Polyp dạ dày

Trong phần lớn các trường hợp thì polyp dạ dày không phải ung thư và cũng không trở thành ung thư nhưng một số loại có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Polyp dạ dày là gì?

Polyp dạ dày là khối tế bào bất thường hình thành trên niêm mạc bên trong dạ dày. Polyp dạ dày thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào và đa phần được phát hiện trong quá trình thăm khám vì những lý do khác.

Trong phần lớn các trường hợp thì polyp dạ dày không phải ung thư và cũng không trở thành ung thư nhưng một số loại có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tùy thuộc vào loại polyp mà có thể chỉ cần theo dõi hoặc phải phẫu thuật cắt bỏ.

Dấu hiệu

Polyp dạ dày thường không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào.

Nhưng khi polyp phát triển to lên thì có thể sẽ hình thành các vết loét trên bề mặt. Đôi khi, polyp có thể bít ở phần cuối của dạ dày và cản trở thức ăn di chuyển xuống ruột non.

Nếu có thì các dấu hiệu của polyp dạ dày thường là:

  • Đau khi ấn lên vùng bụng trên
  • Đầy bụng, khó tiêu
  • Buồn nôn
  • Có máu trong phân hoặc phân đen
  • Nôn ra máu
  • Các triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, da nhợt nhạt, hoa mắt, chóng mặt,…

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám ngay nếu đi ngoài ra máu hoặc có các dấu hiệu khác của polyp dạ dày.

Nguyên nhân

Polyp dạ dày thường hình thành khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây polyp dạ dày là:

  • Viêm dạ dày mạn tính: tình trạng này có thể gây hình thành các polyp tăng sản và polyp tuyến. Khả năng polyp tăng sản trở thành ung thư là rất thấp nhưng nguy cơ sẽ cao hơn nếu như polyp có kích thước lớn (trên 1 cm). Polyp tuyến là loại polyp dạ dày hiếm gặp nhất nhưng lại là loại có khả năng trở thành ung thư cao nhất. Vì lý do này nên phải cắt bỏ ngay khi phát hiện.
  • Bệnh đa polyp tuyến gia đình: bệnh di truyền hiếm gặp này khiến các tế bào nhất định trên niêm mạc dạ dày hình thành nên một loại polyp có tên là polyp tuyến đáy vị. Loại polyp này có thể trở thành u ác tính nên cần phải cắt bỏ. Bệnh đa polyp tuyến gia đình cũng có thể gây hình thành polyp tuyến.
  • Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc dạ dày: polyp tuyến đáy vị thường hình thành ở những người thường xuyên dùng thuốc ức chế bơm proton để giảm tiết axit dạ dày và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Những polyp này thường chỉ có kích thước nhỏ và không đáng ngại. Tuy nhiên, những polyp tuyến đáy vị có đường kính lớn hơn 1 cm có thể trở thành ung thư nên sẽ phải ngừng sử dụng thuốc ức chế bơm proton hoặc cắt bỏ polyp hoặc cả hai.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành polyp dạ dày gồm có:

  • Tuổi tác: Polyp dạ dày thường chủ yếu xảy ra ở những người trên 35 tuổi.
  • Nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn: Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm dạ dày và góp phần hình thành polyp tăng sản hoặc polyp tuyến.
  • Bệnh đa polyp tuyến gia đình: Bệnh di truyền này làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng và các bệnh lý khác, bao gồm cả polyp dạ dày.
  • Một số loại thuốc: Sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ polyp tuyến đáy vị.

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp được thực hiện để chẩn đoán polyp dạ dày gồm có:

  • Nội soi: đưa ống nội soi qua miệng xuống dạ dày để quan sát bên trong và phát hiện các bất thường.
  • Sinh thiết: bác sĩ lấy mẫu mô từ dạ dày ngay trong quá trình nội soi và đem đi phân tích.

Điều trị

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào loại polyp dạ dày cụ thể:

  • Polyp nhỏ, không phải polyp tuyến: có thể không cần điều trị. Những polyp này thường không gây triệu chứng và hiếm khi trở thành ung thư. Tuy nhiên, người bệnh sẽ cần tái khám định kỳ để có thể loại bỏ kịp thời nếu polyp phát triển to lên hoặc gây triệu chứng.
  • Polyp lớn: phải cắt bỏ và điều này được thực hiện ngay trong quá trình nội soi.
  • Polyp tuyến: loại polyp này có thể trở thành ung thư và cũng được cắt bỏ trong quá trình nội soi.
  • Polyp liên quan đến bệnh đa polyp tuyến gia đình: cũng phải cắt bỏ vì có khả năng trở thành ung thư.

Sau một thời gian, người bệnh cần quay lại tái khám để kiểm tra xem polyp có hình thành trở lại hay không.

Điều trị nhiễm vi khuẩn HP

Nếu bị viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP thì bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh kèm theo một số loại thuốc khác để điều trị. Một khi tiêu diệt hết vi khuẩn thì có thể polyp tăng sản cũng sẽ biến mất và ngăn ngừa polyp tái phát.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Polyp tử cung

Polyp tử cung có kích thước đa dạng, từ chỉ vài mm cho đến vài cm hoặc lớn hơn.

Polyp đại tràng

Bất kỳ ai cũng có thể bị polyp đại tràng nhưng nguy cơ sẽ cao hơn ở những người ngoài 50 tuổi, thừa cân, hút thuốc lá, có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây