Nhau bong non
Nhau bong non là gì?
Nhau bong non hay bong rau non (placental abruption) là một biến chứng không phổ biến nhưng nghiêm trọng xảy ra trong thai kỳ. Nhau thai là một cấu trúc hình thành trong tử cung khi mang thai, nối thành tử cung với dây rốn của thai nhi và có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cũng như là oxy cho em bé.
Nhau bong non xảy ra khi nhau thai tách một phần hoặc hoàn toàn khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Điều này có thể làm giảm hoặc chặn nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi và gây ra tình trạng ra máu nhiều ở người mẹ.
Nhau bong non thường xảy đến đột ngột và nếu không được điều trị thì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Dấu hiệu
Nhau bong non rất dễ xảy ra trong ba tháng cuối của thai kỳ, đặc biệt là trong vài tuần cuối trước khi sinh. Các dấu hiệu của nhau bong non gồm có:
- Chảy máu âm đạo, máu loãng, không kèm cục máu đông và sẫm màu (cũng có trường hợp bị nhau bong non mà không gặp hiện tượng này)
- Đau bụng dữ dội, đột ngột
- Đau thắt lưng
- Chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp có thể giảm nhẹ
- Các cơn co thắt tử cung liên tục
Dấu hiệu đau bụng và đau lưng thường bắt đầu đột ngột. Lượng máu âm đạo có thể ít hoặc nhiều nhưng không liên quan đến mức độ nhau thai đã tách khỏi thành tử cung. Máu có thể bị ứ lại bên trong tử cung nên ngay cả khi nhau bong non nghiêm trọng thì cũng có thể không thấy ra máu.
Trong một số trường hợp, tình trạng nhau bong non xảy ra từ từ và gây chảy máu âm đạo nhẹ, không liên tục. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và gây thiểu ối (ít nước ối) cũng như là các biến chứng khác.
Khi nào cần đi khám?
Cần đến bệnh viện ngay lập tức khi có các dấu hiệu của nhau bong non.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân gây bong rau non có thể là chấn thương ở vùng bụng, ví dụ như do tai nạn, va đập hoặc bị ngã và thiểu ối (chất lỏng bao quanh thai nhi trong tử cung).
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhau bong non gồm có:
- Từng bị nhau bong non vào lần mang thai trước và không phải do chấn thương bụng
- Cao huyết áp
- Các vấn đề liên quan đến cao huyết áp khi mang thai, ví dụ như tiền sản giật, hội chứng HELLP (thiếu máu tán huyết, men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp) hoặc sản giật
- Bị ngã hoặc bị va đập ở vùng bụng
- Hút thuốc
- Sử dụng cocaine trong thời gian mang thai
- Vỡ ối sớm, gây rò rỉ nước ối trước ngày dự sinh
- Nhiễm trùng bên trong tử cung khi mang thai (viêm màng ối)
- Mang thai khi đã lớn tuổi, đặc biệt là những phụ nữ trên 40 tuổi
Biện pháp chẩn đoán
Nếu bác sĩ nghi ngờ nhau bong non dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng thì sẽ tiến hành khám lâm sàng để kiểm tra tình trạng tử cung. Để xác định nguyên nhân chính xác gây chảy máu âm đạo thì sẽ phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm.
Trong quá trình siêu âm, sóng âm thanh tần số cao sẽ tạo ra hình ảnh tử cung trên màn hình. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể phát hiện nhau bong non bằng phương pháp siêu âm.
Điều trị
Một khi nhau thai đã tách khỏi thành tử cung thì không có cách nào gắn lại được. Các giải pháp điều trị nhau bong non sẽ phụ thuộc vào việc thai nhi đã đủ tháng hay chưa:
- Thai nhi chưa đủ tháng: Nếu nhau thai có vẻ chỉ mới bị bong nhẹ, tim thai vẫn bình thường và còn cách ngày dự sinh quá xa thì thai phụ cần nhập viện để theo dõi chặt chẽ. Nếu đã ngừng ra máu và tình trạng thai nhi ổn định thì có thể nghỉ ngơi tại nhà. Trong những trường hợp cần phải sinh sớm, bác sĩ sẽ kê thuốc để giúp phổi của thai nhi phát triển và bảo vệ não bộ.
- Thai nhi gần đủ tháng: Nói chung, sau tuần 34 của thai kỳ, nếu nhau thai có vẻ bị bong ít thì có thể sinh thường dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Nếu tình trạng chuyển xấu và có khả năng gây nguy hiểm thì sẽ phải sinh ngay lập tức, thường là phương pháp sinh mổ.
Những trường hợp bị chảy máu quá nhiều sẽ cần phải truyền máu.
Biến chứng
Nhau bong non có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Đối với người mẹ, nhau bong non có thể dẫn đến:
- Sốc do mất máu
- Các vấn đề về đông máu
- Cần phải truyền máu
- Suy thận hoặc các cơ quan khác do mất nhiều máu
Một số trường hợp còn phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung nếu không thể kiểm soát được tình trạng chảy máu
Đối với thai nhi, nhau bong non có thể gây:
- Hạn chế sự tăng trưởng do không nhận đủ chất dinh dưỡng
- Không được cung cấp đủ oxy
- Sinh non
- Thai chết lưu
Biện pháp phòng ngừa
Nhau bong non là một cấp cứu sản khoa không thể ngăn ngừa nhưng có thể giảm một số yếu tố nguy cơ. Ví dụ, phụ nữ mang thai không được hút thuốc lá và không sử dụng các chất kích thích như cocaine. Những phụ nữ bị cao huyết áp cần phải theo dõi sát sao trong suốt thai kỳ để tránh xảy ra biến chứng.
Luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô. Nếu bị chấn thương vùng bụng do tai nạn xe, ngã hoặc va đập mạnh thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức.
Nếu trước đây từng bị nhau bong non và đang định mang thai lần nữa thì cần đi khám bác sĩ trước khi thụ thai để được hướng dẫn các cách giảm thiểu nguy cơ.
Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo sẽ cản trở đường ra của em bé khi sinh nên nếu vấn đề không giải quyết thì sẽ phải sinh mổ.
Nhau cài răng lược
Nhau cài răng lược được coi là một biến chứng thai kỳ nguy cơ cao. Nếu phát hiện tình trạng này khi mang thai thì thường sẽ cần sinh mổ sớm và sau đó là phẫu thuật cắt tử cung.
Bỏng: Nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và điều trị
Nếu chỉ bị bỏng nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Các vết bỏng ngoài da thường lành lại trong vòng vài tuần. Nhưng khi bị bỏng nặng thì phải đến ngay cơ sở y tế.
Bỏng lạnh
Tình trạng bỏng lạnh xảy ra khi da và các mô mềm bên dưới bị đóng băng do tiếp xúc với không khí, chất lỏng hoặc các đồ vật rất lạnh.
Ý kiến bạn đọc