Polyp đại tràng

Bất kỳ ai cũng có thể bị polyp đại tràng nhưng nguy cơ sẽ cao hơn ở những người ngoài 50 tuổi, thừa cân, hút thuốc lá, có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.

Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là một khối tế bào nhỏ hình thành trên niêm mạc đại tràng. Đa phần polyp đại tràng đều vô hại (lành tính) nhưng trong một số trường hợp, polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư đại tràng.

Có hai loại polyp chính là polyp không tân sinh (non-neoplastic polyp) và polyp tân sinh (neoplastic polyp). Polyp không tân sinh gồm có polyp tăng sản, polyp viêm và polyp dạng hamartoma. Những loại polyp này thường không trở thành ung thư. Polyp tân sinh gồm có polyp tuyến và polyp răng cưa. Nhìn chung, polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư càng cao, đặc biệt là các loại polyp tân sinh.

Bất kỳ ai cũng có thể bị polyp đại tràng nhưng nguy cơ sẽ cao hơn ở những người ngoài 50 tuổi, thừa cân, hút thuốc lá, có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.

Polyp đại tràng thường không biểu hiện triệu chứng. Do đó, cần phải tầm soát định kỳ, thường là bằng phương pháp nội soi. Nếu được phát hiện sớm thì polyp đại tràng có thể được loại bỏ một cách đơn giản và an toàn. Tầm soát thường xuyên cũng là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ung thư đại tràng.

Triệu chứng

Polyp đại tràng thường không có triệu chứng. Vì thế nên nhiều người không hề biết mình có polyp trong đại tràng cho đến khi đi khám định kỳ.

Nhưng đôi khi, polyp đại tràng gây ra các triệu chứng như:

  • Chảy máu trực tràng: Đây có thể là dấu hiệu của polyp đại tràng, ung thư hoặc các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh trĩ hoặc có vết rách ở hậu môn.
  • Thay đổi màu phân: Phân có lẫn máu hoặc có màu đen. Sự thay đổi màu sắc cũng có thể do thực phẩm, thuốc và thực phẩm chức nâng.
  • Thay đổi thói quen đại tiện: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài quá một tuần có thể là dấu hiệu của polyp đại tràng. Tuy nhiên, nguyên nhân cũng có thể là do một số vấn đề khác.
  • Đau đớn: Polyp đại tràng có thể làm tắc nghẽn một phần ruột và dẫn đến đau bụng quặn thắt.
  • Thiếu máu do thiếu sắt: Tình trạng chảy máu do polyp có thể xảy ra từ từ theo thời gian và không nhìn thấy máu trong phân. Chảy máu kéo dài sẽ làm giảm lượng sắt trong cơ thể. Sắt là chất cần thiết để hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Kết quả là thiếu máu do thiếu sắt, khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi và khó thở.

Khi nào cần đi khám?

Hãy đến bệnh bệnh viện khám ngay nếu như:

  • Bị đau bụng kéo dài
  • Lẫn máu trong phân
  • Thay đổi thói quen đại tiện kéo dài quá một tuần

Nên tầm soát định kỳ nếu:

  • trên 50 tuổi
  • có các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng. Những người có nguy cơ cao cần bắt đầu tầm soát định kỳ sớm hơn bình thường.

Nguyên nhân

Các tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia để tạo tế bào mới khi cơ thể cần. Đột biến ở một số gen nhất định có thể khiến tế bào tiếp tục phân chia ngay cả khi cơ thể không cần tế bào mới. Ở đại tràng và trực tràng, sự phát triển mất kiểm soát này có thể dẫn đến hình thành polyp. Polyp có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong đại tràng.

Có hai loại polyp chính là polyp không tân sinh (non-neoplastic polyp) và polyp tân sinh (neoplastic polyp). Polyp không tân sinh gồm có polyp tăng sản, polyp viêm và polyp dạng hamartoma. Loại polyp này thường không trở thành ung thư.

Polyp viêm thường hình thành khi bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn. Mặc dù bản thân những polyp này không phải ung thư và cũng không phát triển thành ung thư nhưng bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

Polyp tân sinh gồm polyp tuyến và polyp răng cưa. Hầu hết các trường hợp polyp đại tràng là polyp tuyến. Polyp răng cưa có thể trở thành ung thư, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của chúng trong đại tràng. Nhìn chung, kích thước polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư càng cao, đặc biệt là polyp tân sinh.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ polyp hoặc ung thư đại tràng:

  • Tuổi tác: Đa số những người bị polyp đại tràng đều từ 50 tuổi trở lên.
  • Tình trạng viêm đường ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
  • Tiền sử gia đình: Nếu có người thân trong gia đình bị polyp hoặc ung thư đại tràng thì bạn cũng sẽ có nguy cơ cao bị những bệnh này. Càng có nhiều người thân bị bệnh thì nguy cơ càng cao.
  • Hút thuốc lá và uống nhiều rượu.
  • Béo phì và lười vận động.
  • Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị ung thư đại tràng cao hơn các chủng tộc khác.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2 không được kiểm soát tốt.
  • Rối loạn di truyền

Đôi khi, sự hình thành polyp đại tràng có liên quan đến các đột biến gen được di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Những người mang một trong những đột biến gen này sẽ có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn nhiều so với bình thường. Tầm soát định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh ung thư này.

Một số rối loạn di truyền có thể gây ra polyp đại tràng gồm có:

  • Hội chứng Lynch, còn được gọi là ung thư đại trực tràng không polyp di truyền. Ở những người mắc hội chứng Lynch, số lượng polyp đại tràng thường ít nhưng những polyp này có thể nhanh chóng trở thành u ác tính. Hội chứng Lynch là dạng ung thư đại tràng di truyền phổ biến nhất và cũng có liên quan đến ung thư vú, dạ dày, ruột non, đường tiết niệu và buồng trứng.
  • Bệnh đa polyp tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis  - FAP): một chứng rối loạn hiếm gặp, trong đó niêm mạc đại tràng hình thành hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn polyp, bắt đầu từ độ tuổi thiếu niên. Nếu không được điều trị thì nguy cơ polyp phát triển thành ung thư đại tràng là gần như 100%, thường là trước tuổi 40. Xét nghiệm di truyền có thể giúp xác định nguy cơ mắc FAP.
  • Hội chứng Gardner: một dạng biến thể của FAP, trong đó polyp hình thành khắp đại tràng và ruột non. Polyp còn có thể hình thành ở cả các bộ phận khác của cơ thể, ví dụ như da, xương và bụng.
  • Bệnh polyp liên quan gen MUTYH (MAP): một tình trạng tương tự như FAP do đột biến gen MUTYH (hay MYH) gây ra. Những người bị bệnh này thường có nhiều polyp tuyến và ung thư đại tràng khi còn trẻ. Xét nghiệm di truyền có thể giúp xác định nguy cơ mắc MAP.
  • Hội chứng Peutz-Jeghers: một bệnh lý thường có dấu hiệu ban đầu là tàn nhang khắp cơ thể, bao gồm cả ở môi, lợi và bàn chân. Sau đó, các khối polyp không phải ung thư hình thành khắp ruột. Những polyp này có thể trở thành u ác tính nên những người mắc hội chứng này có nguy cơ bị ung thư đại tràng cao hơn.
  • Hội chứng polyp răng cưa: tình trạng hình thành nhiều polyp tuyến có răng cưa ở phần trên của đại tràng. Các polyp này có thể trở thành ung thư.

Biến chứng

Trong một số trường hợp, polyp đại tràng có thể trở thành khối u ác tính hay ung thư. Polyp được cắt bỏ càng sớm thì nguy cơ phát triển thành ung thư càng thấp.

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp sàng lọc đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện polyp trước khi trở thành ung thư. Các biện pháp này còn giúp chẩn đoán ung thư đại trực tràng ở giai đoạn đầu – giai đoạn mà phác đồ điều trị cho hiệu quả cao nhất.

Các biện pháp sàng lọc gồm có:

  • Nội soi đại tràng: phương pháp chính xác nhất để phát hiện polyp và ung thư đại trực tràng. Nếu phát hiện thấy polyp, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ ngay lập tức hoặc lấy mẫu mô để phân tích (sinh thiết).
  • Nội soi ảo đại tràng (chụp cắt lớp đại tràng ): biện pháp xâm lấn tối thiểu sử dụng công nghệ chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) để quan sát đại tràng. Nội soi ảo đại tràng có các bước chuẩn bị cũng giống như nội soi đại tràng. Nếu phát hiện có polyp, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp nội soi đại tràng để cắt bỏ.
  • Nội soi đại tràng sigma linh hoạt: một ống dài có gắn đèn chiếu sáng được đưa vào trực tràng để kiểm tra trực tràng và một phần ba bên dưới của đại tràng (đại tràng sigma). Nếu phát hiện có polyp, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi đại tràng để cắt bỏ.
  • Xét nghiệm mẫu phân: nhằm phát hiện máu trong phân hoặc đánh giá DNA trong phân. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính thì sẽ cần phải nội soi đại tràng.

Điều trị

Thông thường bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ polyp được phát hiện trong quá trình nội soi. Các phương pháp để loại bỏ polyp đại tràng gồm có:

  • Cắt bỏ bằng kìm sinh thiết (forcep) hoặc bằng thòng lọng điện (wire loop): Nếu polyp lớn hơn 1 cm thì sẽ cần tiêm nước muối sinh lý vào bên dưới để nâng và tách polyp khỏi vùng mô xung quanh nhằm cắt bỏ dễ dàng hơn.
  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng: Nếu polyp có kích thước quá lớn hoặc không thể cắt bỏ một cách an toàn trong quá trình nội soi đại tràng thì sẽ cần thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng, trong đó bác sĩ rạch một vài đường nhỏ trên bụng và đưa ống nội soi cùng với dụng cụ chuyên dụng vào để cắt polyp.
  • Cắt đại trực tràng: Những trường hợp mắc các hội chứng di truyền hiếm gặp, chẳng hạn như đa polyp tuyến gia đình sẽ cần phải phẫu thuật cắt bỏ đại tràng và trực tràng.

Một số loại polyp đại tràng có nguy cơ trở thành u ác tính cao hơn những loại khác. Sau khi cắt bỏ, polyp sẽ được phân tích dưới kính hiển vi để xác định xem có khả năng phát triển thành ung thư hay không.

Tái khám sau khi cắt polyp

Một khi đã có một polyp tuyến hoặc polyp răng cưa thì nguy cơ bị ung thư đại tràng sẽ tăng cao. Nguy cơ cao đến đâu còn phụ thuộc vào kích thước, số lượng và đặc điểm của polyp.

Sau khi cắt bỏ polyp, người bệnh sẽ cần tái khám bằng phương pháp nội soi đại tràng. Thời gian tái khám sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp:

  • Sau 5 đến 10 năm nếu chỉ có 1 hoặc 2 polyp tuyến nhỏ
  • Sau 3 năm nếu có trên 2 polyp tuyến, polyp có kích thước từ 1 cm trở lên hoặc có một số loại polyp tuyến nhất định
  • Sau 3 năm nếu có hơn 10 polyp tuyến
  • Sau 6 tháng nếu polyp tuyến có kích thước rất lớn hoặc bác sĩ phải cắt polyp thành nhiều mảnh trước khi lấy ra khỏi đại tràng

Lưu ý, cần thực hiện theo các hướng dẫn của bệnh viện trước khi nội soi.

Biện pháp phòng ngừa

Có thể giảm đáng kể nguy cơ bị polyp đại tràng và ung thư đại trực tràng bằng cách tầm soát định kỳ. Ngoài ra có thể thực hiện thêm các biện pháp dưới đây:

  • Duy trì lối sống lành mạnh: hạn chế uống rượu và không hút thuốc lá. Tập thể dục đều đặn và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Ăn nhiều trái cây, rau củ tươi và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời giảm lượng chất béo nạp vào cơ thể.
  • Bổ sung canxi và vitamin D: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung canxi giúp ngăn ngừa sự tái phát polyp tuyến đại tràng nhưng chưa rõ liệu khoáng chất này có tác dụng giảm nguy cơ ung thư đại tràng hay không. Vitamin D giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
  • Tư vấn di truyền: Nếu có tiền sử gia đình bị polyp đại tràng thì nên cân nhắc việc đến gặp chuyên gia tư vấn di truyền. Nếu đã được chẩn đoán mắc các chứng rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ polyp đại tràng thì sẽ cần bắt đầu nội soi đại tràng và thực hiện thường xuyên hơn bình thường.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Polyp tử cung

Polyp tử cung có kích thước đa dạng, từ chỉ vài mm cho đến vài cm hoặc lớn hơn.

Sa thành sau âm đạo (sa trực tràng)

Sinh con và các hoạt động khác gây áp lực lên các mô vùng chậu có thể dẫn đến sa thành sau âm đạo. Nếu chỉ bị sa nhẹ thì thường không biểu hiện triệu chứng.

Viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi một số vi khuẩn nhất định, thường là C. difficile phát triển nhanh chóng và lấn át các vi khuẩn khác.

Viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng xảy ra khi axit dạ dày ăn mòn bề mặt bên trong của dạ dày hoặc ruột non. Axit có thể tạo ra các vết loét gây đau và chảy máu.

Polyp dạ dày

Trong phần lớn các trường hợp thì polyp dạ dày không phải ung thư và cũng không trở thành ung thư nhưng một số loại có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây