càng thấp.

Khi nào cần đi khám?

Nếu bị chảy máu âm đạo trong ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối thai kỳ thì cần đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Nguyên nhân

Hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác gây nhau tiền đạo

Các yếu tố nguy cơ

Nhau tiền đạo xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ:

  • Đã từng sinh con
  • Có sẹo ở tử cung, thường là do ca phẫu thuật trước để lại, ví dụ như sẹo mổ lấy thai, cắt bỏ u xơ tử cung hoặc thủ thuật nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C)
  • Từng bị nhau tiền đạo ở lần mang thai trước
  • Đang mang đa thai
  • Mang thai khi đã ngoài 35 tuổi
  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng chất kích thích như cocaine

Biến chứng

Ở những thai phụ bị nhau tiền đạo, bác sĩ sẽ phải theo dõi sát sao để giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng như:

  • Chảy máu: Nhau tiền đạo có thể gây chảy máu (xuất huyết) âm đạo nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng trong quá trình chuyển dạ, sinh nở hoặc trong vòng vài giờ đầu sau khi sinh.
  • Sinh non: Nếu bị chảy máu quá nhiều thì sẽ phải mổ lấy thai khẩn cấp trước khi thai nhi đủ tháng.

Biện pháp chẩn đoán

Nhau tiền đạo thường được phát hiện thông qua siêu âm trong các buổi khám thai định kỳ hoặc sau khi bị chảy máu âm đạo. Hầu hết các trường hợp nhau tiền đạo đều được chẩn đoán khi siêu âm ở ba tháng giữa thai kỳ.

Có thể sẽ phải kết hợp cả siêu âm qua thành bụng và siêu âm qua đường âm đạo (đầu dò siêu âm được đưa vào bên trong âm đạo). Bác sĩ sẽ thực hiện nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến nhau thai và gây chảy máu.

Nếu nghi ngờ nhau tiền đạo thì bác sĩ sẽ hạn chế đụng chạm nhiều đến âm đạo để giảm nguy cơ chảy máu. Thai phụ sẽ cần siêu âm định kỳ để kiểm tra vị trí của nhau thai xem vấn đề có chuyển biến hay không.

Điều trị

Không có phương pháp điều trị nội khoa hay phẫu thuật nào có thể chữa khỏi nhau tiền đạo nhưng có thể kiểm soát tình trạng ra máu do vấn đề này.

Phương pháp cần thực hiện sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Lượng máu
  • Máu đã ngừng chảy hay chưa
  • Thời điểm trong thai kỳ
  • Sức khỏe của mẹ
  • Sức khỏe của bé
  • Vị trí của nhau thai và em bé

Nếu nhau tiền đạo không tự hết trong khi mang thai thì mục tiêu điều trị là duy trì thai kỳ đến gần ngày dự sinh nhất có thể. Hầu như tất cả những phụ nữ bị nhau tiền đạo đều được chỉ định sinh mổ.

Ra máu ít hoặc không ra máu

Với những trường hơp chỉ bị ra máu ít hoặc không ra máu thì có thể chỉ cần nghỉ ngơi, tránh các hoạt động có thể gây ra máu, chẳng hạn như quan hệ tình dục và tập thể dục.

Hãy chuẩn bị đến bệnh viện ngay lập tức nếu bắt đầu bị ra máu.

Nếu nhau thai bám thấp nhưng không che cổ tử cung thì có thể sinh thường. Bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về phương pháp sinh nở an toàn.

Ra máu nhiều

Nếu ra máu nhiều thì cần đến bệnh viện ngay lập tức. Nếu ra máu nghiêm trọng thì có thể phải truyền máu.

Bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ ngay khi có thể, lý tưởng nhất là sau tuần 36 của thai kỳ nhưng cũng có thể cần phải sinh sớm hơn nếu tình trạng ra máu nhiều kéo dài dai dẳng hoặc nếu bị ra máu nhiều lần.

Nếu phải sinh trước khi đủ 37 tuần thì bác sĩ sẽ cho thai phụ dùng thuốc corticosteroid để giúp phổi của thai nhi phát triển.

Ra máu không ngừng

Nếu không thể kiểm soát được tình trạng ra máu hoặc có dấu hiệu suy thai thì sẽ cần phải mổ lấy thai khẩn cấp, ngay cả khi chưa đủ tháng.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Tiền mãn kinh

Mỗi phụ nữ bắt đầu tiền mãn kinh ở một độ tuổi khác nhau. Đa số phụ nữ gặp các dấu hiệu tiền mãn kinh, chẳng hạn như kinh nguyệt không đều, từ khoảng độ tuổi 40 những cũng có nhiều người nhận thấy những thay đổi ngay từ giữa độ tuổi 30.

Nhau bong non

Nhau bong non thường xảy đến đột ngột và nếu không được điều trị thì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược được coi là một biến chứng thai kỳ nguy cơ cao. Nếu phát hiện tình trạng này khi mang thai thì thường sẽ cần sinh mổ sớm và sau đó là phẫu thuật cắt tử cung.

Tiền sản giật sau sinh

Tiền sản giật sau sinh cần được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị thì vấn đề có thể gây co giật và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây