Tại sao phải tiêm vắc-xin?

Các tổ chức y tế lớn trên thế giới đều đưa ra khuyến nghị về việc tiêm vắc-xin. Có bạn còn thắc mắc tại sao lại phải làm vậy thì dưới đây là các lý do chính.

Nhiều bệnh đang dần bị “xóa sổ” nhờ vắc-xin

Một số bệnh, ví dụ như bại liệt và bạch hầu, đang dần trở nên vô cùng hiếm gặp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có nhiều lý do dẫn đến điều này nhưng phần lớn là nhờ công của vắc-xin. Tuy nhiên, không thể vì thế mà ngừng tiêm chủng. Để “xóa sổ” hoàn toàn những bệnh này thì vẫn phải tiếp tục tiêm.

Điều này giống như việc ngồi trên một con thuyền bị thủng và bị nước tràn vào vậy. Sau khi múc hết nước ra ngoài, lòng thuyền sẽ khô nhưng nếu dừng lại thì chẳng mấy chốc lòng thuyền sẽ lại ngập nước. Mầm bệnh luôn tồn tại xung quanh chúng ta và có thể xâm nhập vào những người chưa được tiêm vắc-xin. Sau đó, những người này sẽ lây lan bệnh sang nhiều người khác xung quanh và nếu không hành động kịp thời thì chỉ sau một thời gian ngắn, dịch bệnh sẽ lại bùng lên.

Tiếp tục tiêm phòng cho đến khi bệnh bị loại bỏ hoàn toàn

Chừng nào một căn bệnh còn chưa bị loại bỏ hoàn toàn thì vẫn phải tiếp tục tiêm vắc-xin. Nếu dừng chương trình tiêm chủng thì một vài ca bệnh ban đầu có thể nhanh chóng nhân lên và việc kiểm soát lúc đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ mất đi những thành quả đã đạt được trong suốt một thời gian dài.

Điều này đã xảy ra ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và một ví dụ điển hình là Nhật Bản.

Vào năm 1974, chương trình tiêm vắc-xin ho gà tại Nhật Bản đã thành công với gần 80% trẻ em được tiêm chủng. Năm đó cả nước chỉ có 393 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận và không có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà người dân bắt đầu cho rằng việc tiêm phòng ho gà là điều không còn cần thiết nữa và tin đồn vắc-xin này không an toàn cũng ngày một lan rộng. Đến năm 1976, chỉ có 10% trẻ sơ sinh được tiêm vắc-xin ngừa ho gà. Hậu quả là vào năm 1979, nước Nhật phải trải qua đại dịch ho gà với hơn 13.000 trường hợp mắc bệnh và 41 trường hợp tử vong. Năm 1981, chính phủ bắt đầu chương trình tiêm vắc-xin ho gà toàn tế bào và sau đó số ca bệnh lại giảm xuống.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ngừng tiêm chủng?

Nếu như ngừng tiêm vắc-xin thì nhiều căn bệnh mà chúng ta hầu như không còn nghe nhắc đến ngày nay sẽ nhanh chóng quay trở lại và ​​những bệnh vốn đang được kiểm soát tốt sẽ lại bùng lên. Điều này gây ảnh hưởng lớn nhất đến những đối tượng có hệ miễn dịch yếu, ví dụ như trẻ em, người già và người mắc các bệnh mạn tính. Khi có ca mắc bệnh tăng thì tỷ lệ tử vong cũng sẽ cao hơn.

Tiêm phòng là để bảo vệ tương lai

Mục đích của việc tiêm vắc-xin không chỉ là để bảo vệ bản thân chúng ta và con cái của chúng ta mà còn để bảo vệ nhiều thế hệ sau này. Nhờ có vắc-xin mà một số căn bệnh,ví dụ như bệnh đậu mùa đã bị “xóa sổ” hẳn và các thế hệ sau sẽ không còn phải tiêm phòng nữa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO thì tính từ năm 1978 đã không có ca bệnh đậu mùa nào được ghi nhận và căn bệnh này cũng không còn khả năng quay trở lại trong tương lai. Nếu chúng ta tiếp tục tiêm phòng các bệnh khác thì một ngày nào đó chúng cũng sẽ biến mất. Tiêm vắc-xin là một trong những cách hiệu quả nhất để chấm dứt một số bệnh và những hệ quả do những bệnh này gây nên.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Các loại vắc-xin nên tiêm theo từng độ tuổi

Tiêm vắc-xin là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa một số bệnh tật. Các bệnh này có thể gây hại nghiêm trọng và thậm chí là dẫn đến tử vong.

Lý do trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch

Các bậc cha mẹ đều được khuyến nghị nên đưa con đi tiêm vắc-xin đầy đủ theo đúng lịch để phòng ngừa bệnh tật. Vậy tại sao lại phải tiêm đúng lịch?

Mắc bệnh mạn tính cần tiêm những vắc-xin nào?

Tiêm phòng là điều cần thiết đối với tất cả mọi người nhưng với những người có ít nhất một bệnh lý mạn tính thì vắc-xin lại càng có vai trò quan trọng hơn nữa.

Ngất sau khi tiêm vắc-xin và cách phòng tránh

Ngất là hiện tượng có thể xảy ra sau nhiều thủ thuật y tế, bao gồm cả tiêm vắc-xin.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây